Chúa Nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024

Suy niệm Thứ Ba tuần 25 Thường Niên

Chuyên mục: Suy niệm ngày thường - Ngày đăng: 23.09.2024
Chia sẻ:

SUY NIỆM THỨ BA TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: “Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy”.

Người trả lời với họ rằng: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Ảnh: Google

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy niệm 1: Mẹ tôi và anh em tôi

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,

mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.

Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?

Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,

bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.

Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.

Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,

thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).

Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:

“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).

Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết

Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.

Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.

Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:

“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa

và đem ra thực hành” (c. 21).

“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ!

Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.

Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,

người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.

Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.

Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.

Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.

Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.

Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,

để trở thành mẹ và anh em của Ngài.

Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.

Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.

Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,

và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.

Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.

Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,

bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,

họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.

Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.

Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,

nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.

Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.

Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.

Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.

Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.

Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,

vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Suy niệm 2: Sâu hơn, cao hơn, rộng hơn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Khi trả lời “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Chúa Giê-su không có ý chối từ Đức Mẹ. Trái lại còn ngợi khen Đức Mẹ. Và nhân đó nói lên mối liên hệ gia đình cần phải sâu hơn, cao hơn và rộng hơn mối liên hệ huyết thống.

Liên hệ huyết thống tuy sâu xa. Những ai nghe và giữ Lời Chúa thì kết hợp sâu xa hơn nhiều. Liên hệ gia đình bền vững mãi mãi. Vì có Lời Chúa làm nền tảng.

Liên hệ huyết thống tuy cao quí. Nhưng dừng lại ở giới hạn phàm trần. Những ai nghe và giữ Lời Chúa tạo thành một gia đình cao hơn. Vươn lên tới Thiên Chúa. Thành gia đình của Thiên Chúa.

Liên hệ huyết thống có giới hạn. Gia đình Thiên Chúa rộng lớn vượt không gian, thời gian. Bất cứ nơi đâu có người nghe và giữ Lời Chúa.

Đức Mẹ đã nghe và giữ Lời Chúa. Suốt đời kết hợp với Chúa Giê-su. Luôn thực hành thánh ý Chúa Cha. Nên mối liên hệ huyết thống với Chúa Giê-su đã vượt lên. Trở thành cao hơn, sâu hơn và rộng hơn.

Vua Đa-ri-ô khi nghe và thực hành Lời Chúa, đã biến cả vương quốc của vua thành một gia đình. Mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đều góp phần vào việc tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem. “Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do-thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa: phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó”. Đó là một gia đình rộng lớn khắp đế quốc Ba-Tư. Một gia đình nghe và thực hành Lời Chúa. Một gia đình của Thiên Chúa (năm lẻ).

Đó chính là thực hành lời sách Châm ngôn: “Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy, Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người”. Không theo ý Chúa thì mọi việc rơi vào thất bại tàn lụi. Làm theo ý Chúa thì kết quả bền vững tốt đẹp: “Các người cho lối sống của mình là ngay thẳng, nhưng Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can. Thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ” (năm chẵn).

Nghe và thực hành Lời Chúa. Ta trở thành gia đình của Chúa. Thật vinh dự cao quí biết bao!

Suy niệm 3: Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: “Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài.

Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền”. Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.

Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.

Suy niệm 4: Ai thật là mẹ và là anh chị em tôi

Đức Giêsu nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Lc. 8, 21)

Theo Thánh Marcô, khi gia đình Đức Giêsu định chặn bắt Thầy, chính vì họ xét thấy “Người đã mất trí” (Mc. 3, 21). Người ngột ngạt vì họ. Họ không để Người yên.

Thánh Lu-ca không nói đến chuyện khó chịu đó. Nếu Đức Maria và thân nhân không tới được Đức Giêsu, chính là kết quả lạ lùng của Đức Giêsu. Đông đảo dân chúng chen lấn tứ phía làm các Ngài không tới gần Người. Vượt qua hàng rào người xiết chặt chung quang là vô phương. Người ta chỉ có thể gợi lại cảnh đó bằng nhìn thấy những kẻ lãnh đạo vĩ đại thế giới thời nay được quần chúng ngưỡng mộ. Dân chúng vây quanh bắt tay gặp gỡ, ngó nhìn tận mắt, mỉm cười với các ông lớn đó. Đức Kitô không tránh khỏi cảnh vây quanh đó. Đó là lý do tại sao Mẹ Người và anh em chú bác không tới thăm và gặp được Người để có thể thông cảm với Người.

