Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Chay Năm A

Chuyên mục: Suy niệm Chúa Nhật - Ngày đăng: 05.03.2023
Chia sẻ:

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM A

Lời Chúa: Mt 17, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.

Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Ảnh : Google

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

* Các BÀI SUY NIỆM

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

Lời Chúa: St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

1.  Người biến đổi hình dạng–‘Manna’

Suy Niệm

Trong các hình ảnh người ta vẽ Đức Giêsu,

ta thường thấy Ngài có vòng hào quang trên đầu.

Thật ra Con Thiên Chúa đã nên giống chúng ta.

Ngài mang khuôn mặt bình thường như ta.

Chính nơi khuôn mặt này mà ta thấy Thiên Chúa.

“Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9).

Khuôn mặt con người có thể phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa.

Nơi khuôn mặt Đức Giêsu, khuôn mặt như mọi người,

ta có thể gặp thấy Thiên Chúa vô hình,

Đấng ngàn trùng thánh thiện và vô cùng siêu việt.

Ba môn đệ đã quá quen với khuôn mặt Thầy Giêsu,

khuôn mặt dãi dầu mưa nắng vì sứ vụ,

khuôn mặt chan chứa mọi thứ tình cảm của con người.

Chính vì thế họ ngây ngất hạnh phúc

khi thấy khuôn mặt ấy rực sáng vinh quang.

Họ muốn dựng lều để ở lại tận hưởng.

Tiếng từ đám mây phán ra như một lời giới thiệu và nhắn nhủ:

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người,

các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Thầy Giêsu vừa là Con, vừa là Người Tôi Trung (Is 42,1),

vừa là vị ngôn sứ đã từng được Môsê loan báo (Đnl 18,15).

Phêrô không quên được kỷ niệm độc đáo này.

Ông viết: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người…

Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra

khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).

Đức Giêsu được biến hình sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn,

sau khi thắng được cơn cám dỗ của Phêrô (Mt 16,23),

và kiên quyết đi trên con đường Cha muốn.

Biến hình là một bừng sáng ngắn ngủi, bất ngờ,

báo trước vinh quang phục sinh sắp đến.

Thân xác Đức Giêsu sẽ được vào vinh quang viên mãn

khi thân xác ấy chịu lăng nhục và đóng đinh

vì yêu Cha và yêu con người đến tột cùng.

Chúng ta cũng được biến hình, được bừng sáng,

nếu chúng ta dám yêu, dám từ bỏ cái tôi ích kỷ,

để cái tôi đích thực được lộ ra, trong ngần.

Chúng ta cần có lần lên núi cao, thanh vắng,

để nhìn thấy khuôn mặt ngời sáng của Đức Giêsu,

nhờ đó chúng ta dễ đón nhận khuôn mặt bình thường của Ngài khi xuống núi,

và khuôn mặt khổ đau của Ngài trên thập tự.

Thế giới hôm nay không thấy Chúa biến hình sáng láng,

nhưng họ có thể cảm nghiệm được phần nào

khi thấy các Kitô hữu có khuôn mặt vui tươi,

chan chứa niềm tin, tình thương và hy vọng.

Sám hối là đổi tâm hồn, đổi khuôn mặt

để chính tôi và cả Hội Thánh mang một khuôn mặt mới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn nghĩ gì về khuôn mặt của bạn, đâu là những điểm sáng và điểm tối? Bạn có dám xin một người khác góp ý về những điểm bạn chưa rõ về bạn không?

Bạn nghĩ gì về khuôn mặt giáo xứ của bạn, nhóm của bạn, gia đình của bạn? Trong mùa chay này, bạn có thể làm gì để khuôn mặt ấy ngời sáng hơn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Ch

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần

những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

2.  Con yêu dấu của Ta–Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Khi đến miền Xêdarê Philípphê, Đức Giêsu đã nói riêng với các môn đệ

về những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem (Mt 16,21).

Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị giết, rồi được trỗi dậy.

Lời Ngài nói làm các ông sững sờ, và Phêrô vội vã can ngăn.

Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn khi nói về thân phận các môn đệ.

Nếu họ muốn đi theo Thầy, làm môn đệ của Thầy,

họ cũng phải chịu chung số phận với Thầy,

chấp nhận mất cả mạng sống mình vì Thầy (Mt 16,24-26).

Chắc hẳn sau cuộc nói chuyện này, bầu khí khá buồn và căng thẳng.

Bóng tối của cái chết làm mọi sự trở nên nặng nề.

Sáu ngày sau, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao.

Đó là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17,1).

