Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A

Chuyên mục: Suy niệm Chúa Nhật - Ngày đăng: 22.04.2023
Chia sẻ:

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra.

Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?”

Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.

Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?”

Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”.

Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ảnh: Google

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

* Các BÀI SUY NIỆM

1. Mời Ông ở lại với chúng tôi–‘Manna’

Dưới dáng dấp một người khách lạ,

Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.

Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc,

quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.

Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,

khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.

Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn,

Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt:

“Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”.

Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?”

Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.

Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.

“Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…”

Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.

Cả niềm tin cũng trở nên chai lì,

họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề,

những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.

Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô

lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.

Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua

để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.

Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro,

nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào,

khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.

Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.

Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ

thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.

Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.

Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.

Nhưng chính lúc Ngài biến mất,

ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.

Ngài đến lúc ta không ngờ.

Ngài đi mà ta không giữ lại được.

Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay

qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.

Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.

Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.

Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân,

tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…

Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa, vào con người. Bạn có gặp ai sống trong tình trạng như vậy không? Bạn đã lãm gì để giúp họ?

2. Khi ngắm nhìn Chúa Giêsu đến với hai môn đệ Emmau, bạn tâm đắc với cử chỉ hay lời nói nào của Chúa? Tại sao?

Cầu Nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,

cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,

chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa

và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

2. Đường Emmaus–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.

Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.

Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.

Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?

2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?

3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì?

3. Đường hy vọng–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.

Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.

Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.

Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.

1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.

Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.

2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.

Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.

Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.

Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.

3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng

Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra ChúaGiêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.

Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.

Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.

Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?

2) Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?

3) Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?

4) Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?

4. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau–GM. Phêrô Nguyễn Khảm

Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.

Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.

Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.

Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.

Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?

Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.

5. Một Thiên Chúa đồng hành với con người–GM. Cosma Hoàng Văn Đạt

Trong hành trình cuộc sống, nhiều khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Người tín hưũ đôi khi cũng bị người khác hỏi: Thiên Chúa bạn ở đâu? Bài Tin Mừng về Chúa Giêsu phục sinh đồng hành với 2 môn đệ đi Emmau giúp chúng ta trả lời được những thắc mắc như vậy.

Hai môn đệ ở trong hoàn cảnh “mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài” như cha Thành Tâm diễn tả. Lúc ấy hẳn là họ nghĩ Thiên Chúa ở nơi đâu hết sức cao xa. Nhưng thật ra Chúa Giêsu phục sinh đang đồng hành với họ mà họ chưa nhận ra ngay. Trên đường, Chúa cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ, khiến lòng họ nóng lên. Lúc đồng bàn, Chúa bẻ bánh trao cho họ, khiến họ nhận ra Chúa. Từ chỗ hoang mang bỏ Giêrusalem ra đi, họ vui mừng quay trở lại Giêrusalem với anh em. Hôm nay Chúa Giêsu phục sinh vẫn đồng hành với chúng ta như vậy.

Và Chúa cũng muốn đồng hành với con người thời nay như vậy. Có người không biết tại sao mình có mặt trên đời để. Có người đau khổ vì bệnh tật hay vì ác tâm của người đời. Có người buồn sầu vì những mất mát… Chúa muốn đồng hành với họ, soi sáng họ, dẫn đưa họ vào con đường Chúa đã đi để đến nơi Chúa đã đến. Chúa thực hiện điều ấy qua các môn đệ của Chúa. Tôi phải đóng vai của Chúa Giêsu phục sinh đối với người này, bạn phải đóng vai Chúa Giêsu phục snh đối với người kia. Chúng ta trở thành Chúa Giêsu phục sinh cho nhau.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin Chúa ở lại với chúng con, để chúng con vượt qua những hoang mang trong cuộc sống, đạt gới niềm vui, nhờ đó chúng con cũng có thể giúp anh em như vậy trong cuộc sống của họ.