Khi người ta báo có thân nhân Người muốn gặp Người, lợi dụng lúc đó để lưu ý mọi người Đức Giêsu nhìn trừng trừng chung quanh, kêu lên như từ chối gia đình trần gian để nhấn mạnh đến tình nghĩa gia đình thiên quốc, Người nói: “Mẹ Tôi và anh em Tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, như Người đã nhấn mạnh: Ai nghe lời Thiên Chúa là đất tốt sinh ra nhiều hoa trái, họ cũng là đèn sáng đặt trên đế đèn soi sáng cho tất cả chung quanh, và hơn hết họ thật là anh em bà con của Người.

Cố gắng thực hiện đầy đủ lời Chúa, chính là gia nhập vào gia đình Chúa thật sự, chính là ước muốn, suy niệm, hành động và thực hiện như Đức Kitô, chính là đón nhận hiến chương nước trời Người đã rao giảng trên núi, chính là đón nhận những đòi hỏi khó khăn của ơn tái sinh, chính là bước theo đường thánh giá tới đỉnh vinh quang phục sinh.

Anh em bà con của Đức Giêsu Kitô thực sự là thế! Người không chối bỏ thân nhân về ruột thịt, nhưng vượt lên cao hơn.

Đức Maria là mẹ của Đức Kitô về cả hai phương diện, mẹ thân xác và mẹ theo Đức Kitô tới đỉnh Can-vê. Mẹ cưu mang sinh thành và mẹ cưu mang thực thi lời Chúa.

GF

Suy niệm 5: Nghe và thực hành Lời Chúa

Xem lại thứ hai tuần 3 TN và thứ Ba tuần 6 TN

Truyền thống từ xa xưa luôn tin nhận Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế và là Nữ Tỳ Thiên Chúa. Đức Maria được diễm phúc cao trọng này là nhờ Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn. Vì thế, Đức Giêsu hết mực tôn kính Mẹ.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Maria và các anh em của Ngài đến tìm Ngài, và khi được tin báo, Đức Giêsu lại nói: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Qua câu nói này, người nghe cảm thấy ngỡ ngàng quá đỗi, bởi vì xem ra có vẻ Đức Giêsu quá thờ ơ với mối liên hệ ruột thịt! Hơn nữa, người đó lại là Mẹ mình… Phải chăng điều này không thể chấp nhận được!

Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì đây là một cách gián tiếp, Đức Giêsu ca tụng Mẹ mình hơn ai hết. Tại sao vậy? Thưa! Vì Mẹ Maria là người trung thành và tín thác nơi Thiên Chúa tuyệt đối qua thái độ lắng nghe, Suy niệm và thực hành cách trọn vẹn Lời của Thiên Chúa trong cuộc đời và nơi các biến cố.

Như vậy, đối với Đức Giêsu, tình nghĩa gia đình không chỉ xây dựng trên liên hệ máu mủ, mà thiết yếu phải được củng cố bởi lòng tin. Vì vậy, một cách mặc nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho Mẹ thêm vinh dự, cao trọng và đáng để mọi người noi gương.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn đặt niềm tin nơi Chúa. Đón nghe Lời Chúa và thực hành thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Ước gì cuộc đời của chúng con luôn được Lời Chúa soi dẫn. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy niệm 6: Nghe lời Chúa và thực hành

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chính việc nghe và thực hành Lời Thiên Chúa làm cho ta nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta trở nên anh em và cũng là con cùng một Cha trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy tâm tư sâu kín của lòng con. Rất nhiều lúc con cảm thấy nghe và thực hành Lời Chúa như một gánh nặng, như một việc khổ sở, và con đã tránh né hoặc làm một cách miễn cưỡng. Nhưng hôm nay, Chúa mặc khải cho con thấy: khi con nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, con được nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa. Cho dù khi ấy con có phải hi sinh, nhưng trước hết đó là niềm vinh dự và hạnh phúc của con. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nâng con lên, cho con trở thành người nhà của Chúa.

