Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Bên Mẹ Tàpao (số 07)

Chuyên mục: Suy niệm - Ngày đăng: 21.11.2022
Chia sẻ:

Bên Mẹ Tàpao (Số 7 – Thứ Ba, 13.11.2012)

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH

Lễ Đức Mẹ dâng mình được phổ biến tại Đông phương (tk 7) và Tây phương (tk 16), gợi lên ý nghĩa những bước đi trong đời dâng hiến: dâng mình cho Thiên Chúa để phục vụ ơn cứu độ muôn người.

  1. Như một biến cố ân sủng.

Theo tập truyền do thái (PÂ Tiền Giacôbê), năm 3 tuổi, trẻ Maria được cha mẹ dâng vào đền thờ để tư tế dâng lên Thiên Chúa. Tập truyền có vẻ thụ động nhưng sau này đã gợi hứng cho lẽ chủ động “tự hiến” nơi các người sống đời thánh hiến. Đây biến cố ân sủng ghi nhớ một đời cần được khơi thắm lại luôn luôn cho dòng chảy trào tuôn. Đức Gioan Phaolô 2 gọi là “Xuất phát lại từ Chúa Kitô”.

  1. Như một tinh thần hun đúc.

Ân sủng muốn sinh hoa kết trái cần phải được đón nhận, đáp trả, cộng tác, góp vốn, sinh lời, nên Dâng mình cũng bao hàm thời gian âm thầm hun đúc, tu học, luyện rèn. Ngọc bất trác bất thành khí.

Bài PÂ chọn đọc trong thánh lễ hôm nay cũng cho thấy: nếu muốn trở nên Mẹ và anh em của Chúa Giêsu thì phải học nghe và biết thực hành Lời Người. Dâng mình rốt cục cũng “tận hiến” theo Chúa Kitô.

  1. Như một của lễ luôn để dâng.

Tận hiến có nghĩa là dâng trọn vẹn, không giữ lại điều gì làm của riêng mình; là dâng trọn đời, không có giờ giải lao ngừng đọng. Điều này có vẻ khó thực hiện trong phận người và với cảnh đời, nhưng vẫn có thể làm được với ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Giáo Hội gọi những ai dấn thân trong bậc sống này là người sống đời thánh hiến, nghĩa là nhờ ơn thánh mà sống “tế hiến” dài dài trong đời.

Tự hiến, tận hiến và tế hiến chính là ý nghĩa gặp được trong lễ Đức Mẹ dâng mình. Xin cho những người sống đời thánh hiến biết phó thác cho ơn Chúa và xin Đức Mẹ nâng đỡ mỗi ngày.

(ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)