Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Suy niệm Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Êlisabeth (31/05)

Chuyên mục: Suy niệm các lễ về Đức Mẹ - Ngày đăng: 29.05.2022
Chia sẻ:

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABETH (31/05)

Lời Chúa: Lc 1,39-56

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Ảnh : Google

————

Suy niệm 1: Maria ở lại độ ba tháng _ Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria. 

Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem, 

một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho, 

cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây. 

Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh. 

Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con. 

Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị. 

Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai, 

Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường. 

Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị. 

Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự. 

Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria. 

Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào, 

nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth 

một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ. 

Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria, 

Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44). 

Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần. 

Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao 

đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này. 

Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất. 

Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42), 

và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45). 

Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên : 

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). 

Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết. 

Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai, 

Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình. 

Một sự hiện diện mang tính phục vụ. 

Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở. 

Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất. 

Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38), 

khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43), 

thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên. 

Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc. 

Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó. 

Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần. 

Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị. 

Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48). 

Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân. 

Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh. 

Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh, 

vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người. 

Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ. 

Lạy Mẹ Maria, 

khi đọc Phúc Âm, 

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. 

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. 

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. 

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. 

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. 

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. 

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi 

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, 

từ con người hay từ Thiên Chúa. 

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu 

trong mọi bước đường của cuộc sống. 

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. 

Có những con đường đầy máu và nước mắt. 

Xin Mẹ dạy chúng con 

đừng sợ lên đường mỗi ngày, 

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa 

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. 

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu 

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ 

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen. 

Suy niệm 2: Đức Maria vội vã lên đường _ Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.

Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.

Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: “Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?”.

Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: “Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống”.

***

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng Năm như cao điểm của Tháng Hoa dâng kính Mẹ, để mỗi người tín hữu chúng ta biết nhìn vào tấm gương của Mẹ – một người Tông đồ nhiệt thành – mang Chúa Giêsu đến cho người khác.

Mẹ đã vội vã lên đường đem Chúa đến cho người chị họ

Tại sao Mẹ phải vội vã ? Chúng ta biết rằng bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay được tiếp nối ngay sau đoạn Tin Mừng nói về việc Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ. Như vậy, việc Đức Mẹ vội vã lên đường tới thăm bà chị họ, không phải vì tò mò hay vì thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên muốn kiểm chứng xem sự việc thực hư thế nào, nhưng đây là chuyến ra đi để phục vụ, để giúp đỡ cho người bà con trong những tháng sau cùng trước khi sinh hạ.

Tin Mừng chỉ dùng những lời ngắn gọn: “Đức Maria vội vã lên đường”, thế nhưng, để tới được với người chị họ, Đức Mẹ phải vượt qua một hành trình khoảng 120km đường đồi núi. Thân gái dặm trường, Mẹ chỉ có một mình, trong khi, chính Mẹ cũng đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Chúng ta có thể hình dung hình ảnh một cô thôn nữ trẻ trung, xin đẹp, bước chân vội vã, lòng đầy hân hoan, băng qua những đồi núi chập trùng.

Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Isave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả. Tại đây, Mẹ đã cất cao lời ca tụng Thiên Chúa bằng một bài ca bất hủ, bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. thần trí tôi vui mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi…”

Hôm nay, Mẹ vẫn lên đường

Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.

Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

Mẹ có mặt mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời chúng ta. Có người Mẹ nào có thể từ bỏ đứa con của mình? Thế nên, bất cứ nơi đâu, con cái Mẹ gặp phải những khó khăn, là nơi đó có sự hiện diện của Mẹ. Trên Thế giới có Lộ Đức (Pháp), Fatima (Tây Ban Nha), Mễ Du,… ở Việt Nam có Lavang, Trà Kiệu, Tà Pao… như lời kinh chúng ta vẫn đọc: “Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề. Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng. Ơn phần hồn ơn phần xác, người bệnh tật kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời“. (Kinh Đức Mẹ Lavang). một lời kinh thật tha thiết và cảm động, nhưng cũng nói lên tâm tình của Mẹ. 

