Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

HIỆP HÀNH CẤP GIÁO PHẬN – LIÊN TU SĨ

Chuyên mục: TTTM Tàpao: Sự kiện-Thông báo - Ngày đăng: 19.06.2022
Chia sẻ:
HIỆP HÀNH CẤP GIÁO PHẬN – LIÊN TU SĨ
Sáng nay 19.6, Chúa nhật, ngày cuối trong tuần lễ hiệp hành cấp giáo phận, hơn 400 Tu sĩ nam nữ từ 4 Dòng Nữ, 2 Dòng nam thuộc Giáo phận và các Nữ tu thuộc 12 Dòng Nữ có nhà chính ngoài Giáo phận đã tề tựu về Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tham dự ngày hiệp hành dành riêng cho liên tu sĩ.
Đây là ngày đặc biệt, ngày hội liên tu sĩ về bên Mẹ Tapao, ai cũng vui mừng tay bắt mặt mừng râm ran trò chuyện và chụp hình lưu niệm trong ánh nắng mai đang lên.

Đến 8g20, khí trời dịu mát, nắng nhẹ, Đức cha và quý cha và mọi người ghi lại những tấm hình lưu niệm tại cổng quảng trường Trung tâm Thánh Mẫu.

Sau đó Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cộng đoàn bắt đầu chương trình công nghị.

Khởi đầu là giây phút thánh hoá xin ơn Chúa Thánh Thần.Mọi người cùng đọc Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023, Thầy Phó Tế đọc Lc 24,15-35, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện xin Chúa soi sáng hướng dẫn.

Sau giây phút thánh hoá, MC Linh mục Giuse Đặng Văn Tiếp giới thiệu thành phần tham dự gồm Đức Giám mục, quý cha ban hiệp hành, quý phó tế, các tham dự viên và thông qua chương trình sinh hoạt.

Tiếp theo, Đức Cha Giuse huấn dụ
Có 3 câu hỏi đặt ra.