Chính ở đây các ông đã có một kinh nghiệm không thể nào quên.

Bao năm sau, Phêrô vẫn nhớ như in điều ông đã thấy:

“chúng tôi đã được chứng kiến vẻ uy phong lẫm liệt của Người.”

Và ông cũng không thể quên điều ông đã nghe:

“‘Đây là Con của Ta, người Con Ta yêu dấu, Ta hết lòng quý mến.’

Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra,

khi chúng tôi ở với Người trên núi thánh” (2 Pr 1,16-18).

Kinh nghiệm này đã xóa đi phần nào nỗi buồn phiền lo âu,

và đem lại sự ủi an nâng đỡ cho các môn đệ.

Sau biến cố này, các ông hiểu Thầy mình là ai.

Chính Thiên Chúa chứng nhận Thầy là Người Con yêu dấu,

dù Người Con ấy sắp chịu chết như Người Tôi Trung đau khổ (Is 42,1).

Khi thấy Thầy Giêsu chói lòa rực rỡ, nơi khuôn mặt và nơi y phục,

thấy hai ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Thầy,

Phêrô quá đỗi hạnh phúc, chỉ muốn ở lại mãi trên ngọn núi này.

Ông quên rằng cuộc đời Thầy Giêsu gắn liền với những ngọn núi.

Thầy đã ở trên núi để chịu quỷ cám dỗ, đã giảng Bài Giảng trên núi đầu tiên.

Núi là nơi Thầy cầu nguyện và chữa bệnh cho đám đông (Mt 14,23; 15,29).

Hôm nay, Thầy được biến đổi hình dạng trên ngọn núi này,

Nhưng Thầy còn phải lên núi Ô-liu để làm chọn lựa cuối (Mt 26,36-46),

còn phải lên núi Sọ để hiến mạng sống mình (Mt 27,33),

để rồi cuối cùng hiện ra như Đấng phục sinh cho môn đệ trên núi (Mt 28,16).

Sau những giây phút ngất ngây của trải nghiệm thiêng liêng,

ba môn đệ sẽ phải xuống núi cùng với Thầy,

để cùng Thầy sẽ trèo lên những ngọn núi khác (Mt 17,9).

Mùa Chay là thời gian ta cùng lên núi với Thầy Giêsu.

Núi cao làm lòng ta thanh thoát nhẹ nhàng.

Nơi đây ta thấy được khuôn mặt bừng sáng rực rỡ của Thầy Giêsu,

nghe được lời Thiên Chúa Cha nhủ bảo,

và cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa bao bọc như đám mây.

Hôm nay, Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển,

nhân tính của Ngài tỏa sáng, vĩnh viễn và trọn vẹn trên thiên quốc.

Chính khi vâng nghe và sống lời của Chúa Giêsu

mà ta được tham dự vào sự biến đổi sáng láng như Ngài.

Đời kitô hữu gồm nhiều cuộc biến hình, bắt đầu từ ngày được rửa tội.

Chúng ta đã được gọi là con yêu dấu, đã được mang tấm áo trắng tinh,

đã được đặt vào tay ngọn nến sáng.

Làm sao để khuôn mặt của tôi dần dần tỏa sáng như khuôn mặt Chúa?

Làm sao để tôi trở nên hình ảnh trung thực của Đấng đã dựng nên tôi?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa,

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

3.  Mắt đức tin, mắt của trái tim–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ: tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.

Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.

Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. Ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.

Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra các ông chới với ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. “Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.

Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.

Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Người ởi bên trong, còn tôi ở bên ngoài”.

Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.

Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.

Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.

Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.

Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nọi tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.

Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.

Như thế ta đang công tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

4.  Đấng đang biến hình giữa chúng ta–TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa nhật trước, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ dẫn chúng ta vào sa mạc để chứng kiến Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Chúa nhật hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng lên núi để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Hai sự kiện diễn tả hai khía cạnh cuộc đời Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể: trong sa mạc, Chúa thể hiện nhân tính của Người: yếu đuối, mỏng giòn, đói khát; trên núi cao, Chúa tỏ ra thiên tính của Người: cao cả, sáng láng, thánh thiện. Hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng xuất hiện để đàm đạo với Chúa, kèm theo lời chứng của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người”.

