Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Đức Maria Trong Phúc Âm Mattheo – Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Chuyên mục: Các bài nghiên cứu về Đức Maria - Ngày đăng: 17.05.2022
Chia sẻ:

ĐỨC MARIA TRONG PHÚC ÂM MATTHEO (Phần I – Chương II)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

CHƯƠNG II. ĐỨC MARIA TRONG PHÚC ÂM MATTHEO
 
Ngoài những điểm chung với thánh Marcô thuật lại sự hiện diện của đức Maria trong đời công khai của đức Kitô, thánh Matthêo nói đến đức Maria cách riêng trong hai chương đầu thuật lại đời thơ ấu của đức Kitô. Đặc biệt trong chương một, thánh Matthêo nhấn mạnh đến việc thụ thai tinh tuyền của đức Maria trong gia phả của Chúa Giêsu (1,16) và trong việc thiên thần hiện ra với thánh Giuse (1,18-25).

I. Gia phả (1,1-17).
A. Gia phả hay là Sách về sinh ra?
Có tác giả cho rằng dịch câu 1 là “gia phả của đức Giêsu” thì không đúng cho lắm. Mattheo không phải chỉ nhằm bản kê khai tông tích họ hàng của đức Giêsu. Trong đoạn này, thánh sử sẽ bàn về sự sinh ra (genesis: 1,18) của Chúa Giêsu; nhưng ngày từ đầu, Matthêo muốn sánh biến cố với cuộc tái tạo của cả nhân loại. Vì thế, tác giả mở đầu bằng “biblos geneseos” (liber generationis, sách về nguồn gốc, sách về sự sinh ra) giống như sách Sáng thế đã dùng khi nói về sự tạo dựng Adong theo hình ảnh Thiên Chúa (Sách sáng thế 2,4: biblos Geneseos; xem thêm St 5,1: biblos geneseos anthropôn nói về sự tạo dựng Adong theo hình ảnh Thiên Chúa)

B. Vai trò của các phụ nữ.
Trong danh sách 3 nhóm 14 thế hệ (từ Abaham cho tới Đavit; từ Davit tới thời lưu đầy; từ sau lưu đầy tới Chúa Giêsu), Matthêo đã kể tên của 4 phụ nữ cạnh tên chồng: Tamar (vợ của Giuđa c.3), Racab và Rut ( vợ của Salmon và Booz c.5), Betsabea (vợ của Davit, nguyên là vợ của Uria c.6). Tại sao nhắc tới các bà ấy làm chi? Những câu trả lời:
1) Vì đó là mấy bà tội lỗi; nhờ đó làm nêu bật rằng Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc những người tội lỗi (Mt 1,21; 9,2-6.10-13; 18,11-14). Nhưng lý do này không vững cho lắm, bởi vì Rut la người đạo hạnh chứ không phải là người tội lỗi (Rut 1,1).
2) Vì họ là các bà thuộc dân ngoại (Tamar và Racab thuộc dân Cana, Rut là người Moab, Betsabea vợ của người Hittita), ra như tiên báo cho việc dân ngoại sẽ gia nhập dân Chúa nhờ đức Giêsu (Mt 2,1-2; 8,11-12; 28,18-19).
3) Vì họ là những phụ nữ đã gây ảnh hưởng lớn lao tới vận mạng của Israel. Tamar đã giúp cho giòng dõi Giuđa khỏi bị diệt (St 38) từ đó mà bảo đảm cho Đấng Cứu thế sẽ xuất hiện (St 49,10). Racab giúp cho Israel lọt vào đất Canan (Gs 2) và được tuyên dương như mẫu gương đức tin (Dt 11,31). Rut, nhờ lòng hiếu thảo, đã kết hôn với Booz và sinh ra Obed, ông nội của Đavit (Rut 1-4). Betsabea đã can thiệp với Đavit để cho Salomon được lên gôi, dựa theo lời tiên tri của Natan (2 Sm 7,8-16; 12,24-25). Tuy nhiên, vấn nạn được đặt lên là tại sao Mattheo chỉ nói tới 4 bà này mà không nhắc tới các bà khác đã ảnh hưởng không ít tới lịch sử dân tộc (Sara, Rebecca …)?
4) Tục truyền Do thái cho rằng những lần sinh đẻ của 4 bà vừa kể có cái gì không xuôi (tuy không hẳn là tội lỗi). Ra như Thánh Thần đã phải can thiệp cách nào đó để hoàn thành chương trình của Chúa, qua những con đường ngoằn nghèo của bốn bà vừa kể. Thế nhưng, những lần can thiệp ấy chưa thấm vào đâu, so với việc bà Maria sinh Chúa Giêsu mà Mattheo sắp kể dưới đây. Ý kiến này không coi những câu 1-16 như đơn vị biệt lập (một cuốn gia phả), nhưng liên tục với những câu kế tiếp nói về sự sinh ra của Chúa Giêsu bởi quyền năng Thánh Thần. Như vậy, ta thấy có tới 5 phụ nữ trong chương 1 của Mattheo: bốn bà trước chuẩn bị cho bà Maria.
C. câu 16: “Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, người đã sinh ra đức Giêsu, gọi là Kitô”.
Mạch văn trong suốt gia phả là: ” A sinh B, B sinh C…”. Tuy nhiên mạch văn bị cắt đứt khi tới lượt Chúa Giêsu. Mattheo không viết rằng “Giacob sinh Giuse, Giuse sinh Giêsu”, nhưng nói rằng: “Giuse, chồng của Maria, người đã sinh ra đức Giêsu”. Như vậy, Giuse tuy là chồng của Maria nhưng không phải là cha tự nhiên của đức Giêsu. Tại sao vậy? Mattheo sẽ cắt nghĩa liền sau đó, ở câu 18: “việc sinh ra (genesis) của đức Kitô xảy ra như thế này”.

