thứ Ba, ngày 16 tháng 04 năm 2024

Lịch sử Lễ Sinh Nhật Đức Maria (8/9)

Chuyên mục: Suy tư về Đức Maria - Ngày đăng: 07.09.2022
Chia sẻ:

                                    LỊCH SỬ LỄ SINH NHẬT ĐỨC MARIA (8/9)


Ảnh: giaophanbaria.org

Giáo hội không mừng ngày sinh của các thánh, mà là mừng ngày mất. Ngày sinh của con cái Adam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt, và cái di sản thảm khốc của tội lỗi mà chúng ta mang theo khi vào đời. Còn ngày mất, đó là ngày sinh ra trong Nước Trời.

Nhưng trong lịch sử Phụng vụ Công Giáo, chúng ta thấy có ba lễ mừng sinh nhật: của chính Đức Giêsu, của Trinh Nữ Maria và của thánh Gioan Tẩy giả. Đối với thánh Gioan Tẩy giả, vì được thánh hoá ngay từ khi còn trong lòng mẹ, việc chào đời của Ngài là một biến cố vui mừng đặc biệt.

Riêng với Đức Trinh nữ Maria, những lễ kính Ngài là “Những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn cứu rỗi, trong đó Giêsu và Mẹ Maria đi liền với nhau, như lễ sinh nhật Đức Maria, ngày mà hy vọng và vầng cứu rỗi ló dạng trên trần gian” (Marialis cultus.7): bởi vậy, ngày lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Giáo hội hân hoan ca tụng.

Lễ Sinh nhật Đức Mẹ, ngày 08 tháng 9; đúng 9 tháng sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08 tháng 12. Ngày Đức Trinh Nữ Maria chào đời là khởi đầu cho mùa cứu rỗi, như bình minh báo hiệu một ngày tươi sáng cho nhân loại. Mẹ như “sao mai” dẫn lối loài người, như “rạng đông” báo hiệu mặt trời.

NHỮNG CÂU HỎI ĐƯỢC ĐẶT RA TRONG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MARIA:

1/. Cha mẹ song thân Đức Maria là ai?

2/. Đức Maria chào đời vào ngày nào?

3/. Dựa vào đâu mà phụng vụ mừng lễ Sinh nhật Đức Maria vào ngày 8 tháng 9?

Trả lời cho những câu hỏi này thật không dễ chút nào vì có rất ít tài liệu đề cập đến những vấn đề đó, ngay cả trong Tân ước.

TIỀN PHÚC ÂM GIACÔBÊ:

Khi đi tìm gia thế của Đức Giêsu mà những truyền kỳ về Đức Maria được viết lên, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Tiền phúc âm của thánh Giacôbê” (Proto-evangelium Iacobi), bởi vì do một người tự xưng là Giacôbê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu (được đồng hóa với thánh Giacôbê giám mục Giêrusalem).

Tác phẩm này ra đời khoảng đầu thế kỷ II, và cũng được đặt tên là “việc sinh hạ Đức Maria” (De nativitate Mariae). Dựa theo tác phẩm này mà ta biết quý danh song thân đức Maria là ông Gioakim và bà Anna.

Tiền Phúc âm theo thánh Giacôbê gồm 24 chương ngắn, có thể chia làm 3 phần.

+ Phần thứ nhất (gồm 16 chương đầu), kể lai lịch, thời thơ ấu đức Maria cho tới lúc kết hôn với ông Giuse.

+ Phần thứ hai (từ chương 17 đến 21) thuật lại những phép lạ chung quanh cuộc sinh hạ Chúa Giêsu.

+ Phần chót (ba chương cuối từ 22 đến 24) kể chuyện vua Hêrôđê tàn sát các thiếu nhi ở Bêlem.

Tác phẩm mà chúng ta đang nghiên cứu không đả động đến ngày sinh tháng đẻ của Đức Maria. Tác giả chỉ nói rằng bà Anna sinh con sau chín tháng cưu mang. Sau khi đã sinh con, bà Anna mới được bà đỡ báo tin là sinh con gái. Và sau 14 ngày, bà đặt tên cho cô bé là Maria, một danh tánh khá quen thuộc trong dân Do thái. Dù sao, tác giả không quan tâm đến ngày sinh của đức Maria cho bằng việc dâng hiến vào đền thờ.

Không có tài liệu lịch sử nào cho biết Đức Maria sinh vào ngày nào. Lễ kính sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 có lẽ bắt nguồn từ Giêrusalem.

Vào thế kỷ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chỗ mà theo tục truyền bà Anna đã sinh con. Người ta đoán rằng ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8 tháng 9; cũng tương tự như lễ dâng Đức Mẹ vào đền thờ được mừng vào ngày 21 tháng 11 vì kính nhớ lễ cung hiến một thánh đường tại Giêrusalem năm 543.

Một giả thuyết khác thì cho rằng bên Đông phương trước kia, ngày 8 tháng 9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, và người ta muốn nhớ đến Đức Mẹ trong ngày đó. Từ Đông phương, lễ sinh nhật Đức Mẹ được truyền bá sang Tây phương vào khoảng giữa thế kỷ VI hoặc đầu thế kỷ VII.

Ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo Hội Đông phương cũng như Tây Phương đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ.

Đến thế kỷ X, lễ mừng được phổ biến phắp nơi và trở thành một trong các lễ chính mừng kính Đức Mẹ.

Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị để bầu giáo hoàng. Các ngài hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng. Đức Giáo hoàng Célestinô V đắc cử, cai quản có 18 ngày, nên chưa thực hiện được lời hứa.

Giữa thế kỷ XIII, Đức Innocentê đã hoàn thành lời hứa này.
Như vậy ta đã trả lời tất cả các câu hỏi đã đặt ra.

Chúng ta có lý do chính đáng để mừng kính ngày Mẹ ra đời, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đây là “ngày mà niềm hy vọng và vầng hồng Cứu rỗi ló dạng trên trần gian” bởi vì “từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta.” Mẹ đã đóng một vai trò không thể thiếu trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa: là Mẹ Thiên Chúa làm người và Mẹ của cả loài người. Ngày sinh của Mẹ báo hiệu ngày sinh của Đấng Cứu Thế, và nhờ đó mới có ngày chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, ngày sinh nhật của Mẹ là ngày mà cả trời đất phải vui mừng hoan hỉ.
(Theo Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op. – Trang web nguồn: Daminhvn.net)