Thứ Hai, ngày 31 tháng 03 năm 2025

Suy niệm thứ Tư tuần 7 Thường Niên

Chuyên mục: Suy niệm ngày thường - Ngày đăng: 25.02.2025
Chia sẻ:

SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Mc 9, 37-39

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.

Ảnh: Google

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Đừng ngăn cản người ta

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục sinh lần hai,

các môn đệ đã cãi nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất.

Như thế tham vọng cá nhân vẫn tồn tại

cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (Mc 9, 33-37).

Sau vụ tranh cãi có tính nội bộ trên,

bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm.

Gioan, “con của Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu chuyện.

Thực ra ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em.

Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”, không ở trong nhóm,

mà lại dám lấy Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ (c. 38).

Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công.

Danh Giêsu có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi.

Nhưng đối với Gioan và các bạn của ông,

chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy.

Chính vì thế Gioan thú nhận, “chúng con đã cố ngăn cản…”

Họ muốn độc quyền sử dụng Danh Thầy,

nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.

Nếu ai cũng lấy Danh Giêsu mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông!

Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia,

Chỉ biết Thầy Giêsu không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39).

Thầy bao dung và cởi mở hơn nhiều.

Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ.

Hẳn người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy.

Như thế anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy,

dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức trong nhóm.

“Ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40).

Nguyên tắc này của Đức Giêsu khiến chúng ta có thêm nhiều bạn,

và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù.

Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa,

và tránh được những tranh chấp không đáng có.

Thật ra thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ

chứ không từ lòng đạo đức thực sự.

Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân,

nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể,

một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia.

Đức Giêsu mời chúng ta vượt ra khỏi ranh giới của nhóm mình,

để mở ra với thế giới, với các kitô hữu khác, với những người không tin.

Chúng ta cần thấy những điều chân thiện mỹ nơi họ như những tia nắng

đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giêsu,

và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa.

Cần tập nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động

ở những nơi, những tổ chức và những người mà ta không ngờ.

Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng

anh đã quen biết Giêsu và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.

Xin tha thứ cho con

vì đã quá bận tâm

đến những điều mình nói,

đến ảnh hưởng của mình,

đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con

vì muốn nên giống kẻ khác

mà quên mất chính mình,

vì khao khát có được những đức tính của họ,

mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con

vì đã mất nhiều thời gian

cho việc phô trương

hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;

nhờ đó, Chúa có thể đến với con

như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”

mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài

vì con là con của Chúa

và là anh em của mọi người.

(Michel Quoist)

Suy Niệm 2Khôn ngoan theo Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người nơi nào thời nào cũng mơ ước được khôn ngoan. Sách Huấn ca hôm nay cho thấy: Khôn ngoan làm cho con người nên cao trọng. Được sự sống. Được vinh quang. Người khôn ngoan sẽ lãnh đạo người khác. Dòng dõi sẽ trường tồn. Tuy nhiên để đạt tới khôn ngoan phải qua một cuộc thử luyện: “Vì ban đầu, khôn ngoan sẽ đồng hành với họ qua nẻo đường quanh co, giáng xuống trên họ hãi hùng run rẩy, và dùng kỷ luật của mình mà tôi luyện bao lâu chưa tin tưởng họ được,; rồi lại thử thách họ qua những phán quyết của mình” (năm lẻ).

Thánh Gia-cô-bê cho biết khôn ngoan chính là người biết từ bỏ ý mình để làm theo ý Chúa. Chúa làm chủ muôn vật muôn loài. Làm chủ cuộc đời chúng ta. Làm chủ cả linh hồn. Cả thân xác. Cả trí tuệ. Cả tài năng. Cả chương trình. Cả thời gian. Vì thế đừng tự mình toan tính gì. Khôn ngoan chính là biết tìm ý Chúa. Làm mọi sự theo ý Chúa. Muốn những gì Chúa muốn. Để Chúa điều khiển cuộc đời. “Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi. Thay vì nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu” (năm chẵn).