  • Hiệp hành là cùng đi con đường nào? Tên gì?
  • Con đường ấy sẽ dẫn tới đâu?
  • Tại sao chung ta phải đi con đường này?
Trả lời dựa trên câu trả lời của Chúa Giêsu: Thầy là đường là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6); và câu CVTĐ 9,2: Vì các kitô hữu từ ban đầu, đó là những người thi theo con đường Giêsu.
Hiệp Hành là căn tính của Giáo hội mà Thượng hội Đồng muốn nhìn lại con đường Giêsu. Hiệp hành là “cùng đi chung một con đường”, con đường Giêsu để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 
Suy niệm về 3 động từ: gặp gỡ, lắng nghe và phân định trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh.
  1. Gặp gỡ: Thượng HĐGM cấp thế giới là cuộc gặp gỡ các Giám mục trên thế giới. Thượng HĐGM cấp Giáo phận là cuộc gặp gỡ các thành phần dân Chúa để trao đổi lắng nghe và phân định.
  2. Lắng nghe: về niềm vui, khó khăn và đề nghị. Từ những đoạn Thánh Kinh (Rm 8,26; Xh 2,24;Xh 3,7), ngài chia sẻ về câu chuyện Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng của Dân Chúa.
  3. Phân định: Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta điều gì? Chúa Thánh Thần dạy chúng ta làm gì?
***
Đến 9g, có bài tham luận từ đại diện 7 Hội Dòng: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thuỷ, Tu Đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ, Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ, Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống, Tu Đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu và Các Hội Dòng Ngoài Giáo Phận.
  1. Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
Theo Đặc sủng và Linh đạo của Dòng, “Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, là đối tượng duy nhất; Sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo hội địa phương”, chúng con luôn hiệp thông với Giáo phận, cùng tham gia và thực thi sứ vụ Loan báo Tin Mừng qua những hoạt động chính như: Mục vụ Giáo xứ, Tông đồ Truyền giáo, Bác ái – Xã hội, Y tế, Giáo dục, v.v..
Niềm vui trong hoạt động
Trên hành trình dâng hiến và thi hành sứ vụ, chị em luôn cảm nhận được niềm vui, xác tín vào tình yêu quan phòng của Chúa và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong các sự kiện. Ngài đang hoạt động nơi các Bề trên qua những cuộc canh tân trong Hội dòng. Và chị em cũng cảm thấy hạnh phúc vì được Đức Giám mục Giáo phận quan tâm, nhiều linh mục và giáo dân khích lệ, giúp đỡ, cùng với sự yêu thương và hiệp thông giữa các thành viên trong Hội dòng.
Những khó khăn, trở ngại
Tuy nhiên, chị em cũng gặp một số khó khăn và trở ngại như:
Khía cạnh nội tại: Giới hạn về khả năng, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, sức khỏe, thiếu niềm tín thác và nhiệt huyết dấn thân nơi một số chị em;
Khía cạnh ngoại tại: Thiếu sự cảm thông và cộng tác, óc bè phái; áp lực công việc nhiều, thiếu nhân sự giáo dân cộng tác, trào lưu xã hội và tinh thần tục hóa trong Hội dòng; Giáo phận/Giáo xứ chưa có kế hoạch truyền giáo đồng nhất; thiếu đối thoại, v.v.
Những tổn thương
Bên cạnh đó, chị em cũng mang những thương tổn do thiếu khả năng nên chưa tự tin; bị kiệt sức vì đảm trách nhiều công việc, thiếu hụt thời gian cho bổn phận thiêng liêng và nghỉ ngơi… Một số chị em chịu tổn thương vì các yếu tố ngoại tại như: thiếu đối thoại với Cha xứ khi nhận công việc mục vụ. Với Bề trên, một số chị Phụ trách thiếu thông cảm, khiển trách thay vì động viên. Với chị em, đôi khi còn thiếu hiệp nhất yêu thương, thiếu sự thấu hiểu, và hỗ trợ nhau thi hành sứ vụ.
Những thiếu sót, sai lầm trong cộng đoàn
Ngoài ra, chúng con nhận thấy có một số thiếu sót, sai lầm trong cộng đoàn dẫn đến những trở ngại và thương tổn như:
Cách quản trị: Chưa có kế hoạch rõ ràng cho các hoạt động mang tính đặc sủng; ít chú trọng đến việc đầu tư nhân lực, đến việc huấn luyện/thường huấn.
Về đời sống: không ít cộng đoàn trong tình trạng người ít việc nhiều, khiến đời sống chị em chưa quân bình trong ba chiều kích: thiêng liêng, tinh thần và hoạt động; tình huynh đệ cộng đoàn còn nhiều thiếu sót; khác biệt giữa người lớn tuổi và người trẻ;
Với Giáo xứ: Chưa có sự thỏa thuận hợp lý về công việc mục vụ cụ thể với Cha và Giáo xứ.
Bài học kinh nghiệm
Từ những biến cố buồn vui này, chị em rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
Đối với Chúa: Ưu tiên việc đặt đời sống thiêng liêng làm nền tảng; ý thức sự hiện diện của Chúa để tín thác.
Với tha nhân: Học đón nhận những khác biệt để sống chân thành, tha thứ; xây dựng các mối tương quan xã hội lành mạnh; có cảm thức thuộc về Hội dòng; dấn thân cho sứ mạng, phục vụ trong khiêm tốn, vui tươi.
Với bản thân: Trau dồi đời sống tu đức; giữ kỷ luật chung; khiêm tốn đón nhận hữu hạn để thăng tiến ơn gọi.
Những điều cần thay đổi
Qua quá trình phân định, chúng con nhận ra điều Chúa muốn chị em làm, là xây dựng cộng đoàn hạnh phúc và cùng nhau thi hành sứ vụ; luôn sống trung thành và trọn vẹn giây phút hiện tại.
Do đó, Hội dòng sẽ chú trọng hơn đến việc huấn luyện toàn diện; đào tạo nhân sự cho Ban Huấn luyện; canh tân các hoạt động cho phù hợp với sứ mạng và đặc sủng Dòng; lập kế hoạch cho các hoạt động truyền giáo cụ thể; điều chỉnh lại hoạt động giáo dục; phát triển thêm các hoạt động tông đồ truyền giáo. Từng chị em cố gắng giữ lòng nhiệt huyết tông đồ, dấn thân cho sứ vụ, cùng với anh chị em tu sĩ trong Giáo phận nhà lan tỏa hương thơm bác ái theo Lời Chúa mời gọi.
Những đề nghị
Và để có thể hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng giữa lòng Giáo phận tốt hơn, chúng con xin phép đưa ra một số đề nghị và mong ước:
– Quý Cha xứ, quý chủng sinh và giáo dân hiểu biết về Linh đạo và Đặc sủng của từng Hội dòng để cảm thông và giao việc phù hợp.
– Có chương trình Giáo lý đồng bộ và xuyên suốt, lập Website về Giáo lý; quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị cho việc Giáo dục đức tin; đầu tư nhân sự và các đội ngũ huynh trưởng, giáo lý viên kế thừa.
