Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

TÀPAO: THÁNG HOA 2010, HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ

Chuyên mục: Bài giảng - Ngày đăng: 30.04.2022
Chia sẻ:

TÀPAO: THÁNG HOA 2010, HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ

 (Bài giảng Thánh Lễ ngày 13/05/2010 tại Tàpao – ĐGM Giuse Vũ Duy Thống )

ĐỨC MẸ THĂM BÀ ISAVE.

Kính thưa cộng đoàn,

Đối với những người Công giáo cũng như những người ngoài Công giáo, Chúa nhật thứ 2 của tháng 5 là Chúa nhật có tên gọi riêng biệt là “Ngày Người Mẹ”, ngày tôn vinh bậc hiền mẫu và là ngày những người con biểu tỏ cách riêng lòng biết ơn đối với những bậc sinh thành dưỡng dục mình. Khắp nơi người ta có những sinh hoạt văn hóa đặc biệt trong ngày này. Chẳng hạn như giáo phận Xuân Lộc với một cuộc qui tụ rất đông các bà cố Linh mục, Tu sĩ tại quảng trường của Tòa Giám Mục; hay là như giáo xứ Kim Ngọc của giáo phận Phan Thiết có đêm nhạc “Dòng Sữa Mẹ”… nhiều còn nhiều nơi khác nữa. Hôm nay, ngày 13 tháng 5, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima, trong tuần thứ hai của tháng 5, giữa lòng Mùa Hoa Công giáo, cộng đoàn hành hương chúng ta từ nhiều nơi cũng hân hoan qui tụ về đây trên quảng trường mới còn thơm mùi đất của Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này để cử hành “Ngày Người Mẹ” chung của chúng ta, Người Mẹ đã đón nhận chúng ta trong lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá “Đây là con Bà” , và cũng là Người Mẹ chúng ta đón rước về nhà mình kể từ giờ tử nạn của Đấng Cứu Thế “Này là Mẹ con”. Mục đích nào cho việc cử hành hôm nay với chủ đề: “Đồng hành về bên Mẹ” như chúng ta đã cùng hát lên trong đêm diễn nguyện vừa qua.

  1. Để ghi nhớ công ơn sinh thành trong đức tin.

Phúc âm vừa nghe là hoạt cảnh Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave rất quen thuộc, trong đó lời reo của cụ bà U60 trước cô gái 16 là một dẫn ý tuyệt vời cho lòng biết ơn: “Bởi đâu tôi được Mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm ”. Có thể bên ngoài, cung giọng chỉ là lời ngạc nhiên xuýt xoa đối chiếu hai vị thế theo kiểu Việt Nam “rồng đến nhà tôm”, nhưng bên trong là cả một tâm tình ghi nhận công ơn đức tin của cụ bà bỗng dưng cảm nhận. Nào là bà buột miệng tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nào là bà nghe chuyển dạ lạ thường của thai nhi tháng thứ 6 nhảy hip hop trong bụng. Tuổi đời và vai vế họ hàng của bà Isave hơn hẳn Đức Maria đến nỗi Đức Maria phải đi viếng thăm bà cơ mà, thế nhưng đức tin của Đức Mẹ đã trổi vượt khiến bà Isave phải thốt lên công nhận: “Em thật có phúc hơn mọi người phụ nữ”. Lời bà Isave chính là hình mẫu của việc ghi nhớ công ơn sinh thành trong đức tin.

Chúa Kitô đến trần gian do cung lòng của Đức Maria sinh ra, nên mọi Kitô hữu vốn thuộc về Chúa Kitô, là anh chị em với Chúa Kitô cũng đã được sinh ra trong đức tin do Mẹ Maria. Vì thế, hôm nay, “Ngày Người Mẹ”, ta về đây để tưởng nhớ để ghi nhớ và để nhắc nhớ nhau về công ơn cao cả này, công ơn Mẹ đã sinh thành chúng ta ra trong đức tin.

Dịp qui tụ “Ngày Người Mẹ” của người Nhật thường làm nên bởi hai màu hoa hồng: ai còn mẹ sẽ gắn hoa đỏ, ai mất mẹ sẽ cài lên hoa trắng. Hôm nay đến đây, mỗi người chúng ta dù còn hay đã mất mẹ trần thế, chúng ta vẫn hân hoan vì luôn có Mẹ trên trời và mục đích trước hết của chuyến đồng hành về bên Mẹ đây là tạ ơn Đức Mẹ bởi vì đã sinh chúng ta ra trong đức tin.

 Mẹ ơi đây một đóa hồng.

 Con dâng lên Mẹ với lòng biết ơn.

 Mẹ ơi xin nhận đóa hồng.

 Con dâng về Mẹ nhớ công sinh thành.

  1. Để hợp với Mẹ mà ca khen Thiên Chúa.