6. Con tim đã vui trở lại– TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Thánh Luca là tác giả duy nhất kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem trở về Emmaus. Bố cục văn chương cũng như nội dung hàm chứa những nội dung rất sâu sắc. Tác giả muốn khẳng định với chúng ta:

* Khi chúng ta thất vọng, có Chúa đồng hành để nâng đỡ, mặc dù chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Người.

* Khi chúng ta đã nhận ra Chúa và đã tìm được niềm vui, thì Người lại ẩn mình đi. Ẩn mình không có nghĩa là vắng bóng, mà chỉ là sự hiện diện huyền nhiệm mà thôi.

Trong hành trình cuộc đời, Đấng Phục sinh vẫn hiện diện bên chúng ta. Nhờ sự đồng hành và nâng đỡ của Người, mà chúng được bình an và thấy con tim vui trở lại. Phụng vụ mùa Phục sinh muốn khẳng định với chúng ta điều ấy.

Chúa Giêsu đã bị một số người Do Thái lên án tử bằng hình thức đóng đinh vào thập giá. Bản án đã được thi hành theo ý muốn của thày Thượng tế, các luật sĩ và biệt phái. Công chúng ở Giêrusalem đều biết rõ vụ việc và nhiều người đã trực tiếp chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Tuy vào thời chưa có hệ thống thông tin hiện đại như ngày nay, nhưng “vụ án Giêsu” là một sự kiện nổi bật, không ai mà không biết. Vì vậy, hai môn đệ ngạc nhiên thấy vị khách đi cùng đường với mình, cũng từ hướng Giêsusalem về ngoại ô, mà không biết sự kiện này. Tuy vậy, hai ông này cũng giống như đại đa số những người đã chứng kiến vụ án, đều chỉ nhìn nhận sự kiện với cái nhìn hoàn toàn thế tục. Kinh Thánh kể các ông đã có một thời theo Chúa Giêsu làm môn đệ Người, các ông cũng hoàn toàn thất vọng, như các ông đã thú nhận: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng, chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israen”. Cùng với lời thú nhận này, là tâm trạng buồn bã, chán nản thất vọng. Các ông cũng có nghe mấy người phụ nữ nói về ngôi mồ trống và lời đồn Chúa đã sống lại, nhưng các ông cho đó là chuyện tầm phào, chẳng đáng tin.

Tâm trạng và lý luận của hai môn đệ, cũng là tâm trạng và lý luận của nhiều người trong thời đại của chúng ta. Đối với họ, Chúa Giêsu đã chết. Việc Chúa sống lại chỉ như câu chuyện tầm phảo, viển vông. Chính quan niệm này làm cho người vô tín chìm đắm trong bi quan, chán nản và thất vọng, khi họ đối diện với những khó khăn trên đường đời.

“Người khách lạ” đã gợi ý để hai môn đệ nhìn nhận sự kiện dưới cái nhìn khác. Là người Do Thái, hai ông dễ dàng hiểu vấn đề khi nghe người khách lạ liên hệ và trích dẫn lời các ngôn sứ, cộng với việc hồi tưởng những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy. Từ những chia sẻ của vị khách đi đường, niềm vui và hy vọng đã trở lại với các ông. Cử chỉ bẻ bánh là điểm mấu chốt giúp hai ông khẳng định, người khách đồng hành chính là Thày mình, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Chính lúc các ông nhận ra Người, thì Người biến mất. Hai ông đã thoát ra khỏi tâm trạng bi quan thất vọng. Sự thao thức kể lại cho anh em tin vui này đã khiến các ông trở về Giêrusalem ngay trong đêm. Trở về Giêrusalem là trở về với nơi đã làm các ông thất vọng. Các ông đã trở về Giêrusalem với tâm trạng mới mẻ, đầy tràn niềm vui và nghị lực.

Đức Giêsu không phải là một nhân vật huyền thoại. Cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được tiên báo qua các ngôn sứ. Trong bài giảng ngài lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô can đảm làm chứng về sự kiện phục sinh. Ông lược qua những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu ước, để khẳng định với thính giả rằng: “Theo kế hoạch của Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”.  Vị Tông đồ còn quả quyết: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. Niềm xác tín của thánh Phêrô vừa dựa trên sự kiện, vừa căn cứ vào truyền thống Thánh Kinh.

