LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Trong số các lễ nhớ Đức Maria, ngoài lễ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ Đức Bà Camêlô, còn có lễ Đức Mẹ Mân Côi, do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII thành lập năm 1573. Nhưng để biết nguồn gốc của lễ này trước hết phải tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi ”Rosario”. Từ Rosario phát xuất từ chữ Latinh ”Rosarium” có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng, hoặc chuỗi hoa hồng, và cũng còn gọi là Kinh Mân Côi.
Sở dĩ gọi là ”chuỗi hoa hồng” hay ”tràng hoa hồng” là vì nó bao gồm nhiều hạt. Mỗi một hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc nó giống như một đóa hồng tín hữu dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Rồi nó cũng được gọi là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quí lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là ”chuỗi ngọc Mân và ngọc quí lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ tín hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.
Từ thế kỷ XIII trở đi Tràng hạt chuổi hạt, hay Kinh Mân Côi mang ý nghĩa một vòng hoa hồng thiêng liêng dâng lên để ca tụng Mẹ Thiên Chúa và xin Mẹ bầu cử cho trước ngai tòa Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã tuyển chọn và chuẩn bị cho Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Các đan sĩ Certosino và các tu sĩ dòng Đa Minh đã có công phổ biến Kinh Mân Côi trong Giáo Hội. Để phổ biến thói quen đạo đức đơn sơ bình dân này các đan sĩ Certosino thường kể lại hai thị kiến. Một câu chuyện đã được biết tới ngay hồi thế kỷ XIII. Chuyện kể rằng một ngày kia có một đan sĩ Certosino phải du hành. Tới một cánh rừng, vị tu sĩ dừng ngựa lại để đọc 50 kinh kính Đức Mẹ như đan sĩ có thói quen làm mỗi ngày. Đang khi đan sĩ ấy sốt sắng lần hạt kính Đức Mẹ, thì có một tên cướp từ trong rừng nhào ra cướp lấy ngựa và mọi thứ, rồi toan tính giết vị đan sĩ. Nhưng anh ta bỗng trông thấy một Bà rất xinh đẹp cầm trên tay một sợi dây dùng để làm chuỗi hạt. Vào mỗi kinh Kính Mừng vị đan sĩ đọc, thì Bà hái lấy trên môi vị đan sĩ một đóa hoa hồng và gắn vào sợi dây. Sau khi tràng chuỗi đủ 50 hoa hồng, Bà đội vòng hoa hồng lên đầu rồi biến mất. Tên cướp tới gần vị đan sĩ và hỏi người Đàn Bà đó là ai. Vị đan sĩ kể lại cho anh ta biết là mình đang đọc kinh kính Đức Mẹ và bảo đảm với anh là đã không trông thấy ai cả. Tên cướp liền hiểu rằng Bà đep ấy chỉ có thể là chính Đức Trinh Nữ Maria. Anh ta liền trả lại cho vị đan sĩ mọi sự đã lấy và bỏ đi.
Câu chuyện thứ hai là thị kiến mà một đan sĩ Certosino khác là thầy Adolfo thành Essen đã nhận được vào năm 1492. Trong khi lần hạt kính Đức Mẹ, thầy Adolfo trông thấy Đức Trinh Nữ được triều thần thiên quốc vây quanh và hát Kinh Mân Côi với các câu kết mà tập sinh Domenico Helian, cũng gọi là Domonico người Phổ, năm 1409 đã thêm vào mỗi lời chào của sứ thần Garbiel sau tên Giêsu. Trong thị kiến thầy Adolfo trông thấy khi hát tới tên Maria, thì toàn triều thần thiên quốc đều cúi đầu, nhưng tới tên Giêsu, thì mọi người qùy gối. Sau cùng là kết thúc việc hát Halleluia thêm vào câu kết. Kể từ đó đan sĩ Adolfo thành Essen cũng thêm Halleluia sau chữ Amen của mỗi suy tư kết thúc.