Chúa Giê-su dạy ta biết khôn ngoan là đừng tìm theo ý mình. Chỉ làm vinh danh Thiên Chúa. Các tông đồ thiếu khôn ngoan. Vì bị tính tự ái, phe nhóm, độc quyền chi phối. Chỉ tìm thoả mãn tự ái của mình. Muốn độc quyền thuộc về Chúa và làm chứng về Chúa. Vì thế mà khép kín. Ích kỷ. Nghĩ cho bản thân. Không nghĩ cho Chúa. Cho Nước Chúa. Hẹp hòi. Không chịu mở rộng cánh cửa. Càng không mở rộng tâm hồn. Chúa đã chỉnh đốn các ông. Hãy khôn ngoan. Tìm ý Chúa chứ đừng tìm ý riêng. Tìm đồng thuận chứ đừng tìm đối nghịch. Tìm điểm chung chứ đừng tìm điểm riêng. Tìm hài hoà chứ đừng tìm khác biệt. Tìm hợp nhất chứ đừng tìm chia rẽ. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Thật đơn sơ biết bao. Mà thâm sâu biết bao. Rộng mở. Mà khôn ngoan.

Lạy Chúa, xin ban cho con đức khôn ngoan. Để con biết phục vụ Chúa.

Suy Niệm 3: Cộng tác với nhau

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.

Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: “Ðừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Qua suốt dòng lịch sử, đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội không ngừng đẩy mạnh sự hợp nhất giữa các Giáo Hội Kitô, hoặc trong chính nội bộ của mình. Nhu cầu của Giáo Hội thật đa diện, cần có sự đóng góp của nhiều người mới mong đáp ứng đầy đủ. Những khác biệt trong Giáo Hội là vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc, nếu tất cả múc lấy nguồi suối từ Chúa Giêsu và sức mạnh từ Thánh Thần.

Ước gì lời Chúa hôm nay hun đúc chúng ta lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác, tìm kiếm chân lý hơn là tìm cách thắng cuộc trong tranh luận. Xin Chúa Kitô là nguồn hiệp nhất trong Giáo Hội giúp chúng ta thành tâm hiệp nhất với nhau trong mọi việc.

Suy Niệm 4: Lại tranh luận nữa

Ông Gio-an nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc. 9, 38-39)

Có một lúc nào đó các tông đồ đã tranh luận với nhau để xem ai là người lớn nhất. Và đây lại một cuộc cãi cọ nữa, lần này với một người lạ mà Chúa đã lệnh cho thay vào chỗ Người. Chính Gioan là người đến kể lại cho Thầy về trường hợp người trừ quỷ lạ mặt đó. Ông Gioan này, một con người hiền dịu như thế, lại rất có thể nổi nóng, tàn bạo. Ta còn nhớ, một ngày nào đó, ông đã xin Chúa Giêsu cho lửa trời và sấm sét xuống tiêu diệt một làng của người Samari, vì họ đã không chịu tiếp rước các ngài. Ông không gớm cả những biện pháp mạnh. Ở đây, ông lại bực tức với một người ngoại nhập lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ và được thành công. Thật là xì-căng-đan hết chỗ!

Vì “người ấy không theo chúng ta.” Người ấy không phải là người thuộc nhóm chúng ta và kìa anh ta tiếm quyền của chúng ta, dẫm chân lên những mảnh vườn của chúng ta. Đó là một sự lộn xộn mà anh ta xin Chúa Giêsu sửa sai. Vả lại các tông đồ cũng đã bắt đầu xen vào. Các ông đã ngăn cản anh lấy danh nghĩa Chúa mà hành đông và các ông đòi Chúa công nhận hành đông của các ông. Còn Gioan một phần nào như muốn nói: “Khỏi cần đi theo Thầy nữa, làm môn đệ Thầy mà làm chi, khi mà kẻ tới trước đều có thể hành động nhân danh Thầy.”