– Giáo phận xây dựng Trung tâm Mục vụ.
– Ban Loan Báo Tin Mừng nắm rõ các vùng truyền giáo của Giáo phận, có chương trình hoạt động cụ thể, nối kết mọi thành phần Dân Chúa.
– Ban Caritas có nhiều hoạt động dành cho người nghèo.
– Giáo xứ quan tâm đến việc học Giáo lý; tổ chức lớp tìm hiểu ơn gọi, nhóm chia sẻ Lời Chúa, các hoạt động thể thao, các lớp năng khiếu.
– Giáo dân tham gia vào công việc mục vụ: ca đoàn, giáo lý viên, cắm hoa, phòng thánh, âm thanh  ánh sáng, truyền thông.
– Giáo xứ thỏa thuận công việc mục vụ với cộng đoàn Dòng tu cách hợp lý, tôn trọng sứ mạng, đặc sủng riêng của từng Hội dòng.
  1. Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thuỷ
1. HIỆP THÔNG
Xây dựng Cộng đoàn, Giáo phận trong tình hiệp thông và yêu thương theo tinh thần Tin Mừng chỉ có thể là hoa trái của Thánh Thần, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể trong đức tin và ân sủng. Khi sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa trong người anh em.
Nhiều anh em nhìn nhận để xây dựng một Cộng đoàn hiệp thông, thuận hòa, anh em cần xét ý lành cho nhau, cầu nguyện và quảng đại bỏ qua những lỡ lầm, thiếu sót, vì ý thức chính bản thân mình cũng bất toàn. Sự nâng đỡ và cảm thông những yếu đuối của anh em và sửa lỗi một cách tế nhị trong tình bác ái là cách thức tốt giúp mỗi người tìm kiếm những cái hay cái đẹp nơi anh em mình.
2. THAM GIA
Anh em đánh giá cao các thành viên tham gia các hoạt động của Cộng đoàn một cách có trách nhiệm và tích cực, luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em mỗi khi cần. Nhờ đó, mỗi người cảm nhận được sự nâng đỡ của anh em để cùng nhau bước đi trong niềm vui và hy vọng vì có Chúa ở cùng. Anh em nhấn mạnh đến tình yêu và sự khiêm nhường là hai thái độ cần có khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chung. Vì chính tình yêu Chúa Kitô, tình yêu đối với Giáo hội, bác ái với tha nhân làm nên giá trị siêu nhiên và nhân văn cho người Kitô hữu nói chung, cách riêng cho người tu sĩ. Khi thực thi đức ái Kitô giáo, mỗi người sẽ thấy được giá trị của chính mình. Kim chỉ nam định hướng cho các thành viên là sống theo giáo huấn Lời Chúa: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12). Một khi biết dành cho nhau cái Tâm – cái Tình thì mọi hoạt động đều mang lại ích lợi rất lớn cho bản thân và cho tha nhân.
 3. SỨ VỤ
Đời sống chiêm niệm tự thân là một việc tông đồ, bởi vì đó là lối sống thuộc về Giáo Hội, nhằm thể hiện sự hiệp thông với Giáo Hội. Anh em xác tín tầm quan trọng của đời sống đan tu trong việc loan báo Tin Mừng. Đời sống đan tu được ví như như bộ rể bám chặt vào nguồn mạch ân sủng của Thiên Chúa để chuyển tải sức sống linh thiêng của Chúa cho người khác, nhất là cho những ai đang rảo bước trên hành trình truyền giáo. Trong sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội, người đan sĩ tham gia cách tích cực qua các việc làm đạo đức như: Cầu nguyện, chầu Mình Thánh Chúa, đi đàng Thánh Giá, lần chuỗi mân côi, làm việc bác ái giúp người nghèo, phục vụ khách tĩnh tâm, dạy học, ban Bí tích Hòa giải vào những dịp cần thiết hoặc tổ chức các tuần tĩnh tâm cho những ai có nhu cầu.
Dù là Dòng chuyên về chiêm niệm, thì cũng nằm trong cơ cấu, sứ mạng của Giáo hội và ý muốn của Thiên Chúa. Các đan sĩ là những người con hướng về Mẹ Giáo hội, cách cụ thể là Giáo phận bằng lời cầu nguyện để Chúa ban cho Giáo hội nhiều “thợ gặt” lành nghề. Là người con của Giáo phận, chúng con sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo Phận trong một vài lĩnh vực mục vụ vì phần rỗi các linh hồn; và liên kết với các Dòng khác bằng đời sống cầu nguyện, bằng những chia sẻ và giúp đỡ trong khả năng phù hợp với linh đạo.
4. MỘT CHÂN TRỜI MỚI VỚI NHỮNG ƯỚC VỌNG
– Thinh lặng là yếu tố rất quan trọng trong đời sống đan tu, để xây dựng một lối sống lành mạnh và an tĩnh. Tuy nhiên, nhiều anh em nhìn nhận, môi trường thinh lặng đang bị tổn thương. Một số anh em coi nhẹ thinh lặng, dễ nói chuyện, dễ tụ tập bàn luận, đàm tiếu; điều này không những làm sáo rỗng tâm hồn mà còn làm xáo trộn đời sống chung. Anh em cần chú tâm đến giữ bầu khí thinh lặng để xây dựng đời đan tu an hòa.
– Hầu hết anh em chân nhận các đan sĩ trẻ sống nhiệt thành và hăng say trong phụng vụ và trong các sinh hoạt của Cộng đoàn. Tuy nhiên, có hai điều mà anh em trăn trở và có phần lo âu nơi một số đan sĩ là sống hời hợt với tinh thần đan tu. Một cách nào đó công nghệ hiện đại đã len lỏi vào căn phòng của các đan sĩ, làm mất thời giờ và gây ra sự nhạt nhẽo trong đời sống chiêm niệm vốn là đời sống một mình với Chúa. Điều mong muốn là các vị hữu trách cần phải thường xuyên nhắc nhở và giáo huấn để anh em sống đời chiêm niệm tốt hơn.
– Anh em đề cao tầm quan trọng của các đan sĩ lớn tuổi về gương sáng, sự kiên định và đời sống nội tâm. Các ngài là những người giàu kinh nghiệm trong đời sống đan tu. Anh em mong muốn quan tâm hơn nữa những cha anh lớn tuổi trong Đan viện, đặc biệt các cha anh đang mang nơi mình sức nặng của bệnh tật, sự mệt mỏi của tuổi xế chiều, để làm sao các ngài luôn cảm thấy mình có giá trị và tìm được an vui trong đời dâng hiến.
– Anh em mong muốn các đan sĩ nên học hỏi để sử dụng một cách có ý thức, có định hướng về những phương tiện truyền thông như internet, điện thoại, máy tính… vào việc tham gia sứ vụ của Giáo hội. Các đan sĩ có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào việc loan báo Tin Mừng, xây dựng sự hiệp thông và góp phần xây dựng cộng đoàn và Giáo hội theo sự năng động của Thánh Thần.
Mặc dầu còn đó những giới hạn của phận người, những vết thương của lỗi lầm, phần lớn anh em hài lòng với cuộc sống đan tu hiện tại. Với không gian tĩnh lặng, thời gian sinh hoạt quân bình, tình anh em hài hòa là những nét đẹp đời đan tu giúp mỗi người nghe được tiếng Chúa và để thấy được nhu cầu của anh em. Cuộc sống đan tu luôn là ân phúc và anh em đang chung sống là ân ban của Thiên Chúa.