Lễ Phục sinh và tuần Bát nhật đã kết thúc. Chúng ta đang từng bước trở về với những sinh hoạt đời thường. Phụng vụ lưu ý chúng ta: Đấng Phục sinh đang hiện diện và đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không nhìn thấy người bằng con mắt thể lý. Lễ Phục sinh nhắc người tín hữu phải sống phù hợp với mầu nhiệm họ cử hành. Thánh Phêrô viết cho các tín hữu: “Nếu anh em gọi Thiên Chúa là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (Bài đọc II).

Giữa những lo âu của cuộc sống hôm nay, nhất là giữa đại hoạ của bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), mầu nhiệm Phục sinh chiếu toả ánh sáng của niềm hy vọng. Cuộc sống dù đau buồn đến đâu, đừng quên Chúa đang đồng hành với chúng ta. Hãy nhận ra sự hiện diện của Người để cảm nhận sự ngọt ngào Chúa ban.

7. Chúa nhật 3 Phục sinh Lc 24,13-35–Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

A. Hạt giống…

Trong câu chuyện hai môn đệ Emmau nhận biết Chúa Giêsu phục sinh, thánh Luca chỉ kể tên một người là Clêôpát. Có nhà chuyên môn Thánh Kinh nói rằng Thánh Luca cũng biết tên người kia nhưng ông không kể ra, vì có ý coi người kia là đại diện cho bất cứ môn đệ nào của Chúa Giêsu. Nói cách khác, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có được cảm nghiệm về sự nhận biết Chúa Giêsu phục sinh như người môn đệ ấy.

Vậy nhờ đâu mà hai môn đệ này cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu phục sinh?

– Thứ nhất là nhờ Thánh Kinh: “Khi Ngài nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy lên đó sao!”.

– Thứ hai là nhờ bí tích Thánh thể: “Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.

– Thứ ba là nhờ cuộc sống cộng đoàn: “Họ quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”.

B…. nẩy mầm.

1. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ. Ngài đang sống ngay sát bên cạnh ta tuy giác quan ta không cảm thấy Ngài. Có lẽ từ trước tới nay, tôi chỉ tin điều này một cách “lý thuyết”. Nếu tôi thực sự tin và sống với Đấng phục sinh đang ở bên cạnh tôi thì cuộc đời tôi sẽ khác, và hiệu quả những hành động của tôi cũng sẽ khác rất nhiều.

2. Khi ta sốt sắng đọc Thánh Kinh, tham dự Thánh lễ và sống tình hiệp nhất cộng đoàn thì ta có thể cảm thấy sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu phục sinh.

3. Nhiều người coi Chúa là ma và sợ Chúa như sợ ma. Chúa không muốn như vậy: Ngài muốn ta coi Ngài là một người sống, và hãy yêu thương phó thác vào Ngài.

4. Noreen Towers là một người làm việc phục vụ cho những người nghèo. Nhưng cô chán nản vì thấy hầu như những việc làm của mình không thành công. Một tối kia cô giật mình thức giấc và cảm thấy hình như Chúa Giêsu đang nói chuyện với cô, Ngài hỏi: “Con không thể tin vào chương trình của Thầy đã vạch sẵn cho con ư?”. Một thoáng cảm nghiệm chóng qua ấy đã thay đổi hẳn con người cô: từ một người chán chường, cô đã trở thành một người có đức tin không thể nào lay chuyển nổi (Mark Link, Vison 2000).

5. “Chúa Giêsu Kitô có cách nào khác để đi vào lòng người nếu không phải là qua một trái tim tan nát?” (Oscar Wilde).

