Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

ĐỨC BÀ NHƯ HÒM BIA THIÊN CHÚA

Chuyên mục: Giáo lý - Ngày đăng: 16.05.2022
Chia sẻ:

ĐỨC BÀ NHƯ HÒM BIA THIÊN CHÚA

(Bài Giáo lý số 04 – Nhân dịp Năm Thánh Kỷ Niệm 60 Năm Đức Mẹ Tàpao, 1959-2019)

 Trước hết xin gởi đến ông bà anh chị em, đặc biệt anh chị em Legio Mariae, lời chào chúc bình an trong Chúa Ki-tô và Đức Nữ Trinh Maria Tapao!

Ông bà anh chị em thân mến!

Trong những bài giáo lý trước, với mong muốn tập chú vào linh đạo Tà Pao “qua Mẹ để gặp gỡ Thiên Chúa,” quý cha đã từng bước, dựa vào lời kinh “Đức Mẹ Tà Pao” để triển khai các điểm giáo lý đến liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria: Đức Nữ Trinh Maria trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi (bài 1); Mẹ là Máng Thông Ơn Thiên Chúa vì Mẹ Đầy Ơn Phúc của Thiên Chúa (bài 2); và trong bài thứ ba của tháng vừa qua, anh chị em hiểu rằng, qua Đức Maria, chúng ta gặp được Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời. Và như Đức Ki-tô đã tuyên bố “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy,” Người sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Cha là nguồn mọi phúc lành thiêng liêng trên trời.

Tối hôm nay, qua việc học hỏi về  tước hiệu “Đức Bà Như Hòm Bia Thiên Chúa” mà nhiều người vẫn đọc trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về linh đạo Tapao – không phải chỉ là qua Mẹ chúng ta gặp được Thiên Chúa nơi thẳm sâu của lòng mình, mà đúng hơn là trong chính Mẹ, chúng ta gặp được Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình trong Ngồi Lời Nhập Thể, Đấng thiết lập Giao Ước Mới bằng “Máu đổ ra cho muôn người được ơn tha tội”, là Bánh Trường Sinh, Manna đich thực và là Thượng Tế Tối Cao của Giao Ước mới. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những điểm chính sau đây: Cái gì là Hòm Bia Thiên Chúa? Dựa vào đâu, truyền thống Hội Thánh kêu cầu Đức Maria như Hòm Bia của Giao Ước Mới? Và cuối cùng, Hội Thánh muốn điều gì khi kêu cầu Đức Maria như Hòm Bia Thiên Chúa?

  1. Hòm Bia Thiên Chúa

Để có thể hiểu được ý muốn của Hội Thánh trong lời kêu cầu “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy”, trước hết, chúng ta cần biết Hòm Bia là gì? Và vì sao gọi là Hòm Bia Thiên Chúa?

Gọi là Hòm Bia vì phần chính của nó là một cái hộp hay cái hòm bằng một loại gỗ cứng có nhiều trong hoang địa; Chiều dài của nó khoảng 1, 1 m, cao và rộng 0, 7 m được làm theo hướng dẫn của Thiên Chúa với ông Mô-sê. Phần bên ngoài làm nhiệm vụ để bảo vệ Hòm Bia với 2 thần Cherubim có cánh. Phần nay như ngai tòa cho Thiên Chúa ngự (Mercy Seat). Các mặt bên có những vòng khuyên để xỏ đòn vào khi di chuyển Hòm Bia.

Theo Kinh Thánh, chiếc hòm này chứa những tấm bia giao ước do chính Ngón Tay Thiên Chúa viết cho dân của Ngài (ta quen gọi là 10 điều răn Đức Chúa Trời); ngoài ra còn có một chiếc hộp nhỏ đựng một ít Manna do chính Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc, và có chiếc gậy của Aaron, vị tư tế đầu tiên của Dân Chúa. Do đó, chiếc hòm này được gọi là Hòm Bia Thiên Chúa vì mang những kỳ công tay Chúa làm (Xh 16, 33 và Ds 17, 10). Với dân Chúa, Hòm Bia, vì thế, là biểu tương cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa các thị tộc Israel thời tiền quân chủ; được Đa-vit rước về Giê-ru-sa-lem, thủ đô của đất nước vừa được thống nhất và trở nên nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa các chi tộc Israel. Hòm Bia Thiên Chúa sau đó được vua Salomon đặt vào nơi Cực Thánh của Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem.

