GIÁO HỘI SẼ SỚM CÓ THÊM MỘT CHÂN PHƯỚC. TẤM GƯƠNG CỦA MỘT SỐ ĐẤNG ĐÁNG KÍNH TRẺ TUỔI
Hồng Thủy – Vatican News
Cha Giuseppe Beotti và các Tôi tớ Chúa mới được công nhận các nhân đức anh hùng
Vatican News (24.05.2023) – Trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, vào ngày 20/5/2023, Đức Thánh Cha đã cho phép ban hành sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của cha Giuseppe Beotti, người Ý, đã bị Đức quốc xã sát hại vào ngày 20 tháng 7 năm 1944. Đức Thánh Cha cũng đã ban các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 8 vị Tôi tớ Chúa khác, trong đó có những người trẻ tuổi.
8 vị Tôi tớ Chúa mới được nhìn nhận các nhân đức anh hùng gồm hai linh mục: Simon Mpeke người Camerun và Pedro de la Virgen del Carmen người Tây Ban Nha; hai nữ tu: Tereza Margarida người Brazil và Edda Roda người Ý; và 4 giáo dân: chủng sinh trẻ người Brazil Guido Vidal França Schäffer, giáo lý viên người Ý Arnaldo Canepa và hai phụ nữ người Ý, Maria Cristina Ogier và Lorena D’Alessandro, qua đời khi còn trẻ vì bệnh ung thư.
Với sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng này, các ngài sẽ trở thành các Đấng Đáng kính trong Giáo hội và khi có một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của các ngài, các ngài sẽ được tuyên phong lên bậc Chân phước.
Tiểu sử vắn tắt của Cha Giuseppe Beotti và một số Đấng Đáng kính trẻ tuổi
Cha Giuseppe Beotti, người giúp đỡ các nạn nhân chạy trốn Đức Quốc xã
Cha Giuseppe Beotti sinh ra trong một gia đình nông dân ở một thị trấn nhỏ phía nam Napoli vào năm 1912. Ba năm sau, cha của ngài, một nông dân, buộc phải rời xa vợ và 5 đứa con để tham gia Thế chiến thứ nhất.
Khi còn trẻ, cha Beotti cảm thấy được kêu gọi làm linh mục và mặc dù gia đình thiếu thốn về tài chính, cha vẫn cố gắng theo học chủng viện ở miền bắc nước Ý. Cha được thụ phong linh mục giáo phận vào ngày 2 tháng 4 năm 1938, ở tuổi 25, và hai năm sau cha trở thành cha sở của một giáo xứ ở Sidolo, một thị trấn nhỏ ở vùng núi phía Tây Bắc nước Ý.
Ngay lập tức cha đã nổi bật vì công việc bác ái chuyên cần giúp đỡ người nghèo và vì sự dấn thân đào tạo giới trẻ. Cha luôn cho người nghèo bất kỳ khoản tiền hoặc quần áo nào mà cha có. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, ngài đã bảo vệ quyền lợi của giáo dân của mình và sau đó bị đưa ra xét xử hình sự.
Cha Beotti đã tiếp đón và giải cứu những người lính chạy trốn, những tù nhân trốn thoát khỏi chiến tranh, những người bị đàn áp, trong đó có hàng trăm người Do Thái đang ẩn náu trong các trang trại nhờ sự giúp đỡ của giáo dân. Trước nguy cơ bị Đức Quốc xã vây bắt và trả thù, cha đã không chạy trốn nhưng vẫn là điểm tựa trong giáo xứ của ngài, chuyên cần cầu nguyện. Cha bị bắt và bị xử bắn vào ngày 20 tháng 7 năm 1944 tại Sidolo cùng với một linh mục và một chủng sinh đã cùng cha trú ẩn trong nhà thờ. Cha qua đời khi tay đang cầm sách nguyện và làm Dấu Thánh Giá. Cha bị sát hại bởi sự căm ghét của Đức Quốc xã đối với những người vi phạm luật hình sự bài Do Thái của họ.
Cha Simon Mpeke, người rao giảng Tin Mừng giữa miền rừng núi Camerun
Tôi tớ Chúa Simon Mpeke là một trong số những người sáng lập Hiệp hội Linh mục Giêsu Caritas của Thánh Charles de Foucauld ở Camerun. Ngài sinh vào đầu thế kỷ XX trong một gia đình nông dân ngoại giáo thuộc sắc tộc Bakoko. Được thu hút bởi Kitô giáo, ngài đã theo Công giáo, từ bỏ người vợ chưa cưới và gia nhập chủng viện để trở thành linh mục vào năm 1935. Cha nổi bật về đời sống thiêng liêng sâu sắc và sự cống hiến mục vụ. Biết nhiều ngôn ngữ, cha là nhà truyền giáo theo diện “hồng ân đức tin” người Camerun đầu tiên ở phía bắc của đất nước, nơi sinh sống của những người gốc Sudan, vốn chịu ảnh hưởng của người Hồi giáo và những người dân miền núi có liên hệ với các tôn giáo truyền thống.