Trong tự sắc ”Consueverunt romani Pontifices” công bố ngày 17 tháng Chín năm 1569, Đức Giáo Hoàng Pio V định nghĩa Kinh Mân Côi như sau: ”Chuỗi Mân Côi hay sách thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có lời kinh Lậy Cha của Chúa, với các suy niệm xác định minh giải toàn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Định nghĩa trên đây của Đức Giáo Hoàng Pio V tóm tắt nòng cốt và hình thể chính của Kinh Mân Côi. Tài liệu nói trên của Đức Pio V là một chặng ghi dấu và là điểm quy chiếu trên con đường lịch sử dài và phức tạp của lòng sùng kính này và nó là môt chặng nền tảng. Thật ra, lịch sử Kinh Mân Côi đã không nảy sinh với tự sắc này, nhưng tìm thấy nơi đó một loại thánh hiến chính thức từ phía giáo quyền, và trong đó có xác định các hình thái tựu trung giống các hình thái Kinh Mân Côi chúng ta đọc ngày nay.
Thế Kinh Mân Côi đã nảy sinh như thế nào?
Hầu như trong mọi tôn giáo tín hữu đều có thói quen dùng chuỗi hạt để cầu nguyện. Ấn giáo có chuỗi Japa mala, Phật giáo có chuỗi Mala. Mala trong tiếng Phạn có nghĩa là vòng hoa. Còn Japa là đọc hay hát hoặc lập lại một mantra hay tên hoặc các tên của một vị thần. Có loại Mala gồm 16, 27, 54 hoặc 108 hạt. Phật giáo Tây Tạng dùng loại 108 hạt. Cũng có loại 21 hay 28 hạt tín hữu dùng để phủ phục sát đất. Hồi giáo có chuỗi Tasbeeh hay Tespih, Misbaha, Sebha hay Subha tùy theo thổ ngữ A rập thuộc các quốc gia khác nhau. Nó gồm loại 99 hạt cộng với 1 hạt, hay loại 33 cộng với một hạt. Loại giản lược gồm 34 hạt. Tín hữu đọc nó bằng cách xướng lên 99 tên gọi đẹp của Allah để chỉ nhớ tới Thiên Chúa và không nghĩ tới những gì không phải là Thiên Chúa. Tín hữu chính thống có chuỗi Comvoschini. Và tín hữu công giáo có tràng hạt Mân Côi.
Kiểu lập đi lập lại một lời kinh này có nguồn gốc đông phương. Có thuyết cho rằng các đạo binh Thập Tự quân tiếp xúc với người Hồi đã du nhập chuỗi hạt cạu họ rồi thích ứng lời kinh Kitô. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng thói quen lần hạt đã có từ thời các vị ẩn tu trong sa mạc thuộc các thế kỷ thứ III thứ IV, tức trước thời các Thập tự quân rất lâu. Các vị ẩn tu dùng các hòn sỏi nhỏ trơn tru, hay các hạt, hoặc bất cứ vật dụng nào gọn nhẹ để đếm kinh. Rồi tín hữu dùng dây thắt nút lại, và từ từ đi tới giai đoạn dùng các hạt bằng gỗ, hay bằng các chất liệu khác nhau như thấy ngày nay.
Người ta đã tìm thấy các tràng hạt, rất gống như tràng hạt ngày nay, thuộc thánh nữ Gertrude viện mẫu tu viện Biển Đức Nivelles, qua đời năm 664. Sự kiện này chứng minh cho thấy thói quen lập lại lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ Maria đã có từ thế kỷ thứ VII hay trước đó nữa.