Hòm Bia vì thế được gọi với nhiều tên khác nhau: Hòm Bia Giao ước, Hòm Bia Chứng Ước, Hòm Bia của Đức Chúa, Hòm Bia của Thiên Chúa (Yahve). Theo sách Samuel và sách Sử Biên Niên, tên gọi đầy đủ nhất của Hòm Bia: “Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng Ngự Trên các thần Kê-ru-bim.” (1 Sm 4, 4). Tuy nhiên, Hòm Bia Thiên Chúa là tên gọi được dùng nhiều nhất với 82 lần trong Kinh Thánh.

  1. Nền tảng Kinh Thánh của lời cầu Đức Nữ Trinh Maria như “Hòm Bia Thiên Chúa” của Hội Thánh

Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, rồi đến các giáo phụ khác và, huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về Hòm Bia Thiên Chúa.

Trong trình thuật truyền tin (Lc 1, 26 – 38), thánh Luca cho thấy, không phải Sứ Thần Gabriel, nhưng chính Đức Maria mới là trung tâm của trình thuật này. Trong khi sứ thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến từ trời: chào hỏi, loan báo, trấn an, giải thích và cuối cùng chào từ biệt Trinh Nữ Maria ra đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì Trinh Nữ Maria dường như ở yên một chỗ. Vị trí trung tâm của Đức Maria, theo thánh Luca, không phải bởi chính con người của Mẹ xét như một thiếu nữ Do Thái đang sống ở làng quê Nagiaret, nhưng chính là vì Đấng Thánh Mẹ đã cưu mang trong lòng qua tiêng “xin vâng.”

Chi tiết đầu tiên mà thánh Luca gợi lên Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước mới là lời Sứ Thần nói với Mẹ “Thánh Thần sẽ đến trên Bà và Quyền Năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 35). Các học giả Kinh Thánh nhận ra động từ “rợp bóng” cũng là động từ được dùng để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa trên Lều Chứng Ước trong Cựu Ước (Xh 40, 34 – 38).

Cũng thế, đặc tính quan trọng nhất của Hòm Bia Giao Ước là tính thánh thiêng đến độ không ai chạm trực tiếp vào nó mà còn sống. Đức Maria được Sứ Thần loan báo, nhờ quyền năng Thánh Thần, Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra Đấng Thánh và là chính Ngôi Lời Thiên Chúa chí tôn chí thánh.

Nhưng sự tương đồng giữa Đức Maria và Hòm Bia Giao Ước có lẽ được nhận ra rõ hơn trong trình thuật truyền tin (Lc 1, 39-56). Thật vậy, thánh Luca diễn tả cuộc viếng thăm Êlisabeth của Mẹ Maria trong những cách thức mà âm vang câu chuyện Vua Đa-vit rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà Obed vào Giê-ru-sa-lem. Trình thuật này được ghi lại trong chương 6 sách Samuel quyển thứ hai.

Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành của Giu-đa (Lc 1, 39) gợi lên hình ảnh Đa-vit, chỗi dậy, vội vã đi với toàn dân đang ở với vua, để rước Hòm Bia Thiên Chúa từ Ba-a-lê Giu-đa lên Giê-ru-sa-lem (2 Sm 6, 2).

Cũng vậy, khi Ê-li-sa-beth nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng bà là Gioan Tiền Hô nhảy lên vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đa-vit đang nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi Hòm Bia Thiên Chúa được rước vào thành của Vua Đa-vit (2 Sm 6, 16).

Lời Ê-li-sa-beth nói trong Thánh Thần “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) cũng gợi lên việc Đa-vít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18).

“Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43). Tâm tình của Ê-li-sa-beth khi Mẹ Maria bước vào nhà mình cũng gợi nhớ tới tâm tình của Đa-vit khi nghĩ về sự bất xứng của mình trước sự thánh thiện cao sang của Hòm Bia Thiên Chúa “Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).

Liên hệ cuối cùng giữa Mẹ Maria và Hòm Bia Thiên Chúa chính là việc Maria ở lại với bà Ê-li-sa-beth độ ba tháng (Lc 1, 50). Đây là thời gian “Hòm Bia Đức Chúa ở lại trong nhà Ô-vết Ê-đôm người thành Gat..” (2 Sm 6, 11).

Liên hệ đến Maria như Hòm Bia Thiên Chúa trong Tân Ước còn được tìm thấy trong sách Khải Huyền (Kh 11, 19 – 12, 1.5.17). Đó là thị kiến liên quan đến một “Người Nữ” đang mang thai và chuẩn bị sinh hạ Đấng Cứu Thể (Kh 12) theo ngay sau thị kiến về Hòm Bia Thiên Chúa trên trời được mở ra (Kh 11). Scott Hahn có một quan sát tinh tế khi thấy rằng, khung cảnh của chương 11 nơi của Hòm Bia Thiên Chúa được mạc khải chính là nơi đứng của “Người Nữ” trong chương 12. Do đó, Ngài kết luận, “Người Nữ” và Hòm Bia Thiên Chúa được mạc khải như một và giống nhau.