8. Đồng hành với Chúa Phục Sinh–Lm Giuse Đinh Lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

Không ai được chứng kiến việc Đức Giêsu sống lại, vậy sao lại có thể khẳng định được rằng Đức Giêsu đã chỗi dậy từ kẻ chết, tức là Ngài đã Phục sinh?  Theo lẽ tự nhiên, không ai có thể khẳng định được điều đó nếu chỉ dựa vào lời Ngài đã báo trước khi còn sinh thời như “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Mt 16,21). Nhưng những lần Đức Giêsu hiện ra  với nhiều người như Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với 11 tông đồ, với 500 môn đệ cùng một lúc, nhất là với hai môn đệ đi làng Emmau, đều chứng thực Ngài đã Phục sinh.

Hôm nay thánh Luca thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi đến làng Emmau một cách sinh động với nhiều chi tiết rõ rệt. Đức Giêsu với tư cách là một khách bộ hành, đã trò truyện và giải thích Thánh Kinh cho hai ông để mở mắt các ông để các ông tin vào Chúa Phục sinh: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người sao” Lc 24,26? Đặc biệt khi ngồi trò truyện trong nhà, các ông mới thấy rõ Đức Giêsu đang nói, đang cùng ăn với các ông. Không chịu nổi, các ông phải tức tốc trở về Giêrusalem để báo tin và chia sẻ với các Tông đồ về sự kiện hy hữu này.

Ngày nay, Đức Kitô Phục sinh vẫn ở bên cạnh chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như trường hợp hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Ngài hiện diện khắp nơi trong mọi hòan cảnh, mọi biến cố, nhất là nơi những người anh chị em chúng ta. Trong cuộc sống Kitô hữu, khi nào cũng có Chúa đồng hành. Một khi đã có Chúa hiện diện ngay bên, chúng ta còn sợ gì? Thánh Phêrô lặp lại lời Đức Giêsu đã khuyên để trấn an các tín hữu: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến”(1Pr 3,14; Kh 1,17; 2,10). Hãy sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Chúa Phục sinh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Cv 2,14-22b-33.

Trong ngày lễ Ngũ tuần, khi những người Do thái qui tụ chung quanh nhà Tiệc ly chứùng kiến sự lạ xẩy ra, thánh Phêrô thuyết pháp cho họ bài kéryma đầu tiên. Theo đó, người Do thái phải biết rằng Đức Giêsu là người mà Thiên Chúa đã sai đến với họ, đã làm nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chứng minh sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này, người Do thái đã biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.

Nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Chính trong cái chết của mình, Chúa Giêsu  đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh và ban tặng vinh quang cho Ngài. Người Do thái chắc chắn  không hiểu nổi mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu phục sinh, nên thánh Phêrô đã nhắc lại thánh vịnh 15 để chứng minh rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia.

+ Bài đọc 2: 1Pr 1,17-21.

Trong lá thư thứ nhất, thánh Phêrô tông đồ kêu gọi mọi người hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh, vì đã được trả bằng giá máu của Chúa Kitô. Có hai điểm chính:

a) Nhờ cái chết của Chúa Kitô, mọi người đã được cứu thoát khỏi ách của ma qủi, tội lỗi và sự chết. Việc cứu thoát ấy không được thực hiện bằng vàng bạc như các nô lệ dùng để mua lại sự tựï do, nhưng được giải phóng bằng chính máu của Đức Kitô.

b) Từ nay, các tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh. Hãy kính sợ Chúa. Sợ đây không có nghĩa  là sợ hãi, sợ hình phạt mà là lo làm sao đừng bao giờ làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa.

+ Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35.

Bài Tin Mừng cho thấy sau cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ tỏ ra bàng hoàng lo lắng, thất vọng. Đã có hai môn đệ rời bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau. Chúa Giêsu muốn lấy lại niềm tin cho các ông còn non kém, yên ủi, khích lệ các ông để các ông mạnh dạn đi rao giảng Tin mừng phục sinh.

Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ dưới hình thức khách bộ hành, giải thích cho các ông hiểu những đoạn Thánh kinh nói về Chúa Kitô để các ông hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài. Và sau cùng Đức Kitô phục sinh tỏ lộ cho hai ông thấy con người thật phục sinh của Ngài trong lúc bẻ bánh.  Ngày này Chúa Kitô phục sinh vẫn còn hiện diện trong Giáo hội và nơi chúng ta với cách thức mới: Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và nơi bí tích Thánh Thể.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Có Chúa con còn sợ chi ai?

I. TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀNG EMMAU.

Khi Đức Giêsu Phục sinh, không ai được chứng kiến việc Ngài sống lại, nhưng có một số người được thấy Ngài khi Ngài hiện ra với họ. Ngài đã hiện ra với Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với mười người, rồi với 500 môn đệ cùng một lúc. Nhưng trong các lần hiện ra, không có lần nào được các thánh sử ghi lại một cách sống động và nhiều chi tiết rõ ràng như khi thánh Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đi với hai môn đệ đến làng Emmau.

1. Vị trí làng Emmau.

Emmau là quê hương của hai môn đệ mà hôm nay hai ông trở về sau cái chết của Đức Giêsu. Ngày nay chúng ta khó mà đặt được vị trí cho làng nhỏ này. Các bản văn không hợp nhau về dậm đường xa. Có bản viết Emmau nằm về phia tây bắc Giêrusalem và cách đó 60 dậm, có bản viết cách 160 dậm. Mỗi dậm đường là 185 mét. Nếu nhận Emmau cách Giêrusalem 160 dậm thì khỏang cách là 29 cây số, như vậy thì làm sao hai môn đệ có thể trở về ngay trong một ngày được. Như vậy, bản văn viết 60 dậm có vẻ hợp lý hơn vì Emmau chỉ cách Giêrusalem có 11 cây số.

2. Cuộc hành trình đi Emmau.

a) Tâm trạng của hai môn đệ.

Đây là hai môn đệ trong số 70 mà Chúa sai đi giảng đạo. Họ đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, nay lễ tất, các ông trở về. Một người tên là Cléopas, còn người kia không được nêu tên (có người cho là chính Luca). Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ u buồn và thất vọng. Tại sao họ lại có cái tâm trạng u buồn như thế? Chúng ta có thể nêu ra ba lý do:

* Đức Giêsu, người mà bấy lâu nay họ tin tưởng như “một vị tiên tri có quyền lực trước mặt Thiên Chúa và tòan thể dân chúng” mà sao đã bị xử tử và đóng đinh trên thập giá (Lc 24,20-21).

* Sự nghiệp và chương trình của Đức Giêsu là Cứu thế đã vỡ tan tành vì “Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ cứu Israel” mà các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi (Lc 24,21).

* Lý do riêng của các ông: Tin theo Đức Giêsu để hy vọng có một tương lai tươi sáng mà này chỉ thấy mây mù che phủ. Thất vọng!.

b) Đức Giêsu giải thích và khích lệ.

Với tư cách là khách bộ hành, Ngài đã nhập cuộc đi với họ. Với bao tế nhị, Ngài khai mào câu chuyện để cho họ thổ lộ tâm can, cởi mở tâm hồn. Càng bị dầy vò khắc khỏai, người ta muốn được kẻ khác lắng nghe chia sẻ. Ngài cùng đi với họ trên đọan đường dài.

Sau một thóang im lặng, Ngài bắt đầu chậm rải nói chuyện. Ngài “giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh chỉ về Người, về “vụ ông Giêsu”, người lạ lắng nghe  quan điểm trình bầy về vụ án, cuộc tử nạn, việc treo trên cây thập giá làm cho các ông xao xuyến.

Chúng ta có thể tóm tắt lời giải thích và yên ủi hai ông trong hai điểm:

– Trước hết, Ngài cho các ông biết sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu thế đã được trù liệu trước, nên đó không phải là thất bại: “Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang sao”?(Lc 24,26)

– Sau cùng, Ngài đã tới Emmau về nhà các ông cùng nói năng, dạy dỗ, cùng ăn cùng uống với các ông. Điều đó chứng tỏ Ngài đã sống lại thật và sống lại vinh quang.