Tuy nhiên cũng có thể nói rằng nguồn gốc thói quen lần hạt phát xuất từ Ailen trong môi trường của các đan viện, nơi các tu sĩ kiếm tìm sự hiệp thông với Thiên Chúa qua đời cầu nguyện với việc đọc 150 thánh vịnh của vua Đavít, tức toàn sách Thánh Vịnh của Thánh Kinh Cựu Ước. Nhưng chung quanh các đan viện cũng có các nhóm giáo dân ngày càng ước ao lời cầu nguyện chiêm niệm liên tục. Nhưng vào các thế kỷ xa xưa ấy ít có giáo dân biết đọc biết viết, và việc học thuộc lòng 150 thánh vịnh bằng tiếng Latinh cũng là điều rất khó. Vì thế để giúp các giáo dân này thỏa mãn ước vọng của họ, cần phải tìm ra hình thức nào thích hợp với các nhu cầu, mức độ văn hóa và tiết nhịp cuộc sống của họ. Vào khoảng năm 850 một đan sĩ Ailen gợi ý là cho các giáo dân này đọc 150 kinh Lậy Cha thay cho 150 Thánh Vịnh, cũng chia thành ba phần, mỗi phần 50 kinh, tương đương với ba lần đọc kinh Thần Vụ trong ngày của các đan sĩ.
Thói quen này lan sang các nước Âu châu khác. Ít lâu sau đó hàng giáo sĩ và giáo dân trong các vùng khác của Âu châu, chẳng hạn như trong vùng sông Rhein Flamand, bắt đầu thay thế kinh Lạy Cha bằng lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ Maria ”Ave Maria”, là phần đầu của kinh Kính Mừng hiện nay. Nhưng để cho lời cầu nguyện duy trì được tính cách chiêm niệm của nó và tránh cho việc đọc kinh trở thành máy móc, 150 kinh gọi là thánh vịnh Lạy Cha Pater Noster hay thánh vịnh của Đức Maria tùy theo công thức sử dụng, người ta giảm xuống còn 50 kinh. Đó là hình thức của Tràng hạt Mân Côi ngày nay.
Có thể nói rằng việc đọc Kinh Mân Côi đã phát triển giữa các thế kỷ XII và XVI. Vào đầu thế kỷ XII đã được phổ biến bên Tây Phương thói quen đọc kinh Kính Mừng, hay đúng hơn lời sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ trong ngày truyền tin, tức phần đầu của Kinh Kính Mừng. Dĩ nhiên, lời sứ thần Gabriel chào Đức Maria đã được các tín hữu kitô biết từ lâu trước đó, vì nó đã được ghi lại trong các Phúc Âm và cho tới thế kỷ thứ VII đã được dùng như điệp khúc hát trong lúc dâng lễ vật trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, là Chúa Nhật nêu bật vai trò của Mẹ Maria.
Nhưng ở đây trong Kinh Mân Côi người ta muốn nhận ra sự mới mẻ của việc sùng mộ lập lại lời kinh Kính Mừng, giống như đã có với Kinh Lậy Cha được lập lại 150 lần. Lời Kinh Kính Mừng chỉ có câu chào của sứ thần Gabriel và lời chúc tụng của bà Elidabét. Tên Chúa Giêsu và từ Amen đã chỉ được thêm vào khoảng cuối thế kỷ XV, khi câu ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen” trở thành thói quen phổ biến năm 1483.
Như chúng ta đã biết thói quen lần hạt kính Đức Mẹ chắc hẳn đã bắt đầu rất sớm trong các thế kỷ thứ III thứ IV với các vị ẩn tu trong sa mạc. Để đếm kinh các vị thường dùng các viên đá hay sỏi nhỏ, hoặc các loại hạt, hay các dây có nút thắt, hay chuỗi hạt. Dấu vết các chuỗi hạt như các chuỗi hạt của chúng ta ngày nay đã có từ thế kỷ thứ VII. Chẳng hạn các chuỗi hạt của thánh nữ Gertrude, viện mẫu đan viện Biển Đức Nevelles qua đời năm 664, có hình dạng giống như tràng hạt của chúng ta ngày nay.
Vào giữa thế kỷ thứ IX bên cạnh các đan viện có nhiều giáo dân muốn sống theo tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm của các đan sĩ, nhưng họ không biết đọc biết viết cũng không thể học thuộc lòng 150 thánh vịnh để cầu nguyện như các vị. Do đó bên Ailen có một đan sĩ đề nghị các giáo dân này đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế cho 150 thánh vịnh, gọi là thánh vịnh Lạy Cha. Sau đó thánh vịnh Lạy Cha được chia làm ba phần, mỗi phần 50 kinh, và tín hữu đọc tương đương với ba lần các đan sĩ đọc Kinh Thần Vụ. Rồi từ thánh vịnh Lạy Cha Pater Noster Kitô hữu mau chóng thay thế vào bằng thánh vịnh Kính Mừng Ave Maria. Và thói quen này cũng lan nhanh sang các nước Âu châu. Nhưng kinh Kính Mừng chỉ gồm phần đầu tức lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và lời bà Elidabét ca ngợi Đức Trinh Nữ và Chúa Giêsu là hoa quả lòng Mẹ.
