Chúa Nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024

Đức Maria Theo Các Tác Phẩm Của Gioan Và Tông Đồ Công Vụ – Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Chuyên mục: Các bài nghiên cứu về Đức Maria - Ngày đăng: 17.05.2022
Chia sẻ:

ĐỨC MARIA THEO CÁC TÁC PHẨM CỦA GIOAN VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

CHƯƠNG IV. ĐỨC MARIA THEO CÁC TÁC PHẨM CỦA GIOAN VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ
 
I. Phúc âm thánh Gioan.
Trong khi Luca để ý tới mối tương quan giữa đức Maria với Chúa Giêsu, thì thánh Gioan chú ý hơn đến với trò của Mẹ trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Thực vậy, trong Phúc âm của Gioan, chúng ta thấy đức Maria xuất hiện hai lần: vào lúc khai mạc sứ mạng công khai của Chúa Giêsu tại Cana, và vào lúc kết thúc sứ mạng trên Thập giá. Tại Cana, Chua Giêsu thực hiện dấu chỉ đầu tiên để “mạc khải vinh quang” (2,11); còn trên thập tự, khi vinh quang ấy được tỏ lộ và “hoàn tất” (19,30). Vào cả hai dịp, Chúa Giêsu gọi mẹ mình là “đàn bà” (người nữ).A. Tiệc cưới Cana (2,1-11).
Các nhà chú giải đồng ý nhìn nhận rằng thánh Gioan không chỉ tường thuật biến cố như là một ký giả, nhưng còn gói ghém rất nhiều tư tưởng thần học ở đây. Tỉ dụ như việc biến đổi những chum nước thành rượu ngụ ý rằng Chúa đem lại cho nhân loại và sự cứu rỗi mà luật cũ của Maisen (tượng trưng qua nước để thanh tẩy) không thể mang lại được.
– “Ngày thứ ba” (2,1). Có ít là ba ý kiến giải thích ý nghĩa của thời gian này. (a) Ngày thứ ba họp với bốn ngày trước đó thành ra một tuần lễ; như vậy, phép lạ Cana xảy ra sau một tuần lễ bắt đầu sứ mạng công khai của đức Kitô mang ý nghĩa của công cuộc tạo dựng mới, tương tự với công trình tạo dựng vũ trụ 6 ngày ở đầu sách Sáng thế. (Bốn ngày đầu: 1/ chứng tá của Gioan 1,29-34; 2/ giới thiệu Chúa Giêsu c.29-34; 3/ hai môn đệ đầu tiên theo Chúa c.35-42; 4/ Chúa đi Galilea và gọi Philippe c.43-51. Sang ngày thứ ba vị chi là bảy ngày). (b) lối hành văn “ba ngày” ở đây nhắc lại cảnh Thiên Chúa tỏ vinh quang trên núi Sinai: “ngày thứ ba, Giavê tỏ ra vinh quang của mình cho Maisen và dân chúng tin vào ông ta” (Xh 19,1.11) / “ngày thứ ba Chúa Giêsu tỏ vinh quang của mình và các môn đệ tin vào Ngài” (2,11). Phép lạ tại Cana đánh dấu một giao ước mới, thay thế giao ước núi Sinai. (c) Ngày thứ ba gợi lên ngày sống lại, ngày tỏ ra vinh quang của Ngài.
– “Mẹ của Chúa Giêsu cũng ở đó” (2,1): Gioan không nêu ra danh tánh của đức Maria. Lý do có lẽ vì điều quan trọng ở đây không phải là cá nhân đức Maria mà là chức vụ làm mẹ. Điều này cũng xảy ra ở dưới chân thánh giá (19,26). Thành ngữ “Mẹ của Chúa Giêsu” (hay: mẹ của Ngài) xuất hiện bốn lần trong Phúc âm của Gioan (2,3.12; 19,25.26).
– “Họ hết rượu rồi!” (2,3). Có lẽ Đức Mẹ chỉ muốn nói cho Chúa biết tình trạng bối rối của chủ nhà, để xem Ngài có cách nào giúp đỡ họ, chứ không có mong đợi một phép lạ. Tuy nhiên, các giáo phụ đã giải thích cảnh thiếu rượu theo nghĩa thiêng liêng, đó là chế độ Cựu ước đã hết thời rồi! Những chum đựng nước thanh tẩy theo luật Maisen cần được Chúa Giêsu biến đổi thành rượu dư tràn (mỗi chum chứa khoảng độ 40 lít, vị chi là non 700 lít rượu). Maria đã tượng trưng cho dân Israel, thú nhận sự bất lực của Cựu ước, xin Chúa Giêsu hãy ra tay khởi đầu giao ước mới.