Noi gương Mẹ, hôm nay, chúng ta lên đường

Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Isave trong ngày cuối tháng Hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ. Sự hiện diện đó có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.

Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta. Bởi vì, “Xưa nay, chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin phù chữa cứu giúp, mà Mẹ chẳng nhận lời”.

Noi gương Mẹ đi thăm viếng, chúng ta cũng hãy biết mở lòng ra để đến với muôn người. Cuộc sống quanh ta, có biết bao người đang cần đến chúng ta trợ giúp. Sự giúp đỡ ấy, có thể chỉ là một lời thăm hỏi, một cái bắt tay, một ánh mắt cảm thông… Những sự chia sẻ tưởng chừng như đơn giản đó, đôi khi lại mang lại những kết quả to lớn. Noi gương Mẹ thăm viếng, hôm nay, chúng ta hãy: Cùng Mẹ ra khơi, ra đi muôn nơi loan báo Tin Mừng. Cùng Mẹ ra khơi, ra đi muôn nơi rắc gieo Tình Thương. Để chớ gì, qua đời sống chứng tá của chúng ta, mọi người sẽ nhận biết, chúng ta là con của Mẹ và là con của cùng một Cha trên trời.

Suy niệm 3: Không khiêm nhường, không biết tạ ơn! _ Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Ngày 04-10-2006, giáo dân của Giáo Phận Bắc Ninh tập trung rất đông đủ tại nhà thờ Chính tòa Giáo Phận để cử hành thánh lễ An táng cho Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến. Trong phần tiễn biệt, người ta rất ấn tượng với những dòng di chúc của Đức Cha. Nói đúng hơn, đây là lá thư mục tử cuối cùng của cuộc đời ngài trên dương thế. Tâm thư này được viết trước khi lên bàn mổ để các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật mà ngài đã được báo cho biết là 95% sẽ chết, chỉ có 5% là sống sót.

Trong bức tâm thư đó, ngài viết cho mọi thành phần trong gia đình Giáo Phận. Tuy nhiên, người ta chú tâm hơn với phần viết cho các nữ tu của Tu hội Con Đức Mẹ Hiệp Nhất. Nội dung đại khái như sau: “Các con yêu quý, khi ở trong Giáo Phận, cha thấy các con thua kém chị em của các hội dòng khác. Bởi vì họ trổi trang hơn chúng con về nhiều mặt, nào là: kiến thức, khả năng mục vụ, giao tiếp, nhan sắc…. Tuy nhiên, cha nhận thấy nơi chúng con tấm lòng đơn sơ, chân thành. Đây chính là nét đẹp nơi tâm hồn chúng con. Cha thiết nghĩ có khi lớ ngớ như chúng con lại dễ vớ Thiên Đàng nhanh hơn cha”.

Khi viết cho các nữ tu như vậy, có lẽ Đức Cha muốn nói lên một điều, đó là Chúa thương những người hiền lành, đơn sơ, chân thành, nhất là khiêm nhường.

Tại sao vậy? Thưa, bởi vì người khiêm nhường là người thuộc về Thiên Chúa, nên dễ dàng đi vào mối tương quan mật thiết với Người.

Ngược lại, người kiêu ngạo là người không thuộc về Thiên Chúa, và đương nhiên, không thể hiệp thông được với Người. Nói cách khác, khiêm nhường là con đẻ của Thiên Chúa. Kiêu ngạo là con đẻ của ma quỷ. Chính vì vậy mà Thiên Chúa bênh đỡ và bảo vệ người khiêm nhường, còn kẻ kiêu ngạo thì sẽ bị Người tiêu diệt như lời thánh Phêrô đã nói: “Thiên Chúa chống lại kiêu kiêu ngạo” (1 Pr 5,5).

1/ Mẹ Maria, Người Nữ Tỳ khiêm hạ

Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth hôm nay làm toát lên vẻ đẹp của sự chia sẻ và khiêm nhường nơi Mẹ Maria.

