ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI CHỦ SỰ GIỜ KINH CHIỀU VÀ LÀM PHÉP LINH ĐÀI ĐỨC MẸ TÀPAO – GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
Lúc 16 giờ 15’, ngày 19/09/2024, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, đã chủ sự giờ Kinh Chiều và làm phép linh đài Đức Mẹ Tàpao – Giáo phận Phan Thiết.
Cùng hiện diện có tất cả quý Đức Tổng, quý Đức cha, quý cha đang tham dự Hội nghị thường niên của HĐGM, quý cha, quý thầy phó tế, chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân hành hương viếng Mẹ.
Với nghi thức dâng lời nguyện xin và rảy nước thánh nơi linh đài Mẹ, vị đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam đã “nài xin Chúa đoái thương ban phép lành cho Linh đài này, đã được làm ra để làm nơi tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Đức Giêsu Kitô”.
Sau bài hát ca ngợi Đức Mẹ, cộng đoàn nhận phép lành từ Đức Tổng Marek Zalewski, kết thúc nghi thức làm phép linh đài Đức Mẹ Tàpao. “Nguyện xin Chúa đoái thương chúc phúc cho những ai đến đây tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, thì được Chúa ban ơn thánh ở đời này, và ơn phúc được tham dự cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau”.
Theo ý dẫn vào nghi thức của cha Trưởng ban Phụng vụ Giáo phận và nguồn tin từ Văn phòng TTTM Tàpao:
Linh đài Đức Mẹ Tàpao ở độ cao khoảng 200 m so với mực nước biển. Thánh tượng Mẹ Tàpao đã được Đức Giám mục Marcel Piquet (Lợi), nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, làm phép vào ngày lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12/1959). Đến nay, Đức Mẹ đã hiện diện tại núi rừng Tàpao này được 65 năm (8/12/1959 – 8/12/2024).
Trong hoàn cảnh chiến sự của đất nước vào những năm 1965 – 1975, tượng Mẹ ẩn mình nơi rừng núi hoang vu bị hư hại nặng.
Tháng 10 năm 1980, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã cho phục chế, tu sửa lại thánh tượng.
Ngày 13/8/2006, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cử hành Thánh lễ Đặt viên đá đầu tiên xây dựng mặt bằng Linh đài Đức Mẹ, và làm đường bên phải lên núi. Sau 9 tháng thi công, hai hạng mục này đã được khánh thành vào ngày 13/5/2007.
Ngày 07/06/2024, hướng tới dịp kỷ niệm 65 năm Làm phép thánh tượng Đức Mẹ Tàpao, Đức Giám mục Giáo phận – Giuse Đỗ Mạnh Hùng, cho trùng tu Linh đài. Sau ba tháng vất vả xây dựng, công trình này đã được hoàn thành khang trang như hiện tại. Từ nay, khi cộng đoàn lên cầu nguyện hay tham dự thánh lễ trên núi với Mẹ không còn phải lo che nắng, che mưa nữa.
Về ý nghĩa nghệ thuật thánh, Linh đài Đức Mẹ Tàpao được thiết kế theo cử chỉ dang tay trong phụng vụ. Mẹ đứng ở giữa. Linh đài hai bên trái phải như hai bàn tay đang dang rộng để đón chào và ôm lấy đoàn con khắp muôn phương tìm về bên Mẹ.
Mẹ Tàpao đứng ở trên cao. Ngai tòa Mẹ uy nghi đứng sau bàn thờ như muốn diễn tả hình ảnh ngày xưa Mẹ đứng dưới chân bàn thờ thập giá trên đồi Calvê (x.Ga 19,25). Và cũng như thế, tại Linh đài, Thánh tượng Mẹ đứng bên cạnh bàn thờ để diễn tả Mẹ cùng với Chúa Giêsu, Con của Mẹ, tiếp tục hiện tại hóa hy tế thập giá và làm của lễ dâng tiến Thiên Chúa Cha. Mặt khác, Mẹ đứng đó để đón nhận tất cả đoàn con khắp nơi về bên Mẹ, và nhờ Mẹ chuyển cầu lên cùng Chúa Giêsu qua Hy tế Tạ ơn được cử hành hằng ngày để đón nhận hồng ân cứu độ.
Phía sau Thánh tượng Mẹ là bức tường elip với 7 thanh dọc mang ý nghĩa 7 lời của Chúa Giêsu, 7 sự thương khó của Đức Mẹ, 7 sự vui mừng của Đức Mẹ.
Trên đỉnh ngai tòa Mẹ Tàpao có thánh giá và vòng triều thiên hoa hồng như muốn diễn tả cuộc đời của Mẹ tỏa hương 12 nhân đức nhờ biết thực hành Lời Chúa và kết hợp mật thiết với thập giá Chúa Kitô. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Thiên đàng, Nữ Vương các Thánh Tông đồ, Mẹ của Lòng Thương Xót và là Mẹ của niềm hy vọng. Mẹ có thần thế trước mặt Thiên Chúa.
Để bảo vệ an toàn cho khách hành hương, tại Linh đài Đức Mẹ Tàpao có hàng rào với các họa tiết hoa hồng. Các họa tiết này gợi hứng từ tước hiệu “Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy” trong Kinh cầu Đức Bà. Hoa hường nghĩa là hoa hồng. Gọi Đức Mẹ như hoa hồng mầu nhiệm vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương thiên đàng. Giáo Hội tôn vinh Mẹ vì Mẹ xinh đẹp tuyệt vời trổi vượt trên hết mọi thiên thần và mọi phàm nhân. Vẻ đẹp của Mẹ được nói ở đây không phải là nhan sắc bên ngoài, mà là nét đẹp thánh thiện trong tâm hồn.
Mỗi lần đến kính viếng Mẹ Tàpao, khách hành hương được mời gọi tiến dâng cho Mẹ những đóa hoa hồng thiêng liêng không bao giờ héo úa là lời Kinh Mân Côi, như lời xác quyết của thánh Louis de Montfort: “Hoa hồng là nữ hoàng các loài hoa, do đó kinh Mân Côi là hoa hồng của tất cả mọi việc sùng kính, và vì thế nó là việc sùng kính quan trọng nhất” mà ta dành cho Đức Trinh Nữ Maria.
XUÂN AN – BTT.GPP