Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Bài 2: Maria là Vị Trinh Mẫu thụ thai bởi Quyền Phép Thánh Linh

Chuyên mục: Các bài giáo lý về Đức Maria - Ngày đăng: 16.05.2022
Chia sẻ:

Bài 2 : MARIA LÀ VỊ TRINH MẪU THỤ THAI BỞI QUYỀN PHÉP THÁNH LINH

(Giáo Lý Thánh Mẫu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II , Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, bvl, Chuyển dịch)

Ngày 13/9/1995

  1. Trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân Công Đồng nói rằng “hợp với Chúa Kitô là đầu và hiệp thông với tất cả các thánh nhân của Người, tín hữu trước hết cần phải tỏ ra trân trọng tưởng nhớ ‘đến Mẹ Maria Trinh Nguyên vinh hiển, Người Mẹ của Thiên Chúa chúng ta và Chúa Giêsu Kitô” (khoản 52). Hiến Chế của Công Đồng đây sử dụng những từ ngữ này theo Sách Lễ Rôma, như thế là muốn nhấn mạnh đến niềm tin tưởng vào vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria đã hiện hữu nơi tư tưởng của Kitô hữu từ các thế kỷ đầu tiên ra sao.

Trong Giáo Hội sơ sinh, Mẹ Maria được tưởng nhở đến với danh hiệu “Mẹ của Chúa Giêsu”. Chính Thánh Luca đã gọi Mẹ bằng danh hiệu này trong Sách Tông Vụ, một danh hiệu tương xứng còn hơn cả những gì được nói trong các Phúc Âm: “Người này không phải là con của Maria hay sao?”, thành phần dân cư ở Nazarét tỏ ra ngỡ ngàng theo trình thuật của Thánh Ký Marcô (6:3); “Maria không phải là mẹ của anh ta hay sao?” là câu hỏi được Thánh Mathêu ghi nhận (13:55).

Vai trò làm mẹ của Mẹ Maria cũng liên quan tới Giáo Hội

  1. Trước con mắt của các môn đệ, khi các vị tụ họp lại sau biến cố Thăng Thiên, thì danh xưng “Mẹ của Chúa Giêsu” có một ý nghĩa trọn vẹn. Đối với các vị, Mẹ Maria là một con người độc nhất vô nhị theo thân phận của Mẹ: Mẹ đã nhận được ơn đặc biệt trong việc hạ sinh Đấng Cứu Thế của nhân loại; Mẹ đã sống một thời gian dài bên Người; và trên Canvê Mẹ đã được Đấng Tử Giá kêu gọi để thực thi một “vai trò làm mẹ mới” liên quan tới người môn đệ yêu dấu, và qua người môn đệ này, tới toàn thể Giáo Hội.

Vì những con người này tin vào Chúa Giêsu và theo Người mà “Mẹ Chúa Giêsu” là một danh hiệu của niềm vinh dự và lòng trọng kính, và sẽ vĩnh viễn là thế nơi niềm tin tưởng và đời sống của Giáo Hội. Với danh xưng này, Kitô hữu đặc biệt có ý nói rằng người ta không thể nào nói đến nguồn gốc của Chúa Giêsu mà lại không nhìn nhận vai trò của người nữ đã hạ sinh Người bởi Thần Linh về bản tính nhân loại của Người. Vai trò từ mẫu của Mẹ cũng bao gồm việc hạ sinh và tăng trưởng của Giáo Hội. Khi nhắc lại vị thế của Mẹ Maria nơi đời sống của Chúa Giêsu, tín hữu mỗi ngày khám phá ra sự hiện diện hiệu năng của Mẹ trong cuộc hành trình thiêng liêng của họ.

  1. Từ ban đầu, Giáo Hội đã nhìn nhận vai trò làm mẹ đồng trinh của Mẹ Maria. Như các Phúc Âm về thời thơ ấu giúp chúng ta có thể nắm bắt được là chính những liên tục của Kitô giáo tiên khởi đã thu góp những hồi tưởng của Mẹ Maria lại với nhau về những hoàn cảnh mầu nhiệm nơi việc thụ thai và hạ sinh của Chúa Cứu Thế. Đặc biệt là trình thuật Truyền Tin là những gì đáp ứng lòng ước muốn của các môn đệ trong việc có được kiến thức sâu xa nhất về các biến cố liên quan tới những thuở ban đầu nơi đời sống trần gian của Chúa Kitô. Thực sự Mẹ Maria ở đầu nguồn gốc cho mạc khải về mầu nhiệm của việc thụ thai trinh nguyên do tác động của Thánh Linh.

Sự thật này, sự thật tỏ cho thấy nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu, đã được thấu hiểu tức khắc bởi các Kitô hữu tiên khởi vì ý nghĩa quan trọng của nó và được bao gồm trong những xác quyết chính yếu của đức tin họ. Là con của Thánh Giuse theo luật, Chúa Giêsu thực sự, do việc can thiệp phi thường của Thánh Linh, là cngười con duy nhất của Mẹ Maria về nhân tính của Người, vì Người được hạ sinh không dính dáng gì tới nam nhân.

