Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

Bài 1: Mẹ Maria là mẫu mực cho sự thánh thiện của Giáo Hội

Chuyên mục: Các bài giáo lý về Đức Maria - Ngày đăng: 16.05.2022
Chia sẻ:

Bài 1: MẸ MARIA LÀ MẪU MỰC CHO SỰ THÁNH THIỆN CỦA GIÁO HỘI 

(Giáo Lý Thánh Mẫu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II , Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, bvl, Chuyển dịch)

Ngày 6/9/1995

  1. Sau khi dừng lại ở các buổi giáo lý trước để suy tư sâu xa hơn về căn tính và sứ vụ của Giáo Hội, giờ đây tôi muốn hướng mắt về Đức Trinh Nữ, Mẹ là hiện thực hóa trọn hảo sự thánh thiện của Giáo Hội và là mô phạm của Giáo Hội.

Đó chính là những gì các vị Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II đã thực hiện, ở chỗ, sau khi giải thích tín lý về thực tại của Dân Chúa trong lịch sử cứu độ, các vị muốn hoàn trọn nó bằng cách trình bày về vai trò của Mẹ Maria nơi công việc cứu độ. Thật vậy, mục đích của chương tám trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng là để nhấn mạnh đến ý nghĩa về giáo hội học nơi tín lý Thánh Mẫu, thế nhưng đồng thời cũng làm sáng tỏ về việc đóng góp được hình ảnh Đức Trinh Nữ này cống hiến giúp cho chúng ta hiểu biết về mầu nhiệm của Giáo Hội.

  1. Trước khi giải thích cuộc hành trình Thánh Mẫu này của Công Đồng, tôi muốn có một cái nhìn ý thức về Mẹ Maria như Mẹ được diễn tả trong Sách Tông Vụ, ở vào lúc ban đầu của Giáo Hội. Ngay đầu của cuốn sách Tân Ước này, cuốn sách diễn tả về đời sống của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, và sau khi ghi tên của các Tông Đồ từng vị một (1:13), Thánh Luca nói: “Tất cả các vị đều đồng tâm nhất trí sốt sắng cầu nguyện, cùng với các người phụ nữ và Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, và anh em của Người” (1:14).

Con người của Mẹ Maria nổi bật một cách rõ ràng trong bức tranh này; mẹ là con người duy nhất, với các vị Tông Đồ được kể tên. Mẹ tiêu biểu cho một dung mạo của Giáo Hội, khác với và bổ túc cho chiều kích thừa tác hay phẩm trật.

  1. Thật vậy, câu của Thánh Luca đề cập tới sự hiện diện của một số phụ nữ, nên cho thấy tầm quan trọng của việc góp phần của nữ giới vào đời sống của Giáo Hội ngay từ ban đầu. Sự hiện diện này gắn liền một cách chặt chẽ với sự kiên trì của cộng đồng này trong việc cầu nguyện và sống hòa hợp với nhau. Những tính chất này hoàn toàn bày tỏ hai khía cạnh của việc nữ giới đóng góp đặc biệt cho đời sống của Giáo Hội. Thích hợp hơn với hoạt động bề ngoài, nam nhân cần đến sự trợ giúp của phụ nữ để được mang trở lại với những mối liên hệ riêng tư hầu tiến tới mối hiệp nhất của tâm can.

Vai trò của Mẹ Maria

có một tầm vóc quan trọng đáng kể

“Diễm phúc hơn các người nữ” (Lk 1:42), Mẹ Maria hoàn trọn một cách xuất sắc sứ vụ nữ giới này. Còn ai hơn Mẹ Maria trong việc có thể khuyến khích tất cả mọi tín hữu kiên trì cầu nguyện đây? Còn ai hơn Mẹ Maria trong việc cổ võ sống hòa hợp và yêu thương đây?

Khi nhìn nhận vai trò mục vụ được Chúa Giêsu trao phó cho 11 Vị, những người phụ nữ ở trên Căn Thượng Lầu này, có Mẹ Maria ở giữa họ, đã liên kết với việc nguyện cầu của các vị và đồng thời đã chứng thực cho sự hiện diện của một Giáo Hội của con người, thành phần, cho dù không lãnh nhận sứ vụ ấy, cũng là những phần tử hoàn toàn có đủ lông cánh của một cộng đồng qui tụ lại trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô.

  1. Sự hiện diện của Mẹ Maria trong cộng đồng này, một cộng đồng đang đợi chờ trong cầu nguyện trước việc tuôn đổ Thần Linh xuống (cf. Acts 1:14), nhắc nhở về thân phận của Mẹ trong việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa bởi hoạt động của Thánh Linh (cf Lk 1:35). Vai trò của vị Trinh Nữ này ở vào giai đoạn ban đầu ấy và vai trò Mẹ đóng lúc bấy giờ, trong việc tỏ hiện của Giáo Hội vào Lễ Ngũ Tuần, liên kết chặt chẽ với nhau.