Thánh giáo phụ Augustino được coi là người đầu tiên dùng tước hiệu này khi phân tích vai trò quan trọng của Đức Maria trong công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Thánh Methodius ví Đức Nữ Trinh Maria như Hòm Bia vì Mẹ đã cưu mang Đấng mà Đất Trời không chứa nổi, Đấng là Mặt Trời Công Chính xua tan bóng đêm của tội lỗi và  làm cho ngày bừng sáng muôn đời. Thánh Ephrem liên hệ tới Đức Maria trong một thánh thi của mình khi so sánh Mẹ với Hòm Bia Thiên Chúa. Thánh Gioan Đamasceno nói về Đức Maria như Hòm Bia Giao Ước Mới khi giải thích về Quyền Năng Thiên Chúa rợp bóng trên Đức Maria như trên Hòm Bia Thiên Chúa; Ngài cũng so sánh việc Mẹ Maria đem Chúa Giê-su vào đền thờ như Đa-vít rước Hòm Bia về Giê-ru-sa-lem

        Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo năm 1992, trong phần kinh nguyện Ki-tô giáo, khi nói về sư hiệp thông với Thánh Mẫu của Thiên Chúa đã dạy “Đức Maria vì được chính Chúa đến và ngự nơi Mẹ, nên Mẹ chính là thiếu nữ Sion, là Hòm Bia Giao Ước, nơi vinh quang Chúa ngự trị: chính Mẹ là “Nhà Tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21, 3). Được “đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ngự nơi Mẹ và là Đấng Mẹ sắp trao ban cho thế gian.” (Số 2676).

Rõ ràng rằng qua truyền thống sống động của Hội Thánh, lời kêu cầu Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa có nền tảng trong Kinh Thánh chứ không phải xuất phát từ lòng đạo đức bình dân hoặc những tình cảm đạo đức chóng qua vô bổ. Vậy đâu là ý muốn của Hội Thánh khi kêu cầu Mẹ Maria với tước hiệu “Hòm Bía Thiên Chúa.”

  1. Ý muốn của Hội Thánh khi kêu cầu Đức Maria như Hòm Bia Thiên Chúa.

Sách GLHTCG xác tín, trong việc cầu nguyện, nhờ Thánh Thần, chúng ta được liên kết với Ngôi Vị của Người Con nhờ hiệp thông với Thân Mẫu Chúa Giê-su. Chúa Giê-su, Đấng Trung Gian duy nhất, là Con Đường cầu nguyện cho chúng ta, những người đang trên đường lữ thứ đầy hiểm nguy và gian khó. Còn Đức Maria, Mẹ Người cũng là Mẹ của chúng ta chính là “Mẹ chỉ đường”, “Mẹ là Dấu Chỉ của Con Đường mang tên GIÊ-SU (x. số 2673-74)

