Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

Mở đầu cuộc hội thảo về Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng: diễn văn chào mừng

Chuyên mục: Giáo hội hoàn vũ - Ngày đăng: 17.11.2023
Chia sẻ:

MỞ ĐẦU CUỘC HỘI THẢO VỀ
VĂN KIỆN ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG DIỄN VĂN CHÀO MỪNG

Miguel Angel Ayuso Guixot
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn

WHĐ (17.11.2023) – Tôi muốn gửi đến anh chị em những tình cảm nồng ấm nhất của tôi cho sự kiện hội thảo trực tuyến này. Ba mươi năm trước, ngày 19 tháng 5, 1991, Hội đồng Giáo hoàng này liên kết với Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc (Propaganda Fide) đã phát hành văn kiện “Đối Thoại và Rao Giảng: Các Suy tư và Đường hướng về Đối Thoại Liên Tôn và Rao Giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.” Đó là kết quả của một cuộc đối thoại quý giá trong nội bộ Hội Thánh, thúc đẩy cả hai cơ quan này của Tòa Thánh suy nghĩ về nhiệm vụ của mỗi cơ quan đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng chung của Hội Thánh.

Về phía Hội đồng Giáo hoàng này, cuộc đối thoại lúc ấy đang diễn ra ở một thời điểm quan trọng: một phần tư thế kỷ sau văn kiện Nostra Aetate (của CĐ Vaticanô II), văn kiện tạo cảm hứng cho Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Đối thoại phải trở thành một cơ hội thuận lợi để suy nghĩ về hình dáng sứ mạng nguyên thủy của cơ quan này, đó là, theo lời của Đức giáo hoàng Phaolô VI, “tìm kiếm các phương pháp và cách thức mở ra một cuộc đối thoại thích hợp với những người ngoài Kitô giáo” (Regimini Ecclesiae, số 99).

Trong tiến trình tìm kiếm sự đối thoại thích hợp với bên ngoài, cần có sự đối thoại trong nội bộ trong việc phục vụ sứ mạng toàn diện của Hội Thánh. Trong suốt ba thập kỷ, hoa quả của sự hợp tác giữa các Bộ (D&P 4) đã được lấy làm bản thiết kế của Bộ này.

Đối thoại trong nội bộ

Lời kêu gọi đối thoại trong nội bộ được áp dụng ở mọi cấp, và đặc biệt trong các Giáo hội địa phương, vì các Giáo hội này phải là những người nắm giữ vai trò chủ đạo đối thoại. Chiều kích nội bộ nhắc nhớ người Công giáo rằng đối thoại là một phần thiết yếu của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh, và họ phải đáp ứng sứ vụ này một cách nhanh nhạy và hợp với hoàn cảnh của họ: “Tùy theo hoàn cảnh của mình, các Kitô hữu phải được khích lệ tự trang bị bản thân để có thể chu toàn tốt hơn nhiệm vụ kép này” (D&P 89).

Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng đã làm sáng tỏ nội dung và đặc tính của đối thoại (D&P 9), nhìn nhận những hình thức và đường lối để thể hiện nó trong thực tế (D&P 42), và đã mô tả những sự chuẩn bị hay thái độ giúp khích lệ đối thoại, cũng như những gì có thể ngăn trở đối thoại. Văn kiện cũng nói thêm rằng đối thoại đòi hỏi sự chuẩn bị và vun trồng những thái độ dẫn đến sự gặp gỡ người khác. Trong mọi nẻo đường đời và những cuộc gặp gỡ chính thức trong đó việc đối thoại được thực hiện, Đức Kitô và sứ mang của Hội Thánh Người được những người khác biết đến. Đồng thời, các Kitô hữu tham gia đối thoại được thách thức khám phá ra những dấu vết của Thiên Chúa tại những vùng đất xa lạ.

Đối thoại với bên ngoài

Trong đối thoại với bên ngoài, Hội đồng này đã tiếp cận các tín đồ của các tôn giáo khác, với những cách thức tôn trọng sự khác biệt của họ và mời gọi họ đem những gì tốt đẹp nhất của họ đến bàn đối thoại. Nó đã thắt chặt những mối tình hữu nghị với các lãnh đạo và các tổ chức của các tôn giáo khác, đã tổ chức các cuộc tọa đàm liên tôn và tạo thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ liên tôn. Các hoạt động và các thái độ đã được phát triển này có mục tiêu xua tan những ngộ nhận và những nghi ngờ liên quan tới đối thoại, khích lệ các Kitô hữu có được một sự hiểu biết và quý trọng đúng đắn đối với các tôn giáo khác, cũng như hướng dẫn các tín đồ của các tôn giáo khác có một sự đánh giá khách quan về giáo lý và lối sống Kitô giáo.

Đối thoại và rao giảng

Về mối liên hệ giữa đối thoại và rao giảng – trọng tâm các cuộc trao đổi giữa hai bộ – văn kiện đã cống hiện một tổng hợp thận trọng, bằng cách sử dụng các khái niệm và các thuật ngữ định tính được chọn lựa cẩn thận. Văn kiện đã làm nổi bật những đặc tính phức tạp và độc đáo của hai phương thức này trong việc thể hiện sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh.