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca giới thiệu cho chúng ta một người phụ nữ tuyệt vời: Ngài là người tràn đầy ân sủng; là người có phúc hơn hết mọi người phụ nữ và nơi cung lòng của Ngài sẽ xuất hiện Đấng Cứu Chuộc mà muôn dân mong đợi.

Tuy nhiên, với những ơn cao trọng lớn lao như vậy, tác giả lại cho thấy được xảy ra nơi một Nữ Tỳ hèn mọn và rất đỗi khiêm nhường, người đó chính là Mẹ Maria.

Thật vậy, chắc chắn Mẹ là người biết rõ Người Con mà mình đang cưu mang là ai? Người Con ấy quyền thế cao sang biết chừng nào? Hơn nữa, lời ca tụng của bà chị họ là Êlisabeth lại càng làm nên sự uy nghi, tự hào, bà nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ […] Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi” (x. Lc 1, 42-43)

Tuy nhiên, Mẹ Maria đã không tự kiêu để nhận những vinh dự đó về cho mình, ngược lại, Mẹ đã dâng nó lại cho Thiên Chúa trong tâm tình khiêm nhường của một người nữ tỳ hèn mọn.

Quả thật, nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ được những ơn cao trọng có một không hai trong lịch sử nhân loại như vậy, Mẹ phải hãnh diện đến tự kiêu. Nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ biết mình có phúc hơn mọi người phụ nữ trên trần gian, ắt Mẹ sẽ vỗ ngực xưng tên để huênh hoang, tự đắc với đời. Và như một hệ quả, nếu không khiêm nhường tuyệt đối, Mẹ sẽ phá hoại chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong sự kiêu ngạo.

Vì thế, nơi Mẹ Maria, Mẹ đã đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong tâm thế của một người môn đệ, một nữ tỳ khiêm nhu. Điều này đã được chứng minh khi Mẹ cất lên lời kinh Magnificat để ca ngợi Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Người đã làm trên phận nữ tỳ hèn mọn của mình.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ lội ngược dòng lịch sử cứu độ để nhận thấy bàn tay uy quyền và thương xót của Thiên Chúa đã cứu và giải thoát dân khỏi biết bao nguy biến.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ Maria đã gia nhập vào dòng người thánh thiện để ca ngợi sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa, khi Người đưa cánh tay mạnh mẽ để hạ gục kẻ kiêu căng, truất bỏ những người quyền thế, để người giàu có trở về tay không, còn người nghèo khổ, thấp hèn lại được đầy dư.

Cuối cùng, cất lên lời kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cùng với muôn người ngóng trông Đấng Cứu Thế để cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện lời hứa với các Tổ phụ và Tiên tri khi trao ban Con Một của Người xuống trần gian cứu chuộc nhân loại.

2/ Sứ điệp Lời Chúa

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta cũng cùng nhau lội ngược dòng để đọc lại lịch sử cuộc đời của mình dưới tâm thức của người thụ ơn, để thấy được những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm trên cuộc đời chúng ta.

Những ơn đó là: ơn được sinh ra làm người trong một gia đình. Được trở nên con cái Thiên Chúa. Được lớn lên với biết bao ân cần, lo lắng của mọi người mà Chúa gửi đến để chăm sóc cho ta. Ngài cũng cứu chúng ta biết bao lần khi cho ta vượt qua những cơn bạo bệnh. Ngài che chở ta và giải thoát ta khỏi biết bao nguy biến, tai ương…, nhất là ơn được sống tới ngày hôm nay. Rồi sức khỏe, trí thông minh, và rất nhiều khả năng khác mà Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta.…

Tuy nhiên, khác với Mẹ Maria, nhiều khi chúng ta chưa đủ nhạy bén hay vô tình mà quên đi nghĩa vụ của người thụ ơn với Thiên Chúa. Hoặc cũng có lúc chúng ta có thái độ giảm nhẹ mầu nhiệm để thay vào đó là khái niệm tự nhiên có, nên việc biết ơn có vẻ cũng vì đó mà bị giảm nhẹ theo!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, khô khan, nên chưa khiêm nhường đủ để nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khi đứng trước hồng ân lớn lao như vậy, hãy có tâm tình của Mẹ Maria để cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã làm trên và trong cuộc đời chúng ta. Đồng thời, noi gương Mẹ, mỗi người cũng hãy chia sẻ niềm vui với những anh chị em xung quanh, nhất là sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến chúng ta, để vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay cũng là những mối ưu tư và lo lắng của chúng ta.