Vào thế kỷ XV tu sĩ Enrico di Kalbar, sống trong dòng Certosino tại Koeln bên Đức – là dòng do thánh Brunone thành lập năm 1084 tại Certosa trên núi Alpes bên Italia – chia thánh vịnh Ave Maria thành 15 đơn vị, tức thành 15 chục, mỗi chục 10 Kinh Kính Mừng, và xen kẽ Kinh Lạy Cha vào giữa các chục. Cách đọc kinh này được trình lên đan viện trưởng dòng Certosino tại Luân Đôn, từ đó nó được phổ biến trong toàn Anh quốc, rồi lan sang Âu châu.
Cũng trong cùng thời gian này có một thủ bản Kinh Mân Côi suy niệm, do học giả Andreas Heinz khám phá ra năm 1977, được dùng bởi các nữ tu Biển Đức đan viện thánh Toma trên sông Kyll, cách thành phố Trier bên Đức 40 cây số.
Vào năm 1409 Domenico Helian, hay Domenico người Phổ, một tập sinh thuộc đan viện Certosa tại Treves, phải trải qua một thời gian khó khăn trong đời tu trì. Do lời khuyên của bề trên là cha Adolfo thành Essen, thầy Domenico mới thêm vào mỗi kinh Kính Mừng sau tên Giêsu suy niệm về một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Việc thêm phần suy niệm này trong lúc lần hạt Mân Côi đã thông dụng trong môi trường Xitô và các đan sĩ Xitô đề nghị 90 suy niệm.
Giữa các năm 1410-1439, do sự ước ao của các anh em Flamand cùng dòng, tu sĩ Dominico Helian, hay Domenico nước Phổ (Prussia), đã hệ thống hóa kiểu đọc thánh vịnh Ave Maria và đề nghị 150 lời suy niệm nhưng chia thành ba phần tương đương với các Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Kitô, cuộc sống công khai, cuộc khổ nạn cái chết, và sự sống lại của Người.
Các lời suy niệm được đan sĩ Domenico nước Phổ làm thành công thức ấy có 14 suy niệm liên quan tới cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu Kitô, 6 suy niệm liên quan tới cuộc sống công khai, 24 suy niêm liên quan tới cuộc khổ nạn cái chết, và 6 suy niệm liên quan tới sự vinh hiển của Chúa Kitô và Đức Maria Mẹ Người. Hình thức 50 lời suy niệm này trở thành chuỗi Mân Côi Certosino, bao gồm mọi khía cạnh cuộc sống của Chúa Giêsu. Chính đan sĩ Domenico minh giải tinh thần của phương pháp đọc kinh này như sau: ”Không cần phải dừng lại trên các lời dùng đó đây trong việc loan báo các điểm suy niệm. Mỗi người có thể tùy thích, theo lòng sùng mộ riêng, kéo dài hay rút ngắn lại hoặc thay đổi chất liệu trong cách này hay cách khác, điều này tùy thuộc thời gian mà mỗi người có được, và tùy thuộc hoàn cảnh họ đang sống”.
Rõ ràng đây là tinh thần chiêm niệm hướng tới lời cầu nguyện thinh lặng, mà trong nội tâm linh hồn muốn chú ý tới sự hiện diện của Chúa, và hoàn toàn chìm đắm trong kinh nghiệm Tình Yêu của Người. Việc đọc to tiếng chỉ là một phương thế giúp đạt sự cầm trí ấy, và như thế có thể ngưng, khi linh hồn cảm thấy ở trong Thiên Chúa trong thinh lặng, rồi lại bắt đầu khi lại cảm thấy cần tập trung và hướng tới Chúa. Như vậy, cũng không bắt buộc phải đọc hết 50 kinh Kính Mừng, vì đây là vấn đề phẩm chất lời kinh hơn là số lượng đọc được.