Đừng là ốc đảo

Phản ứng của Chúa Giêsu, đày lòng bao dung, đã phải làm cho các môn đệ thất vọng: Người lệnh cho các ông cứ để cho người lạ này trừ được bao nhiêu quỷ thì cứ làm, và công việc ấy biện minh cho con người anh: người mới gia nhập này tỏ cho thấy có nhiều dấu hiệu thiện chí, công việc anh làm đều hướng về Chúa Giêsu, và một khi ra đi rồi, chẳng lẽ anh lại đâm ra khinh rể và nhục mạ Người. Ở đây Chúa Giêsu xem ra lạc quan, sẵn sàng kết nạp mọi người ở ngoài, sẵn sàng tỏ thái độ dễ dàng để chiêu mộ những người theo. Thực tế mà nói, Chúa muốn cho các môn đệ thấy rằng thái độ của các ông là không có căn cứ, là hẹp hòi.

Chúa giải thích thêm bằng câu nói bất hủ: “Ai không chống lại tôi, là ủng hộ tôi.” Người truyền lệnh cho các ông phải vượt khỏi những cái nhìn hoàn toàn phàm trần và hẹp hòi của các ông, bỏ ra một bên tinh thần phe nhóm và cởi mở với tất cả mọi người thiện chí. Nhưng thái độ này của Chúa Kitô không phải là “ba phải” chút nào: khi phải chiến đấu chống sự ác, Người tỏ ra kiên quyết và Người sẽ tuyên bố: “Ai không cùng với chúng ta, là chống lại chúng ta.” Có nghĩa là trung lập khi phải đối phó với sự ác chính là đồng lõa với sự ác vậy.

Suy Niệm 5: Ai là người thuộc nhóm chúng ta?

Người ta thường so sánh khả năng làm việc nhóm giữa người Việt Nam và người Nhật Bản, kết quả như sau:

Cùng một công việc, một người Việt và một người Nhật, người Việt hơn hẳn người Nhật.

Hai người Việt làm việc với nhau và hai người Nhật làm với nhau, kết quả bằng nhau.

Ba người Việt làm việc chung và ba người Nhật làm việc chung, thì ba người Nhật hơn hẳn về chất lượng cũng như tinh thần cộng tác.

Tại sao vậy? Thưa không phải người Việt không nhận ra khả năng của nhau! Cả người Việt và Nhật đều nhận ra khả năng của người đối diện. Tuy nhiên, về sự trân trọng tài năng và sử dụng chất xám trong khi làm việc chung thì người Nhật bỏ xa chúng ta!

Đây cũng chính là tâm trạng, thái độ của các môn đệ khi thấy người khác làm việc tốt hơn mình, nhưng chỉ vì họ không thuộc về nhóm của các ông, nên các ông tìm cách ngăn cấm họ.

Với Đức Giêsu thì khác. Khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng nhau chung tay xây dựng Nước Trời.

Ngày nay, trong đời sống thường nhật, có lẽ nhiều khi chúng ta mong muốn được nhiều người tôn trọng mình và coi thường người khác. Hay có khi chúng ta tìm cách thổi phổng uy tín dởm của mình và luôn tìm cách đạp đổ danh thơm tiếng tốt của đối phương. Hoặc có những lúc chúng ta không ưa ai thì cho dù người đó có tốt lành, gương mẫu thế nào đi nữa, trước mắt và trong lối suy nghĩ của ta, họ chỉ là “con ông nọ, con bà kia ý mà”!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được trái tim rộng mở như Chúa, để chúng con biết nhìn thấy điều tốt đẹp nơi anh chị em của mình, và cùng nhau cộng tác nhằm góp phần xây dựng sự hiệp nhất cho Vương Quốc của Chúa trên trần gian. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 6: Rao giảng Tin Mừng là sứ mạng của mọi người

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tin Mừng phải được rao giảng. Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không phải là đặc quyền của riêng ai, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay đã xác định rõ thái độ con phải có đối với việc loan báo Tin Mừng. Đang khi các tông đồ tỏ ra không bằng lòng về một người lạ mặt lấy Danh Chúa mà trừ quỷ, thì chính Chúa đã bênh vực người đó. Thông truyền cứu độ, đó là sứ mạng Chúa trao cho tất cả mọi người, không trừ ai. Và tiêu chuẩn để xác định một người thuộc về Chúa, đó là người ấy có hành động nhân danh Chúa hay không.