Mặt khác, luôn sống tâm tình khiêm nhường và tín thác nơi Thiên Chúa, biết nhạy bén như Mẹ Maria để không chỉ bản thân mình cần cám ơn, chúc tụng Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn làm những bổn phận đó trong tư cách là dân Thiên Chúa khi cảm tạ và chúc tụng thay cho người khác.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, đường lối khiêm nhường là cách thức Thiên Chúa thể hiện quyền năng. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương khiên nhường của Đức Trinh Nữ Maria để sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa và để thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng con.

Xin cũng cho chúng con biết quan tâm, lo lắng cho mọi người, nhất là những người khổ đau, nghèo đói đang cần đến chúng con. Amen.

Suy niệm 4 : Hành Trình Thăm Viếng Có Chúa Cùng Đi

Lc 1,39-56

Trong cuộc sống, nơi các mối tương quan, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương cho nhau bằng nhiều cách, chẳng hạn: một tin nhắn, một lần gặp gỡ nhau qua điện thoại, một lá thư điện tử, một lá thư viết tay, hoặc gởi cho nhau một món qùa gói trọn tất cả tấm lòng của mình cho người mình thương mến… Thế nhưng, những cách thức đó không thể thay thế bằng sự thăm viếng trực tiếp. Thật vậy, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức, để mỗi người chúng ta noi theo. Hôm nay chúng ta noi theo gương thăm viếng của Mẹ Maria.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật lại biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng bà chị họ Êlisabét. Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ Maria chấp nhận “xin vâng” trước lời sứ thần Gabriel truyền tin là Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế.

Thánh Luca viết: “Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Ta thử suy nghĩ xem, hành động “vội vã” của Mẹ nhằm mục đích gì? Phải chăng Mẹ muốn nhanh chân đến để kiểm chứng lời sứ thần loan báo rằng bà Elisabét đã có thai có đúng không? Hoặc đến để khoe khoang với bà Êlisabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Thưa, thánh Ambrôsiô cho ta câu trả lời: “Mẹ lên đường không phải vì không tin lời sứ thần báo cho Mẹ, mà vì hối hả ước ao làm ơn cho gia đình bà chị. Sung sướng vì được làm cho người khác sung sướng và tận lực thi hành đức ái.

Hơn thế nữa, sự vội vã của Mẹ nói lên tâm tình của Mẹ. Mẹ Maria là người mẹ tuyệt vời trong việc nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, nên Mẹ đã đi bước trước mà không đợi ai phải cậy nhờ hay nhắn gởi. Vì thế, Mẹ đã hy sinh lên đường để đem Chúa đến cho gia đình bà chị họ Êlisabét. Vì yêu, Mẹ muốn đến để chia sẻ niềm vui và giúp đỡ người chị họ được Chúa thương cho mang thai một người con trong lúc tuổi đã cao niên. Cho dẫu đường miền núi có gập ghềnh trắc trở đến đâu, có nguy hiểm đến đâu, cũng không thể ngăn cản được ngọn lửa tình yêu mà Thiên Chúa đã đốt lên trong lòng Mẹ, ngọn lửa đó phải được cháy bùng lên (x. Lc 12,49). Quả thật là Mẹ Maria có tấm lòng bác ái yêu thương và tinh thần phục vụ đối với bà Êlisabét.

