Chúng ta sắp bắt tay vào nhiệm vụ sau hết đó là lượng định, sửa đổi và bỏ phiếu văn bản chung kết. Hôm nay chúng ta sắp sửa thi hành trọng trách này, chúng ta sẽ làm thế nào? 

Với sự tự do! Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galát: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Sứ mạng của chúng ta là rao giảng và làm chứng cho sự tự do này. Tự do là chuỗi xoắn kép của “mã di truyền” Kitô giáo. Trước hết, đó là sự tự do để nói lên điều chúng ta tin tưởng, và không sợ hãi lắng nghe điều người khác nói, trong sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là sự tự do của con cái Thiên Chúa để nói với parrésia – sự dạn dĩ[1] (x Cv 4, 29), như các môn đệ đã mạnh dạn công bố tin mừng về sự Phục Sinh của Chúa ở Giêrusalem. Vì sự tự do này, mỗi người trong chúng ta có thể nói ‘tôi’. Chúng ta không có quyền giữ im lặng.

Sự tự do này bắt nguồn từ một sự tự do thâm sâu hơn, đó là tự do nội tâm của con tim khi chúng ta tìm hiểu những quyết định được đưa ra. Chúng ta có thể thất vọng với những quyết định của Thượng Hội Đồng. Một số người trong chúng ta sẽ coi những quyết định này là thiếu sáng suốt thậm chí là sai lầm. Nhưng chúng ta có sự tự do của những người tin tưởng vào điều thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Và chúng ta có niềm hy vọng đó, ngay cả khi nhiều người tỏ ra không hy vọng! Chúng ta có thể tìm gặp bình an vì “không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”, dù chúng ta bất tài, dù chúng ta sai lầm. Nhờ sự tự do này, chúng ta có thể dám thuộc về Giáo hội và nói “chúng tôi”.

Trung tâm của việc chúng ta đưa ra quyết định là chuỗi xoắn kép của tự do ân sủng. Vì sự tự do của Thiên Chúa hoạt động trong sâu thẳm suy nghĩ và quyết định tự do của chúng ta. Thánh Tôma Aquinô dạy rằng ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng kiện toàn tự nhiên. Khi Thánh Tôma đặt vấn đề rằng làm thế nào các nhà thông thái có thể đến Bêlem nhanh như vậy, ngài trả lời rằng đó là nhờ ân sủng của Chúa và sự mau lẹ của các con lạc đà[2]!

Chúng ta hãy suy xét ngắn gọn từng chiều kích của sự tự do trong ân sủng này. Một linh mục đã từng nói khi bắt đầu bài giảng của mình trong Thánh lễ buổi chiều rằng: “Sáng nay tôi không có thời gian để chuẩn bị, vì vậy tôi phải cậy vào Chúa Thánh Thần. Bây giờ tôi đã có thời gian để tự mình suy nghĩ và vì thế tôi hy vọng sẽ làm tốt hơn!” Ngài không phải là một tu sĩ Đa Minh hay thậm chí là một tu sĩ Dòng Tên! Niềm tin vào Chúa Thánh Thần không miễn trừ cho chúng ta khỏi việc sử dụng lý trí của mình khi chúng ta tìm kiếm chân lý. Thánh Tôma khẳng định rằng sẽ là một sự xúc phạm Chúa Thánh Thần nếu không suy nghĩ cho các quyết định, chẳng hạn như không bỏ phiếu. Cha Vivian Boland, O.P nói, “chúng ta là con cái của Thiên Chúa, vì thế mà trong suy nghĩ, ước muốn, lo âu và sở thích của chúng ta, Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động.”[3]

Trong tác phẩm mang tên “A Man for all Seasons”, thánh Tôma More đã chỉ bảo cho Meg, con gái của ngài, biết quý trọng khả năng Chúa đã ban cho để suy tư: “Meg, con nghe này: Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần để cho thấy vẻ huy hoàng của Người, các con vật thì sống theo bản năng, cây cỏ tồn tại cách tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa tạo dựng con người để họ phụng sự Người một cách khôn ngoan, bằng sự phức tạp của tâm trí[4].