Lạy Chúa, mỗi khi nhận được tin vui về người thân, con chỉ muốn đến ngay với họ. Và nếu như họ chưa biết tin vui ấy, thì con muốn rằng chính con sẽ là kẻ báo tin vui cho họ. Tin vui càng lớn bao nhiêu, con càng muốn báo cho họ sớm bấy nhiêu. Nhưng tất cả các tin vui mà con vừa thưa với Chúa thật là tầm thường so với Tin Mừng mà Chúa đã đem đến cho loài người. Đây là tin trọng đại làm thay đổi số phận cả loài người. Tin trọng đại ấy khơi dậy trong tâm hồn con ước muốn được ra đi loan báo cho anh chị em con. Con muốn ra đi, thoát ly tất cả những cũ kỹ hư nát của nếp sống, muốn gội sạch lớp mốc đã phủ dầy theo ngày tháng, muốn trở thành một con người mới nhân danh Chúa. Ước mơ ấy bừng sáng trong con, hoàn toàn mới mẻ, cao thượng và mạnh mẽ.

Ước gì đó cũng là ước mơ của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Thay vì bỏ nhà đi hoang, sẽ lên đường rao giảng Nước Chúa. Con dâng lên Chúa ước nguyện đó, xin Chúa chúc phúc cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con”.

Suy Niệm 7: Bài học bao dung và hợp tác

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống…

Hôm qua, Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.

– Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với nhũng nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”

– Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.

B…. nẩy mầm.

1. Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kị này là ai? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Đó chính là Gioan, “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu”. Con người tự nhiên của Gioan vốn xấu như vậy. Nhưng nhờ tình thương của Chúa, sau này Gioan trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác. Nhìn gương thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa của mình, nhưng tôi càng tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.

2. Gioan cũng là một trong 3 môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Thế mà vẫn nặng đầu óc phe phái. Gioan đố kị với cả những người “nhân danh Chúa mà trừ quỷ”, tức là những người làm việc tốt.

Thánh Gioan mà còn như thế thì huống chi là tôi. Tôi phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng tôi đã nhiều lần đố kị ganh ghét các anh chị em tôi, ganh ghét không phải vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Và tôi phải hết sức đề phòng không để cho khuynh hướng ganh ghét ấy khuynh đảo tôi nữa.

3. Tôi thường nhìn người khác một cách nghi kị và khắt khe. “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống của tôi trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy tôi một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan “Ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc chắn với cái nhìn này đời tôi sẽ vui tươi hơn và tôi sẽ làm việc thoải mái hơn.

4. Truyện ngụ ngôn Ấn độ có kể như sau:

Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.

Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến: “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt”. Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: “Lạy Ngài, con không thể gặp được một con người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.

Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: “Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa”. Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: “Lạy Ngài con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp.

Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt”. (Chờ đợi Chúa)

Suy Niệm 8: Bao dung và hợp tác

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hôm qua, Đức Giêsu dạy các môn đệ bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Đức Giêsu chẳng những không ngăn cấm họ mà con sửa dạy các môn đệ của mình:

– Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là: “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.

– Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.

Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ Ngài? Đó chính là Gioan. Ông cũng muốn độc quyền cho Chúa hay các Tông đồ mà thôi. Nhưng Chúa lại bảo: “Chớ ngăn cản họ…”(c.39). Chúa muốn nói rằng dù là ai mà nại vào danh Ngài tức là đã có lòng tin vào quyền của Chúa rồi. Vậy khi trừ được ma quỷ càng làm tăng giá trị đức tin nơi người đó và nạn nhân. Và đó là một vinh danh Thiên Chúa.