Cha được người dân địa phương gọi là “Baba (cha) Simon”: đi qua những ngọn núi, cha rao giảng Tin Mừng cho người Kirdi bản địa. Với thu hút bởi tấm gương của cha và nhờ cha mà một cộng đoàn Kitô hữu nhiệt thành đã ra đời. Gần gũi với những người nghèo khổ và bệnh tật, cha rao giảng Tin Mừng qua các hoạt động như rao giảng và xây dựng trường học. Nơi Đức Kitô, cha Simon Mpeke đã nhìn thấy sự viên mãn của những niềm hy vọng cũng có trong các niềm tin tôn giáo khác: với xác tín này, cha đã giúp những người ngoại đạo dần dần nhận biết Chúa Giêsu. Cha cũng dấn thân thăng tiên con người, bằng cách vượt qua những định kiến, ví dụ như ý nghĩ cho rằng bệnh tật là sự trừng phạt của thần thánh.
Arnaldo Canepa: Phục vụ các thiếu niên vùng ngoại ô hàng ngày trong các trung tâm sinh hoạt giới trẻ
Tôi tớ Chúa Arnaldo Canepa, một giáo lý viên giáo dân sống ở thủ đô Roma của Ý từ năm 1882 đến năm 1966. Mồ côi cha khi mới 14 tuổi, ông đã xa rời đời sống Kitô giáo và bắt đầu tìm kiếm thành công trong kinh doanh. Năm 1921, sau khi xưng tội tại nhà thờ Đức Maria Đấng dẫn đường, ông bắt đầu một đời sống Kitô hữu nhiệt thành. Ông đã trở thành một thành viên dòng ba của dòng Phanxicô và là giáo lý viên tại giáo xứ Đức Mẹ các Thiên thần, nơi ông tham gia Huynh đoàn Thánh Vinh-sơn Phaolô và Huynh đoàn Đức Mẹ. Ở khu vực Quadraro, một khu phố nghèo ở ngoại vi của Roma, ông đã sắp xếp một nhà kho để dạy giáo lý cho trẻ em trong khu vực. Hàng ngày ông hết mình dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng này bằng cách thành lập một nhà sinh hoạt để giúp các thế hệ trẻ phát triển về mặt tinh thần và hỗ trợ vật chất cho những người khó khăn nhất. Hoạt động này bị đóng cửa do áp lực của chế độ phát xít, nhưng các sáng kiến mục vụ do vị Tôi Tớ Chúa gợi hứng đã lan rộng ra các vùng ngoại ô của toàn thành Roma.
Cũng theo gương của Thánh Phanxicô, Thánh Philípphê Nêri và Thánh Gioan Bosco, vào năm 1943, ông Arnaldo đã thành lập “Liên đoàn các nhà sinh hoạt giới trẻ ở Roma”, sau này được gọi là “Trung tâm các nhà sinh hoạt giới trẻ Roma” (C.O.R), dựa trên bốn điều căn bản: Thánh lễ và giáo lý; cầu nguyện hàng ngày; những hoạt động đặc biệt hàng tháng và hoạt động tông đồ truyền giáo; và lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhờ gương sáng của ông, đầu thập niên 1950, hơn một nửa số giáo xứ trong giáo phận đã có các nhà sinh hoạt giới trẻ. Ông đã quyết định sống những năm cuối đời trong tinh thần khó nghèo và phục vụ, được củng cố bằng việc thường xuyên chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi trong một căn phòng nhỏ đơn sơ tại bệnh viện Đức Maria Tín thác.
Guido Vidal França Schäffer: Làm chứng cho Chúa Giêsu giữa các bệnh nhân, giới trẻ và trong thể thao
Việc chăm sóc bệnh nhân AIDS, sự giúp đỡ, dịch vụ y tế và công việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội ở các khu ổ chuột của Rio de Janeiro là những nét đặc trưng trong những năm tháng tuổi trẻ của Guido Vidal França Schäffer, một bác sĩ trẻ sinh năm 1974. Vào những năm 1990, anh đã cùng với vị hôn thê và một linh mục thành lập nhóm cầu nguyện Fogo do Espírito Santo – Lửa Thánh Linh – trong giáo xứ. Sau đó, vào năm 1997, sau khi tham gia vào cuộc gặp gỡ các gia đình nhân chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II tại Rio de Janeiro, và trong chuyến đi châu Âu để dự lễ phong chân phước cho các vị tử đạo Brazil vào năm 2000, anh đã quyết định gia nhập chủng viện.
