SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA: Lc 18, 35-43
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua.
Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”
Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
Ảnh: Google
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Xin cho tôi nhìn thấy
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga 16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen
Suy niệm 2: Xin cho con được thấy
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ai cũng băn khoăn về tương lai. Ai cũng muốn biết xem định mệnh của mình rồi sẽ ra sao. Nhưng tương lai chưa tới. Định mệnh con người là một bí mật. Ai nhìn biết sẽ trở thành người thông sáng. Vì sẽ có tương lai rạng rỡ. Ai không biết sẽ trở thành người mù tối. Và sẽ làm cho tương lai ngập tràn bóng tối. Người thông sáng hiểu biết phải nắm vững chân lý nền tảng này: Thiên Chúa làm chủ trời đất và vận mệnh con người. Tôn thờ Chúa là nguồn hạnh phúc. Thực hành thánh ý Chúa đem lại thành công cho cuộc đời.
Vua An-ti-ô-khô không hiểu điều đó. Vua thật mù tối, Dám tự xưng mình là Chúa. Bắt thần dân phải thờ lạy mình. Dám chống lại Thiên Chúa. Vì thế hậu vận của vua sẽ vô cùng đen tối. Người Do thái cũng mù tối không kém. Họ đang thờ phượng Chúa lại bỏ theo vua. Tệ hơn nữa họ còn xé bỏ lề luật của Chúa. Họ thật mù tối. Đang ở chỗ sáng lại đi vào bóng tối. Đang thờ phượng Chúa là Chúa Tể lại quay sang thờ vua là loài thụ tạo. Họ đang đi vào hố diệt vong (năm lẻ).
Chẳng ai được như anh mù từ thuở mới sinh. Tuy mù thể xác nhưng đức tin lại sáng ngời. Đức tin sáng suốt nên anh tin nhận Chúa Giê-su là Con Vua Đa-Vít. Là Đấng Cứu Thế. Biết đức tin là cần. Biết chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cứu anh. Nên anh lớn tiếng vừa tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, vừa tha thiết cầu xin “Xin cho con được thấy”. Thấy Chúa. Thấy ơn cứu độ. Thấy tương lai tươi sáng. Đức tin đã cứu anh. Chúa chữa anh vì thấy anh đã tin. Và khi được sáng mắt anh bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Chúa là Ánh Sáng thật. Dẫn đến Sự Sống thật. Hạnh phúc thật.
Có những người đặc biệt như thánh Gio-an. Vì kết hợp mật thiết với Chúa. Nên được ơn thấy trước tương lai qua các thị kiến. Chính lòng yêu mến, kết hợp với Chúa khiến ngài trở nên thông sáng. Biết hết định mệnh con người trong tương lai. Chúng ta hãy rèn luyện cho mình có đức tin vững mạnh như anh mù. Có đức mến nồng nàn như thánh Gio-an. Để chúng ta vững tin vào Chúa. Để chúng ta sáng suốt chọn lựa Chúa. Để chúng ta trung thành đi theo Chúa cho đến cùng. Đừng như người Ê-phê-sô chán nản đánh mất tình yêu thuở ban đầu.
Để được như thế chúng ta phải chiến đấu. Như những người Do thái trung tín với Chúa. Phải chiến đấu với những người phản bội. Phải chiến đấu với vua An-ti-ô-khô. Phải chiến đấu với chính mình để vượt qua đau thương thử thách. Và như anh mù. Chiến đấu mạnh mẽ. Chỉ để chiếm lấy Chúa Ki-tô. Phải luôn cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được thấy.
Suy niệm 3: Sự mù lòa thiêng liêng
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Con người đã được Thiên Chúa sáng tạo đặt vào trong hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Chúng ta hãy đối chiếu cuộc sống chúng ta với Lời Chúa, nhưng không phải chỉ đối chiếu, mà còn cần phải sửa chữa, vứt bỏ những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêricô. Ðây không phải là dụ ngôn, mà là biến cố có thật. Chúng ta có thể quan sát hai thái độ thực hành. Trước hết là thái độ của những người cản trở không cho anh mù gặp gỡ Chúa, những người này cho rằng chỉ có họ mới được quyền đi bên cạnh Chúa. Thật ra, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, trên bình diện thông ban ân sủng, cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi hỏi Thiên Chúa. Tất cả đều là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền dành lại ân sủng đó cho riêng mình.