Chúa quý mến những người nghe và giữ Lời Chúa. Chúa đã đặt gia đình thiêng liêng cao hơn những liên hệ máu huyết, cao hơn những ràng buộc gia đình. Trong ánh sáng của Chúa, con hiểu được rằng Chúa không bao giờ coi thường Đức Mẹ. Nhưng trái lại, Chúa yêu mến Đức Mẹ không những vì Mẹ đã sinh ra Chúa, nhưng nhất là vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Con muốn bắt chước Đức mẹ để trở nên người môn đệ được Chúa yêu mến.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con coi trọng Chúa hơn tình cảm gia đình. Xin đừng để con vì bênh cha mẹ hoặc bênh con cái, mà quên cả công bằng, quên cả lương tri và lẽ phải, hay vì danh dự gia đình mà không dám nhìn nhận sự thật. Xin đừng để con chỉ vì tình bạn hữu anh em mà bỏ cả dự lễ, cầu nguyện. Con cũng xin Chúa đừng để bậc cha mẹ chỉ vì muốn giữ con cái làm việc hoặc nối dõi tông đường, mà không cho con cái hiến thân làm tông đồ cho Chúa.

Xin Chúa giúp con hết lòng tin kính mến yêu Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Suy niệm 7: Sống thi hành thánh ý Chúa

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đức Maria được chọn làm Mẹ của Con Đức Chúa Trời, Mẹ đã đáp trả lời xin vâng, đồng thời Mẹ khiêm hạ tự xưng mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Khi nói mình là tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Maria nói một cách chân thành, khiêm cung, xác tín, chứ không phải nói một cách giả hình giả bộ.

Khi nói lên sự vâng phục của mình như người tôi tớ của Chúa: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời” (Lc 1,38), Đức Maria nói lên lời khấn thứ hai của mình, lời khấn đức vâng phục. Lời khấn thứ nhất của Đức Maria là lời khấn khiết tịnh, lời khấn mà Đức Maria đã nói ra cho thiên thần biết: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).

Mẹ luôn sống thi hành thánh ý Chúa.

Suy niệm

Khi khẳng định: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Ðức Giêsu không có ý coi nhẹ tình gia đình, cũng như không phải lãnh đạm với Mẹ và anh em Ngài. Đức Giêsu muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa.

Qua sự khẳng định Mẹ và anh em Ngài chính là những người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu không có chủ ý là không muốn nhìn nhận Mẹ của mình. Nhưng Chúa muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết.

Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Khi Mẹ nói lên lời khấn vâng phục: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời”, Đức Maria muốn nói lên rằng Mẹ sẽ tuyệt đối vâng phục, vâng phục như một người tôi tớ luôn tuân theo thánh ý Chúa trong cuộc đời. Lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô hữu: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

Qua lời chào của thiên sứ: “Kính chào bà đầy ơn phước” (Lc 1,28), cũng như qua lời ngợi khen của bà thánh Isave: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm” (Lc 1,43), Đức Maria biết rõ địa vị diễm phúc cao sang của mình trước mặt Thiên Chúa. Nhưng Mẹ không bao giờ gạt Chúa ra một bên. Trái lại, Mẹ luôn tìm cách vâng phục thánh ý Chúa một cách tối đa, trọn vẹn.

Chính Mẹ cũng đã đi trước làm gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Maria đã không ỷ chức làm Mẹ của mình để bắt Chúa Giêsu vâng phục. Trái lại, Mẹ luôn tìm cách vâng phục Chúa Giêsu và đề cao Con Thiên Chúa trước mặt mọi người. Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền” (Ga 2,5), hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh…

Xin Chúa giúp chúng con ý thức về việc nghe và thực thi ý thánh Chúa để chúng con trở nên xứng đáng là anh chị em với Chúa như Mẹ Maria và các môn đệ đã làm.

Ý lực sống:

“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).