II. Thiên thần hiện ra với Giuse (1,18-25).
Matthêo cho ta biết rằng Maria đã đính hôn với Giuse rồi. Theo tục lệ Do thái thời ấy, lễ đính hôn với lễ cưới chỉ khác nhau về hình thức bên goài, chứ hậu quả pháp lý thì như nhau: nghĩa vụ chung thủy giữa những người đã đính hôn cũng giống như giữa đôi vợ chồng. Do đó, việc lỗi sự chung thủy không những sẽ đưa đến việc hủy bỏ hôn ước mà còn bị truy tố về tội ngoại tình.

A. Giuse, người công chính
Khi thấy Maria có thai, thì Giuse, người công chính, toan lìa bỏ người hôn thê của mình. Thiên thần hiện đến bảo ông hãy nhận Maria làm vợ. Câu chuyện có vẻ đơn sơ nhưng đã gây ra nhiều câu hỏi cho các giáo phụ và các nhà thần học: ông Giuse có biết căn nguyên của việc bạn mình thụ thai hay không? ông ta định tố giác bà hay chỉ muốn tránh đi cách kín đáo? tại sao Kinh thánh gọi ông là người công chính?
1) Ông Giuse có biết căn nguyên của việc bạn mình có thai hay không?
Các giáo phụ chia ra làm hai khuynh hướng. (a) Một số giáo phụ Tây phương cho rằng thánh Giuse không biết chi hết, nên thiên thần hiện đến để giải thích cho ông. Phần Maria, thì chị chỉ biết im lặng, phó thác cho Chúa an bài. (b) Một số giáo phụ Đông phương thì cho rằng ông Giuse đã biết chuyện mang thai của bạn mình rồi, và thiên thần chỉ hiện đến để xác nhận điều ấy.
2) Phản ứng của ông Giuse trước việc mang thai của Maria như thế nào? Câu trả lời này lệ thuộc những ý kiến về câu hỏi thứ nhất. (a) Những ai cho rằng ông Giuse không biết căn nguyên, thì cho rằng ông nghi ngờ bạn mình ngoại tình nên ông quyết định ly dị. – (b) Những ai cho rằng ông biết căn nguyên thì cho rằng ông đâm ra sợ sệt vì cảm thấy mình bất xứng, nên ông định bỏ trốn.
3) Tại sao Kinh thánh gọi ông Giuse là người công chính? Cũng vậy, câu trả lời này cũng tùy thuộc vào ý kiến giải đáp câu hỏi thứ nhất. (a) Những ai cho rằng ông không biết căn nguyên, thì nghĩ là tuy ông nghi ngờ bạn mình ngoại tình nhưng ông không chắc chắn trăm phần trăm; do đó ông không dám gây cho bạn mình những thiệt hại có thể xảy ra vì vu cáo. Vì vậy mà ông không dám làm to chuyện. Nói khác đi, ông Giuse là người công chính vì không lỗi công bằng với bạn của mình. – (b) Những ai cho rằng ông đã biết căn nguyên rồi thì giải thích rằng Kinh thánh gọi ông là người công chính theo nghĩa là kẻ luôn luôn sẵn sàng làm theo ý định của Thiên Chúa. Đây là sự công chính mà Kinh thánh luôn ca ngợi (công chính có nghĩa là chính trực, thánh thiện, kính sợ Chúa).
Dù theo ý kiến nào đi nữa, chúng ta phải nhận rằng thánh Giuse đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đời đức Maria, như một người bạn để giúp đỡ và che chở Người trong việc thi hành ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Giuse phải nhận lấy Maria làm bạn, không những để che chở người trước mặt pháp luật và dư luận (về tội ngoại tình), nhưng nhất là để nhờ Giuse mà Chúa Giêsu được thuộc vào giòng dõi Đavit.