Cha Yves Congar phải im lặng theo yêu cầu của Rôma, thậm chí bị đày sang Anh Quốc, một số phận bi ai dành cho một người Pháp! Thật lạ, ngài đã không đánh giá cao tài nấu nướng của chúng tôi! Ngài đã viết trong nhật ký của mình rằng, giữa cuộc khủng hoảng và đối diện với đau khổ này, sự đáp trả quy nhất là “nói sự thật.” Với sự cẩn trọng, ngài không khiêu khích và gây ra tai tiếng vô ích, nhưng từng ngày trở nên một chứng nhân đích thực và mạnh mẽ cho sự thật[5].

Chúng ta không được sợ sự bất đồng, vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong chính sự bất đồng ấy. Một ngày nọ, một người đàn ông đến gặp một Rabbi Do Thái và phàn nàn về người vợ của mình. Vào cuối cuộc trò chuyện, vị Rabbi nói: “Bạn của tôi ơi, bạn hoàn toàn đúng, bạn có lý do chính đáng!” Chiều hôm đó, vợ của người đàn ông ấy cũng đến gặp vị Rabbi và cũng phàn nàn rất lâu về chồng mình. Vào cuối cuộc trò chuyện, vị Rabbi nói với người phụ nữ: “Bạn của tôi ơi, bạn hoàn toàn đúng, bạn có lý do chính đáng!” Khi người phụ nữ đi khỏi, vợ của Rabbi nói với chồng: “Anh hoàn toàn saiAnh không thể nói rằng cả hai đều đúng, rằng cả hai đều chính đáng“. Vị Rabbi đáp: “em cũng đúng!”

Chúng ta tự do để suy tư, phát biểu và lắng nghe nhau mà không sợ hãi. Nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì trừ khi chúng ta có sự tự do của những người tin tưởng rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người”. Vì thế chúng ta có thể yên tâm trước bất kỳ kết quả nào. Julian of Norwich, nhà thần bí người Anh vào thế kỷ XIV đã có câu nói nổi tiếng: “Tất cả sẽ tốt đẹp; mọi thứ sẽ tốt đẹp”. Sự quan phòng của Thiên Chúa nhẹ nhàng, âm thầm hoạt động ngay cả khi mọi thứ dường như đi sai.

Sự quan phòng của Thiên Chúa đi vào lịch sử cứu độ của chúng ta ngay từ lúc khởi đầu. Sự sa ngã của Adam và Eva đã trở nên “Felix Culpa – tội hồng phúc”, nhờ ân sủng Thiên Chúa, đã dẫn đến sự Nhập thể của Con Thiên Chúa. Cái chết đau thương của Chúa chúng ta trên thập giá dẫn đến cuộc chiến thắng sự chết của Chúa Kitô.

Vì vậy, ngay cả khi bạn thất vọng về kết quả của Thượng Hội Đồng, sự quan phòng của Thiên Chúa vẫn hoạt động trong Thượng Hội Đồng để đưa chúng ta vào Vương quốc theo những cách thức mà chỉ có Thiên Chúa biết. Người muốn điều tốt cho chúng ta. Ý muốn ấy không thể bị cản trở. Trong những ngày tĩnh tâm, tôi đã trích dẫn câu trả lời của Đức Hồng Y Consalvi cho người đàn ông đang hốt hoảng nói rằng Napoleon muốn phá nát Giáo hội: “Ngay cả chúng tôi còn không thành công trong việc đó mà”. Khi Áp-ra-ham suy nghĩ về yêu cầu phải giết đứa con trai yêu dấu và duy nhất của mình, thì Chúa đã ban cho ông con cừu đực bị mắc sừng trong bụi rậm. “Trên núi Đức Chúa sẽ liệu” (St 22,14).