Thái độ thứ hai chúng ta có thể nhận thấy nơi anh mù. Ý thức thân phận của mình, anh không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, mà anh chỉ khiêm tốn cầu xin: “Lạy ông Giêsu, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi”. Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được”, anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: “Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa”. Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: “Ánh sáng của các con phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Ðấng ngự trên trời”.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người.
Suy niệm 4: Người mù thành Giêrikhô
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Giáo Hội sắp kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Giêsu Kitô Vua để nhắc nhở mỗi người chúng ta về sự thật căn bản là Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của mọi sự, là Alpha và Ômêga. Con người và vũ trụ đã được Thiên Chúa sáng tạo, đặt vào trong hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về cuối cùng này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Trong tuần lễ này, chúng ta hãy đối chiếu cuộc sống cụ thể của mình với lời dạy của Chúa trong Phúc Âm, và không phải chỉ đối chiếu suông mà thôi, mỗi người chúng ta cần sửa chữa, cần dứt bỏ đi những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ hồng phúc giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêrikhô. Thái độ của anh mù này có thể nêu gương cho mỗi người chúng ta. Ðây không phải là dụ ngôn mà là một biến cố thật sự đã xảy ra, trong đó ta có thể quan sát hai thái độ thực hành.
Thái độ của những người cản trở không cho anh mù đến với Chúa Giêsu, dường như thể chỉ có họ mới có quyền hay đặc quyền theo bên Chúa. Còn người mù ăn xin kia không có phẩm giá, không được kính trọng và không có quyền làm phiền Chúa, không có quyền đi theo Chúa. Ðây là những người độc quyền và muốn giới hạn hành động của Thiên Chúa theo những tiêu chuẩn phàm trần do chính con người đặt ra. Trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa trên bình diện của sự thông ban ân sủng cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi buộc Thiên Chúa phải làm như thế này hay như thế nọ. Tất cả là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền giới hạn ân sủng đó cho riêng mình hay trong phạm vi mà mình muốn mà thôi.
Và thái độ thứ hai là thái độ chúng ta quan sát thấy nơi anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô. Ý thức thân phận của mình, không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, anh mù chỉ khiêm tốn kêu xin: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Người ta càng ngăn cản thì anh càng la to hơn: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Sự mù lòa thể xác và nghèo hèn vật chất không phải là một ngăn trở không cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài, và từ ơn lành cho thể xác mù lòa: “Lạy Ngài, xin cho con được nhìn thấy”. Anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng thứ hai là theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa, đến độ những kẻ chung quanh cũng được khuyến khích làm theo như vậy. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã chú ý ghi lại chi tiết: “Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa”. Ðược Thiên Chúa chữa lành, anh mù được sáng mắt kia đi theo Chúa.
Trong Phúc Âm cũng có trường hợp con người được Thiên Chúa làm phép lạ, ban cho ơn lành nhưng rất ít người có phản ứng như anh mù này: “Anh đi theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa”. Anh làm cho nhiều người bị lôi cuốn ca tụng Thiên Chúa như anh vậy. Anh đã sống trọn vẹn điều mà chúng ta có thể diễn tả qua từ ngữ “Sống trọn vẹn ơn gọi Kitô”. Theo Chúa, ca tụng Chúa và làm cho anh chị em chung quanh ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Chúa Giêsu với các đồ đệ của Ngài như được ghi lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu chương 5,16 như sau: “Ánh sáng của anh em phải chiếu dọi cho mọi người để họ xem thấy việc lành của anh em mà ngợi khen Cha của anh em ở trên trời”.
Lạy Chúa,
Người mù thành Giêrikhô thức tỉnh chúng con, những kẻ đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa mà lại không biết theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa, đó là sự mù lòa thiêng liêng có thể làm cho con người càng ngày càng sống bội bạc với Chúa.
Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con khỏi sự mù lòa nguy hiểm này.
Suy niệm 5: Người mù được thấy
Đức Giêsu nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài xin cho tôi được thấy.”Đức Giêsu nói: “Anh hãy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc. 18, 41-42)
Cuối chặng đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu còn loan báo cho các môn đệ về số phận đang chờ đợi Người, nhưng các ông không hiểu gì, mắt các ông còn bị che phủ. Trong số những kẻ ăn xin ở cửa thành Giê-ri-cô, có một người mù, chờ xin đoàn hành hương về dự lễ Vượt qua. Nghe thấy tiếng ồn ào, càng lúc càng gần, người mù biết có gì lạ: “Cái gì vậy?”.