Đồng thời với việc học, Guido đã nhiệt tình cống hiến hết mình cho việc truyền giáo và thực hành nghề y của mình. Những người biết đến anh đều nhớ đến tình bạn sâu sắc của anh với Chúa Giêsu, việc hiểu biết Kinh thánh và sự nhiệt tình mà anh nói về Chúa. Vì lòng yêu mến Thiên Chúa, anh đã thực hành ăn chay và đền tội một cách đơn sơ và khôn ngoan. Ngay cả khi đang dạy lướt sóng, môn thể thao yêu thích của mình, anh vẫn bắt đầu việc tập luyện bằng lời cầu nguyện. Vào năm 2009, khi đang ở biển trên bãi biển Recreio dos Bandeirantes ở Rio de Janeiro, anh đã bị ván lướt sóng đập vào đầu và chết đuối.
Maria Cristina: niềm vui của đức tin trong bệnh tật
Tôi tớ Chúa người Ý Maria Cristina Ogier sinh tại Firenze vào năm 1955 và qua đời năm 1974, khi mới 19 tuổi. Khi mới 4 tuổi, Maria Cristina được chẩn đoán có khối u ở đáy não. Được phẫu thuật ở Thụy Điển, cô đã được cứu sống nhưng được chẩn đoán là sẽ không sống lâu. Cô tỏ ra rất tin tưởng khi chấp nhận căn bệnh khiến cô gặp khó khăn đáng kể về vận động. Cô đã dâng những đau khổ của mình cho Thiên Chúa để đền tội lỗi của mình. Tại Lộ Đức, cô đã dâng mình cho Mẹ Maria. Được tràn đầy niềm vui bắt nguồn từ tình bạn với Chúa, cô đã tận tụy gây quỹ cho những công việc bác ái tưởng chừng khó thực hiện. Khi được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm sức, cô không muốn bất kỳ món quà nào, nhưng yêu cầu quyên góp phần quà cho những khốn khó nhất.
Maria Cristina thích sống thầm lặng, nhưng chứng tá và việc làm của cô trong việc giúp đỡ những người già neo đơn và thiếu thốn đã gây được tiếng vang lớn. Cô cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội và chính trị, kết quả của hệ tư tưởng phát triển trong những năm đó, bằng cách làm hết sức mình để ủng hộ sự sống trong bối cảnh cuộc tranh luận liên quan đến những nỗ lực ban đầu hợp pháp hóa phá thai. Một năm trước khi qua đời, cô đã đăng ký học y khoa và gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Cô đã lập một bệnh xá nhỏ trên một chiếc thuyền đi dọc sông Amazon và mang tên của cô.
Lorena D’Alessandro: Tham dự vào thập giá của Chúa Kitô
Một vị Tôi Tớ Chúa khác sẽ được nâng lên hàng các Đấng Đáng Kính cũng là người Ý: đó là cô là Lorena D’Alessandro sống ở Roma từ năm 1964 đến 1981. Năm 10 tuổi, cô được chẩn đoán có một khối u ở xương chày trái. Cô đã trải qua một cuộc cấy ghép xương, nhưng căn bệnh tái phát khiến cô phải cắt bỏ chi. Bất chấp đau khổ, cô vẫn đến trường và giáo xứ, dấn thân làm giáo lý viên lớp rước lễ lần đầu, làm thiện nguyện và có những lập trường thuyết phục phù hợp với Tin Mừng trong những năm được đánh dấu bởi sự phản đối xã hội và cuộc tranh luận về phá thai.
Lorena có một tình bạn và tình liên đới mạnh mẽ. Cô đã tham dự phong trào Canh tân trong Thánh Linh và được truyền cảm hứng bởi linh đạo của Cộng đoàn Taizé. Năm 16 tuổi, khối u tái phát ở phổi trái và di căn lan rộng. Nhật ký thiêng liêng của cô làm chứng cho đức tin, lòng sùng kính Thánh Thể, niềm vui bất chấp đau khổ, luôn sống thông phần vào thập giá Chúa Kitô.
Nguồn: vaticannews.va/vi