Ở đây, Chúa muốn dạy các môn đệ một bài học đừng ganh tị nhau trên con đường phục vụ Thiên Chúa. Mỗi người phải ý thức mình là một phần trong cơ thể. Tuy các chi thể khác nhau nhưng làm thành một thân thể duy nhất. Mỗi một chi thể phải làm xong, và làm hoàn hảo công tác của mình. Cho nên, hãy ý thức rằng những chức vụ khác nhau trong Giáo hội không phải là sự phân chia giai cấp mà là những công tác khác nhau của những cá nhân trong một tập thể Hội thánh Chúa phục vụ cho vinh danh Thiên Chúa mà thôi.

Thần học mục vụ ngày nay có đề cập đến hai hạn từ “bao hàm” và “loại trừ”. Các môn đệ ngăn cản người ngoài nhóm lấy danh Chúa trừ quỷ thuộc hạng “loại trừ”, còn cung cách của Đức Giêsu là “bao hàm”, bao dung chấp nhận người ngoài nhóm lấy danh mình trừ quỷ, bởi vì nhân danh mình là một cách nào đó đã có liên hệ với mình. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người mang tâm thức “loại trừ” thường mặc cảm tự ti, luôn sợ bất lợi cho mình hoặc phe nhóm mình. Vì thế, tốt nhất là ngăn cản, không muốn cho ai hành động. Còn người có khuynh hướng “bao hàm” sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt có thể mang lại lợi ích chung. Điều này càng đúng hơn cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý (5 phút Lời Chúa).

Sự cộng tác là cần thiết và ích lợi

Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Đó cũng là tâm trạng của các môn đệ Đức Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy. Đức Giêsu trả lời: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Walt Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là hoạ sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này hai anh em đã được sự nghiệp lớn lao (Mỗi ngày một tin vui).

Vườn hoa Giáo hội Chúa thì muôn màu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến của từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.

Là người con của Chúa trong lòng Giáo hội, chúng ta không ganh tị với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Ngoài ra, trong khi phục vụ Giáo hội, chúng ta phải đặc biệt tránh cái thành kiến, nó làm lệch lạc sự việc, nó chẳng khác gì cặp kính màu mà ta đeo trước mắt. Người đeo mắt kính tròng trắng sẽ thấy cảnh vật sáng sủa. Trái lại, với cặp kính màu hồng, cảnh vật cũng đượm màu hồng, nhưng với cặp kính đen, mọi sự sẽ ra u buồn đen tối.

Truyện: Bao dung và hợp tác

Truyện ngụ ngôn Ấn Độ có kể như sau: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.

Trước tiên thần gọi Durianna, một vua nổi tiếng tàn ác đến: “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một người có lòng tốt”. Durianna đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: “Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.

Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng là quảng đại, bao dung, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: “Ngươi hãy đi tìm cho ta  một con người thực sự xấu xa”.

Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: “Lạy ngài, con xin lỗi, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, tham lam, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp, vì cho dù vấp ngã mọi người đều có lòng tốt” (Góp nhặt).

Suy Niệm 9: Bài học bao dung và hợp tác

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Hôm qua, Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay, Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác.

Chúng ta thấy phương châm của thế gian thường là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.
Còn phương châm của Chúa Giêsu là: “Ai không chống đối Ta tức là ủng hộ Ta” (Mc 9,40).