3.Tu Đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ
PHẦN I: KINH NGHIỆM ĐỨC TIN
1.         Chị em sống tinh thần hiệp hành
Trọng kính Đức cha, kính thưa quý cha, quý Bề trên cùng cộng đoàn
Chị em Tu đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ trải qua những kinh nghiệm đức tin khi sống tinh thần Hiệp Hành trong Giáo Hội dưới 3 chiều kích:  hiệp thông, tham gia, sứ vụ theo Đặc sủng và Linh đạo của Tu Đoàn.
• Trước hết chị em chúng con hiệp thông với nhau và với toàn thể Giáo Hội trong cùng một đức tin, một phép rửa, một nghi thức phụng vụ của Giáo Hội.
– Chị em chúng con sống hiệp thông với nhau trong một Đặc sủng và Linh đạo của Tu đoàn, hướng đến cùng một sứ mạng loan “Tin Mừng cho người nghèo khó”
– Chị em chúng con hiệp thông trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội,
• Trong tinh thần hiệp thông chị em chúng con tham gia vào những sinh hoạt của Giáo phận phù hợp với vai trò của người tu sĩ, theo Linh đạo và Sứ mạng của Tu đoàn như:
– Làm việc trong các bệnh viện hoặc trạm xá công.
– Phục vụ bệnh nhân tại các phòng khám của Tu Đoàn
– Chăm sóc người già neo đơn và trẻ em bị bỏ rơi  tại các Mái ấm của Tu đoàn,
– Thăm viếng những người bệnh tật, già yếu trong các vùng thôn quê đặc biệt dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
– Lưu xá cho học sinh nghèo.
– Mục vụ giáo xứ (nếu cần).
• Chúng con ý thức rằng mỗi một cá nhân, mỗi cộng đoàn cùng liên kết với nhau trong cùng một thân thể là Giáo Hội và cùng liên kết với Đầu là Đức Kitô.
–   Chúng con là Tu đoàn hoạt động tông đồ có sứ vụ thi hành những việc của Chúa mà cụ thể là “cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới áo mặc, chữa trị và chăm sóc những người bệnh tật, những người bị bỏ rơi…
– Chị em thực thi sứ vụ loan “Tin Mừng cho người nghèo khó” của Tu Đoàn bằng vốn kiến thức, khả năng và ân sủng Chúa ban cho mỗi người.
2.         Những hoa trái của việc sống Hiệp hành
 Khi hiệp thông với nhau, cùng nhau tham gia vào sứ vụ theo Linh đạo của Tu Đoàn chị em chúng con ít nhiều đã tìm thấy những niềm vui không chỉ thoáng qua nhưng còn là những niềm vui đích thực và sâu thẳm:
– Trước hết chị em chúng con nhận ra hình ảnh của Con Thiên Chúa nhập thể nơi những người bị xã hội loại trừ hoặc ít quan tâm mà chị em đang phục vụ.
– Khi hiệp thông cùng nhau tham gia thực thi sứ vụ, chị em chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, làm cho đời sống ơn gọi của chị em được thăng tiến, qua đó giúp chị em sống đúng Linh đạo và làm triển nở sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”.
– Tính hiệp hành giúp cho chị em chúng con cùng tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe Giáo Hội và lắng nghe nhau khi tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội.
– Niềm vui vì học được bài học phục vụ của Chúa Giêsu “cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” khi chị em đến bên những người có địa vị thấp bé, đói rách, bệnh tật.
– Niềm vui vì chị em ý thức được sứ vụ của mình là cộng tác với Thiên Chúa trong nhiệm cục Sáng tạo và Cứu độ thế giới.
– Niềm vui vì được hòa vào các hoạt động của Tu Đoàn, được cùng với chị em sống lý tưởng Yêu Thương – Phục vụ theo gương Đấng sáng lập Tu Đoàn.
– Niềm vui vì mình có cơ hội nói về Chúa, giới thiệu Chúa cho người chưa nhận biết Ngài, cơ hội “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” đúng như sứ mạng của Tu đoàn.
3.         Những khó khăn và cản trở
 Bên cạnh những niềm vui thì chị em chúng con cũng còn gặp những khó khăn và trở ngại:
– Trước hết là những khó khăn về thủ tục hành chính của chính quyền địa phương.
– Sự bùng phát của công nghệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sứ vụ của người kitô hữu nói chung và của người tu sĩ nói riêng.
– Về đời sống cộng đoàn: Thiếu sự tôn trọng, cảm thông và lắng nghe nhau.
– Về bản thân chị em chúng con thiếu các kỹ năng và thiếu hồn tông đồ trong khi thi hành sứ vụ.
II.        NHỮNG THAO THỨC VÀ ĐỀ NGHỊ:
a.         Đối với các vị chủ chăn:
– Chúng con mong các linh mục sống tiết kiệm hơn để gần gủi với người giáo dân còn nghèo đói, rút bớt khoảng cách tiếp cận giữa cha xứ và giáo dân.
– Chúng con mong cha xứ quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ những người cộng tác với mình như các tu sĩ, hội đồng mục vụ và các đoàn thể.
– Mong các cha xứ tôn trọng Đặc sủng và Linh đạo của các Hội dòng, Tu đoàn, tạo điều kiện để chúng con sống và thực thi sứ mạng theo đúng Linh đạo của mình.
– Mong cha xứ bớt nóng giận, tế nhị khi sửa lỗi người khác, tránh sửa lỗi tu sĩ, HDMV, giáo dân trên tòa giảng…
– Mong các cha xứ siêng năng ngồi tòa giải tội.
b.        Về việc đào tạo
– Chúng con mong Giáo phận tổ chức thêm các đợt thường huấn để bổ sung, củng cố kiến thức và kỹ năng mục vụ cho các tu sĩ và cả giáo dân.
– Mong có những kỳ thi giáo lý cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận.
– Chúng con mong các Hội dòng và Tu đoàn trong Giáo phận cùng tổ chức chung lớp Thần học phổ cập vào dịp hè hàng năm.