3. Kết quả cuộc hành trình.

Chúng ta có thể khẳng định: cuộc hiện ra trên đường đi Emmau là làm cho các môn đệ tin thật Ngài đã sống lại. Họ không thể ngồi yên, lật đật trở về Giêrusalem để thuật lại cho mọi người sự vui mừng mà họ vừa nhận được. Gặp 11 tông đồ đang hội họp với những người khác, hai bên như tranh nhau làm chứng: họ muốn nói cho các tông đồ, nhưng các tông đồ đã nói trước: “Chúa thật đã sống lại và hiện ra với Simon”. Thiết tưởng là một cuộc họp vui không thể tả, nhất là liền sau đó Chúa lại hiện ra với họ.

II. ĐÃ CÓ CHÚA TRONG ĐỜI.

1. Chúa củng cố niềm tin cho các môn đệ. 

Người ta thường nói: chết là hết. Chết là chấm dứt mọi sự, kể cả những công việc vĩ đại con người đã thực hiện được. Khi theo Chúa Giêsu trên đường truyền giáo, các môn đệ cũng đã có niềm tin vào Ngài nhưng niềm tin ấy còn hời hợt. Niềm tin ấy bị tan vỡ khi bị thử thách. Bằng chứng là, sau khi Đức Giêsu chịu chết và chịu táng trong mồ, các môn đệ tỏ ra hoảng sợ, lo lắng, thất vọng, thậm chí ngay ngày Chúa phục sinh đã có hai môn đệ bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau, ở cách Giêrusalem quãng 11 cây số. Ta chỉ biết có một ông tên là Cléopas và một người nữa bất kỳ ai. Hai ông chán nản lê bước trên đường, lòng dười dượi buồn, nói chuyện với nhau về sự việc mới xẩy ra và tương lai bấp bênh của mình. Tâm trí các ông còn bị che phủ bởi các ông chưa hiểu lời Kinh thánh nói về Đức Kitô,

Rất may, hai ông được khách bộ hành cùng song hành nói chuyện. Lúc này khách bộ hành mới cắt nghĩa cho hai ông những đoạn Kinh thánh nói về Đức Kitô từ Maisen đến các tiên tri và hánh vịnh: Người phải chịu chết rồi mới sống lại. Những lời giải thích Thánh kinh chỉ là câu chuyện trao đổi với nhau chưa làm cho hai ông tin được rằng Chúa đã sống lại, vì tâm trí các ông còn mù  tối. Đến khi hai ông cùng với khác bộ hành dùng cơm chiều, trong lúc bẻ bánh, người khách bộ hành mới tỏ nguyên dạng là Đức Giêsu phục sinh. Lúc này mắt các ông sáng ra, lòng đầy vui mừng tin tưởng, các ông tức tốc trở về báo tin cho các môn đệ khác còn ở tại Giêrusalem.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn còn ở bên cạnh chúng ta. Người không hiện diện rõ ràng như khi hiện ra với hai môn đệ. Người hiện diện dưới muôn hình muôn vẻ, con mắt thịt không thể nhìn thấy mà chỉ con mắt đức tin mới thấy Nguời. Khi Saulô đến Đamas tìm bắt các tín hữu Chúa, tại sao Chúa lại hỏi Saulô: “Tại sao Người tìm bắt Ta “. Chữ Ta đây không phải là chính Chúa mà là các Kitô hữu. Vậy khi bắt các Kitô hữu là bắt chính Chúa Giêsu vì Người đã đồng hóa các tín hữu với Người.

2. Chúa củng cố niềm tin cho ta.

a)  Chúa hiện diện bên cạnh ta.