Không dừng lại ở đó, sứ điệp Lời Chúa gởi đến cho chúng ta không chỉ đơn thuần là kể lại việc Mẹ Maria đi thăm bà Êlisabét. Nhưng còn muốn gợi lên cho chúng ta ý nghĩa sâu ra hơn xuyên qua biến cố thăm viếng này. Đó là chính Thiên Chúa thăm viếng con người qua trung gian Mẹ Maria. Vì trong cung lòng thanh khiết của Mẹ đang cưu mang một thai nhi, thai nhi đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa làm người và ở giữa dân người. Chính vì thế, Mẹ được mệnh danh là “Hòm Bia Giao Ước”.

Hơn thế nữa, cuộc thăm viếng này được diễn tả rõ hơn khi Mẹ Maria cất tiếng chào bà Êlisabét thì hài nhi trong lòng bà nhảy mừng. Hành động hài nhi Gioan Tẩy Giả  “nhảy mừng” cũng gợi lại cho chúng ta thấy việc vua Đavít nhảy mừng trước Hòm Bia Thiên Chúa, khi ông rước Hòm Bia Thiên Chúa về Giêrusalem (x. 2Sm 6,14). Quả là một niềm vui vĩ đại vì được Thiên Chúa thăm viếng và ở cùng. Cách diễn tả “Thiên Chúa thăm viếng” được sử dụng rất nhiều trong Kinh Thánh, để diễn đạt những hồng ân mà Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại. Chẳng hạn trong bài thánh ca “Chúc tụng” của ông Dacaria: “Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Hoặc dân chúng chứng kiến việc Chúa Giêsu đã cho con trai bà góa thành Nain sống lại và họ ca tụng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16)…

Hôm nay cũng là ngày kết thúc tháng hoa, Giáo hội mời gọi con cái cùng hòa chung niềm vui với Mẹ hát lên bài ca Magnificat để nói lên tâm tình chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng đã đoái thương đến phận nữ tỳ hèn mọn, Đấng ban tặng cho Mẹ hồng ân nhưng không. Noi gương Mẹ Maria xin cho mỗi người chúng ta trên hành trình đức tin, khi khám phá ra ý nghĩa Thiên Chúa thăm viếng con người, thì chúng ta cũng hãy trở nên những khí cụ hữu hiệu trong những cuộc thăm viếng và phục vụ tha nhân.

Noi gương Mẹ Maria, bạn và tôi hãy là một ánh bình minh gieo niềm vui, một tia nắng ấm mang tình thương đến cho những ai đang sầu khổ. Như lời thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư Rôma: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), hãy thăm viếng tha nhân trong sự thật không giả hình (x. Rm 12,9-11). Và lời dạy của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đức Maria là mẫu gương cho Hội thánh trong việc lên đường mang ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô đến cho mọi người và mọi nơi”.

  1. Jean Mai Anh, CĐ Phước Thiên

 

Suy niệm 5:

Sau khi sứ thần Gabrien cho biết Đức Mẹ được chúc phúc và cưu mang con Thiên Chúa, Đức Mẹ vui mừng khi người chị họ của mình là bà Êlisabét cũng được chúc phúc. Đức Mẹ đã vội vã lên đường đến thăm chị họ của mình.

Động lực thúc đẩy Đức Mẹ lên đường là do lòng yêu mến và tình người của Đức Mẹ. Khi đã có lòng yêu thương thì có gian nan, xa xôi thì cũng điều vượt qua. Đức Mẹ biết chị họ đã già, lại có thai lần đầu tiên và được sáu tháng nên rất cần người giúp đỡ. Đức Mẹ đã đến ở và giúp người chị của mình. Học nơi mẹ, chúng ta đừng có thái độ làm ngơ hờ hững với anh em họ hàng của mình. Chúng ta hãy yêu thương, quan tâm giúp đỡ khi họ cần vào lúc thuận tiện có thể. Nhờ đó, chúng ta được thêm niềm vui và anh em mình cũng được hạnh phúc như Đức Mẹ vậy.

Chuyến viếng thăm của Đức Mẹ có bao nhiêu mục đích, song mục đích chính yếu vẫn là chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình Dacaria. Gioan vui mừng nhảy lên trong lòng mẹ nhờ gặp gỡ được Đấng Cứu Thế trong lòng Đức Mẹ. Bà Êlizabeth kêu lớn tiếng và nói: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em, sau lời chào của Đức Mẹ.