Khi tường thuật sự kiện Chúa biến hình trên núi, thánh Matthêu mở đầu bằng chi tiết “sáu ngày sau”. Vậy, sáu ngày trước đó là sự kiện gì? Đó là lời loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Đối với các môn đệ, việc Đức Giêsu chịu thương khó là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, Phêrô đã can gián và thậm chí còn trách Người. Sự can gián của Phêrô bị Chúa quở trách là Satan (x. Mt 16 21- 23). Cùng với việc loan báo cuộc thương khó, Đức Giêsu cũng đưa ra những điều kiện cần phải có để trở nên môn đệ của Người, đó là vác thập giá theo Chúa. Như thế, việc Chúa Giêsu biến hình trên núi nhằm mục đích khai trí các môn đệ, để các ông hiểu hơn về thân phận và sứ mạng của Người. Qua sự kiện này, Chúa muốn khẳng định với các ông: dù Người có phải trải qua cuộc thương khó, nhưng Người sẽ chiến thắng sự chết và sẽ trỗi dậy. Ba môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê ngỡ ngàng trước việc Chúa Giêsu thay hình đổi dạng, vì lúc đó, các ông được thấy Chúa với một hình dạng hoàn toàn khác so với từ trước tới nay. Sự kiện này làm các ông bàng hoàng và sợ hãi.

Hai nhân vật của Cựu ước hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu, đó là Môisen và Êlia. Môisen là người dẫn đưa Dân tuyển chọn ra khỏi Ai Cập. Ông cũng là người được Chúa trao bia Giao ước và được người Do Thái tôn kính như tác giả của sách Luật. Êlia là vị ngôn sứ đã luôn “đứng hầu cận trước nhan Chúa hằng sống (x. 1 V 17). Trên núi Carmel, ông đã giúp dân Do Thái từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng để chỉ một lòng tin vào Thiên Chúa. Ông là biểu tượng cho những người được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn và là những người phát ngôn nhân danh Thần Khí. Giống như Chúa Giêsu, cả hai vị này đã ăn chay 40 đêm ngày (x. Xh 24,18; 1 V 19,8). Cả hai vị đều được diễm phúc nhìn thấy Thiên Chúa (x. Xh 33,18-23; 1 V 19,12-13). Qua sự kiện biến hình, Môisen và Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu. Họ được chiêm ngắm Con Thiên Chúa, Đấng liên kết hai nhân vật này nơi nhân tính của Người, tức là Người vừa là người ban lề luật, vừa là ngôn sứ. Thánh Máthêu trình bày Chúa Giêsu như Môisen mới. Một số bản văn của Tân ước cũng trình bày Chúa Giêsu như Êlia mới. Người đã liên kết truyền thống lề luật và truyền thống ngôn sứ nơi chính bản thân Người. Bởi lẽ hai truyền thống “lề luật” và “ngôn sứ” là tóm lược toàn bộ Kinh Thánh Cựu ước.

Cùng với chứng từ của Môisen và Êlia, còn có chứng từ khác quan trọng hơn nhiều, đó là lời phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người”. Đức tin Kitô giáo khẳng định: đó là lời của Chúa Cha. Qua lời này, Chúa Cha nói lên tình thương mến của Ngài với Chúa Con, đồng thời nhắc bảo chúng ta: hãy nghe lời Người. Theo Thánh Gioan Thánh giá, Chúa Cha chỉ nói một lời và một lần nơi Chúa Con. Chúa Con là Lời của Chúa Cha. Nơi Chúa Con, có đầy đủ tất cả những gì Chúa Cha muốn ngỏ với nhân loại. Vì thế, “hãy nghe lời Người” tức là đón nhận những gì Chúa Cha muốn mạc khải qua Chúa Con, nhờ đó, loài người được cứu thoát. “Hãy nghe lời Người”, đó cũng là đón nhận và thực hành giáo huấn của Đức Giêsu.

Phụng vụ hôm nay còn cho chúng ta nghe tường thuật về ơn gọi của Áp-ram, tổ phụ của dân Do Thái. Một lời gọi đơn sơ: “hãy đi đến đất Ta sẽ chỉ cho”. Áp-ram đã vâng lời, đã lên đường. Ông không tính toán, không vặn hỏi, nhưng hoàn toàn phó thác. Ông Áp-ram đã nghe lời Chúa và đã thực thi lời Ngài. Ông đã trở nên mẫu mực cho tất cả những kẻ tin ở mọi thời đại (Bài đọc I).

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Người trở nên hoàn toàn giống chúng ta – ngoại trừ tội lỗi. Qua mầu nhiệm nhập thể, Người “biến hình” để trở nên giống như người trần thế. Trên núi cao, khi Chúa “biến hình” lại là lúc Chúa trở về tình trạng thiêng thánh nguyên thuỷ. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang “biến hình” giữa chúng ta. Quả vậy, chúng ta đâu có nhìn thấy Người bằng con mắt thể lý. Chúa hiện diện qua Lời Chúa, qua cộng đoàn cầu nguyện, qua người nghèo khổ và nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Chúa đang biến hình trong đời sống của chúng ta. Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện, để chúng ta gặp gỡ Người. Thánh Phaolô nhắc chúng ta hãy nhận ra Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Người là Đấng tiêu diệt thần chết và đang hiện diện giữa chúng ta (Bài đọc II).