Trong cuộc sống của ta, Chúa hằng hiện diện khắp nơi, trong mọi sinh hoạt thường ngày của ta.. Nhưng làm sao ta thấy Người được?   Câu trả lời là mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn với sự hiện diện của Đức Giêsu Nazareth. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu. Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn có sẵn trong tay Thánh kinh và Thánh lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, tr 135).

Ngày nay Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra  cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Người muốn  và cho những ai Người muốn thì Người mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Người.

Truyện: Chúa đến nơi tha nhân.

Một tác giả kể câu truyện ngụ ngôn sau đây:

Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy ngòai cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn  báo cho người khách quí biết  mình phải đi ra ngòai.

Nhưng tìm đường dẫn bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra được nhà đứa bé, và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chớp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh: “Cảm ơn con đã dọn trà nóng cha Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”.

b) Người yên ủi nâng đỡ ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta cũng gặp những lúc hoang mang, lo sợ như  hai môn đệ về làng Emmau. Theo tính tự nhiên, ai cũng phải lo sợ. Có thể lo sợ vu vơ, không có lý do chính đáng, hoặc nhút nhát sợ sệt không dám hành động vì thiếu động lực thúc đẩy. Nhưng cũng có những lo sợ khôn ngoan, có tính toán, đề phòng những bất trắc xẩy ra, nhằm tránh thiệt hại cho tương lai:

Thấy anh em cũng muốn theo,

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.

Lấy anh em biết ăn gì?

Lộc sắn thì chát, lộc si thì già. (Ca dao)

Khi đã tìm được lý do đánh tan sự sợ hãi thì con người bắt đầu hành động một cách vững mạnh, đầy tin tưởng. Trong Thánh kinh, câu “Đừng sợ” được nói tới 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày suốt một năm. Đã có Chúa ta còn sợ hãi chi?

Truyện: Đức Giáo hoàng Piô XI

Được thăng  giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Piô  XI đăng quang, Ngài đã can đảm qua hết các lễ nghi rồi, nhưng đến khi các nghi thức xong xuôi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáng hoàng, tức Đức Bênêdictô XV, thì tự nhiên một mối lo âu bao trùm lấy Ngài. Thực sự lúc ấy có biết bao lo lắng đổ trên đầu vị Giáo hoàng vì Giáo hội bị tấn công mọi mặt. Cuộc đệ nhất thế chiến vừa chấm dứt và cuộc đệ nhị thế chiến đang âm ỉ, Giáo hội phải trải qua một giai đoạn  thử thách gắt gao.

Nghĩ đến tất cả những chuyện ấy, Đức Piô tràn ngập lo âu. Lúc ấy Ngài làm công việc duy nhất mà một người lo sợ có thể làm đó là Ngài qùi xuống, cầu nguyện. Trong khi Ngài cầu nguyện như thế, tay Ngài đưa ra, chạm phải một chiếc ảnh còn lại trên bàn giấy của Đức Bênêdictô XV,. Ngài cầm mẫu ảnh lên xem và tự nhiên nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn Ngài tràn ngập bình an. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Những làn sóng lo âu, sợ sệt trong tâm hồn Đức Piô XI êm lặng lại. Ngài giữ bức ảnh ấy trên bàn giấy của Ngài luôn. Từ đó về sau, mỗi lần lo âu gì, Ngài chỉ việc nhìn vào bức ảnh để trên bàn đó và nhớ rằng Chúa Giêsu sẵn sàng phán một lời truyền cho sóng gió phải yên lặng. (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, tr 36-37).

c) Niềm tin được thử thách.