Đôi mắt đức tin
Người ta trả lời cho anh biết đó là Đức Giêsu Na-gia-rét. Đám đông thấy Đức Giêsu làm nhiều việc của Thiên Chúa, nhưng họ vẫn mù về lý lịch của Người. Còn anh mù lại thấy xa hơn họ, Thánh Thần Thiên Chúa đã đem chân lý vào con tim anh và anh tin. “Đức Giêsu, con vua Đa-vít”. Anh biết đó là Giêsu, Đấng Thiên sai Cứu thế, Người phải đến và anh la lớn kêu Người: “Xin thương xót tôi”. Người ta bảo anh câm đi: Anh càng la lớn. Không phải bao giờ cũng gặp được dịp may như thế này: Người được Thiên Chúa sai đến đã viếng thăm dân Ngài!
Đức Giêsu luôn luôn ý thức được hành động của Thánh Thần, Người đã nghe thấy tiếng van xin át cả tiếng ồn ào của đám đông. Người không từ chối biểu lộ là Đấng Thiên sai Cứu thế nữa. Trái lại, Người hành xử vai trò Cứu thế: Người truyền lệnh cho người ta dắt anh mù đến với Người.
Họ thấy quyền phép của Thiên Chúa
Đức Giêsu hỏi anh như thường lệ để trắc nghiệm lòng tin của anh. Người không áp đặt ý muốn của Người bao giờ, nhưng để kẻ khác khởi xướng hỏi xin: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”, anh đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy”. Anh mù kêu Người là Đức Kitô, như các Kitô hữu thời sơ khai đã hát: “Mọi miệng lưỡi tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa trong vinh quang Thiên Chúa Cha”.
Câu trả lời của Đức Giêsu tất nhiên cũng như mọi khi: “Anh hãy thấy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Người đến cho những mù thấy được, người què đi được, người câm nói được, người điếc nghe được và người chết sống lại.
Lập tức anh thấy được và đi theo Người để cảm tạ Thiên Chúa đã tỏ bày quyền năng của Ngài, và đám đông cùng hòa đồng với anh hát Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa. Đó là một dấu chỉ về Giáo hội tiến bước theo Đức Kitô để tôn vinh Thiên Chúa Cha.
RC
Suy niệm 6: Ánh sáng đức tin
Có một câu chuyện kể về hai người đàn bà điếc: buổi sáng nọ, một trong hai bà hỏi người kia rằng: “Chị đi chợ à?”, vì điếc, nên không hề nghe thấy người kia hỏi gì, chỉ nhìn miệng và đoán ý mà thôi. Tuy nhiên, người này đã đoán đúng ý và đáp lại: “Vâng! Em đi chợ”. Bà kia thốt lên: “Thế mà em cứ tưởng là chị đi chợ!”. Câu chuyện thật buồn cười, nhưng đây là cuộc sống thực của những người điếc nói chuyện với nhau.
Cuộc đời, sứ vụ và lời rao giảng của Đức Giêsu cũng bị các môn đệ hiểu sai, nên không lạ gì khi Ngài nói một đàng, các ông hiểu một nẻo theo kiểu: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!
Con mắt tâm linh, đức tin của các ông không còn đủ độ nhạy bén để nhận ra Thầy của mình là Thiên Chúa và Ngài đến để loan báo về triều đại của Thiên Chúa chứ không thiết lập một đất nước và vương quốc theo kiểu trần gian. Như vậy, mắt thể lý của các ông thì sáng, nhưng con mắt tâm linh thì lại mù.
Biết được cách nhìn và lối hiểu sai lạc của các tông đồ, nên Đức Giêsu đã tìm mọi cách để giúp cho các ông hiểu rõ sứ vụ của mình mà mai đây chính họ là những người tiếp bước, vì thế, Ngài quyết định đi lên thành Giêrusalem để thực hiện sứ vụ cứu chuộc nhân loại bằng chính cái chết.
Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã gặp anh mù thành Giêricô. Lạ lùng thay, những người sáng mắt thì không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, còn anh mù, anh ta lại nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Giải Thoát! Khi gặp Ngài, anh ta đã biểu lộ niềm tin tuyệt đối khi cất tiếng kêu xin: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót con”. Thấy được sự tín thác của anh, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp khi phán: “Đức Tin của anh đã cứu anh”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ khiêm tốn để nhận ra Chúa như anh mù Giêricô khi xưa. Chỉ có thái độ khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì con mắt đức tin của chúng ta mới thực sự sáng để xác tín và đi theo Chúa trọn vẹn.