Đức đồng trinh của Mẹ Maria bởi thế có được một giá trị độc nhất vô nhị và làm sáng tỏ về mầu nhiệm hạ sinh của Chúa Giêsu cũng như về mầu nhiệm làm con của Người, vì việc sinh hạ trinh nguyên này là dấu cho thấy Chúa Giêsu có chính Thiên Chúa là Cha của Người.

Được nhìn nhận và đưcợc công bố bởi đức tin của các vị Giáo Phụ, vai trò làm mẹ trinh nguyên không bao giờ được tách khỏi căn tính của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật, vì “được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria”, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicene-Constantinopolitan. Mẹ Maria là Trinh Nữ duy nhất cũng đóng vai trò của một Người Mẹ. Việc đồng hiện hữu phi thường này của hai tặng ân này nơi con người của người tỳ nữ thành Nazarét đã khiến Kitô gọi Mẹ Maria một cách giản dị là “Trinh Nữ”, thậm chí khi họ mừng vai trò làm mẹ của Mẹ.

Đức đồng trinh của Mẹ Maria bởi thế đã khơi động nơi ccộng đồng Kitô hữu việc truyền bá cuộc sống đồng trinh bao gồm tất cả những ai được Chúa kêu gọi sống như thế. Ơn gọi đặc biệt này, một ơn gọi đạt tới tột đỉnh của nó nơi gương của Chúa Kitô, là tiêu biểu cho sự phong phú khôn lường về thiêng liêng đối với Giáo Hội ở hết mọi thời đại, một Giáo Hội tìm thấy nơi Mẹ Maria nguồn hứng khởi và mô phạm của mình.

“Mẹ Thiên Chúa” là sự bày tỏ của lòng đạo đức phổ thông

  1. Việc khẳng định “Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria” đã bao gồm trong biến cố này một mầu nhiệm siêu việt, một mầu nhiệm có thể được bày tỏ trọn vẹn nhất chỉ ở nơi sự thật về vai trò làm con thần linh của Chúa Giêsu. Sự thật về vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ Maria chặt chẽ liên hệ tới lời phát biểu chính yếu này của đức tin Kitô giáo: Mẹ thực sự là Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa… Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, một tước hiệu đã được Thánh Mathêu chứng thực bằng một diễn tả tương đương là “Mẹ của Emmanuel”, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (cf. Mt 1:23), được hiển nhiên qui cho Mẹ Maria chỉ sau một cuộc suy nghĩ trải qua khoảng 2 thế kỷ. Chính vào thế kỷ thứ ba những Kitô hữu ở Ai Cập mới bắt đầu kêu cầu Mẹ Maria như là “Theotókos”, Mẹ Thiên Chúa.

Với tước hiệu này, một tước hiệu đã có được một tiếng vang rộng lớn nơi lòng tôn sùng của dân Kitô giáo, Mẹ Maria được thấy đúng với chiều kích làm mẹ của Mẹ: Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng Mẹ đã trinh khiết hạ sinh về nhân tính của Người và đã nuôi dưỡng Người bằng tình mẫu tử, bởi thế góp phần vào việc tăng trưởng về nhân bản của ngôi vị thần linh, Đấng đến để biến đổi định mệnh của nhân loại.

  1. Một cách hết sức ý nghĩa, kinh cổ kính nhất nguyện cầu cùng Mẹ Maria (“Sub tuum praesidium…”, “Chúng con chạy đến với sự chở che của Mẹ…”) chất chứa lời kêu xin: “Theotókos, Mẹ Thiên Chúa”. Danh xưng này không được bắt nguồn từ việc suy tư của các thần học gia, nhưng từ một trực giác của đức tin nơi dân Kitô giáo. Những ai nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thì ngỏ cùng Mẹ Maria như là Mẹ Thiên Chúa và hy vọng xin Mẹ uy quyền trợ giúp trong những cơn thử thách của cuộc đời.

Công Đồng Chung Êphêsô vào năm 431 đã đã định tín vai trò làm mẹ thần linh này, chính thức qui cho Mẹ Maria tước hiệu “Theotókos” liên quan tới một ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.

Có 3 câu diễn tả được Giáo Hội sử dụng qua các thế kỷ để bày tỏ niềm tin của mình nơi vai trò làm mẹ của Mẹ Maria: “Người Mẹ của Chúa Giêsu”, “Người Mẹ Đồng Trinh” và “Người Mẹ của Thiên Chúa”, như thế, chứng tỏ cho thấy rằng vai trò làm mẹ của Mẹ Maria liên hệ thân mật với mầu nhiệm Nhập Thể. Ba tước hiệu này là những khẳng định của tín lý, cũng liên quan tới lòng đạo đức phổ thông là những gì giúp xác định chính căn tính của Chúa Kitô.