Đi theo Chúa thì dễ. Các môn đệ đã theo Chúa Giêsu ba năm, nghe những lời Ngài dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, các ông đã tin tưởng vào Ngài, ít ra coi Ngài là một tiên tri có quyền phép. Nhưng sau khi Đức Giêsu chịu chết và táng trong mồ, niềm tin của các ông như thế nào?  Hoàn cảnh của chúng ta cũng giống như các môn đệ xưa, ta vẫn tin theo Chúa, hứa trung thành với Người, nhưng khi gặp đau khổ, gian nan thử thách, chúng ta có thái độ nào? Có lẽ chúng ta cũng giống như ông Simon Phêrô. Khi Chúa hỏi các ông là các ông cũng muốn bỏ Ngài như nhữõng người Do thái chăng, thì ông đã nhanh miệng trả lời: “Bỏ Ngài chúng con biết theo ai, vì chỉ Ngài mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), nhưng rồi ông đã chối Chúa.. Sau đó ông lại hối hận và đi theo Chúa.

Trong cuộc sống trên biển trần gian này, thỉnh thoảng biển cũng nổi sóng gió, có khi bão táp như biển hồ Tibêria. Các tông đồ phải khó nhọc chèo chống trong cảnh thất vọng, nhưng Chúa Giêsu đã kịp thời hiện đến bảo các ông “Đừng sợ”, tức thì sóng gió phải ngưng ngay, biển trở lại yên lặng như tờ (x. Ga 6,16-21).

Truyện: Tại sao thất vọng sợ hãi?

Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến một nơi được chỉ định. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm. Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng  đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình tâm này của chồng mà bà vợ  xem như là một biểu hiệu thiếu lo lắng, thông cảm, yêu thương đối với vợ con nên bà càng tức giận xỉ vả hơn.

Trước tình thế khó xử đó, khi đã có đôi lời giãi bầy vắn tắt, viên sĩ quan rời căn phòng một lát rồi quay trở lại  với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười lớn tiếng không chút gì nao núng cả.

Viên sĩ quan hỏi:

– Làm sao mình có thể cười khi nhận thấy mũi kiếm sắp đâm vào ngực?

Bà vợ trả lời:

– Làm sao em lại phải sợ khi biết lưỡi kiếm ấy nằm trong tay một người thương yêu em.

Bấy giờ viên sĩ quan nghiêm giọng nói:

– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ hãi cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa  là Đấng luôn luôn yêu thương anh? (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 46).

Cuộc đời chúng ta cũng giống như hai môn đệ đi đế làng Emmau. Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Trong mọi hành động Chúa vẫn chia sẻ với ta: lo âu, tin tưởng, đau khổ cũng như vui sướng, thành công cũng như thất bại. Chỉ khi nào chúng ta dùng con mắt đức tin thì mới nhìn ra sự hiện diện ấy.

Không có câu chuyện nào cảm kích hơn có thể cho ta thấy thực sự Chúa phục sinh luôn đi bên cạnh trong cuộc lữ hành trần gian. Điều đáng buồn là vì thiếu lòng tin nên con mắt chúng ta thường bị mờ không nhận biết sự hiện diện của Ngài. Chúng ta bước đi rầu rĩ, trong khi đáng lẽ ra ta phải hớn hở vì được đồng hành với Ngài. Có thể là đang khi Ngài cắt nghĩa Kinh thánh cho chúng ta, hay khi chúng ta tham dự nghi lễ bẻ bánh, sự đui mù được cất đi, để rồi cuộc hành trình chấm dứt khi ta về đến nhà, ta sẽ thấy Ngài đối diện với ta, không phải phai mờ trong màn đêm âm phủ, nhưng rực rỡ trong ánh sáng vinh quang đời đời. Để được thế, ngay lúc này  ta phải tập luôn sống trong sự hiện diện của Ngài:

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

Lẩn nơi nào cho thoát được Thánh Nhan?

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

Đến ở nơi chân trời góc biển  phương tây,

Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. (Tv 138)

Phải sống mãi trong Chúa Cứu thế, đừng bao giờ xa Ngài. Hãy duy trì mối giao hảo hạnh phúc với Chúa, để khi Ngài đến, các con đầy lòng tin tưởng, không phải hổ thẹn lúc gặp Ngài… Chúng ta sẽ giống như Ngài vì chúng ta sẽ thấy chính Ngài.

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)