  1. Giáo Hội kêu cầu “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa” vì Mẹ mang chính Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng từ đời đời hướng về Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Đức Maria hơn cả Hòm Bia Thiên Chúa trong Cựu Ước nên Mẹ được gọi là Hòm Bia Giao Ước Mới. Trong khi “Hòm Bia Giao Ước cũ” chỉ mang những kỳ công của Thiên Chúa, Đức Maria mang chính Thiên Chúa. Việc “mang” của hòm bia trong Cựu Ước cũng khác với việc “mang chính Chúa” nơi Đức Maria – Hòm Bia Giao Ước mới. Thật vậy, chiếc hòm chỉ chứa những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Đức Maria cưu mang chính Thiên Chúa trong tâm hồn và trong xác thể của Mẹ. Về điều này, Hội Thánh xác tín “Ngôi Lời không sinh qua Đức Maria nhưng sinh bởi Đức Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần.” Chính Mẹ đã cho Ngôi Lời một thân xác, một nhân tính đích thực, để Ngôi Lời đảm nhận làm của mình. Vì vậy, Giáo Hội, tại công đồng Ê-phê-sô (431), để chống lại tuyên bố của “Đức Maria chỉ là Mẹ của con người Giê-su” (Christotokos) của Nestorius, đã tuyên tín “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thật” (Theotokos). Do đó, Mẹ Maria là Hòm Bia đích thực vì không chỉ qua mẹ như các thánh, nhưng đúng hơn,chính trong Mẹ, Đấng duy nhất, ta gặp được Ngôi Lời Thiên Chúa. Chính trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Thiên Chúa thực sự nên Đấng Emmanuel, Ngôi Lời làm người và cắm lều giữa chúng ta. Hay nói như thánh Gioan, trong Đức Maria, “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không dám nghĩ tới,” chúng ta được thấy, được sờ chạm chính Thiên Chúa nơi thẳm sâu lòng mình.
  2. Khi kêu cầu “Đức Maria như Hòm Bia Thiên Chúa”, Giáo Hội cũng nhắc nhớ đến Mẹ như ngai tòa của Thiên Chúa (Mercy Seat). Chính Mẹ trong lời kinh Magnificat đã công bố “lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia, dành cho những người kính sợ Chúa.” Hơn ai hết, Mẹ là nữ tì hèn mọn được Thiên Chúa xót thương, tuyển chọn làm ngai tòa cho Đấng là lòng thương xót của chính Chúa. Do đó, đến với Mẹ là cách tốt nhất để chúng ta được chạm vào long thương xót của chính Chúa, được thứ tha, được nâng dậy và dìu ta bước đi trong hành trình mới. Tôi tin rằng, đó cũng là cảm nghiệm của biết bao người đến đây, qua Mẹ và trong Mẹ được Thánh Thần thúc đẩy, để như những người con đi hoang, ngả mình vào vòng tay yêu thương của Đấng giàu lòng xót thương và trên tất cả, được Ngài đem vào bàn tiệc hiệp thông của niềm vui với mọi người.
  3. Trong Cựu Ước, Hòm Bia Thiên Chúa được dùng như thần hộ mệnh nên dân Chúa thường mang theo Hòm Bia trong các cuộc chiến. Trong đoạn sách Khải Huyền, “Người Nữ” – “Hòm Bia Giao ước” cũng đã giáo chiến với con Con Mãng Xà và nó đã bị đánh bại. Do đó, lời kêu cầu “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa” cũng mang ý nghĩa nhắc nhớ chúng ta, những người con của Đức Maria, hãy đến với Mẹ để gặp chính Đấng đã chiến thắng Con Rắn. Chắc chắn, khi có Chúa Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa và Mẹ Maria trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta sẽ chiến thắng ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt. Đức Thánh Cha Phanxico trong một bài giảng về Đức Maria đã nói “nơi nào có Đức Maria, nơi ấy ma quỷ không dám đến gần. Đây cũng là ý nghĩa của lời kinh cổ xưa “chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan, thiếu thốn Đức Nữ Trông Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ.”

Kết luận: Lời kêu cầu “Đức Maria như Hòm Bia Thiên Chúa” của Giáo Hội được ánh sáng Lời Chúa soi chiếu, cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong sự Hiệp Thông kinh nguyện của Hội Thánh. Vai trò này cắm rễ sâu trong chức vụ Mẹ Thiên Chúa, Đấng cưu mang và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa. Chính vì thế, đến với Mẹ và chính trong Mẹ, ta gặp được “Thiên Chúa Ngôi Hai” – là Đường, Sự Thật và Sự Sống của chúng ta; gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi người con của Ngài cũng là con của Mẹ Maria, và gặp được sức mạnh bất diệt trong trận chiến chống lại ma quỷ và mọi âm mưu của nó. Trong một lời, như Ê-li-sa-beth, ta gặp được niềm vui hoan hỉ vì có Chúa và mọi phúc lành của Ngài. Bởi đó, còn chần chừ gì nữa, theo gương thánh Gioan “chúng ta hãy rước mẹ về nhà của mình”, để cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, chúng ta, cách đặc biệt những anh chị em Legio Maria, nhưng chiến sĩ của Mẹ cất cao lời ca “Magnificat.” 

Tàpao, ngày 12 tháng 4 năm 2019

Lm. Augustinô Nguyễn Đức Lợi

Giáo lý Năm Thánh bài số 4 pdf

Tài liệu tham khảo

  • Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (2016). Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (số 2673 – 2676)
  • Birch, C Bruce (2006). The New Interpreter’s Dictionary of The Bible (Vol. A-C). (pp. 264-69). Abingdon, Nasville
  • Seow, C. L. (1992). Ark of the Covenant. In D. N. Freedman (Ed). The Anchor Yale Bible Dictionary (Vol 1, pp. 386-387). New York Doubleday
  • Coogan, C Michael. (2011). The Old Testament, a historical and literary introduction to the Herbrew Scriptures. (pp. 132-33)Oxford University, New York
  • Hahn, S. (Ed). 2009. In Catholic Dictionary (p.586). New York, Auckland: Doibleday.
  • Barber, M. (2005). Coming soon: Unlocking the Book of Revelation and Applying Its Lessons Today (pp. 148-150). Steubenville, OH: Emmaus Road Publishing.