– “Bà ơi, giữa tôi với bà, nào có việc gì? giờ tôi chưa đến”. Trong Kinh thánh, thành ngữ “giữa tôi với ông có chuyện gì?” gặp thấy 19 lần trong Cựu ước và 4 lần trong Tân ước, nhưng không mang một ý nghĩa như nhau. Nói chung thì nó mang tính cách trách móc, hờn giận bực bội (tôi có làm gì tới ông mà ông tới đây quấy tôi? thí dụ 1V 17,18; 2V 3,13; Mc 1,14; 5,7); nhưng có lúc chỉ là lối nói quanh, kiểu hoãn binh (Tl 11,12; 2Sm 16,10). Khi áp dụng vào trường hợp này, thì có rất nhiều ý kiến được nêu lên để giải thích câu trả lời của Chúa cho mẹ
1) Ý kiến 1: câu trả lời của Chúa có vẻ nói quanh, ỡm ờ, không chối mà cũng không nhận. Ra như muốn nói: Thong thả tí nữa; tôi có cãi bà bao giờ đâu!
2) Ý kiến 2: Chúa không muốn can thiệp. “Giữa tôi với bà có chuyện gì” có nghĩa là “đây không phải là chuyện của chúng ta; hơi đâu mà lo”.
3) Ý kiến 3: Chúa muốn cho đức Mẹ hãy vươn lên mối tình ruột thịt máu mủ.
4) Ý kiến 4 cho rằng cần phải đặt câu nói của Chúa trong toàn thể chương trình cứu rỗi. Tại Cana, Chúa gọi đức Maria là “đàn bà”, nghĩa là tiếng mà Ngài sẽ lặp lại trên thập giá trước khi tắt thở, lúc Ngài xin Mẹ Maria hãy trở thành mẹ thiêng liêng của nhân loại tựa như bà Eva, người đàn bà đầu tiên. Tuy nhiên, cần phải chờ tới lúc ấy, mà Ngài gọi là “giờ” của Ngài, tức là giờ của sự tôn vinh (Ga 12,27; 17,5). Vì thế không lạ chi mà tại Cana, Ngài xin mẹ Maria hãy rút lui vào bóng tối, hãy chấp nhận sự xa cách phân ly với Chúa kể từ ngày hôm nay, ngày mà Ngài rời bỏ tư gia để bắt đầu sứ mạng công khai. (Nên biết là không phải ai cũng chấp nhận lối giải thích tiếng “Bà” theo nghĩa điển hình của người đàn bà theo sách Sang thế 3,15-20, lý do vì trong Phúc âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng gọi một số phụ nữ khác như vậy: với thiếu phụ Samaritana 4,12; với phụ nữ ngoại tình: 8,10; với Mađalena 20,13.15.- Có người chấp nhận nghĩa điển hình, nhưng lại hiểu theo nghĩa là “thiếu nữ Sion, nghĩa là dân Israel).
Dù sao, ta thấy các tác giả đều lúng túng trước thái độ của đức Maria: thay vì rút lui vào bóng tối, thì Người lại ra lệnh cho các đầy tớ!
– “Hãy làm tất cả điều gì mà Chúa bảo” (c.5). Muốn cho câu chuyện có vẻ mạch lạc thì phải chấp nhận rằng Gioan không có ý theo dõi tất cả các chi tiết của cuộc đối thoại giữa Chhúa Giêsu với Mẹ Ngài, nhưng dụng ý của thánh sử là viết ra một trang thần học. Chúa Giêsu không có ý khước từ lời yêu cầu của đức Maria, nhưng muốn mời Mẹ hãy làm trung gian đại diện cho Israel để chuyển bước từ Cựu ước sang Tân ước. Cũng như trước đây trên núi Oreb, Maisen đứng ra làm môi giới để dân Israel chấp nhận giao ước với Chúa (Xh 19,8: chúng tôi sẽ làm tất cả những gì Giavê đã bảo), thì bây giờ đức Maria cũng có vai trò tương tự như vậy. Lời chấp nhận “sẽ làm tất cả những gì Giavê bảo” ra như trở thành công thức trong các nghi lễ đón nhận hay lặp lại giao ước (Xh 19,3-8; 24,3-7; Đnl 5,27; Gs 24,1-15; 2V 23,1-8; Gr 42,7-22; Er 10,9-16; Nkm 5,7-12; 10,29-30; 1Sb 15,1-11; 1Mcb 13,2-9).