Đức Mẹ không những đem niềm vui cứu độ đến cho gia đình Dacaria mà còn ở lại với bà Êlizabeth độ 3 tháng để giúp đỡ, sẻ chia, an ủi, bởi hơn bao giờ hết, những ngày tháng sắp sinh nở, và sau khi sinh nở, cần thiết biết bao sự giúp đỡ của người khác. Đức Mẹ đã làm như thế để Êlizabeth hoàn toàn có thể yên tâm trong việc cộng tác phần mình vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đáp lại lời chào mừng của Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: “Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm” (Lc 1, 45). Những lời này được nói ra do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là “đức tin”. Các Giáo phụ của Giáo hội đã suy niệm nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: “Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là trong cung dạ”.

Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn “mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin dự án “bất khả hữu” này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng cho lịch sử chúng ta.

Người tín hữu cũng được mời gọi vào thái độ đức tin giống như thế. Đức tin lôi kéo họ can trường nhìn qua bên kia những khả năng và giới hạn những biến cố hoàn toàn nhân loại.

Đức Mẹ đi thăm chị họ của mình cũng có thể nói là Mẹ ra đi truyền giáo. Theo Tin Mừng viết thì Đức Mẹ đi một mình. Nhưng với niềm tin của chúng ta, Đức Mẹ đi cùng với Thiên Chúa vì Mẹ đã được Thiên Chúa chúc phúc, được tuyển chọn, là người của Chúa, thuộc về Chúa và cũng đang cứu mang Con Một Thiên Chúa. Như vậy trên đường đến thăm chị họ, Đức Mẹ luôn có Chúa đi cùng. Đức Mẹ đi trong niềm vui và mang niềm vui đến cho mọi người. Niềm vui ấy được thể hiện nơi thai nhi của bà Êlisa bét: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”(x Lc 1,44). Chúng ta hãy bắt chước Mẹ lên đường trong niềm tin rằng chúng ta không bao giờ đi một mình, chúng ta luôn có Chúa thân hành và hiện diện.

Hình ảnh vui tươi phục vụ và nhất là niềm vui mang Chúa đến cho mọi người nơi Mẹ gợi cho chúng ta một cung cách sống quảng đại, yêu thương và dấn thân phục vụ. Noi gương Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi ra đi mang Chúa đến cho mọi người, như lời của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đức Maria, trên con đường đi thăm viếng bà Elizabeth, đã trở nên ngôi nhà tạm sống động, vì Mẹ đang cưu mang trong cung lòng mình Con Thiên Chúa”. Để có thể thực hiện được điều này, mỗi người chúng ta cần phải có Chúa trong mình, cần phải sống kết hiệp với Chúa, trở nên những ngôi nhà tạm sống động của Chúa. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng cần phải biết siêng năng lắng nghe và suy gẫm lời Chúa, để có thể lắng nghe và nhận ra được thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, từ đó hăng say cất bước ra đi mang niềm vui đến cho mọi người.

Qua cuộc viếng thăm ấy, Đức Mẹ cảm thấy vô cùng hạnh phúc không gì diễn tả nổi. Đức Mẹ đã cất cao bài “Magnificat”. Một bài ca vang mãi muôn đời. Bài hát mà Giáo Hội đã làm lời kinh trong phụng vụ. Cùng với Giáo Hội chúng ta hãy hát lên và sống bài ca ấy. Bài ca của niềm vui trọn vẹn và đích thực. Niềm vui vì nhìn thấy được công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; vui vì tìm được nguồn chân lý, công bằng và sự thật và vui vì con đường đến với Thiên Chúa còn có rất nhiều người cùng đi.