Ban đầu kinh Kính Mừng kết thúc sau công thức suy niệm, theo sau là tiếng Amen và Halleluia, bởi vì phần hai của kinh Kính Mừng chưa được phổ biến.
Cũng nên xác nhận rằng phần hai của Kinh Kình Mừng, như chúng ta đọc ngày nay, cũng nảy sinh trong dòng Certosino, như là việc sáng tác các lời khẩn nài, được tìm thấy lần đầu tiên trong một cuốn Kinh Thần Vụ Certosino thuộc thế kỷ XIII, trong có các câu như: ”Sancta Maria ora pro nobis” ”Thánh Maria xin cầu cho chúng con”; ”Ora pro nobis peccatoribus” ”Xin cầu cho chúng con là các người tội lỗi”; ”Sancta Maria Mater Dei” ”Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa”; ”Nunc et in hora mortis. Amen” ”Khi nay và trong giờ chết. Amen”.
Đặt chung tất cả các lời khẩn cầu ấy với nhau, chúng ta có phần hai của kinh Kính Mừng: ”Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae. Amen” ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen”.
Như vậy có thể nói rằng tràng hạt Mân Côi hay kinh Mân Côi đã nảy sinh trong dòng các đan sĩ Certosino, mà lý tưởng là một cuộc sống rất trong trắng đơn sơ, hướng về Thiên Chúa như Sự Thiện Tối Cao Duy Nhất, và đặc biệt gắn bó với Đức Trinh Nữ Thánh Maria, bằng cách phản ánh như ân sủng sự giống Linh Hồn Mẹ, là linh hồn chiêm niệm kết hiệp với Chúa Kitô nhất trong mọi thụ tạo, trong Chúa Thánh Thần.
Để phổ biến thói quen đạo đức lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, các tu sĩ Certosino thường kể hai câu chuyện thị kiến như chúng ta đã biết.
Vì Kinh Mân Côi được phổ biến nhiều nơi nên chắc chắn là thánh Đaminh và các tu sĩ dòng Anh em thuyết giáo của thánh nhân cũng có thói quen cầu nguyện với các lời kinh đơn sơ này. Sự kiện các tu sĩ nam nữ dòng Đa Minh vẫn đeo tràng chuỗi 150 trên dây lưng là bằng chứng cho lòng sùng mộ ấy.
Gương của tu sĩ dòng Certosino thành Koeln đã được nhiều người tiếp tục và được theo rộng rãi sau đó. Trong thế kỷ XV có rất nhiều thánh vịnh thánh mẫu loại này. Các điệp khúc quy chiếu về Phúc Âm đạt con số rất cao tới 300, thay đổi tùy từng vùng, theo các sùng kính mà tín hữu muốn nhấn mạnh nhất.
Cùng thời với tu sĩ Domenico nước Phổ có tu sĩ Alain de la Roche, người Pháp gốc vùng Bretagne, dòng Da Minh sống giữa các năm 1428-1478, là người đã phổ biến thánh vịnh thánh mẫu một cách ngoại thường, qua việc giảng dậy và nhất là qua các huynh đoàn thánh mẫu do tu sĩ thành lập. Cũng từ thời đó người ta bắt đầu gọi hình thức lòng sùng kính này là ”Rosario della Beata Vergine Maria” – ”Chuỗi hoa hồng của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc”.
Chính tu sĩ Alain de la Roche nói về chuỗi hoa hồng cũ và chuỗi hoa hồng mới, vì muốn phân biệt việc đọc các Kinh Kính Mừng đơn sơ với việc đọc các Kinh Kính Mừng có lời suy niệm về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, được phân chia thành ba phần: nhập thể, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, và sự vinh hiển của Chúa Kitô và của Đức Maria, mà trong cách lần hạt Mân Côi ngày nay chúng ta gọi là năm sự Vui, năm sự Thương và năm sự Mừng. Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ thêm vào năm sự Sáng nữa, dành cho cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô.