– Từ nước ra rượu. Những chum đá đựng nước “dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái” (c.6). Những chum ấy trống rỗng: những chum đá tượng trưng luật cũ viết trên đá (Xh 31,18; 32,15; 34,1.4; Đnl 4,13; 5,22;) không còn sức để tẩy luyện dân Israel nữa; cần phải thay bằng giao ước mới. Rượu trong Kinh thánh mang hai ý nghĩa chính: (a) Thời đại của Đấng Cứu thế, khi mà rượu trở nên dồi dào (Ge 2,19-26; Gr 31,12; Am 9,13), hảo hạng (Hs 2,21-22; Is 62,5; Gr 31,8-10.31-37). Đó là thời của giao ước tình yêu (Dc 1,2.4; 4,10; 5,1; 7,3.10; 8,2). Chúa Giêsu đã tuyên bố khi lập bí tích Thánh Thể rằng chén rượu thuộc về Giao ước mới (Lc 22,20; 1Cr 11,25; Mc 14,24; Mt 26,28).- (b) Lời Chúa: Luật Chúa là rượu của Khôn ngoan (Cn 9,2.5). Thời của Chúa Giêsu là thời của rượu mới vì là luật mới, do đó không nên đổ vào bình cũ rượu (Mt 9,17; Mc 2,22).
– “Còn giữ rượu ngon cho tới bây giờ” (c.10). Gioan dùng tiếng “giữ” (terein) 24 lần (8,51; 9,16; 14,15.21; 15,10; 17,6; 1Ga 2,3.5; 3,22; Kh 1,3; 2,26; 3,3.8; 12,7), luôn luôn với nghĩa thiêng liêng là trung thành với Lời của Chúa Giêsu và luật của Ngài.

B. Dưới chân thập giá (19,25-27).
Các chương 18-21 của Phúc âm thứ tư nói tới “giờ” của Chúa Giêsu, giờ của tôn vinh từ Thập giá và Phục sinh (x. 12,17; 13,1; 17,1). Thánh Gioan mô tả giờ ấy qua 5 hồi: (a) nguyên nhân của việc kết án: Vua người Do thái; (b) việc bốc thăm chia áo Chúa Giêsu (Tv 22,19); (c) Sự hiện diện của đức Maria và môn đồ; (d) Chúa tắt thở và trao ban thần khí (Tv 69,22); (e) lưỡi đòng mở cạnh sườn (Xh 12,46; Tv 34,21; Dcr 12,10). Thánh Gioan không phải chỉ là một sử gia thuật lại những giây phút cuối đời của Chúa Giêsu, nhưng người còn muốn giải thích ý nghĩa thần học của biến cố đó. Cái chết của Chúa Giêsu, một đàng làm ứng nghiệm những lời Kinh thánh, đàng khác ban lại ơn cứu độ cho Hội thánh: ơn Thánh Thần, ơn bí tích (máu và nước, biểu hiệu của Thánh Thể và thánh tẩy). Trong bối cảnh ấy mà Gioan đặt những lời trối của Chúa Giêsu dành cho bmẹ Ngài và môn đệ yêu dấu. Đây không phải là chuyện tư riêng trong gia đình, gửi gắm bà mẹ góa bụa cho người môn đệ trông nom chăm sóc. Từ ba năm nay, đức Maria đã quen sống một mình rồi, và đủ sức để mưu sinh không cần nhờ vả con cái. Do đó việc Chúa Giêsu gửi gắm đức Maria cho người môn đồ hàm súc ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Thánh Gioan coi đó như một hành vi cần thiết để hoàn tất mọi sự, như chúng ta đọc thấy trong câu 30 liền đó (Mọi sự đã hoàn tất!). Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói gì qua hai câu nói hướng về bà mẹ và về người môn đệ yêu dấu.