  1. Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ
I.         HIỆP HÀNH TRONG CỘNG ĐOÀN, DÒNG TU
a.         Qua các buổi chia sẻ tâm linh của 03 giai đoạn hiệp hành vừa qua, chúng con nhận thấy rằng: Để có thể có một hiệp hành thật sự trong các cộng đoàn dòng tu, ngoài những tiêu chuẩn phổ quát của sự hiệp nhất như hiệp nhất trong một đức tin, hiệp nhất trong phụng tự, v.v. mỗi một Tu sĩ cần phải có: Đức ái, Đức vâng phục, đức khiêm tốn, v.v biết cầu nguyện cho nhau, quan tâm, nâng đỡ, cảm thông nhau, biết từ bỏ ý riêng, tôn trọng người khác, biết lắng nghe nhau & đối thoại, biết chân thành nhận lỗi và hoán cải, biết chân thành đóng góp ý kiến xây dựng, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích và sở thích cá nhân, chu toàn bổn phận được giao, tuân giữ kỷ luật chung, có khả năng cộng tác với bề trên và với nhau. Trong số các nhân đức trên, đức ái được xếp hàng đầu, là đức quan trọng nhất trong hiệp hành “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” bởi chưng “Thương nhau thì củ ấu cũng tròn”. Thánh Tô-ma A-qui-nô khi bàn về Ly Giáo đã nhận định: “Đức ái là nguyên nhân của niềm hiệp nhất Ki-tô; Sự ly tán, chia rẽ trong Giáo hội là tội nghịch với đức ái” (ST 2-2, 39-1). Bề dưới nếu không có đức ái thì chưa thể thật sự vâng phục bề trên; bề trên không có đức ái thì sẽ dễ dẫn đến độc đoán, óc giáo sĩ trị. Không có đức ái thì người phạm lỗi không thể nhận lỗi và hoán cải; Cộng đoàn không có đức ái sẽ dẫn đến tranh chấp, phe nhóm, gây chia rẽ trong cộng đoàn. Một cộng đoàn còn nhiều phe nhóm, còn mạnh ai nấy làm, còn lời chỉ trích, nói xấu, còn thái độ bất hợp tác, sống chết mặc bay, sống lãnh đạm, vô cảm với anh chị em của mình là lúc cộng đoàn đó đã mất đi đức ái, mà một khi không còn đức ái nữa thì chính là lúc khai tử sự hiệp hành trong cộng đoàn. Vậy đức ái lấy đâu ra? Xin hãy nhìn lên một Giê-su trên thập tự mà gẫm!
b.         Mặc dầu bề trên không phải là tất cả nhưng vai trò của họ vô cùng quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đoàn, đặc biệt đối với tinh thần hiệp hành trong cộng đoàn dòng tu. Vì thế, người Bề trên nên có một số đức tính cần thiết để có thể giúp cộng đoàn/tu đoàn sống tốt tinh thần hiệp hành, trong đó phải kể đến đức Khiêm tốn, công bằng, biết lắng nghe và phân định những ý kiến đóng góp của bề dưới, có khả năng gắn kết anh em, biết bàn thảo ý kiến với Ban cố vấn, bậc lão thành, người khôn ngoan, sống thân thiện, yêu thương, quan tâm đến anh chị em, biết chia sẻ công việc, tránh óc giáo sĩ trị, độc đoán, tự quyết, gia trưởng, v.v. và đặc biệt, Người Bề trên phải trở nên là Mục tử Nhân lành của Đức Ki-tô khi Bề trên đó “biết và gọi tên từng con chiên một,”  biết “lắng nghe tiếng của từng con chiên”, biết con nào khỏe mạnh để khuyến khích, bồi bổ; con nào yếu đau để chăm sóc, chữa trị, đỡ nâng; biết quy tụ, tìm kiếm những con chiên đã mất, và cuối cùng, biết thí mạng sống vì đàn chiên. Có như thế, chiên mới có thể biết và nhận ra được tiếng của chủ chăn, mới có thể yêu mến, vâng phục, và theo bước chủ chăn! Hiệp hành giữa người bề trên và bề dưới, giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau là ở đây!
II.        HIỆP HÀNH VỚI GIÁO PHẬN
a.         Với Đức Giám mục Giáo phận
Chúng ta vẫn nghe than phiền rằng nào là Đức Giám mục khó khăn, độc đoán, không biết lắng nghe bề dưới, không quan tâm, thấu cảm cho các dòng tu, v.v. nhưng đã bao giờ chúng ta góp ý cho các ngài cách khôn ngoan, với thái độ chân thành, khiêm cung trong tâm tình yêu mến? nhất là, đã bao giờ chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các ngài? Hay có chăng chỉ là Lời chuyển cầu cho Đức Giám mục của Kinh nguyện Tạ ơn trong Thánh lễ hoặc trong Lời cầu của các Giờ kinh Phụng vụ? Nếu chỉ biết than phiền mà không cầu nguyện và góp ý cách khiêm cung và chân thành thì quả thật, chúng ta chưa thực sự hiệp hành với Giám mục Giáo phận, cho dù có vẻ bề ngoài chúng ta đón tiếp các ngài long trọng mỗi khi các ngài viếng thăm mục vụ với cờ xí, biểu ngữ hoành tráng, với những bữa ăn toàn món ngon vật lạ. Đó là chưa kể đến việc chúng ta đôi khi chưa thực sự quan tâm đúng mực, hoặc chưa mau mắn thực thi những huấn dụ, thư mục vụ, hay đường hướng mục vụ của Giám mục giáo phận đề ra.
b.         Đối với Giáo xứ và Cha xứ mà các cộng đoàn dòng tu đang phục vụ, chúng ta thấy rằng các cộng đoàn nữ đã hiệp thông khá tốt; Tuy nhiên, đối với các cộng đoàn Nam tu sĩ và Linh mục thì còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có dấu hiệu phấn khởi cho lắm. Có lẽ một phần do nhu cầu mục vụ chưa cần thiết, hoặc có thể do thiếu nhân sự tu sĩ cho mục vụ giáo xứ chuyên biệt, nhưng cũng có thể một phần do hai bên chưa thấu hiểu hoặc hiểu chưa đúng về nhau khi tham gia sứ vụ. Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt dòng Chúa Cứu Thế, trong dịp Thường huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2015 có bài viết Tương Quan Giữa Các Dòng Tu Với Nhau, Với Giáo Phận Và Giáo Xứ đã nhận định: “Về phía Tu hội thì mặc kệ, không cộng tác, chỉ làm bổn phận của Tu hội mình, có lúc nại đến đặc sủng để cảm thấy bình an trong tình trạng bất hợp tác do bất hoà. Còn Cha xứ lại giữ thái độ ban phát: việc mục vụ, tông đồ, phụng vụ và ngay cả bác ái cũng là của cha, được làm là nhờ “cho”, nên khi cho làm là đã được ơn huệ và lòng tốt của cha rồi, nếu không ngoan ngoãn sẽ bị cắt.”  Hoặc như nhận định của Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn dòng Đa Minh là: “Còn nhiều ngần ngại, úy kỵ, não trạng cục bộ”  giữa Dòng – Triều. Ngoài ra, chúng ta thỉnh thoảng được nghe than phiền rằng các Linh mục triều thường hay quan liêu, độc đoán, lắm hủ tục, vua một cõi; còn các linh mục triều thì trách các linh mục và tu sĩ dòng là hay can thiệp quá sâu vào giáo dân của họ, thân thiện, dễ dãi với giáo dân, làm giảm mối tương quan tốt đẹp giữa cha xứ và giáo dân, v.v.. Quả thật, nếu không khắc phục được những ánh nhìn không thiện cảm về nhau, não trạng cục bộ, và không nỗ lực để hiểu nhau, thông cảm cho nhau thì khó có thể tiến tới một hiệp hành thật sự giữa Tu sĩ – linh mục dòng và các cha quản xứ trong việc cộng tác, tham gia mục vụ giáo xứ, giáo hạt, và giáo phận, cũng như loan báo Tin mừng tình thương cho muôn dân.  
III.      HIỆP HÀNH VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHỤC VỤ
Ngoại trừ một vài hội dòng chuyên biệt, hầu hết các Dòng tu thường có mối tương quan trực tiếp với các đối tượng mà dòng tu đó phục vụ như người nghèo, lương dân, hoặc tín đồ của các tôn giáo khác. Dù là phục vụ đối tượng nào, nhưng để có thể là môn đệ đích thực của Đức Kitô: “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ,” người tu sĩ khi tham gia sứ vụ loan báo Tin mừng trong vai trò phục vụ cần tránh hai thái độ:
1) Thái độ của kẻ cả, của người ban ơn;
2) Thái độ của kẻ nô lệ.