Một cách tổng thể, văn kiện nhìn nhận sự dấn thân của Hội Thánh với các cá nhân và các cộng đồng của các tín ngưỡng khác (D&P 9) và nhìn nhận việc thông truyền sứ điệp Tin Mừng là một “sự dấn thân kép” (D&P 89) của “sứ vụ Phúc âm hóa duy nhất” của Hội Thánh (D&P 82). Mầu nhiệm cứu rỗi của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, và đạt đỉnh điểm trong sự gia nhập vào thân thể Hội Thánh qua Phép Rửa (D&P 10), được giúp đỡ, không phải bị cản trở, bởi đối thoại. Văn kiện cũng khẳng định rằng đối thoại và rao giảng là hai yếu tố “phân biệt”, “liên kết mật thiết nhưng không thay thế cho nhau”, là những “yếu tố đích thực và tuyệt đối cần thiết của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh” (D&P 77).

Các Giáo hoàng ủng hộ đối thoại

Kể từ Công Đồng Vaticanô II, các Đức giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và bây giờ là Phanxicô, bằng các hành động và giáo huấn của mình, đều luôn luôn ủng hộ đối thoại. Các ngài quý chuộng tình bạn với các lãnh đạo tôn giáo khác, tỏ lòng tôn trọng và quý mến chân thành đối với họ; trong các cuộc tông du của mình, các ngài luôn luôn có các cuộc gặp gỡ liên tôn trong nghị trình. Hơn nữa, các ngài còn mở rộng các thông điệp tỏ sự quan tâm tới các tín đồ của các tôn giáo khác và dành thời gian cho các giáo huấn về đối thoại liên tôn. Các ngài cũng cổ vũ những giá trị như hòa bình và ổn định trên thế giới như là những động lực chung cho một sự đối thoại tinh thần, trong đó các lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể quy tụ lại và cầu nguyện cùng nhau, mỗi vị tuỳ theo các quy tắc của truyền thống mình.

Fratelli tutti (FT), Thông điệp mới nhất của Đức giáo hoàng Phanxicô, nói rất nhiều về đối thoại. Ngài dạy rằng đối thoại là “lại gần nhau, nói với nhau, nghe, nhìn nhau, hiểu biết nhau và tìm một cơ sở chung” (FT 198). Và “mục tiêu của đối thoại là tạo tình bạn, an bình và hòa hợp, và chia sẻ những giá trị và trải nghiệm thiêng liêng và đạo đức trong tinh thần của sự thật và tình yêu” (FT 271).

Một công trình đang diễn tiến

Ngày nay, sứ điệp và các mối quan tâm của D&P vẫn còn là một công trình đang diễn tiến. Mong ước đối với cuộc hội thảo trực tuyến hôm nay, ba mươi năm sau văn kiện, là nhận ra rằng đối thoại liên tôn đã trở thành “một yếu tố thiết yếu của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh” (D&P 38) như thế nào, đưa Hội Thánh dấn thân vào cuộc Đối Thoại Cứu Rỗi phổ quát mà Thiên Chúa là người chủ động; và thấy được rằng, bằng việc vun trồng đối thoại với và giữa các tôn giáo khác, Hội Thánh chu toàn vai trò của mình là “bí tích”, nghĩa là dấu chỉ và công cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất với mọi người” (D&P 80). Và cụ thể hơn, để biết rõ hơn về lịch sử của văn kiện này, học hỏi về những tác động của việc tiếp nhận văn kiện cho việc thực hành hiện tại và tương lai của chúng ta về những nhiệm vụ “khó khăn nhưng tuyệt đối cần thiết” (D&P 89) trong sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh, và sau cùng, để tích hợp vào việc thực hành đối thoại  những tư tưởng và nhận thức sâu sắc đang phát sinh.

Kết luận

Trước khi kết thúc những nhận xét mở đầu này, tôi muốn nói lên lòng biết ơn đối với tất cả những người đóng góp cho cuộc hội thảo trực tuyến này. Họ là những người ủng hộ và cộng tác chăm chỉ của Hội đồng PCID và là những chứng nhân sống động, nhờ sự dấn thân của họ, họ đã làm việc không biết mỏi mệt cho sự tiếp nhận văn kiện này.

Mặc dù các cuộc hội thảo trực tuyến không thể thay thế những cuộc gặp gỡ diện đối diện, tuy nhiên chúng ta vẫn cảm thấy hạnh phúc vì sẽ có thể suy tư về văn kiện 30 năm tuổi này, ở mức độ tốt nhất có thể, với sự trợ giúp của kỹ thuật, một phúc lành thực sự cho chúng ta trong thời kỳ đại dịch này. Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin cám ơn tất cả các diễn giả và các thành viên tham dự rất quý mến. Ước mong những bài trình bày mà chúng ta sắp đón nhận đem đến cho chúng ta dồi dào những nhận thức sâu sắc để tăng cường sự quyết tâm của chúng ta cho việc đối thoại và rao giảng.

Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)