Suy niệm 8: Gia đình đích thực của Đức Giêsu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. “Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Câu trả lời của Đức Giêsu gợi cho chúng ta cảm giác Ngài hững hờ với Mẹ Ngài và anh em Ngài, nhưng thực ra không phải như vậy. Đức Giêsu ca tụng Mẹ Maria. Vì hơn ai hết, Mẹ là người luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa một cách tuyệt đối. Câu trả lời của Chúa không phải là một chối từ mối tình thân ruột thịt, mà là có ý nói đến một mối tình cao quí hơn, đó là cùng liên kết với nhau trong Thiên Chúa qua việc nghe và thực hành Lời Chúa.

Truyền thống từ xa xưa luôn tin nhận Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế và là nữ tỳ Thiên Chúa. Đức Maria được diễm phúc cao trọng này là nhờ Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn. Vì thế, Đức Giêsu hết lòng yêu mến Mẹ. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay lại trình thuật việc Đức Maria và các anh em của Ngài đến tìm Ngài, và khi được báo tin, Đức Giêsu lại nói: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Qua câu nói này, người nghe cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xem ra có vẻ Đức Giêsu quá thờ ơ với mối liên hệ ruột thịt. Hơn nữa, người đó lại là Mẹ mình… Phải chăng điều này không thể chấp nhận được! Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì đây là một cách gián tiếp, Đức Giêsu ca tụng Mẹ mình hơn ai hết. Tại sao vậy? Thưa, vì Mẹ Maria là người trung thành và tín thác nơi Thiên Chúa tuyệt đối qua thái độ lắng nghe, Suy niệm và thực hành cách trọn vẹn Lời của Thiên Chúa trong cuộc đời và nơi các biến cố đã xảy ra cho Ngài.

Thực ra, Tin mừng hôm nay cho thấy cách nhìn về con người của Đức Giêsu. Khi tuyên bố: “Mẹ và anh em Ta là người lắng nghe và thực hành Lời Chúa”, Đức Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài.

Đức Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài, là anh em trong gia đình Ngài, không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hoà bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Đức Giêsu càng trở nên mật thiết hơn (Mỗi ngày một tin vui).

Đức Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đó là hình ảnh Đức Giêsu muốn diễn tả khi ngài nói: “Mẹ Tôi và anh em Tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Với ý nghĩa đó, Đức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Đức Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Đức Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời.

Đức Maria “đang đứng bên ngoài” (c.20), bị tách biệt khỏi các môn đệ đang ngồi thật an bình hạnh phúc quanh Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dạy. Thế nhưng Mẹ không đứng bên ngoài một mình mà đứng cùng với anh em của Đức Giêsu. Mẹ cũng không bất ngờ khi nghe Đức Giêsu, con của Mẹ, nói những lời như thế. Hơn một lần – trong đền thờ khi Đức Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,49); tại tiệc cưới Cana (Ga 2,4) – Mẹ đã nghe Chúa nói: phải vượt qua mối quan hệ gia đình theo “huyết nhục” để trở thành “mẹ và anh em của Đức Giêsu” qua việc “nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa”. Và nhất là Mẹ đã không chỉ “lắng nghe và Suy niệm trong lòng” cho riêng mình; Mẹ còn dẫn đưa những người thân của mình đến với Đức Giêsu để cũng trở thành người thân trong gia đình của Thiên Chúa, như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5) (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Hãy thực hành Lời Chúa đi!

Trong Chúa nhật đầu tiên tại một giáo xứ nọ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích, sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói “Phun châu nhả ngọc”.

Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế, vào Chúa nhật kế tiếp, nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các Chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chờ đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha sở lại giảng một bài gần giống như bài giảng Chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong Thánh lễ Chúa nhật thứ 3, thứ 4, rồi kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.

Hội đồng giáo xứ liền cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao mà ngài lại cứ giảng đi giảng lại một bài giảng hoài như vậy. Cha xứ bèn trả lời: “Tại sao anh chị vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần trước. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bày tôi sẽ giảng bài mới.