Câu hỏi của Đức Giêsu với anh mù thành Giêricô khi xưa cũng là câu hỏi cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”. Khi được hỏi như thế, chúng ta sẽ trả lời Chúa như thế nào? Mong được khỏi bệnh? Được giàu có? Được sung sướng? Hay mong cho được ơn nghĩa đức tin?
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con được thêm niềm xác tín mạnh mẽ nơi Chúa như anh mù khi xưa. Xin cho chúng con được biến đổi nhờ được gặp Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Tin Chúa, anh mù Giêricô được sáng mắt
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu, anh mù thành Giêricô được Chúa cho sáng mắt. Cậy nhờ Danh Chúa Giêsu mở rộng con mắt của linh hồn ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy vui mừng và hạnh phúc biết bao khi có đôi mắt sáng, để thấy được điều kỳ diệu trong thiên nhiên, để nhận biết những gì đang xảy ra chung quanh, cũng như để nhận ra khuôn mặt người thân yêu. Đôi mắt sáng, đó là một kho báu, một hồng ân lớn lao mà Chúa đã tặng ban. Thế nên con luôn chăm sóc, bảo vệ và đề phòng khỏi rơi vào cảnh mù tối.
Nhưng nghĩ kỹ lại, con thấy nhiều lúc con đang sống cảnh đui mù một cách nào đó. Nhiều lúc con mắt thân xác nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên, nhưng mắt linh hồn lại không thấy được tình thương và sự quan phòng của Chúa qua những vẻ đẹp ấy. Lắm lúc con nhìn ra khuôn mặt của người thân, nhưng ít khi con thấy được người hành khất bên vệ đường hay kẻ con đang thù ghét, là chính Chúa và là anh em của con. Con thấy được khuôn mặt mình qua tấm gương, nhưng chẳng mấy khi thấy được tình trạng linh hồn mình. Những lúc ấy là lúc con đang mù lòa, khốn khổ và đáng thương hơn anh mù thành Giêricô.
Lạy Chúa, xin thương mở mắt linh hồn con, để con thấy được tình thương Chúa đang hiện diện khắp nơi. Xin cho mắt linh hồn con sáng suốt, để con nhận ra đâu là điều đẹp ý Chúa, và nhận ra mọi người là anh em con. Xin Chúa cho con, ngay từ bây giờ được bước đi trong ánh sáng Chúa, để mai sau con được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi ? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.
Suy niệm 8: Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở nước Anh. Mỗi sinh viên được phát một mũ bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước mũ có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên mũ bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên mũ”. Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”.
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêricô thì gặp anh hành khất mù, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tước hiệu “Con Vua Đavít”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. “Xin thương xót tôi”, tiếng Hy Lạp là “Kyrie Eleison”. Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng sa mạc… Phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại một cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót”.
Anh mù tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Anh được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nadarét con vua Đavít mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành. Chúng ta tín thác vào Thầy Giêsu, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng trong lời cầu: Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Ý lực sống
Giúp con sáng mắt Chúa ơi!
nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan.
Tin tưởng, phó thác, bình an
giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin. (Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).
Suy niệm 9: Chúa chữa người mù tại Giêricô
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Từ Pêrê đi Giêrusalem, Đức Giêsu phải đi qua Giêricô, một người mù từ mới sinh xin Chúa chữa lành. Ngài đã làm cho anh được sáng mắt. Việc Đức Giêsu làm phép lạ mở mắt người mù này sẽ giúp các môn đệ nhìn thấy rõ và chấp nhận kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngoài ra, việc chữa lành người mù này không chỉ là mù loà thể xác, mà còn có ý nói đến tội lỗi, tối tăm trong tâm hồn. Sứ mệnh của Đức Giêsu đến trần gian là giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi nô lệ, tội lỗi. Ngài luôn sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ được lành khi chúng ta tin vào Ngài. Như vậy, niềm tin chính là điều kiện để Chúa tha thứ và ban ơn cho chúng ta.