Thường chúng ta không thể biết được sự quan phòng của Thiên Chúa đang hoạt động ra sao trong cuộc sống. Chúng ta làm những gì chúng ta tin là đúng và phần còn lại ở trong tay Thiên Chúa. Đây là một trong những Thượng Hội Đồng. Sẽ có những Thượng Hội Đồng khác. Chúng ta không buộc phải làm mọi thứ, mà chỉ cần cố gắng bước tiếp. Vào cuối cuộc hành trình dài đầy gian khó của đời mình, thánh Têrêxa Avila đã viết: “Chính chúng ta là người bắt đầu công việc, những người đi sau sẽ tiếp tục với khởi đầu này”[6]. Chúng ta không biết nó sẽ diễn ra cách nào. Đó không còn là phần việc của chúng ta nữa.

Cũng giống như hồng y Congar, cha Henri de Lubac, S.J. vào trước Công đồng cũng đã nếm trải nhiều đau khổ. Nhưng giữa những khổ đau đó, ngài đã viết ra tác phẩm tuyệt đẹp Méditation sur l’Eglise[7], một bài thánh ca tình yêu dành cho chính Giáo hội đang gây đau khổ cho ngài. Ngài viết: “Không mất kiên nhẫn, [người chịu đau khổ] sẽ cố gắng giữ sự bình an. Về phần mình, anh sẽ nỗ lực hết sức để làm điều khó khăn đó: giữ cho tâm trí rộng mở hơn những ý tưởng riêng của nó. Anh sẽ vun đắp “sự tự do, nhờ đó chúng ta vượt qua được điều đang liên luỵ đến chúng ta một cách tàn nhẫn… Anh sẽ tránh được “sự tự mãn đáng sợ khiến anh có thể tự coi mình như một chuẩn mực chính thống’, vì lẽ anh sẽ đặt ‘mối dây liên kết không thể phá vỡ của hòa bình Công giáo’ vượt lên trên hết mọi sự.”[8] Tôi hy vọng rằng ngài sẽ sớm được phong thánh!

Nếu chúng ta tự do chỉ để tranh luận bảo vệ cho lập trường của mình, chúng ta sẽ bị cám dỗ kiêu ngạo, theo cách nói của Henri Lubac, tự coi mình là ‘tiêu chuẩn chính thống’. Chúng ta sẽ kết thúc tranh luận bằng việc ầm ĩ ủng hộ một ý thức hệ, hoặc cánh tả hoặc cánh hữu.

Nếu chúng ta chỉ tự do đặt tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa thôi, mà không dám tham gia vào cuộc tranh luận với những xác tín của mình, thì chúng ta là người thiếu trách nhiệm và chưa bao giờ trưởng thành. Sự tự do của Thiên Chúa tác động nơi trung tâm của sự tự do của chúng ta, tuôn trào từ bên trong. Tự do càng thật sự đến từ Thiên Chúa, thì tự do đó càng thật sự là của chúng ta. Như những con cái tự do của Thiên Chúa, chúng ta, mỗi người có thể nói‘Tôi’ và cùng nhau nói ‘Chúng tôi’.

Chuyển ngữ: Đức Hữu, O.P. 
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en
Nguồn: daminhvn.net

[1] Chú thích của người dịch: Parrésia, là thẳng thắn … gạt đi nỗi sợ để ‘mở ra,’ để nói một cách tự do. xt. https://phanxico.vn/2015/04/13/phuc-am-hoa-chu-dung-quang-cao-hay-dung-cam-len-tieng

[2] partim quidem adducti divina virtute, partim autem dromedariorum velocitate’ (Summa theol. III q.36 a.6 ad 3).

[3] Unpublished homily for Easter Week 4, Sunday, Year A

[4] By Robert Bolt

[5] Journel of a Theologian 1946 – 1956, translated by Denis Minns OP, ATF, Adelaide, 2015, p.340. From Journal d’un théolgien 1946 – 1956, Edition du Cerf, Paris, 2000, p.271

[6] Quoted by McVey, Dialogue, p.55

[7] Written between 1945 and 1950

[8] I quote from The Splendour of the Church¸trans by Michael Mason, Sheed and Ward, London and New York, 1956, p. 187