Sự hiện diện ở vào những giây phút đầu tiên của đời sống Giáo Hội được đề cao một cách đặc biệt bằng việc so sánh với sự tham dự rất kín đáo của Mẹ trước đó trong thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu. Khi Người Con bắt đầu sứ vụ của mình thì Mẹ Maria ở lại Nazarét, mặc dù việc phân ly này không loại trừ những giao tiếp quan trọng như cuộc giao tiếp ở Cana. Nhất là không ngăn cản Mẹ khỏi tham phần vào hy tế Canvê.

Tuy nhiên, nơi cộng đồng tiên khởi này, vai trò của Mẹ Maria có một tầm vóc quan trọng đáng kể. Sau cuộc Thăng Thiên và nơi niềm trông đợi Hiện Xuống, Người Mẹ của Chúa Giêsu đã đích thân hiện diện ở những giai đoạn đầu của một công cuộc được Con Mẹ khởi sự.

  1. Sách Tông Vụ nhấn mạnh rằng Mẹ Maria ở trên Căn Thượng Lầu “với anh em của Chúa Giêsu” (Acts 1:14), tức là với họ hàng của Người, như luôn được Giáo Hội dẫn giải. Không phải là một qui tụ gia đình, ở chỗ dưới sự hướng dẫn của Mẹ Maria, gia đình tự nhiên của Chúa Giêsu này đã trở thành một phần trong gia đình thiêng liêng của Chúa Kitô: “Ai thực hiện ý muốn của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu phán, “là anh chị em của Tôi và là mẹ của Tôi” (Mk 3:35).

Cũng trong trường hợp này, Thánh Luca minh nhiên diễn tả Mẹ Maria là “mẹ của Chúa Giêsu” (Acts 1:14), hầu như là ngài muốn nói lên rằng một điều gì đó về sự hiện diện của Người Con đã thăng thiên về trời vẫn còn ở nơi sự hiện diện của người mẹ này. Mẹ đã nhắc nhở các môn đệ về dung nhan của Chúa Giêsu, và là biểu hiệu, qua sự hiện diện của Mẹ trong cộng đồng này, về lòng trung thành của Giáo Hội đối với Đức Kitô là Chúa.

Tước hiệu “Mẹ”, trong bối cảnh này, loan báo một thái độ gần gũi quan tâm của Đức Mẹ tỏ ra nơi đời sống của Giáo Hội. Mẹ Maria mở lòng mình ra đối với Giáo Hội để tỏ cho thấy những kỳ công được thực hiện nơi Mẹ bởi vị Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu.

Mẹ Maria

là thày dạy cầu nguyện đối với Kitô hữu

Ngay từ ban đầu, Mẹ Maria đã thi hành vai trò của mình như là “Mẹ của Giáo Hội”: hành động của Mẹ đã gia tăng sự thông cảm giữa các vị Tông Đồ, thành phần được Thánh Luca diễn tả như “đồng tâm nhất trí”, không hề xẩy ra tranh luận lắm khi đã xẩy ra giữa các vị.

Sau hết, Mẹ Maria đã thể hiện vai trò làm mẹ của mình đối với cộng đồng tín hữu này không những bằng việc cầu nguyện để xin cho Giáo Hội được những tặng ân của Thánh Linh cần thiết cho việc hình thành của Giáo Hội cũng như cho tương lai của Giáo Hội, mà còn bằng việc dạy dỗ các môn đệ của Chúa về mối hiệp thông liên lỉ với Thiên Chúa nữa.

Như thế Mẹ đã trở thành thày dạy cầu nguyện của dân Kitô giáo, thày dạy việc gặp gỡ với Thiên Chúa, một yếu tố chính yếu và bất khả thiếu, nhờ đó hoạt động của các vị Chủ Chiên và tín hữu bao giờ cũng mới được bắt đầu nơi Chúa và nội tại được tác động trong Chúa.

  1. Từ những nhận định vắn gọn này, có thể rõ ràng thấy được mối liên hệ giữa Mẹ Maria và Giáo Hội là một so sánh hấp dẫn ra sao giữa hai người mẹ. Nó cho thấy sứ vụ từ mẫu của Mẹ Maria và việc dấn thân của Giáo Hội hằng tìm kiếm căn tính đích thực của mình trong việc chiêm ngưỡng dung nhan của Người Mẹ Thiên Chúa – Theotókos.