Thăm viếng người khác một cách chân thành với mục đích đem yêu thương, an vui, hạnh phúc đến cho họ là một trong sứ điệp quan trọng của lời Chúa hôm nay. Muốn có thể đem yêu thương, an vui hạnh phúc cho người khác, đòi các tín hữu phải là người có niềm vui cứu độ. Xin Chúa cho các tín hữu luôn biết mở lòng ra cho Chúa đến để khi tâm hôn có Chúa chúng ta có thể bắt chước Đức Mẹ đem niềm vui cứu độ đến với tha nhân.

Huệ Minh

Suy niệm 6: “MẸ SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ, MẸ ĐI ĐỂ TRAO GIÊSU”

Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau.

Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên hai đặc trưng: Đức tin và sự trao ban – phục vụ.

  1. Đặc trưng niềm tin

Với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem (khoảng 100km) với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1,45).

Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1,49). Câu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ.

Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin. Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16,26; 2Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa”. Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó . Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin này bao hàm một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo.

  1. Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)

Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vuitrao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.

Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương.

Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.

Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ Maria; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ Maria. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.

(Hiền Lâm)

Suy Niệm 7

Chuyện kể rằng: một thiếu nữ hôm mừng sinh nhật tuổi 17, đã xin Mẹ cô một chiếc gương soi cở lớn, nhưng người mẹ đạo hạnh lại cho cô một gói quà nhỏ. Mở ra, cô thấy một bức ảnh Đức Mẹ với lời đề tặng: “Đây là chiếc gương lớn nhất mà mọi người cần soi bóng.” Bấy giờ thiếu nữ mới hiểu và hằng ngày cô đã soi bóng mình trong tấm gương Maria và sau đó cô đã đi tu và sống một cuộc sống thánh thiện, trở thành một vị thánh.

Người thiếu nữ trong câu chuyện trên đây nhờ người mẹ đạo hạnh nên biết soi chiếu đời mình nơi tấm gương Đức Maria. Thật vậy, Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức cho mỗi người chúng ta noi theo. Hôm nay, chúng ta cùng nhau noi theo gương thăm viếng của Mẹ.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe thánh Luca tường thuật lại biến cố Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth. Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ vừa chấp nhận lời Thiên thần truyền tin để cưu mang Đấng Cứu Thế. Lúc đó, Thiên thần Gabriel báo cho Mẹ biết bà Êlizabeth đã cưu mang Thánh Gioan Tẩy Giả được sáu tháng. Mẹ liền chổi dậy, vội vã đi lên miền núi. Không phải Mẹ “vội vã” tới nơi bà Êlizabéth để kiểm chứng lời của Thiên thần loan báo, cũng không phải để khoe khoang với Bà Êlizabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Nhưng sự “vội vã” nói lên tâm tình của Mẹ: tâm tình muốn chia sẻ; tâm tình muốn giúp đỡ. Vì muốn chia sẻ niềm vui có Chúa trong mình, vì muốn giúp đỡ bà chị họ trong lúc khó khăn, nên Mẹ đã chấp nhận hy sinh lên đường. Mẹ “đi lên miền núi,”. Đường miền núi chắc chắn sẽ khó khăn vất vả: bụi bặm trong những ngày nắng, trơn trượt trong những ngày mưa. Nhưng dù khó khăn vất vả đến mấy cũng không ngăn cản được tình yêu của Mẹ. Mẹ đã lên đường. Mẹ đã vượt qua được quảng đường dài đầy gian nan vất vả, cuối cùng Mẹ đã đến. Giờ phút hai bà mẹ gặp nhau. Người thăm viếng và người được viếng thăm tay bắt mặt mừng. Niềm vui trong giờ phút đó không bút mực nào tả xiết. Đối với Bà Êlizabéth, được “Chúa cất đi nỗi tủi nhục,” cho bà mang thai trong tuổi già, đã là niềm vui vô cùng to lớn. Giờ đây, niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi được “Mẹ Chúa đến viếng thăm.” Còn Mẹ Maria, Mẹ vui vì có Chúa trong mình. Mẹ vui vì thấy được những sự lạ lùng đang diễn ra trong cuộc đời của Mẹ.  Mẹ vui hơn khi được chia sẻ niềm vui đó cho bà chị họ. Khi nghe bà Êlizabéth ca tụng, Mẹ quy hướng tất cả những gì Mẹ được về cho Thiên Chúa “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.” Chính vì vậy, Mẹ đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi.”