Trình thuật Phúc âm hôm nay là bài kinh Magnificat, thánh Luca, ghi là Đức Mẹ nói, nhưng truyền thống vẫn nghĩ là Đức Mẹ hát với cả tâm tình của mình. Mẹ hát ca khen Thiên Chúa. Mẹ hát cho chính Mẹ, cho tổ phụ và dân tộc của Mẹ. Mẹ hát cho mọi người hết mọi đời. Không biết bình thường Đức Maria có hay hát không, nhưng chỉ biết rằng, hôm đó Đức Mẹ đã hát hay để trở thành ngôi sao tỏa sáng với bài kinh kiểu mẫu tạ ơn, ngợi khen và mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng của mọi kẻ tin. Mẹ hát ở cửa nhà bà Isave, rồi lưu lại đó ba tháng. Mẹ hát một lần vang vọng ngàn đời. Mẹ hát bằng lời rồi còn hát trong suốt ba tháng ấy với những trợ giúp thiết thực để người phụ nữ có thai lúc tuổi già chính là bà Isave có thể sinh nở bình an, mẹ tròn con vuông, cho ra đời một Gioan Tẩy Giả mẫu mực và kiên cường.

Thưa cộng đoàn, về bên Mẹ dịp này cũng là lúc mỗi người chúng ta hợp với Mẹ mà ngợi khen Thiên Chúa. Có một thời người ta sợ rằng nếu như tín hữu cứ buồn buồn tìm đến quấn quít nỉ non bên Đức Mẹ thì tới lúc họ sẽ quên đi Thiên Chúa, vốn là đối tượng duy nhất họ phải tôn thờ mến yêu, còn Đức Mẹ chỉ là đối tượng của lòng tôn kính đặc biệt thôi. Xem ra, đó chỉ là nỗi lo kiểu “lo bò trắng răng”. Trình thuật Phúc âm dẫu không trực tiếp cho thấy Mẹ gửi người ta đến với Chúa như là trong tiệc cưới Cana “Người bảo gì các anh cứ làm theo”, nhưng lại gián tiếp cho thấy một mẫu gương sống động về lời kinh của Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Về bên Mẹ sẽ thấy Mẹ ân cần dẫn dắt đến gặp gỡ Chúa, và đây chính là phương thế thờ phượng đúng đắn, phù hợp và mang lại hiệu quả chắc chắn trăm phần trăm, không sai một ly nào.

  1. Để cùng nhau nhận lấy lời Mẹ dạy mà sống an bình

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, hiện ra lần đầu với ba trẻ tại ngọn đồi Cova da Iria, làng Fatima, Đức Mẹ mời các em hãy lần hạt, hãy hy sinh chịu khó và hãy trở lại điểm hẹn với tháng sau.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, khi đang chào thăm dân chúng tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã bị bắn trọng thương, nhưng ngài đã được Đức Mẹ che chở, thoát chết trong gang tấc, đến nỗi lúc bình phục, ngài bảo: “Viên đạn là của con người, còn đường đạn lại thuộc về Đức Mẹ”. Năm sau, cũng đúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1982, ngài đến viếng thánh địa Fatima, gắn đầu đạn gắp trong mình ra, gắn lên triều thiên Đức Mẹ để tạ ơn. Và hôm nay như chúng ta biết qua các phương tiện truyền thông, Đức Giáo hoàng đương kim Bênêđíctô XVI, đang có mặt tại Fatima để dâng lên Đức Mẹ những lời kinh thiết tha cho Giáo hội Công giáo trước những thử thách quá nặng nề, cho hàng Linh mục cũng đang bị nhìn với con mắt mang hình viên đạn, và rồi cũng cho nền hòa bình của thế giới đang bị đe dọa.

Về bên Mẹ tháng này, chắc là mỗi người chúng ta cũng có những tâm sự riêng cần dâng lên Mẹ. Có thể đó là lời cảm tạ vì ngàn muôn hồng ân đã nhận được trên cá nhân, gia đình, bạn hữu xã hội và giáo hội. Có thể đó là lời khấn nguyện vái van xin Mẹ ra tay che chở, đỡ nâng, phù trì cho những nhu cầu chính đáng của cuộc sống vật chất cũng như tinh thần. Có những tâm sự thành lời, nhưng có những nỗi niềm riêng chỉ cầu nguyện lặng thầm. Nhưng dù là rạng rỡ hân hoan hay trĩu nặng buồn sầu, về bên Mẹ ta sẽ có một tâm tình chung là nhận lấy lời Mẹ dạy sống an bình.

Tâm sự riêng thì chỉ mình ta biết, nhưng lời Mẹ dạy trong lần hiện ra đầu tiên tại Fatima thì ai cũng biết “Hãy lần hạt, hãy hy sinh chịu khó, và hãy trở lại điểm hẹn vào tháng sau”. Vấn đề còn lại là hãy làm theo lời Mẹ dạy và hãy sống.

Vâng, đó là ba mục đích của việc cử hành “Ngày Người Mẹ” chung tại Tàpao hôm nay. Ước mong những ý nghĩ nhỏ này sẽ giúp mỗi người thể hiện được tâm tình lớn của mình ở bên Mẹ. Riêng bản thân tôi, về bên Mẹ lần này cũng ngổn ngang tâm sự tạ ơn và xin ơn. Tạ ơn vì Mẹ đã nhậm lời khấn ban sức mạnh cho người đau yếu, và lần này xin cộng đoàn cũng tiếp lời khấn cho thân phụ của một linh mục được thoát bệnh hiểm nghèo và nhận lại sức khỏe.

Như vậy “Ngày Người Mẹ” đối với cộng đoàn hành hương chúng ta là một ngày mang nhiều ý nghĩa và chuyến đồng hành về bên Mẹ Tàpao tháng này là một chuyến đi sẽ rộn rã hồng ân. Xin ghi nhận cầu chúc.