Bởi chưng, thái độ của kẻ ban ơn là thái độ của kẻ chỉ mong tìm kiếm hư vinh “vain-glory” chứ không phải để vinh danh Chúa và loan báo Tin mừng. Còn thái độ của kẻ nô lệ là thái độ của kẻ khiếp nhược, bị ép buộc phục vụ, họ vì bảo toàn tính mạng, vì miếng cơm manh áo mà phục vụ chứ không phải vì yêu; ý chí và lý trí của họ chỉ mong thoát khỏi cảnh làm tôi đòi. Vậy khi phục vụ, người tu sĩ cần có thái độ và tâm thế nào?
Đó là thái độ và tâm thế của một người tự do đích thực với phẩm giá cao quý của con cái Thiên Chúa. Đó là thái độ và tâm thế của một Giê-su là Chúa, là Thầy mà cúi xuống rửa chân cho học trò mình chỉ vì yêu. Đó là tâm thế của một linh mục cao quý, của một bà Xơ hoặc của một ông thầy dòng có thể là tiến sĩ, giáo sư, là chuyên gia, bác sĩ nhưng vì yêu mà đến và cúi xuống để “rửa chân” phục vụ tha nhân. Một Giê-su cao cả vì yêu như thế mới có thể làm cho một Phê-rô cao ngạo phải thốt lên: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Một Giê-su như thế mới có thể làm cho Phêrô biết ăn năn hối lỗi, dám chết cho Thầy chí thánh chí tình của mình. Linh mục tu sĩ cũng vậy, không phải kẻ cả cũng không phải nô lệ, tuy thân phận cao quý, nhưng vì yêu họ cúi xuống phục vụ, điều đó mới đáng nói, đó mới có thể làm cho những người được phục vụ nhận ra rằng vì yêu Chúa, vì yêu tha nhân mà các tu sĩ đến phục vụ, chứ không phải vì tiền, vì hư vinh, vì miếng cơm manh áo. Thái độ và tâm thế như vậy mới có thể là hiệp hành thực sự với những người được phục vụ; như vậy mới có thể loan báo Tin mừng đến với người nghèo, đặc biệt đến với lương dân.             
  1. Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống
I.         ĐỌC LẠI KINH NGHIỆM ĐỨC TIN
1.         Chị em sống hiệp thông với nhau, cùng nhau tham gia và thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng qua những hoạt động sau:
– Những hoạt động mục vụ theo chương trình của Hội dòng: Mục vụ giáo xứ, giáo dục, nội trú, thăm viếng và chia sẻ với người nghèo.
– Những chị em đang trong giai đoạn đào tạo thì thực hiện những hoạt động: học tập đời sống nhân bản, Kinh Thánh, giáo lý, đời sống cộng đoàn, Hiến Pháp, Linh đạo đặc sủng và nội quy của Hội Dòng. Tập sống đời sống cộng đoàn đồng thơi trao dồi các kỹ năng mục vụ: đàn, ca trưởng, xướng âm, phòng  thánh và nghệ thuật thánh.
– Cùng nhau sống cầu nguyện, tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, tĩnh tâm.
– Thực hiện các chương trình, các hoạt động mà Giáo hội hoàn vũ cũng như giáo phận Phan Thiết đưa ra.
II.        KHÁM PHÁ Ý NGHĨA KINH NGHIỆM ĐỨC TIN
2.         Qua những hoạt động trên, chị em cảm nhận được niềm vui:
– Chị em cảm nhận được niềm vui của đời thánh hiến, niềm vui của sự cho đi, quên mình vì sứ vụ của Hội Dòng. Vui khi góp một phần nhỏ của mình cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.
– Niềm vui khi gia nhập một gia đình thiêng liêng là Hội Dòng, khi sống đời sống đời sống cộng đoàn.
3.         Qua những hoạt động trên chị em cảm nhận được những khó khăn như:
– Những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, chị em chưa hiểu và thông cảm cho nhau.
– Những khó khăn trong đời sống mục vụ: Bản thân mỗi chị em chưa đủ tự tin để phục vụ nhất là trong thời đại công nghệ số, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết.
– Những khó khan trong đời sống thiêng liêng: giữa xã hội ngày càng tục hóa, chị em không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời việc chạy theo những guồng máy của xã hội khiến chị em đôi khi lơ đãng trong việc cầu nguyện kết hợp với Chúa, còn tham dự thánh lễ kinh phụng vụ hoặc các giờ thiêng liêng theo một thói quen.
4.         Qua những hoạt động ấy, chị em đã thấy được những thiếu sót cũng như sai lầm  trong cộng đoàn của mình như:
– Chị em trong cộng đoàn thiếu sự hiệp thông với nhau khi chưa biết bảo vệ nhau, chưa nhất quán trong cách mục vụ, cách làm việc, chưa thật sự hiểu biết và yêu thương nhau.
– Khi có sự việc xảy ra trong cộng đoàn, chị em chưa có  sự đối thoại trong tình gia đình, tôn trọng lẫn nhau.
– Nhiều khi các chị em trong cộng đoàn thiếu sự cố gắng, chưa tự đào tạo chính mình, chỉ biết đòi hỏi mà không biết nhìn lại chính bản thân.
5.         Qua những kinh nghiệm này, chị em rút ra những bài học sau:
– Sự đối thoại và lắng nghe trong cộng đoàn rất cần thiết và quan trọng để tạo được một cộng đoàn hiệp thông.
– Bản thân mỗi chị em phải bỏ cái tôi của mình để học hỏi và lắng nghe người khác nhất là khi bề trên sửa dạy.
– Các chị trưởng cộng đoàn cũng phải thông cảm, nâng đỡ, lắng nghe và chỉ bảo các chị em đang sống trong cộng đoàn của mình.
III.      THÀNH QUẢ CỦA KINH NGHIỆM ĐỨC TIN
– Sau khi mỗi thành viên trong Hội dòng cùng nhau nhìn lại tiến trình Hiệp hành của mình với Hội dòng, giáo phận và giáo hội, chị em xác tín rằng Dù trong mọi biến cố như thế nào thì Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn chị em đi theo thánh ý Ngài. Những khi gặp thử thách Chúa luôn ban ơn nâng đỡ để chị em trung thành trong đời dâng hiến.
7.         Từ đó chị em nhận ra rằng:
– Chúa muốn chị em thay đổi lối sống cũ, lối sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình, thay vào đó là xả thân vì Hội dòng, vì Giáo hội.
– Chúa muốn chị em khiêm tốn học hỏi nơi người khác, trao dồi nhân đức và cả những kỹ năng, kinh nghiệm.
– Chúa muốn chị em sống đúng bậc sống, đúng vị trí của mình.
8.         Những điều chị em cần phát huy, gìn giữ?
– Tinh thần vui tươi khi tham gia các hoạt động.
– Sống chân thành cởi mở với nhau.
– Biết hòa đồng  và khiêm tốn học hỏi.
– Duy trì đời Sống kết hiệp với Chúa, gia tang tình yêu thương đối với tha nhân, sự cảm thông và tha thứ sự thăng tiến bản thân về mọi phương diện của cuộc sống.
9.         Những điều cần thay đổi và thay đổi như thế nào?
– Thay đổi lối tư duy bảo thủ, tính tự ti, tự kiêu.
– Thay đổi tính nóng vội và thiếu kiên nhẫn.
– Thay đổi cách nhìn, luôn nghĩ tốt nói tốt và làm tốt cho chị em.
10.       Chị Em có đề nghị những chương trình, hoạt động  cho Hội Dòng/ Cộng đoàn/Giáo xứ/ Giáo phận của chúng ta, để phát triển trong tương lai như:
a.         Về phía Hội Dòng:
– Hội Dòng đầu tư cho những chị em có khả năng về một chuyên môn cụ thể, từ đó các chị em được đào tạo để sau này trở thành những nhân tố đào tạo tương lai cho Hội Dòng.
– Các chị trưởng cộng đoàn cần nắm bắt rõ về quy chế đào tạo của Hội dòng để có sự thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới trong Hội Dòng.
– Tham gia các khóa thường huấn, đào tạo tại các trung tâm mục vụ, học viện Công Giáo.
– Ưu tiên cho một số chị em có khả năng đi học Học Viện Công Giáo và tham gia các Chương trình của Giáo Phận
b.         Về phía Giáo Phận.
– Nên có các buổi học/họp chung về các vấn đề của Giáo Hội liên quan đến các văn thư của Giáo Hội hoặc các chương trình, các buổi cầu nguyện chung.
– Kiến nghị các giáo xứ thống nhất các thay đổi trong phụng vụ, giáo lý. Ví dụ: Thay đổi Kinh Lạy nữ vương thiên Đàng, Kinh 5 điều răn Hội Thánh….
– Kiến nghị giáo phận tổ chức các buổi học tập và chia sẻ về các văn kiện giáo hội cách dễ hiểu và thực tế
– Kiến nghị giáo phận có những chương trình giúp đỡ người khuyết tật cụ thể và có hiệu quả lâu dài.
 