1) Hướng về mẹ của mình, Chúa dùng một từ rất trịnh trọng “thưa đàn bà” (hay: “thưa người nữ”!). Đàn bà (hoặc người nữ) là tiếng mà Sách Sáng thế chương 3 dùng để chỉ bà Eva, người đàn bà đầu tiên đã đưa loài người đến chỗ chết; nhưng Chúa Giêsu gọi mẹ mình bằng tiếng đó ra như để mời gọi đức Maria hãy đóng vai trò làm mẹ trong chế độ cứu rỗi, mẹ của những người được tái sinh nhờ thập giá của đức Kitô. Kể từ nay, Chúa muốn cho mẹ của mình cộng tác trực tiếp hơn vào kế hoạch cứu độ của Ngài, một điều mà trước đây, ở tiệc cưới Cana, Ngài đã tiên báo khi nói đến “giờ” chưa tới.
2) Gioan không cho biết danh tánh của người môn đệ đứng gần thập giá Chúa Giêsu. Truyền thống cho rằng thánh sử muốn giấu tên vì khiêm tốn, không muốn tâng bốc mình. Tuy nhiên, ngày nay nhiều học giả cho rằng sở dĩ thánh Gioan không nói tên người môn đệ là vì cho người ấy trở thành biểu tượng cho tất cả các môn đệ của đức Kitô, chứ không phải chỉ riêng một cá nhân nào. Người môn đệ được Chúa yêu là kẻ đi theo Ngài và tuân hành ý muốn của Cha (Ga 14,21-23; 15,13-15; 1 Ga 2,5). Ra như Chúa Giêsu muốn cho mỗi người tín hữu của mình hãy nhận Lấy sự bảo trợ của đức Maria, đón nhận người như mẹ của mình. “Này là mẹ con”: câu nói ngắn ngủi ấy đặt nền tảng cho tất cả tấm lòng hiếu thảo mà mỗi Kitô hữu cần phải dành cho Mẹ Maria, dựa vào ý muốn của Chúa Cứu thế, bởi vì Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa trong việc tái sinh mỗi người vào đời sống ơn thánh.
Thánh Gioan kể tiếp như sau: “từ giờ đó, môn đệ đón tiếp đức Maria về nhà mình” (c.27). Một lần nữa, cần phải hiểu từ “giờ” theo nghĩa thần học (giờ của Chúa Giêsu, lúc hoàn tất chương trình cứu chuộc) chứ không phải theo nghĩa giây phút thời khắc! Người môn đệ đón tiếp về nhà”. Thực ra nguyên bản Hylạp (élaben ho mathetès eís tà ídia) có thể hiểu được nhiều nghĩa khác nhau, tỉ như: “đưa về nhà mình”; hoặc “giữ lấy như tài sản”; hoặc “tiếp lấy vào đời tư của mình”; hoặc “tiếp đón vào người nhà”. Dù theo nghĩa nào đi nữa, người môn đồ (tượng trưng cho tất cả các môn đệ của đức Kitô) đã lĩnh nhận đức Maria như một gia sản quý giá do Chúa Cứu thế trao ban, và đã sống một mối dây rất mật thiết với người.
Đoạn văn vừa kể có thể coi như nền tảng của mối liên hệ giữa các Kitô hữu với đức Maria: nghĩa là mối liên hệ của mẹ con. Một đàng Chúa Cứu thế muốn cho đức Maria trở nên mẹ của các tín hữu qua việc cộng tác vào việc tái sinh họ bằng việc hiệp thông vào cuộc tử nạn của Ngài trên thập giá. Ngoài ra, Chúa còn muốn cho người tiếp tục sứ mạng làm mẹ đối với các tín hữu bằng việc giúp họ thực thi chương trình cứu rỗi. Đối lại, Chúa Cứu thế cũng muốn chúng ta đối xử với đức Maria như mẹ. Chúng ta hãy đón tiếp người vào đời sống chúng ta: yêu mến, tin tưởng nơi người; nhìn ngắm mẫu gương đời sống của người để bắt chước; khẩn nài người giúp đỡ chúng ta.

II. Đức Maria với Hội thánh, theo Tông đồ công vụ (1,14).
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở về Giêrusalem. Họ lên lầu trên “đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ của đức Giêsu và các anh em của Ngài”. Ngoài tên của 11 tông đồ, Luca chỉ kể tên của đức Maria trong số hành chục môn đệ của đức Kitô. Sự hiện diện của đức Maria ở nhà Tiệc ly không phải do tình cờ. Luca muốn ghi nhận vai trò đặc biệt của mẹ đức Giêsu trong buổi khai sinh của Giáo hội cũng như trong suốt lịch sử truyền giáo của Giáo hội.
