ỨC HỒNG Y PAROLIN: ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ MANG LẠI SỰ GẦN GŨI VÀ HÒA BÌNH CHO CHÂU Á VÀ CHÂU ĐẠI DƯƠNG
Bốn quốc gia đang chờ đón ĐGH Phanxicô, Đấng đến Châu Á và Châu Đại Dương từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, mang theo ánh sáng của Chúa Kitô. Ngài sẽ là chứng nhân của tinh thần đối thoại để xây dựng tình huynh đệ và sự hợp nhất.
Phát biểu với Media Vatican trước Chuyến tông du nước ngoài lần thứ 45 của ĐGH, Đức Hồng y Pietro Parolin nhấn mạnh rằng sự gần gũi là một nét chính yếu trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô; Đức Hồng y lưu ý rằng trong một thế giới bị tổn thương bởi chiến tranh và bạo lực, thì hòa bình được xây dựng thông qua các cuộc gặp gỡ, các mối tương quan chân thành và bằng cách vượt qua tính vị kỷ.
Đức Hồng y Quốc Vụ khanh Tòa Thánh sẽ không khởi hành cùng ĐGH trên chuyến bay tông du vào thứ Hai, vì vào thứ Ba, ngày 3 tháng 9, ngài sẽ cử hành tang lễ cho thân mẫu ngài là bà cố Ada, qua đời vào ngày 31 tháng 8 ở tuổi 96, tại Schiavon, thuộc tỉnh Vicenza, nước Ý. Cuộc phỏng vấn sau đây với Đức Hồng y Parolin do phóng viên Massimiliano Menichetti thực hiện vào ngày 27 tháng 8.
H: Thưa Đức Hồng y, ĐGH sắp bắt đầu chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của mình: ngài sẽ thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore. Vậy ĐGH Phanxicô có những hy vọng gì?
Đức Hồng y Parolin: Hy vọng đầu tiên mà ĐGH Phanxicô mang trong lòng là hy vọng gặp gỡ: để đích thân gặp gỡ người dân của các quốc gia mà ngài sẽ đến thăm.
Nói cách khác, một lần nữa điều đó thể hiện chủ đề về sự gần gũi, một khái niệm diễn tả hết sức sâu sắc phong cách giáo hoàng của ngài, và điều đó còn được thể hiện đầy ý nghĩa qua các chuyến tông du: gần gũi để lắng nghe, gần gũi để chia sẻ những gánh nặng khó khăn, đau khổ và những hy vọng của dân chúng, và gần gũi để mang đến cho mọi người niềm vui, sự an ủi và hy vọng của Tin Mừng.
Nói theo lời của Thánh Phaolô VI, tôi muốn nói rằng các quốc gia mà ngài đến thăm càng xa về mặt địa lý, thì Đức Thánh Cha càng cảm thấy sự cấp bách này trong lòng mình.
H: Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, nơi Giáo hội cam kết củng cố tình huynh đệ trong bối cảnh đa nguyên, cũng đang phải đối diện với các vấn đề chính trị và xã hội. Vậy sự hiện diện của Đấng kế vị Thánh Phêrô có thể trợ giúp trong con đường hiệp nhất này không?
Các vùng lãnh thổ mà ĐGH sắp đến thăm có nét đặc trưng bởi một sự đa dạng về văn hóa, giáo phái và truyền thống tôn giáo. Đó thực sự là những thực tại đa nguyên!
Tôi đặc biệt nghĩ đến Indonesia, nơi mà, một phần nhờ vào Pancasila, tức là năm nguyên tắc mà dựa trên đó quốc gia này được thành lập, mối quan hệ giữa các nhóm khác nhau về cơ bản được đánh dấu bằng sự chấp nhận lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và trung dung.
Trước mọi áp lực thay đổi trạng thái này, trước mọi cám dỗ của chủ nghĩa cực đoan, thật không may còn hiện diện ở đó đây trên thế giới, thì những lời nói và hành động của Đức Thánh Cha sẽ là lời mời gọi mạnh mẽ và cấp thiết không từ bỏ con đường này, sẽ giúp duy trì và khuyến khích tình huynh đệ, mà như ngài thích nói, là sự thống nhất trong đa dạng.
Nguyên tắc này cũng sẽ hướng dẫn cách tiếp cận các vấn đề xã hội và chính trị đang thách thức quần đảo rộng lớn này.
H: Tại Papua New Guinea, ĐGH sẽ gặp gỡ dân chúng có những truyền thống lâu đời và đức tin mạnh mẽ. Quốc gia này giàu về tài nguyên, nhưng lại cực kỳ nghèo đói, nơi thiên nhiên còn nguyên sơ, phải đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu, bóc lột và tham nhũng. Port Moresby bị coi là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Liệu chuyến thăm của ĐGH có mang đến một hướng đi mới không?
Vâng, Papua New Guinea cũng cho thấy những dấu hiệu mâu thuẫn: sự giàu có phi thường của tài nguyên thường tương phản với tình trạng nghèo đói nghiêm trọng, do sự bất công, nạn tham nhũng và sự bất bình đẳng kinh tế, chính trị gây ra. Tương tự như vậy, vẻ đẹp nguyên sơ của công trình tạo hóa phải đối mặt với hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên.