Niềm vui giữa hai bà Mẹ được lan toả sang hai người con đang còn trong bụng.  Bà Êlizabéth đã xác nhận: “Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.”

Chính niềm vui hôm nay đã được tiên tri Sôphônia tiên báo, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.” Vị tiên tri đã báo trước về ngày này. Ngày vua Israel thực hiện lời hứa. Ngày Ngài viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Hiệu quả của cuộc thăm viếng này vô cùng lớn lao: bà Êlizabeth được Mẹ lưu lại giúp đỡ trong những ngày thai nghén, sinh nở: “Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.” Thánh Gioan Tẩy giả được khỏi tội Tổ Tông Truyền ngay từ trong lòng Mẹ. Như vậy, cả nhà ông Giacaria đều tận hưởng niềm vui hoàn hảo vì có Chúa và Mẹ ở cùng.

Biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth không những mang tính lịch sử mà còn là mẫu mực cho các cuộc thăm viếng của con người qua mọi thời đại.

Trong cuộc sống, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách thế khác nhau: có thể bằng một tin nhắn, bằng một cú điện thoại, bằng một lá thư điện tử, bằng một lá thư viết tay, bằng một gói quà đặt trọn tất cả tấm lòng trong đó…, nhưng tất cả những cách thức đó không thể thay thế cho sự thăm viếng cách trực tiếp. Bởi vì, thăm viếng không chỉ là chuyện thường tình giữa con người với nhau: giữa anh chị ruột thịt với nhau, giữa bạn bè với nhau, giữa làng xóm láng giếng với nhau, giữa người khoẻ với người đâu yếu…Nhưng có khi sự thăm viếng lại là một bổn phận: bổn phận giữa bề dưới với bề trên, bổn phận giữa người khoẻ với người ốm đau bệnh tật, bổn phận giữa con cái cháu chắt với ông bà cha mẹ. Con cái có bổn phận thường xuyên thăm viếng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ gặp sự khốn khó, bệnh tật, như người xưa dạy rằng:

“Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.”

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta thường hay vịn lý do công việc để miễn trừ cho bổn phận thăm viếng ông bà, cha mẹ. Nhưng thử hỏi, công việc, tiền bạc quan trọng hơn hay là bổn phận thăm viếng, lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ quan trọng hơn? Cần dành thời gian nhiều để thăm viếng. Thăm viếng khi vui, thăm viếng khi buồn, thăm viếng khi ốm đâu bệnh tật. Người ta thường nói: “Vui chia vui thành hai vui khác, buồn chia buồn chỉ còn một nữa.”

Để các cuộc thăm viếng mang lại niềm vui và hiệu quả tốt đẹp, cần phải noi gương Mẹ Maria luôn phải mang Chúa trong mình. Có Chúa là có tình thương, niềm vui và bình an. Khi đó cuộc thăm viếng của chúng ta mới đem tình yêu đến cho mọi người.

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta, luôn bắt chước gương thăm viếng của Mẹ Maria. Hãy thăm viếng nhau và đem lại cho nhau những niềm vui và sự bình an. Hãy thăm viếng những người yếu đau và có thể mang theo những món quà với tình thương mến. Bề trên hãy thăm viếng những người bề dưới với sự đồng cảm và sẻ chia. Bề dưới hãy thăm viếng bề trên với lòng hiếu kính. Đặc biệt, trong các cuộc thăm viếng hãy mang Chúa đến cho tha nhân, như Đức Mẹ đem Chúa đến cho cả gia đình ông Giacaria ngày xưa.

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn biết siêng năng thăm viếng tha nhân. Xin Chúa đồng hành với chúng con trong các cuộc thăm viếng, để các cuộc thăm viếng của chúng con mang lại niềm vui và sự bình an cho tha nhân. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

(Nguồn: Tổng hợp)