B. Sứ điệp của thiên sứ.
Thiên sứ hiện đến với Giuse trong giấc mộng và bảo ông: “Giuse, con Davit, đừng sợ lấy Maria, vợ của ông; bởi vì đứa con thai sinh nơi bà là do Thánh Thần mà đến; bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ đặt tên là Giêsu”
Tuy rằng việc thụ thai có tính cách siêu nhiên, nhưng không vì thế mà Giuse bỏ rơi Maria. Thiên Chúa muốn cho ông – con vua Đavit- lấy Maria, để nhờ đó Chúa Giêsu được nối giòng Đavit.
Giuse đã tuân lệnh thiên sứ. Ông đã rước vợ về nhà, và giữa ông và bà “không có tri giao vợ chồng cho đến lúc bà sinh con”. Trong nguyên ngữ, Mattheo nói rằng ông không “biết” bà: đây là một từ mà người Do thái dùng để chỉ việc giao cấu vợ chồng, vì là cái biết cảm nghiệm (St 4,1; 38,26). Sau khi sinh con đầu lòng rồi, chuyện hai ông bà có ăn ở với nhau hay không là một điều Mattheo không muốn nói tới.

C. Lời tiên tri Isaia.
Sau khi đã thuật lại biến cố vừa kể, thánh sử Matthêo đã bình luận (câu 22): “Tất cả những điều đó xảy ra ngõ hầu ứng nghiệm điều mà Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ rằng: một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một đứa con trai, gọi tên là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”. Mattheo trích dẫn lời của Isaia 7, dựa theo bản dịch hy lạp . Thực vậy, nguyên bản Do thái chỉ nói tới một “thiếu nữ” (almah; betulah mới là trinh nữ), nhưng bản dịch Hy lạp (tục gọi là bản LXX) đã đọc là “trinh nữ” (parthenos). Thường thì độc giả chỉ dừng ở chỗ một “trinh nữ” sinh con, và liên tưởng ngay đến trinh nữ Maria. Nhưng có lẽ Matheo còn muốn cái gì thêm nữa. Theo các nhà chú giải, chúng ta cần phải đọc bản văn trong khung cảnh lịch sử mà nó được viết ra. Từ đó chúng ta sẽ thấy ý nghĩa mà Tân ước muốn đào sâu thêm.
1) Isaia thuật lại lịch sử của nước Giuđa vào những năm 734-733 trước công lịch. Vua Giotam vừa băng hà; Acaz lên ngôi khi mới sấp xỉ hai mươi xuân xanh. Lợi dụng thời cơ rối beng như vậy, hai vua nước Damasco (Razon) và Israel (Pekak) mang quân xâm lấn Giuđa. Acaz hoảng quá định cầu cứu với hoàng đế Tiglat Pileser của Assiria (745-727). Đến đây, ngôn sứ Isaia ra mặt, trách móc Acaz về tội đi liên minh với dân ngoại: khi đã nhờ tới họ, thì sớm muộn gì cũng sẽ chạy theo thờ lạy các thần của họ. Khi thấy Acaz cứ phân vân dùng dằng, Isaia mới