Đức Phanxicô có ý định hỗ trợ mọi nỗ lực có thể – qua các thể chế chính trị, tôn giáo và bằng cách kêu gọi trách nhiệm của mọi người – để mang lại sự thay đổi hướng tới cam kết quan trọng và liên tục đối với công lý, quan tâm đến những người nghèo nhất và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
H: Timor-Leste sẽ là điểm dừng chân thứ ba trong chuyến công du của ĐGH. Đất nước này đã trải qua nhiều năm đau khổ cho đến khi giành được độc lập cách đây 25 năm. Nước này sẽ gia nhập ASEAN vào năm tới, nhưng vẫn còn những chênh lệch đáng kể giữa vùng ngoại vi và trung tâm. ĐGH Phanxicô sẽ mang thông điệp gì đến nơi này, nơi đức tin và lịch sử gắn bó chặt chẽ với nhau?
Bản thân tôi từng theo dõi Timor-Leste trong những năm phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh, tôi đã trực tiếp chứng kiến nỗi đau khổ hằn sâu vào lịch sử đất nước này. Khi đó cảm giác giống như một tình trạng hoàn toàn bị khép kín, bế tắc.
Do đó, tôi luôn coi những gì đã xảy ra 25 năm trước khi đất nước này giành độc lập là một dạng của “phép lạ”. Chính Đức tin Kitô giáo, điều khiến Timor-Leste trở thành quốc gia mang tính Công giáo nhất ở Châu Á, đã đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ các nỗ lực hướng tới mục tiêu đó.
Bây giờ tôi nghĩ rằng đức tin đó, thông qua việc đào tạo thiêng liêng sâu sắc hơn, phải truyền cảm hứng cho người Timor trong việc biến đổi xã hội của họ, vượt qua sự chia rẽ, đấu tranh hiệu quả với sự bất bình đẳng và đói nghèo, và chống lại các hiện tượng tiêu cực như bạo lực thanh thiếu niên và vi phạm phẩm giá của phụ nữ. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ mang lại động lực quyết định theo hướng này.
H: Điểm dừng chân cuối cùng của hành trình này sẽ là thành phố-quốc gia Singapore, nơi các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại trong sự hòa hợp. Vậy ĐGH có thể thúc đẩy đối thoại liên tôn và tăng cường mối quan hệ giữa các cộng đồng khác nhau trong nước này như thế nào?
Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình dài này, là một ví dụ về sự chung sống hòa bình trong xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo ngày nay.
Đây là một thành phố-quốc gia chào đón mọi người từ khắp nơi trên thế giới, một bức tranh mosaic về các nền văn hóa cũng như truyền thống tôn giáo và tâm linh khác nhau.
Đức Phanxicô sẽ đặc biệt gặp gỡ những người trẻ tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn, trao phó cho họ với tương lai của con đường này, để họ có thể trở thành những người chủ động thúc đẩy một thế giới hòa bình và huynh đệ hơn.
Hỏi: Chuyến thăm châu Á này có thể mở ra những cây cầu khác và củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Tòa thánh và các nước châu Á không?
Để trả lời câu hỏi này, tôi bắt đầu với Singapore, nơi có dân số chủ yếu là người Hoa, khiến nơi đây trở thành một địa điểm đặc quyền để tham gia đối thoại với nền văn hóa và con người Trung Quốc nói chung.
Indonesia, như đã đề cập, là quốc gia Hồi giáo đông nhất: chuyến thăm Jakarta có thể tạo ra một dịp thuận lợi để tiếp tục gắn kết hơn với Hồi giáo, cách đặc biệt, nhưng không chỉ giới hạn ở thành phần châu Á.
Hai— đúng hơn, sắp có ba—quốc gia liên quan chuyến thăm của ĐGH là thành viên của ASEAN, một cộng đồng cũng bao gồm các quốc gia quan trọng khác trong khu vực như Việt Nam và Myanmar.
Sự gần gũi và thông điệp hòa bình mà ĐGH Phanxicô sẽ mang đến trong chuyến công du này cũng hướng đến tất cả những thực tại này.
H: Trong thời điểm có nhiều căng thẳng quốc tế lớn xảy ra do chiến tranh, đặc biệt là ở Ukraine và Trung Đông, chuyến thăm này có thực sự đại diện cho hạt giống hy vọng, đối thoại và tình huynh đệ không? Làm thế nào chúng ta có thể nâng cao nhận thức trong cộng đồng quốc tế và xây dựng hòa bình cụ thể trong một thế giới dường như đang hướng tới vực thẳm?
Tôi quay lại khái niệm về sự gần gũi và tương cận đã đề cập. Để xây dựng hòa bình, cần phải nỗ lực áp dụng các thái độ mà mỗi chuyến tông du đề xuất: gặp gỡ, nhìn vào mắt nhau và nói chuyện chân thành.
Nếu được truyền cảm hứng theo đuổi thiện ích chung chứ không phải vì lợi ích cá nhân hay vì ích kỷ, thì những cuộc gặp gỡ trực tiếp có thể phá vỡ ngay cả những trái tim vô cảm và chai cứng nhất cũng như tạo điều kiện cho cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng có thể diễn ra.
Chuyển ngữ: Đình Chẩn
Từ: vaticannews.va