  1. Tu Đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu
1.         Niềm vui phục vụ:
Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện tiến trình hiệp hành, từng thành viên trong Tu Đoàn của chúng con đều có những giây phút lắng đọng để nhìn lại thực trạng hiện nay của Tu đoàn. Từ đó, chúng con có thể đề ra hướng đi mới cho Tu Đoàn trong tương lai, nhằm thăng tiến đời tu của chúng con theo những giáo huấn của Giáo Hội.
Nhìn chung, Tu Đoàn của chúng con đang từng bước hình thành và phát triển về nhiều mặt cụ thể về:
– Đời sống thiêng liêng của chị em trong Tu đoàn ngày thêm  triển nở, Chị em luôn cảm nhận được niềm vui “ có Chúa ở cùng” trong các giờ kinh nguyện, suy gẫm.
– Đời sống cộng đoàn: mặc dù vẫn còn đó những khác biệt, thế nhưng chị em vẫn làm sáng lên tinh thần yêu thương, liên đới và gắn bó  “cộng đoàn như một gia đình”
– Đời sống dâng hiến: Chị em cảm nhận được ơn Chúa luôn tuôn tràn trong đời sống dâng hiến “Chúa dẫn tôi và các chị em cùng bước đi trên một con đường” đó là Linh Đạo Thừa Sai Thánh Mẫu.
– Đời sống tông đồ: Chị em luôn cảm nhận được tình Chúa, tình người ngang qua cuộc sống và sứ vụ của mình khi thi hành đặc sủng Thừa Sai.
2.         Hướng đến một Giáo Hội Hiệp Hành:
a.         Hiệp Thông:
Chị em cùng đi trên một “con đường Giê-su” dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương và theo tinh thần của Tu đoàn để chúng con cùng nhau:
– Hiệp thông trong các sinh hoạt chung của cộng đoàn/Tu đoàn và của giáo xứ/ Giáo phận.
– Hiệp thông trong chính lối suy nghĩ, cách thực hiện và ngay cả những trái ý, nỗ lực đóng góp hết sức có thể để hiệp thông với chị em trong hoạt động chung. Mỗi người cần xác định rõ bổn phận của mình trước Chúa, trước Đức Giám Mục, trước Bề trên để chu toàn công việc được giao một cách hoàn hảo, sáng tạo và qui hướng về Chúa cũng như đi đúng Linh đạo của Tu Đoàn.
– Hiệp thông trong những khác biệt của nhau và trong sự đa dạng về mọi phương diện. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất, lắng nghe với tất cả con tim,  chân thành cởi mở để nhìn nhận chính mình còn nhiều giới hạn cần đến sự trợ giúp của Chúa và của chị em.
b.        Tham gia:
– Khi được tham gia vào các hoạt động của cộng đoàn/Tu Đoàn cũng như của giáo xứ nơi mình phục vụ, chúng con đều cảm nhận được niềm vui vì được góp một phần nhỏ bé theo khả năng của mình trong việc phục vụ nhà Chúa, được trao dồi thêm những kinh nghiệm, được học hỏi, gặp gỡ, giao lưu với nhiều thành phần dân Chúa không những riêng trong Tu Đoàn, Trong giáo xứ, mà còn trải rộng trên những người lương dân, và các tôn giáo bạn.
c.         Sứ vụ:
– Với sự ý thức tự nguyện đặt mình dưới thẩm quyền của Giáo Hội để được sai đi, người nữ tu Thừa Sai thi hành sứ mạng đến với muôn dân, qua nét tinh thần nổi bật bằng sự hiện diện bác ái, cụ thể trong các công tác tông đồ phổ quát.
– Chị em ý thức luôn sẵn sàng đón nhận sứ vụ được trao. Hơn nữa, chúng con  cảm nhận được niềm vui nở rộ trên khuôn mặt của những người mà chúng con có cơ hội được phục vụ đó là những người nghèo khổ, người già, bệnh tật và trẻ em. Luôn cầu nguyện cho những người đang làm công tác tông đồ, đồng hành với họ trong lời cầu nguyện.
– Được sự hướng dẫn và nâng đỡ tận tình từ Đức Cha và quý Cha trong Giáo Phận, chúng con như được thêm sức mạnh để tiến bước trong hành trình thực thi sứ vụ.
3.         Những khó khăn và trở ngại:
a.         Trong cộng đoàn/Tu đoàn:
– Có thể do môi trường ngăn cách bởi vùng miền và cả những tính cách hoặc lối nhìn mà chúng con gặp khó khăn khi hiệp thông trong đời sống chung ở cộng đoàn cụ thể: có những lúc chị em còn chưa biết lắng nghe nhau, chưa tìm được tiếng nói chung, đôi khi góp ý chưa chân thành và tế nhị, chưa cảm được sự thông hiểu của chị em.
– Tu Đoàn Khó khăn về nhân lực, về kinh tế, cũng như về tài chính, cộng thêm Tu Đoàn còn rất non trẻ và yếu ớt, nên việc tham gia vào các hoạt động chung cũng như riêng còn bị hạn chế.
b.        Trong giáo xứ/Giáo Phận:
– Chị em còn rất giới hạn về các khả năng, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, sức khỏe, trách nhiệm và nhiệt huyết dấn thân ở một số nhân sự, nên rất khó cho việc sai đi và phục vụ ở các giáo xứ.
– Do bất đồng quan điểm giữa chúng con và quý Cha xứ cũng có thể gây ra những khó khăn cho chúng con trong việc Hiệp Thông-Tham gia và Sứ vụ.
4.         Hướng đi mới trong tương lai:
a.         Tu Đoàn:
– Tu Đoàn cần tạo điều kiện cho các chị em được trau dồi về các mặt của người Tu sĩ trưởng thành.
– Tu Đoàn cần quan tâm tới đời sống toàn diện của từng chị em.
– Tu đoàn cần mở ra các khoá đào tạo ngắn ngày để huấn luyện hoặc thường huấn  cho các chị có trách nhiệm trong Tu Đoàn cũng như trong cộng đoàn.
b.        Cộng Đoàn:
– Cộng đoàn là hiện thân của một bầu khí gia đình, nơi đây chị em sống chan hòa, an vui và cũng là nơi để giải tỏa những tâm tư, nguyện vọng khi chị em cần đến.
– Cộng Đoàn dành thời gian ưu tiên cho đời sống cầu nguyện, học tập, lao động, và thăm viếng các đối tượng cần đến mình.
– Cộng Đoàn cần phối hợp với giáo xứ để phân bổ công việc sao cho hài hòa và đồng đều theo khả năng của chị em, nhằm nâng đỡ và tạo điều kiện cho các chị em được sống, làm việc, và hoạt động tông đồ…
c.         Cá nhân Chị em:
– Chị em phải biết tôn trọng những khác biệt, yêu thương cách chân thành và lắng nghe cách tế nhị.
– Chị em phải biết tự cố gắng đào luyện mình mỗi ngày, học hỏi thêm kinh nghiệm của nhau, biết quan tâm tới nhu cầu của nhau, và vác đỡ gánh nặng cho nhau.
– Biết khiêm nhường vui vẻ đón nhận những góp ý, sửa lỗi và cả những điều trái ý trong cuộc sống.
– Đồng thời chị em cũng phải biết giúp đỡ các chị có trách nhiệm theo khả năng của mình.
– Chị em cần thích nghi và tích cực tham gia cộng tác với cộng đoàn và giáo xứ, hăng say dấn thân cho sứ vụ khi được sai đến nơi mình hiện diện.
d.        Giáo xứ:
– Chúng con ước mong được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ quý Cha xứ và cộng đoàn Giáo xứ, tạo điều kiện giúp chúng con thực hiện tốt phận vụ của mình.          
  1. Các Hội Dòng Ngoài Giáo Phận
Linh mục Bênađô Trần Nghiêm  trình bày tóm tắt những ý kiến của Nữ tu thuộc 12 Hội Dòng Nữ có nhà chính ngoài Giáo phận.
1. Niềm vui, hạnh phúc khi được hiệp thông, tham gia vào sứ vụ của Chúa
– Được gợi hứng từ sự mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, Quý Sơ, theo đặc sủng của mình, đã vui vẻ, hạnh phúc và hăng say tham gia vào tất cả các công việc truyền giáo của Giáo phận, như: phụ trách ca đoàn, dạy giáo lý, cắm hoa bàn thờ, thăm viếng bệnh nhân, sinh hoạt các đoàn thể, dạy trẻ, chôn cất thai nhi, giúp đỡ những người phụ nữ cơ nhỡ, người nghèo khó…
– Một số dòng khác còn vượt qua biên giới của Giáo phận để đi đến những vùng sâu, vùng xa, mang Tin Mừng đến cho dân ngoại cũng như giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần. Các Sơ luôn ý thức mình là chi thể của Chúa Giêsu và coi anh chị em như là con cái cùng một Cha trên trời, nên mọi việc Quý Sơ tuy khác nhau và khác dòng, nhưng cùng tham gia vào một “dòng máu” tình yêu hiệp thông giữa Thiên Chúa và anh chị em.
2. Những khó khăn gặp phải khi tham gia vào hoạt động truyền giáo
– Những khó khăn chung: giờ giấc sinh hoạt và chương trình sống của Cộng đoàn chồng chéo với sinh hoạt của giáo xứ hoặc với giáo dân.
– Những khó khăn khác của bản thân như: còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức công nghệ, thời gian, năng khiếu để chia sẻ công việc của Giáo phận.
– Nhiều khó khăn khác trong việc dạy giáo lý: Thiếu giáo lý viên, các em vắng mặt nhiều vì bận học văn hóa cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả ngày Chúa nhật. Các bậc cha mẹ không mấy mặn mà để các em đi học giáo lý.
3. Mong ước và đề nghị của Quý Sơ
Giáo phận:
– Cần có những chương trình cụ thể để hướng dẫn và đồng hành để cùng nhau mang Tin Mừng của Chúa đến các vùng ngoại biên.
– Cần sử dụng phương tiện truyền thông để tổ chức các hoạt động qua truyền hình, như: học hỏi giáo lý, Kinh Thánh….
– Cần có một chương trình giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên, thay vì chôn cất thai nhi như là giải quyết hậu quả.
– Cần có sự cảm thông từ cha xứ vì Quý Sơ còn phải dạy trẻ để nuôi sống chính mình, vì thế, không nên ép các sơ làm nhiều việc quá. Quý Sơ cũng gặp những hiểu lầm từ cha xứ: do cha không có chương trình rõ ràng, ít đối thoại, mà chỉ ra lệnh, có cha còn có tinh thần “giáo sĩ trị.”