Ý thức thân phận của mình, anh mù đã khiêm tốn cầu xin: “Lạy ông Giêsu, con vua Đa Vít, xin dủ lòng thương tôi”. Sư mù loà thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù loà: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được”, anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: “Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thật vậy, toàn dân đều ca ngợi Thiên Chúa”. Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Đức Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: “Ánh sáng của các con phải chiếu toả trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Đấng ngự trên trời” (Mỗi ngày một tin vui).
Hình ảnh người mù trong bài Tin mừng hôm nay đã phản chiếu trung thực thân phận con người trong cuộc lữ hành đức tin. Con người không thể tự cứu mình và cũng không một người nào có thể cứu giúp con người, ngoài Đức Kitô. Đấng Cứu độ duy nhất có thể giải phóng loài người khỏi bóng tối tội lỗi sự chết, và đem con người vào miền ánh sáng của ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng vào Người, và trung thành bước theo Người trong cuộc hành trình đức tin của mình (Lm. Trần Hữu Thành).
Đây đó trên đường, người ta gặp những người mù với một cây gậy chuyên dụng, như một giác quan kỳ lạ giúp họ đi đến nơi họ muốn. Thật đáng thán phục! Có thể nói, cây gậy trợ lực giúp họ dò con đường họ thấy bằng trí nhớ. Cũng vậy, dù không thấy được bằng giác quan, con mắt đức tin giúp Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Trong khi dưới con mắt của đám đông, Đức Giêsu chỉ là một người làng Nazareth, thì người mù thành Giêricô nhận ra chính là con vua Đavít, là Đấng Messia. Bằng “con mắt đức tin”, anh đã thấy điều mà người khác không thấy: thấy Ngài có quyền năng tái tạo những gì đã hư mất; thấy Ngài là Đấng chia sẻ được nỗi thống khổ anh đang chịu, là chỗ dựa cho anh trong lúc mọi người bỏ rơi. Giữa đám đông anh có thể bị lẻ loi vì đức tin của anh, nhưng anh không cô độc, bởi Đấng cứu chữa anh từ nay đồng hành với anh trên mọi nẻo đường, còn anh quyết theo đường Ngài, dù là đường lên Giêrusalem để chịu thương khó (5 phút Lời Chúa).
Nhân ngày Giới trẻ thế giới lần thứ ba mươi, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Mọi người chúng ta đều là tội nhân, cần được Chúa thanh luyện. Chúng ta đến với Chúa Giêsu để nhận ra rằng: Người luôn dang rộng vòng tay đợi chờ; đến với Người để gặp gỡ lòng thương xót của Người”.
Trong câu chuyện Tin mừng, anh mù bên vệ đường đã nhận ra sự khốn khổ của mình, và chạy đến cầu cứu Đức Giêsu. Anh đã kêu đến Người, cho dù nhiều người quát mắng, bảo phải im tiếng. Anh tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương của Chúa, anh tin Người sẽ cứu chữa anh. Thế nên, anh được Đức Giêsu dủ lòng thương, cho anh nhìn thấy.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị mù vì thiếu cái nhìn thiện cảm đối với tha nhân, và cũng có những lúc chúng ta bị mù, vì không đủ lòng tin vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Như anh mù năm xưa, ta hãy chạy đến với Đức Giêsu, để được Người chữa lành.
Truyện: Đứa con mù từ 20 tháng
Một bà mẹ kể lại cái kinh nghiệm bà đã học được từ đứa con mù lòa của mình như sau:
Tôi có đứa con trai bị mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên, tôi đưa cháu đến một siêu thị gần nhà. Với những bước đi chập chững, nó không ngừng bám vào gấu áo của tôi, và cứ vài ba bước nó lại ngừng lại, để lắng nghe những tiếng động chung quanh.
Sáng hôm đó, tôi đã học được nhiều điều. Thật thế, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng: từ tiếng chân người đi bộ đến tiếng xe, tất cả các tiếng ồn ào đều khác nhau. Cách 100 thước chúng tôi đã nghe mùi thơm của một tiệm bánh kẹo. Vừa vào tiệm, đứa con đã dừng lại mỉm cười. Tôi mua cho cháu một thanh sôcôla rồi tiếp tục đi đến một cửa hàng khác. Một con chim từ đâu bay đến gần bên chúng tôi. Con tôi dừng lại, như đương thưởng thức tiếng chim hót. Một lúc sau tôi thấy cháu lè lưỡi ra và hút thở làn gió mát từ phương Bắc thổi tới, cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa biết gió từ đâu.