Suy niệm 9: Thi hành Lời Chúa

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống…

Bài tường thuật cho thấy rõ hai nhóm người khác nhau:

a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài, họ còn được Chúa Giêsu mô tả là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”;

b/ Nhóm kia thì “đứng” ở ngoài và “không thể đến gần Ngài được”. Ý muốn của họ chỉ là muốn “thấy” Ngài (cách dịch sát nghĩa câu 32b) chứ không phải để “nghe” và “thực hành” những Lời Ngài dạy. Nhóm a mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.

Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm b thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.

Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao Người: Đức Maria tuy có mặt trong nhóm b nhưng không giống những người trong nhóm đó. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (xem 1,38 “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; 1,45 Lời Êlisabét nói với Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”; 2,19 Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”;  2,52 Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” v.v.): Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.

B…. nẩy mầm.

1. Những bài Tin Mừng trong mấy ngày liên tiếp gần đây đều nhắc nhở việc phải thi hành những Lời của Chúa mà mình đã nghe. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn khuyến khích việc đó bằng cách coi những người thực hành Lời Chúa là gia đình thật của Ngài, thân thiết hơn cả gia đình tự nhiên.

2. Chúa Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Ai càng sống Lời Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài… Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)

3. Theo ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, Đức Maria hai lần xứng đáng là Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Chúa (“Mỗi ngày một tin vui”)

4. ”Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người mà không làm sao lại gần được vì dân chúng quá đông” (Lc 8,19)

Thế là chúng tôi đã bỏ lễ ngày Chúa nhật vì đường xa và lầy lội quá. Đi lên Hòa Hiệp vùng biên giới xa xôi, chúng tôi ước ao gặp được một nhà nguyện hay một nhà thờ nho nhỏ. Nhưng đất Hòa Hiệp rất ít người công giáo. Hơn nữa, người dân phải lao động đầu tắt mặt tối để kiếm sống nên không có thời gian đi lễ. Có quá nhiều lý do để người ta không thể dự lễ Chúa nhật dù lòng họ vẫn muốn đến với Chúa.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì ở gần nhà thờ mà lười biếng đi dự lễ. Tôi tự nhủ: phải siêng năng hơn, vì có những người muốn đi lễ mà không được.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến Chúa và tìm mọi cách để đến với Chúa. (Hosanna).

Suy niệm 10: Gia đình thật của Chúa Giêsu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài tường thuật cho thấy rõ có hai nhóm người khác nhau:

a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài. Họ còn được Chúa Giêsu mô tả như là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

b/ Nhóm kia thì “đứng” ở ngoài và “không thể đến gần Ngài được”. Ý muốn của họ chỉ là muốn “thấy” Ngài chứ không phải để “nghe” và “thực hành” những Lời Ngài dạy.

Nhóm A mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.

Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm B thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài.

Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao mẹ Ngài: Đức Maria tuy có mặt trong nhóm B nhưng không giống những người trong nhóm đó. Mẹ là người luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (Lc 1,38: “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; Lc 1,45: Lời bà Êlisabeth nói với Maria: Em thật có phúc vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”; Lc 2,19: Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”; Lc, 2,52: Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” v.v.): Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì mẹ luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.

Đây là lời của Công Đồng chung Êphêsô năm 43l: Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ: “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói: “Ngôi Lời đã sinh ra làm người “ (DS 251).

2. Chúa Giêsu đã không hề có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và những người thân thuộc, nhưng Chúa muốn mọi người hiểu rằng, mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Càng sống Lời Ngài, thì càng kết hợp mật thiết với Ngài nhiều hơn. Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là những hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Có một chị nữ tu nọ đặc trách quán cơm bình dân trong một trường học, vào những giờ đông người đến mua thức ăn cho bữa trưa hoặc bữa chiều, thì chị phải nghe không biết bao nhiêu là những lời than phiền trách móc, đòi hỏi và có khi còn có cả những lời mắng chửi trước mặt mọi người vì chị đã không đáp ứng kịp những nhu cầu bất chợt của những người mua thức ăn. Nhưng dù vậy, lúc nào chị cũng luôn luôn vui tươi phục vụ như không có gì xảy ra.

Một hôm, có người tò mò hỏi chị làm sao mà chị có thể vẫn vui tươi phục vụ như vậy?