1. Chúng ta đã biết Gioan là ai rồi! Gioan đã một lần đòi khiến lửa từ trời xuống để thiêu rụi một làng Samaria, khi họ không chịu tiếp đón Chúa và các môn đệ qua đó để lên Jêrusalem.
Gioan tự phong cho mình là “người môn đệ được Chúa Giêsu thương yêu”, thế nhưng tinh thần của Gioan vẫn còn khác xa với tinh thần của Chúa. Con người tự nhiên của Gioan là như thế, vẫn còn rất hẹp hòi và có nhiều hạn chế. Thế nhưng, nhờ tình thương của Chúa mà sau này Gioan được trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác.

Nhìn gương của Gioan chúng ta sẽ không thất vọng về bản chất xấu xa của mỗi người chúng ta, nhưng thêm tin tưởng hơn vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
Phải nói rằng, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để nhìn người khác với cặp mắt nghi kỵ và khắt khe. “Họ không ủng hộ chúng ta tức là họ chống đối chúng ta”. Những cái nhìn như thế, chẳng những không đem lại niềm vui nào cho cuộc sống mà còn gây ra những hậu quả nhiều khi rất nặng nề làm cho cuộc sống trở nên như một hỏa ngục!

2. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải có một cái nhìn bao dung và lạc quan “Ai không chống đối các con là ủng hộ các con” (Lc 9,50). Chắc chắn với cái nhìn này, cuộc sống của chúng ta sẽ vui tươi  hạnh phúc và làm việc thoải mái hơn.

Người ta kể lại: hôm ấy một bác nông phu nọ đang cày ruộng, tình cờ có một người khách qua đường dừng lại hỏi.

– Thưa bác, người dân làng trước mặt tôi đây là người thế nào?

Không buồn dừng tay cày, cũng chẳng cần phải ngoảnh mặt lên nhìn người khách lạ, bác nông phu trả lời bằng một câu hỏi khác.

– Thế thì làng vừa đi qua ông đã gặp thấy những người như thế nào?

Người khách lạ vừa bâng quơ chỉ chỏ, vừa trả  lời.

– Ôi thôi, toàn những người độc ác, ích kỷ, vô lương tâm.

Bấy giờ, bác nông phu mới dừng tay cày ngước mắt lên nhìn người khách lạ và nói.

– Rất tiếc, tôi cũng phải nói với ông rằng: những người trong làng trước mặt ông đây cũng y như thế thôi. Ông sẽ khám phá ra rằng, họ cũng là những người giống y như những người trong làng ông vừa mới đi qua.

Nghe vậy, người khách lạ bực mình phóng ngựa ra đi. Xế chiều hôm ấy, một người khách lạ khác cũng đi ngang qua lối ấy, thấy bác nông phu cày ruộng đang chuẩn bị ra về, khách qua đường dừng chân lịch sự hỏi: – Những người dân sống trong làng gần đây thế nào?

Bác nông phu cũng đáp lại bằng một câu hỏi y như bác đã hỏi người khách lạ ban sáng.

– Những người trong làng ông vừa đi qua thế nào?

Người khách lạ vui vẻ đáp:

– Họ thực là những người tốt lành, niềm nở, hiếu khách, tôi rất tiếc là phải sớm từ giã họ.

Bác nông phu liền bỏ cày, bỏ cuốc, tiến lại gần người khách qua đường vừa bắt tay vừa nói:

-Tôi rất mừng vì những người ông đã gặp, ước chi ông sẽ gặp được những người như thế trong làng gần đây.

Khách qua đường thứ hai mỉm cười, lại vẫy tay chào bác nông phu rồi ra đi tiếp vào làng.

Câu chuyện trên đây trích từ sách chuyện cổ của những người thổ dân Châu mỹ Latinh. Câu trả lời của hai người khách qua đường cho chúng ta thấy cái lợi, cái hại từ cái nhìn của chúng ta đối với cuộc sống. Nó chẳng khác gì những cặp kính màu mà ta đeo trước mắt. Người đeo mắt kính tròng trắng sẽ thấy cảnh vật sáng sủa. Trái lại, với cặp kính màu hồng, cảnh vật cũng đượm màu hồng, nhưng với cặp kính đen, mọi sự sẽ ra u buồn đen tối.