Sau khi chứng kiến Chúa Giêsu biến hình, ba môn đệ xuống núi, có Chúa cùng đi. Các ông trở về với đời thường, với tâm trạng được biến đổi và với quan niệm mới mẻ về Đấng Thiên Sai. Sự kiện Chúa biến hình trên núi cũng nhắc chúng ta cần phải biến đổi đời sống, biến đổi hình ảnh của Chúa trong đời và biến đổi nhận định về tha nhân. Hãy nghe lại lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ liền tiếp sau đó là: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”. Hôm nay Chúa vẫn đang nói với chúng ta những điều ấy. Đừng sợ trước thân phận yếu hèn và tội lỗi, hãy trở về với Chúa vì Chúa bao dung nhân từ. Đừng sợ khi giúp đỡ anh chị em bất hạnh cô thế, cô thân, vì Chúa sẽ thưởng cho lòng quảng đại rộng rãi của chúng ta. Đừng sợ trước những bất ổn của cuộc ống do bạo lực, cạnh tranh và chia rẽ, vì Chúa hiện diện giữa cuộc đời. Người là Đấng đang biến hình giữa chúng ta.

5.  Núi Tabor hôm nay–GM. Cosma Hoàng Văn Đạt

Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi Giêrusalem. Trên đường, Chúa lên một ngọn núi để cầu nguyện. Có lẽ đó là núi Tabor ở Galilê. Có ba môn đệ thân tín theo Chúa. Chúa đã hiển dung trước mặt các ông.

Trước núi Tabor, Chúa Giêsu đã từng lên hai ngọn núi khác. Trước hết là Chúa giảng Hiến Chương Nước Trời trên núi quen gọi là núi Bát Phúc. Sau khi cho hoá bánh ra nhiều nuôi dân, họ muốn tôn Chúa làm vua, Chúa đã lên núi cầu nguyện một mình. Sau núi Tabor, Chúa cũng lên hai ngọn núi khác: núi Sọ là nơi Chúa chịu chết trên thập giá và núi Ôliu là nơi Chúa từ biệt các môn đệ mà lên trời. Có thể nói núi Tabor đã được chuẩn bị bằng hai ngọn núi trước và chuẩn bị cho hai ngọn núi sau. Hiển Dung là cao điểm của cuộc đời rao giảng và là khởi điểm của cuộc Vượt Qua.

Người xưa tin rằng Thiên Chúa ở trên trời; núi cao, nên gần trời; vì thế người ta lên núi sẽ dễ gặp Chúa hơn. Tổ phụ Abraham lên núi hiến tế Isaac. Ông Môsê lên núi nhận bia giao ước. Ngôn sứ Êlia lên núi gặp Thiên Chúa. Thực tế là lên núi dễ gặp Chúa hơn thật:

– Thanh vắng, yên tĩnh, xa gia đình, bạn bè, phố chợ;

– Trên cao, thấy rõ công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên hùng vĩ hơn: mặt trời, bầu trời, trăng sao, núi sông, bình minh, hoàng hôn…

– Trên cao, thấy công trình của con người nhỏ bé hơn, vì thế dễ từ bỏ hơn.

Lên núi là điều không dễ, nhưng đem lại cho chúng ta những niềm vui mà chỉ những ai lên núi mới cảm nghiệm được. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta lên núi để chiêm ngắm Chúa hiển dung: ngay bên cạnh chúng ta, Chúa vẫn đang yêu thương người đau khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi, hy sinh cho người mình yêu. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên núi Tabor mới để Chúa hiển dung. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu mặc lấy Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Trong cuộc Vượt Qua, khuôn mặt thể lý của Chúa không còn hình dạng con người, nhưng khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu lại chói sáng trước mắt mọi người trong mọi thời đại.

Một thường dân Nhật Bản được Nhật Hoàng mời vào hoàng cung dùng cơm chung vì đã lấy máu mình vẽ chân dung Nhật Hoàng. Chúa Giêsu lấy máu mình để vẽ chân dung Thiên Chúa và được hưởng vinh quang Phục Sinh. Xin Chúa giúp chúng ta dùng cuộc sống của mình để vẽ chân dung Chúa trong thế giới hôm nay.

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)