Chị trả lời như sau:

– Thường tình thái độ sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, hay đúng hơn bị lèo lái bởi ảnh hưởng của những kẻ khác. Phần tôi, thì tôi đã cố gắng không sống theo tâm thức thường tình này. Họ bất kính vô lễ đối với tôi, nhưng đó không phải là lý do để tôi trở thành bất kính vô lễ đáp lại họ.

Chúng ta dễ dàng theo luật trả thù mắt đền mắt, răng thế răng. Chúng ta không dùng lửa để chống lại lửa, nhưng hãy dùng nước để trị lửa. Thánh Phaolô gọi phương pháp đó là lấy sự lành đáp lại sự dữ. Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã sống yêu thương để nêu gương cho chúng ta.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta canh tân đời sống yêu thương tha thứ theo Tin Mừng. Thánh Augustinô đã nói: “Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta”.

Chúng ta hãy nhớ lại lời Kinh Lạy Cha, và nhất là hãy xin Chúa ban cho ta sức mạnh thực hành lời xin tha thứ.

Lạy Cha, xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Chớ để chúng con sa vào những cơn cám dỗ làm buồn lòng Chúa. Amen.

Suy niệm 11: Mẹ và anh em của Chúa là nghe và thực hiện Lời Chúa

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Chúa đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Khi Chúa đến chỗ nào là người ta tuôn đến thật đông đảo chỗ đó để nghe Chúa rao giảng. Chúng ta không biết Đức Mẹ và các anh chị em dòng họ của Chúa có đi theo Chúa mọi nơi mọi lúc hay không? Chắc có lẽ không đi được vì các anh chị em của Chúa còn phải làm việc lao động để sinh sống, Đức Mẹ cũng đã lớn tuổi rồi cho nên sẽ đi không nỗi, chỉ có các tông đồ, các môn đệ mà thôi. Thế nhưng hôm nay có người trong đám đông nghe Chúa rao giảng Tin Mừng thì thấy có Đức Mẹ và các anh cị em của Chúa đến thăm Chúa, cho nên họ đã thưa lại với Chúa điều này: “Khi ấy, mẹ và anh em của Chúa đến tìm người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: Có mẹ và anh em Thầy đang ở ngoài muốn gặp Thầy” (Lc 8, 19 – 20). Như vậy chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa đang rao giảng Tin Mừng gần quê nhà của Chúa, cho nên Đức Mẹ biết, anh chị em của Chúa biết và cùng đi chung với nhau đến nghe Chúa rao giảng Tin Mừng và qua đó thăm Chúa luôn.

Chúng ta có thể hiểu rằng Đức Mẹ tuy không đi theo Chúa mọi nơi mọi lúc, hiện diện bên Chúa lúc này lúc kia khi Chúa rao giảng Tin Mừng, thấy Chúa làm phép lạ, nhưng lòng Đức Mẹ luôn hướng về Chúa, dõi theo tưng bước đi, từng lời giảng dạy của Chúa, và Đức Mẹ lúc nào cũng thực hiện trọn vẹn thánh ý Chúa. Nhất nữa, Đức Mẹ luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho Chúa để Chúa có nghị lực, có tình yêu, có sức khỏe, sự can đảm….và rồi vượt qua những trở ngại gian nan thử thách mà chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Chúa.