Chúng ta thường nghe nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Bao nhiêu sự giằng co căng thẳng, bao nhiêu sự hiểu lầm cay đắng, bao nhiêu đổ vỡ đau thương trong các quan hệ xã hội đã bắt nguồn từ cái nhìn chủ quan, hạn hẹp, còn quá lệ thuộc vào những thành kiến ích kỷ này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta đừng quá dễ dàng để cho mình bị lôi cuốn vào những tình cảm, những xúc động của xác thịt làm lu mờ cả lý trí chúng ta và cho chúng ta biết quảng đại trong cách nhìn đối với tất cả mọi người để chúng ta thấy được những cái hay cái tốt của người khác hầu chúng ta có thể cùng nhau nắm tay xây dựng cho Chúa một xã hội tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, xin đừng để trái tim con khép lại trên chính mình,

nhưng biết sống quảng đại như Chúa,

biết vươn lên cao, vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường

bằng một tâm tình bao dung tha thứ như Chúa. Amen.

Suy Niệm 10: Không phân bì

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Theo sách Tin Mừng thánh Máccô, trong nội bộ của các tông đồ thì tranh nhau, hơn thua nhau, không nhường nhịn nhau: “Vì dọc đường, các ông tranh luận ai là người lớn nhất” (Mc 9, 34). Còn với những người ở bên ngoài thế gian, thì các ngài được có Chúa ở với các ngài như là các ngài được kho báu quý giá vô cùng, cho nên các ngài không muốn chia sẻ Chúa của các ngài cho một ai cả. Các ngài muốn giữ Chúa cho riêng bản thân mình. Nhất nữa, các ngài muốn Chúa yêu thương, lo lắng cho các ngài mà thôi. Vì thế, các ngài độc quyền về Chúa của mình, không cho phép người khác làm bất cứ điều gì giống như Chúa đã làm: “Thưa Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không thuộc về ta, và chúng con đã ngăn cấm y” (Mc 9, 38). Nhưng Chúa đã không cho các ngài làm như vậy, vì đó là mầm móng sự chia rẻ, ganh tỵ, chiến tranh, hận thù nhau, và không thể nào rao giảng Tin Mừng của Chúa cho người khác được.

Chúa không cho các tông đồ làm như vậy: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con” (Mc 9, 39). Chúa mong muốn cho tất cả con người chúng ta sống theo lời Chúa dạy thật tốt để rồi yêu thương anh chị em của chúng ta, làm các việc lành, việc thiện, việc tốt mà cứu giúp anh chị em của chúng ta, nhất là những người đang gặp gian nan, khốn khó, đau khổ, đói khát, thiếu thốn….

Cuộc sống chung quanh chúng ta, có rất nhiều anh chị em đang gặp bao tai họa, rất cần sự cứu giúp, đỡ nâng của chúng ta. Nếu chúng ta nhân danh Chúa làm điều tốt lành cho anh chị em đó thì họ sẽ thấy Chúa qua chúng ta, chúng ta xứng đáng là môn đệ chủa Chúa, nhất định danh Chúa sẽ được lan rộng khắp mọi nơi trên thế gian này.

Đàng khác, điều Chúa cần các tông đồ và chúng ta là hãy cộng tác với Chúa để ngăn cản, để đẩy lui sự dữ, sự ác, sự xấu ra khỏi cuộc sống trần gian của chúng ta. Những người hay làm sự ác, sự dữ, sự xấu, mang đến điều hại chứ không là điều có lợi cho anh chị em chúng ta, chúng ta cần ở bên họ, giúp đỡ họ làm điều thiện, điều lành, điều tốt cho cho những điều ác, điều dữ, điều xấu ở trên.