Chúng tôi đi tiếp. Vào cửa tiệm bán cá, con tôi liền ném mẩu sôcôla và đưa tay sờ vào các loại cá.
Trên đường về, con tôi cười vui rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng hôm ấy là một buổi sáng tuyệt vời của nó, vì nó khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu. Riêng tôi, tôi đã tự hỏi: tôi với con tôi, ai mới thực sự là kẻ mù loà.
Suy niệm 10: Nhận ra Chúa và mọi người
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống…
Chuyện này có 3 vai:
1. Người mù:
– Ban đầu anh “ngồi” (thụ động) “ăn xin” (sống bám) “bên vệ đường” (ở ngoài rìa xã hội) (câu 35). Sau khi được Chúa Giêsu chữa, anh “đi” (chủ động), “tôn vinh Thiên Chúa” (rao giảng) và “đi theo” (làm môn đệ) Chúa Giêsu (câu 43).
– Thái độ của anh: “hỏi xem có chuyện gì” (câu 36) – khi biết là có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh “kêu lên” xin Ngài dủ lòng thương (câu 38) – người ta quát nạt anh, bảo anh im đi, “anh càng kêu lớn tiếng” (câu 39) – khi gặp Chúa Giêsu, anh nói rõ điều muốn xin “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (câu 41). Thái độ ấy được Chúa Giêsu đánh giá là có đức tin (câu 42).
2. Đám đông:
– Lúc đầu quát nạt anh mù, bảo anh im. Họ tưởng làm như thế là vừa lòng Chúa Giêsu (vì Chúa Giêsu khỏi bị quấy rối khi đang bận đi đường).
– Mc 10,49 cho biết thêm: khi Chúa Giêsu cho gọi anh đến thì dân chúng khuyến khích anh “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy”.
– Sau khi anh khỏi bệnh, họ “cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”
3. Chúa Giêsu:
– Dù “đang đi” (bận rộn) và ở giữa đám đông, Ngài cũng để ý đến tiếng kêu xin của một người mù.
– Đối xử rất ưu ái với người mù: Ngài “dừng lại”, “truyền dẫn anh ta đến”, ân cần hỏi han, khen ngợi đức tin của anh mù và cứu chữa anh.
B…. nẩy mầm.
1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi được lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.
2. “Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta: có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội… Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa Giêsu… Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh: Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến gần Ngài…” (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Chúa Giêsu là Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium). Đây là một chủ đề lớn, được chọn làm đề tựa cho một hiến chế của Công Đồng Vaticanô II. Ánh sáng của Chúa soi thẳm lòng người. Giúp con người nhìn ra ánh sáng của con tim. Giúp con người tìm về nhà Cha. Có những người mù loà, nhưng với lòng tin tưởng phó thác, đã nhìn được ánh sáng này. Ngược lại, có những con người tự phụ rằng mình sáng suốt lại chẳng nhìn ra được ánh sáng của Chúa.
4. Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời: “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).
5. “Anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh ta đáp: Lạy Ngài xin cho tôi được thấy” (Lc 18,41)
Một thiền sư hỏi các đồ đệ rằng “Lúc nào là lúc đêm tàn và ngày đến ?” Nhiều câu trả lời được đưa ra: kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau; người thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một con bò với một con trâu… Cuối cùng chỉ có một câu trả lời làm vừa lòng thiền sư, đó là: khi ta nhìn mọi người và nhận ra đó là anh em của ta.
Quả thật, có những thứ ta không thể thấy được bằng mắt, nhưng chỉ thấy được bằng con tim, bằng tình yêu…
Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna).
Suy niệm 11: Người mù ý thức mình cần Chúa
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa.
Anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi được những lòng dạ hẹp hòi của những người chung quanh.
Có hai người bạn rủ nhau đi tắm biển. Dọc đường, họ bỗng đổi câu chuyện làng quê sang đề tài tôn giáo. Khi cả hai đã xuống nước đến tận ngực, một người vẫn tiếp tục hỏi:
– Tôn giáo và niềm tin cần thiết cho con người thế nào ?
Người bạn kia trả lời bằng một câu hỏi:
– Anh thực sự muốn biết chứ ?