Đức Mẹ và các anh chị em của Chúa có cùng chung một tâm tình như vậy, đã làm cho Chúa yêu thương, quý mến Mẹ của Chúa và các anh chị em Chúa vô cùng. Chúa trân trọng cách đặc biệt và Chúa xem như đó là một mẫu gương rất cần cho tất cả mọi người chúng ta noi theo trong việc thực hiện lời Chúa dạy. Nhất nữa, khi Đức Mẹ và các anh chị em của Chúa đến thăm Chúa, thấy Chúa đang thực hiện sứ mạng cao cả này, các ngài coi mình cũng như bao người khác, là một thành viên trong cộng đoàn của Chúa, chứ không phải các ngài ăn theo uy thế, danh giá của Chúa để tiến đến sát bên Chúa, ngồi bên Chúa, bảo Chúa ngừng lại để tiếp mình, nói chuyện với mình mà làm ảnh hưởng đến bao người khác đang nghe Chúa giảng. Đây là một sự khiêm nhường của tất cả chúng ta là những người theo Chúa trong đời sống dương gian. Chúa cần điều này, cho nên Chúa đã nhân dịp quan trọng đây, Chúa đề cao Mẹ và các anh chị em của Chúa và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước các ngài trong việc nghe Chúa dạy bảo và đem ra thực hành để Chúa thâu nhận chúng ta vào gia đình thiêng liêng của Chúa, được Chúa cho hưởng gia nghiệp cùng với Chúa sau này trên thiêng đàng sau này: “Người trả lời với họ rằng: Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đam ra thực hành” (Lc 8, 21). Như vậy là chúng ta phải bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa thì chúng ta mời được gọi là con của Chúa thật sự.

Lạy Chúa, phúc cho chúng con khi chúng con đi theo đường lối dạy bảo của Chúa, và mỗi ngày chúng con lớn lên trong tình yêu của Chúa khi chúng con tuân giữ lời Chúa dạy, xin Chúa cho chúng con biết theo Chúa đến cùng, thực thi lời Chúa dạy mãi mãi. Amen.

Suy niệm 12: Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 25 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin Chúa giúp chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.

Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sống mãi trong thần khí và sự thật, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Như Giêrêmia, Êdêkien cũng loan báo một giao ước mới, được Thần Khí đảm bảo, đưa đến hậu quả là tẩy xóa vết nhơ tội lỗi, nhờ ơn Thiên Chúa ban không. Giao ước này được thiết lập nhờ Đức Kitô chịu chết và sống lại. Người Kitô hữu được tham dự vào giao ước đó nhờ Bí Tích Thánh Tẩy. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá, và ban cho chúng một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim, và đặt thần khí mới vào lòng chúng, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta; lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.

Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, qua những chủ chăn của Hội Thánh, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Một người mẹ duy nhất của chúng ta là Hội Thánh Công Giáo đã sinh ra mọi Kitô hữu rải rác trên khắp hoàn cầu. Hội Thánh như cây nho, càng lớn mạnh càng lan rộng khắp nơi… Nhờ Đức Kitô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa. Người là Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ giao ước mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa.

Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, hoàn toàn tuân theo ý Chúa, chứ không làm theo ý riêng của mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Châm Ngôn cho thấy: Con người cho lối sống của mình là ngay thẳng, nhưng Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi. Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Lạy Chúa, đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Ngài. Đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài, con khao khát đợi trông.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa là một mối phúc: sẽ được trở thành người nhà của Thiên Chúa. Chúng ta là đoàn chiên duy nhất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Tuy nhiên, đoàn chiên của Đức Kitô đang bị tản mác khắp nơi: chạy theo của cải trần gian, yêu chuộng những phù hoa trên mặt đất này, không muốn chết cho tội lỗi, để được sống trong Đức Kitô. Kiêu ngạo sinh ra xâu xé, yêu thương đưa đến hợp nhất. Vị Mục Tử Nhân Lành đang tìm kiếm khắp nơi những kẻ lầm lạc, bồi dưỡng người đau yếu, chữa lành kẻ suy nhược, băng bó người bị thương, dùng người này săn sóc người kia, dù họ không quen biết nhau. Thiên Chúa như Mẹ hiền ấp ủ con thơ: Người là Mục Tử Nhân Lành đi tìm chiên lạc; là Người Làm Vườn tài ba có thể tháp nhập những ngành đã lìa cây vào lại với thân cây. Phúc cho những ai là những chiên ngoan, là những cành cây luôn gắn chặt với thân cây, nhưng, càng có phúc hơn cho những ai đã tách đàn, lìa cây, biết lắng nghe tiếng Chúa, mà kíp bước trở về. Cứng lòng, kiêu ngạo sẽ sinh ra chia rẽ; bác ái, khiêm nhường sẽ tạo lập hiệp nhất, bình an. Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, ước gì chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)