phấn chấn nhà vua bằng một dấu chỉ (oth): “một thiếu nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, mà bà ta đặt tên là Emmanuel”. Chừng nào dấu chỉ ấy sẽ xảy ra? Nhiều tác giả công giáo hiểu ngay về chính người vợ trẻ của vua (tức là Abia, theo 2Vua 18,2) : bà sẽ sinh một con trai (Ezechia), mang tên là Emmanuel. Đứa bé chỉ ăn nhũ men và mật (lương thực của đám mục đồng) cho tới lúc bặp bẹ biết nói; tới lúc ấy, các quân ngoại xâm sẽ thua tán loạn. Trên thực tế, hoàng đế Assiria đã đánh bật vua Đamascô vòa năm 733-732, vào lúc sinh ra Ezekia. Sự sinh hạ này được coi như một dấu hiệu của việc Thiên Chúa vẫn ở với dân mình, tiếp tục duy trì nhà Davit như ngôn sứ Nathan đã hứa (2 Sm 7,8-16). Nên biết là Ezêkia đã được khen là “người đã trông cậy Yavê Thiên Chúa của Israel; trong các vua nước Giuđa, sau ông và trước ông không có ai được như vậy” (2Vua 18,5).
2) Khi trích dẫn Is 7,14, Matthêo không những muốn thấy nơi đức Maria ngừơi trinh nữ sinh con, nhưng còn muốn thêm tư tưởng rằng đức Maria là mẹ của Emmanuel, dấu chỉ của lòng Chúa tín trung với lời hứa. Trước đây, Ezekia ra đời như dấu chỉ của việc Chúa tiếp tục bảo vệ nhà Đavít thế nào, thì giờ đây, việc sinh ra Chúa Giêsu cũng sẽ là dấu chỉ của lòng trung thành ấy như vậy (Lc 1,32-33: Ngài sẽ ngự trên ngôi báu Đavit). Duy có điều khác, là với từ nay dân Chúa không chỉ giới hạn vào nhà Đavit hay dân Israel, nhưng sẽ là hội thánh của đức Kitô (bền bỉ như đá: Mt 16,18; vì Chúa ẽ hiện diện trong đó cho đến tận thế Mt 28,20). Đức Maria là mẹ của Chúa Cứu thế.

III. Tên trẻ là Giêsu.
Giêsu (Gêsua. Giơhôsua: Giavê cứu thoát): Ngài sẽ cứu thoát dân Ngài khỏi tội lỗi.
Như trên đã nói, Giuse là chồng của Maria (1,16), và Maria là vợ của Giuse (1,20.24), nhưng Giuse không phải là cha của chúa Giêsu. Mattheo đã nói tới 4 lần trong chương 2 rằng: “hài nhi và mẹ Người” (câu 13.14.20.21).
————————–
Theo một số tác giả, Matthêo không có chủ ý trực tiếp nói về sự trinh khiết của đức Maria. Đối tượng chính của chương 1 là nguồn gốc của Đức Giêsu: Ngài là đấng cứu tinh (Kitô) thuộc dòng dõi Đavit, là Con Thiên Chúa, và đồng thời cũng là người thật, tuy rằng việc thụ thai và sinh hạ có tính cách khác thường. Sự thụ thai tinh tuyền nhắm nói tác động đặc biệt của Thánh Thần.

(Nguồn: dongnuvuonghoabinh.org)