Người thứ nhất gật đầu nói:
– Vâng, rất muốn, tôi…
Anh chưa kịp nói hết câu, thì đôi tay của người bạn đã ghì chặt lấy đôi vai của anh dìm mạnh xuống nước, và mặc cho anh ra sức vẫy vùng, người bạn vẫn gắng hết sức trấn nước anh cho đến lúc tưởng chừng như anh đã bị ngộp thở. Bấy giờ người bạn mới chịu buông tay ra để anh ta ngoi lên. Vừa thở hổn hển anh ta vừa giận dữ trách bạn:
– Giỡn gì mà lạ vậy ?
Thay vì trả lời người bạn hỏi:
– Bây giờ anh cảm thấy mình cần gì nhất nào ?
– Khí trời để thở chứ cần gì ? – Anh ta đáp ngay.
Lúc đó, người bạn “thích đùa” kia mới ôn tồn giải thích:
– Anh thấy đó, tôn giáo và niềm tin cần thiết cho con người, như buồng phổi của chúng ta rất cần khí trời để hít thở vậy!
Chúng ta hãy nhớ lại xem: có một ân huệ nào chúng ta đã nhận lãnh mà không phải do Chúa thương ban, có một điều thiện nào chúng ta thực hiện mà chẳng do Chúa tác thành. Chúng ta hãy xin Chúa tiếp tục đổ đầy vào tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối và bất toàn của chúng ta những điều tốt lành mà Chúa đã khởi sự cho chúng ta.
2. Khi người mù thành Giêrikhô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giêsu thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta:
Có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội.
Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa. Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay, Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh: Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến với Ngài..”. (“Mỗi ngày một tin vui”)
Đây là câu chuyện ngụ ngôn của người Trung Hoa:
Chi Chàng là một cậu bé, một hôm bị lạc vào rừng. Cậu đi mãi, không biết lối ra. Chiều đến, cậu mệt nhoài, nên ngồi nghỉ dưới gốc một cây cổ thụ cao lớn. Ngước mắt lên, cậu nhìn thấy ở đàng xa giữa mảnh vườn hoang có một túp lều nho nhỏ, tứ bề vắng lặng, không một tiếng gà cục tác, không một tiếng chó sủa. Bị thúc đẩy bởi tính tò mò và lòng ham thích mạo hiểm, cậu bé tiến về túp lều bỏ hoang.
Nhìn qua khe cửa, cậu thấy một cụ già đang nằm yên trên một cái chõng, bộ râu trắng toát. Cậu bé bỗng giật mình nghe tiếng cụ già bảo:
– Hãy bước vào cháu ơi, đừng sợ! Cụ đã nghe thấy tiếng bước chân của cháu từ xa hàng cây số.
Chi Chàng đẩy cửa bước vào, đứng bên giường cụ già và hỏi:
– Làm sao cụ có thể nghe tiếng bước chân của cháu và biết được cháu từ xa đến đây được ?
– Cháu biết không – cụ già âu yếm trả lời – khi một người già yếu như cụ suốt ngày chỉ mong đợi có ai đó ở gần bên cạnh, thì tất nhiên cả niềm ước muốn đó sẽ dồn hết vào tai, và tai trở nên thính gấp bội, có thể nghe tiếng từ xa vọng lại. Cụ nói với cháu một điều này nhé, cháu đừng ngạc nhiên: Cho đến nay, cụ đã sống rất nhiều năm, mắt đã từng xem thấy nhiều điều, cụ đã từng hoạt động không ngừng, đã từng giao chiến quyết liệt. Giờ đây, cụ chỉ còn ao ước nhớ nhung và chỉ ước vọng một điều duy nhất, đó là nhìn thấy lại nụ cười của một trẻ thơ. Cháu có thể tặng cho cụ một nụ cười trước khi cụ nhắm mắt lìa trần được không ?
Chi Chàng nở nụ cười thật tươi, và hơn thế nữa cậu còn giang tay ôm ghì lấy cụ, tặng cho cụ một cái hôn âu yếm trên vầng trán nhăn nheo vì năm tháng. Rồi cụ già nhắm mắt thiếp đi như thế để thưởng thức tình âu yếm của một cậu bé ngoan ngoãn, tốt bụng.
Tất cả chúng ta, ai ai cũng đều muốn được yêu thương và ao ước được yêu thương. Nhưng những người già yếu, tuổi tác lại cần tình thương hơn bao giờ hết, khác nào đứa trẻ sơ sinh cần sữa và thức ăn để sống và lớn lên.
Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna).
(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)