Cùng với các môn đệ khác, đức Maria cầu xin Chúa Thánh thần xuống trên Giáo hội. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng lời cầu nguyện ấy không chấm dứt với ngày Hiện xuống, nhưng vẫn còn kéo dài suốt hành trình dương thế của Hội thánh. Nếu không có lời cầu nguyện để xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, thì các lời giảng và các công lao của các nhà truyền giáo không mang lại kết quả nào hết.
Ngoài ra, chúng ta có thể nhận ra những vai trò khác của đức Maria trong thời sơ khởi của Hội thánh. Từ khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ người thì bỏ trốn kẻ thì chối Chúa. Có thể nói được rằng đức Maria là điểm tựa để họ quy tụ lại, để làm hòa với nhau và với Thầy của mình, nhờ cặp mắt thông cảm bao dung của người mẹ Đấng Cứu thế.
Những ngày chờ đợi Chúa Thánh Thần đến cũng là thời gian ôn lại những lời nói và việc làm của Chúa lúc còn tại thế. Nhưng thử hỏi: có ai biết rõ Chúa Giêsu hơn bà mẹ của Ngài? Đức Maria đã cưu mang, dưỡng dục, chia sẻ vui buồn với Ngài trong hơn 30 năm trường: mẹ thực là ký ức của Giáo hội về đức Kitô. Sau ngày Hiện xuống, mẹ Maria không đi rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ. Tuy nhiên, lời giảng của các vị không thể nào bỏ qua đức Mari, nguồn tài liệu tiên khởi và con tim chiêm niệm Phúc âm.

III. Khải huyền, chương 12: Người nữ khoác áo mặt trời.
Truyền thống thường giải thích người đàn bà mô tả ở sách Khải huyền là đức Maria. Tuy nhiên theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh thánh hiện nay, người đàn bà ấy không ám chỉ đức Maria cho bằng ám chỉ Hội thánh. Gioan đã viết sách Khải huyền dành cho Hội thánh bị bắt bớ giống như Israel trước đây: tác giả muốn củng cố tinh thần cho Hội thánh trong sứ mạng chứng tá, theo gương đức Kitô người chứng trung tín (3,14). Nếu biết theo gương đức Kitô và đoàn ngũ những chứng nhân trung kiên, thì Hội thánh (Israel mới) sẽ được chia sẻ sự toàn thắng của Chiên con trong thành đô Giêrusalem trên trời.
Điềm lạ xuất hiện trên trời ở chương 12 ám chỉ Hội thánh, kẻ thừa kế của Israel. Như ta đã biết, Sion thường được tượng trưng như một đàn bà, một người mẹ của thời cánh chung (Is 43,5.6; 49,18; 56,6-8; 60,4; Gr 31,3-14; Br 4,36-37; 5,5). Người đàn bà ấy, sau những tháng ngày đau đớn mang thai, đã sinh ra đứa con: hình ảnh này đã được dùng để nói về những đau khổ của Israel phải chịu (do sự lưu đày) trước khi sinh ra một dân mới (Is 66,7-12). Ở chương 12, câu 2, người đàn bà sinh con cần được hiểu về việc sinh đức Giêsu, không phải theo nghĩa sinh hạ tại Bêlêm nhưng theo nghĩa bóng của cuộc sinh ra từ cái chết và phục sinh, nhờ đó mà vị Cứu tinh trở thành thủ lãnh của muôn dân. Hài nhi đó đã cất bổng lên trời chỉ về việc lên trời của đức Kitô; do đó rắn già không làm được gì nữa và quay ra tấn công các con cái khác của đàn bà, tức là những con cái của Giáo hội. Tuy nhiên sự toàn thắng về phần Giáo hội, và con rắn phải thua.
Tuy rằng đoạn văn này nói về Hội thánh, nhưng có thể áp dụng phần nào đó về đức Maria, xét vì Gioan đồng hóa đức Maria với Dân Chúa khi gọi Người là “bà” (Ga 2,4; 19,26). Ở tiệc cưới Cana, đức Maria tượng trưng cho Dân Chúa của Cựu ước chuyển sang Tân ước. Còn ở dưới chân Thập giá, đức Maria lãnh nhận chức vụ làm mẹ của các môn đệ của Chúa Kitô, cũng giống như bà mẹ đau khổ của những môn đệ nói ở chương 12 của Sách Khải huyền.

(Nguồn: dongnuvuonghoabinh.org)