Lạy Chúa, Chúa nói với thánh Gioan cách riêng, với các tông đồ nói chung và ngày hôm nay là chúng con: “Đừng ngăn cấm họ “, nghĩa là khi người khác làm điều tốt lành cho anh em mình vì lòng mến Chúa thì hãy khuyến khích họ, đồng thời, Chúa cũng dạy chúng ta là tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau trong gia đình của Chúa, nên hãy thương yêu nhau, nâng đỡ nhau, giúp nhau thực hiện thánh ý Chúa để làm cho cuộc sống bớt khổ đau, bớt nghèo đói, bớt rách nát để có cơ hội sống phụng sự Chúa tốt hơn. Amen.

Suy Niệm 11: Tiến bước trên chính lộ

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 7 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.

Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: tránh xa lời dối trá, tin tưởng và vâng theo ý Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên cho thấy: Thiên Chúa ban cho mỗi người một phần hạnh phúc. Hơn bất cứ một giá trị hiển nhiên nào khác, của cải vật chất và mọi thứ phú quý giàu sang đều dẫn đến thất vọng. Về điểm này, hơn bất cứ chỗ nào khác, sách Giảng Viên đi trước và báo trước Tin Mừng. Chết là mất tất cả, chỉ còn lại một tài sản duy nhất: đó là đã sử dụng của cải mình có, dù lớn hay nhỏ, theo thánh ý Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa; xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có, chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng. Con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa: Số phận con ở trong tay Ngài.

Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: không chiều theo dục vọng, nhưng, quy hướng mọi sự về Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Giêrônimô nói: Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Lạy Đức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để mặc con chiều theo tư tưởng xấu xa, đừng để cho mắt con trâng tráo; xin đẩy dục vọng xa khỏi con. Xin đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn. Bằng không, lỗi lầm của con cứ gia tăng mãi, tội lỗi của con chồng chất thêm nhiều.

Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: yêu mến khôn ngoan và yêu mến luật Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca nói: Ai phụng sự khôn ngoan thì cũng phụng thờ Đấng Thánh, và ai yêu mến khôn ngoan thì được Đức Chúa mến yêu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia cho thấy: Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào. Đường con Chúa rõ mười mươi, huấn lệnh, thánh ý, con thời vâng theo.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Đường lối, huấn lệnh Chúa là đường, là sự thật, là sự sống; Ai không chống lại ánh sáng là đang ủng hộ ánh sáng, là đang tiến bước và giúp người khác tìm về nẻo chính đường ngay. Ánh sáng của Lời Chúa sẽ vạch trần đâu là lời giả dối, đâu là lời chân thật; đâu là của cải chóng qua, đâu là kho tàng vĩnh cửu; đâu là những dục vọng thấp hèn, đâu là niềm khát khao cao thượng. Mọi công lao vất vả của con người trên trần gian này là để cho miệng ăn, răng nhai và bụng tiêu hóa. Đành rằng thức ăn làm khoái khẩu đôi chút, nhưng, chỉ khoái bao lâu thức ăn còn ở trong miệng mà thôi. Sau khi ăn uống rồi, linh hồn của người ăn cũng không được no thỏa, vì người ấy còn muốn ăn nữa. Ai ăn Lời Chúa, ăn đường lối thánh chỉ của Chúa, cũng vậy, miệng thì vất vả làm việc, mà lòng không được thỏa thuê, vì lúc nào cũng muốn đào sâu thêm, người ấy hăm hở tìm hiểu những gì thuộc về sự sống và đi con đường chật hẹp đưa tới sự sống. Người ấy nghèo về những việc xấu, nhưng lại, biết Đức Kitô là sự sống cư ngụ ở đâu. Ước gì chúng ta biết đến gần Đức Kitô, đến gần ánh sáng, để chúng ta có thể biện phân được đâu là giả dối, đâu là chân thật: có những điều xem ra ủng hộ ta, nhưng lại, làm cho ta lầm lạc; có những điều xem ra chống lại ta, nhưng lại, dẫn ta đến sự thật vẹn toàn. Ước gì mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa. Ước gì được như thế!

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)