Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Bên Mẹ Tàpao (Số 10 – Thứ Tư, 13.02.2013)

Chuyên mục: Suy niệm - Ngày đăng: 13.02.2023
Chia sẻ:

MÙA CHAY CŨNG LÀ MÙA XUÂN

Sự trùng hợp giữa Mồng Bốn Tết Quý Tỵ với Thứ Tư Lễ Tro có thể khiến ai đó tiếc nuối, nhưng với cộng đoàn hành hương, đây là niềm may đem tới ý tưởng đặc biệt: Mùa Chay cũng là Mùa Xuân, mùa làm xuân trẻ những bổn phận thuộc đời sống thiêng liêng.

  1. Mùa chay tịnh

Khác với ăn chay kiêng thịt đang là mốt thịnh hành giúp có cơ thể cân đối và sức khỏe dẻo dai, chay tịnh công giáo là một hình thức khổ chế, nghĩa là thực tập khổ hạnh, chế ngự nết xấu, nâng cao tâm hồn, nhằm thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô, chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh. Chay tịnh là hình thức làm xuân trẻ bổn phận của mình đối vơi mình.

  1. Mùa chia sẻ

Chia sẻ đi liền với chay tịnh. Không chia sẻ, chay tịnh chỉ còn là phép dưỡng sinh; nhưng khi tiết giảm khẩu phần, người ta đem chia sẻ với anh chị em túng thiếu, lúc ấy chay tịnh đã trở thành phương dược lam xuân trẻ bổn phận của mình đối với tha nhân. Nếu ngày Tết người ta đi thăm nhau để trao gửi lời chúc tốt lành năm mới, thì Mùa Chay cũng là dịp mở lòng ra giúp đỡ những kẻ túng thiếu cơ hàn.

  1. Mùa cầu nguyện

Có chay tịnh và chia sẻ, đời Kitô hữu đã đẹp, nhưng mới chỉ dừng lại ở khía cạnh nhân sinh, chính khi gắn liền với việc cầu nguyện, đời sống ấy mới vươn lên bình diện tôn giáo đúng mức. Cầu nguyện là làm xuân trẻ bổn phận của mình đối với Chúa. Từ mình sang người khác rồi hướng đến Thiên Chúa: đó là hướng đi toàn diện của Mùa Chay. Mùa Chay là mùa cầu nguyện xin ơn sám hối đổi đời.

Xin Chúa ban cho ta ơn canh tân để ta được nên xuân trẻ trong Người. “Chúa Kitô Mùa Xuân hạnh phúc, Xuân trẻ trung mọi lúc mọi nơi. Phúc thay ai đã gặp Người, Tâm hồn đổi mới cuộc đời bình an”.

(ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)