***
Sau giờ giải lao, nhiều ý kiến cá nhân góp thêm niềm vui và kinh nghiệm đức tin cho các tu sĩ trong ơn gọi tu trì và dấn thân phục vụ.

Cha Phêrô Nguyễn Hữu Duy chia sẻ:Tu sĩ lắng nghe Kinh thánh. 2 môn đệ Emmau lắng nghe Kinh Thánh và quay trở lại Giêrusalem. Saolô trên đường Đamat trở lại thành Phaolô.Cảm nhận cá nhân qua việc lắng nghe Lời Chúa.

Tiếp theo Đức cha ban huấn từ sau khi lắng nghe và phân định. Ngài nói đến tiến trình hiệp hành với 5 bước Hiệp Hành: học hỏi lắng nghe, giải thích, hoán cải, làm chứng, và hiệp thông với Phêrô.

Ngài cũng chia sẻ câu chuyện tâm đắc về hiệp hành và mong muốn các Tu sĩ nam nữ thực thi sứ vụ tông đồ trong ơn gọi yêu thương. Ngài cũng chia sẻ câu chuyện tâm đắc về hiệp hành thư Thư Mục Vụ ngày 3.12.2021 về người khuyết tật và và mong muốn Tu sĩ cũng thực thi những câu chuyện hiệp hành như thế. Tu sĩ chính là bàn tay nối dài của Chúa Giêsu đến với người nghèo, người khuyết tật. Giới thiệu bộ giáo lý mới của giáo phận. Những thông tin về chương trình hiệp hành của Giáo phận tại Trung tâm Thánh Mẫu Tapao vào ngày 11-12 tháng 8 sắp tới, đây cũng là ngày kỷ niệm thụ phong Giám Mục của 2 Đức cố Giám Mục Nicôla và Phaolô và hướng tới Năm Thánh mừng Kim khánh Giáo phận.

Đại diện liên tu sĩ Phan thiết cám ơn Đức cha và mọi người.

Lúc 11g30, buổi Hiệp Hành kết thúc với tâm tình bài ca dâng Mẹ.
Đức cha Giuse ban phép lành.

Niềm vui Tin Mừng lan toả với các Tu sĩ trên hành trình trở về gia đình và giáo xứ.

(Nguồn: BTT GP. Phan Thiết)