Vào khoảng năm 1470 tu sĩ Alain de la Roche khai mào một giai đoạn mới trong việc phổ biến thói quen đạo đức lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Có lẽ tu sĩ Alain de la Roche lẫn lộn Domenico Helian người Phổ với thánh tổ Đa Minh của dòng, hay có lẽ do một ”thị kiến” mà các tu sĩ Đa Minh giải thích như là ”sự linh hứng” nên đã phổ biến nó trong truyền thống của Giáo Hội. Theo đó Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi đã hiện ra với thánh Đa Minh và ban chuỗi Mân Côi cho thánh nhân như phương thế mạnh mẽ giúp hoán cải các người Albigeois lạc giáo gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội, và giúp hoán cải các kẻ tội lỗi thời đó.
Tuy không thể chấp nhận truyền thuyết này trong sự chắc chắn tuyệt đối của nó, nhưng cũng không thể là một sai lạc lịch sử hoàn toàn. Như chúng ta đã thấy thánh vịnh Ave Maria đã có trước thời thánh Đa Minh sống giữa các năm 1170-1221. Chắc chắn là thánh Đa Minh và các tu sĩ của dòng Anh em thuyết giáo đã không sử dụng hình thức lần hạt do đan sĩ Certosino Domenico Helian đã hệ thống hóa, nhưng dùng một hình thức lần hạt khác có thể giống như vậy, mà thánh nhân và các tu sĩ Đa Minh khó mà không biết đến. Chúng ta hãy nghĩ tới các huynh đoàn thánh mẫu do thánh Pietro thành Verona, môn đệ của thánh Đa Minh, thành lập, và ảnh hưởng của chúng đối với việc phổ biến lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, thì đủ hiểu.
Thật vậy, trong các thế kỷ khi thánh vịnh kinh Pater Noster Lạy Cha và thánh vịnh kinh Ave Maria Kính Mừng phát triển chúng ta đã thấy giữa các tu sĩ Đa Minh có gương sùng kính Đức Mẹ của thầy Romeo di Livia. Người ta kể rằng trong các bài giảng của mình tu sĩ Romeo di Livia luôn luôn nói về Đức Trinh Nữ, và không bao giờ ngừng lập lại lời sứ thần Gabriel chào Đức Maria. Tu sĩ Romeo di Livia chiêm ngắm lâu giờ các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Người qua đời tay còn cầm sợi dây có các nút thắt mà người thường dùng để đếm 1.000 kinh Kính Mừng đọc kính Đức Mẹ mỗi ngày.
Tu sĩ qua đời khi khắc ghi nơi các anh em khác lòng sùng kính này đối với Đức Trinh Nữ diễm phúc và Chúa Hài Đồng Giêsu” (Salanac-Gui, De Quattuor, pp.161-162).
Thói quen đạo đức bình dân lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ đã nảy sinh trong dòng các đan sĩ Certosino, và được phổ biến rộng rãi từ Ailen sang Anh quốc, rồi sang các nước Âu châu khác. Tiếp đến các tu sĩ dòng Đaminh cũng phổ biến thói quen này bằng cách thành lập các huynh đoàn Mân Côi đầu tiên.
Ban đầu sợi dây dùng để đếm kinh được gọi là ”paternoster”, cả khi nó được dùng để đếm kinh Ave Maria. Việc dùng dây ”paternoster” đã thông dụng giữa các tu sĩ dòng Đa Minh ngay từ thế kỷ XIII. Tu nghị tỉnh dòng Roma năm 1261 cấm các tu sĩ cộng tác viên đeo dây ”paternoster” bằng hổ phách hay bằng đá qúy. Như vậy ngay từ hồi đó các tu sĩ Đa Minh đã đeo tràng hạt hay dây đếm kinh ”paternoster”. Cả thánh nữ Agnese thành Montepulciano cũng đã có tràng hạt làm bằng một sợi dây có xâu các hạt.
Thánh nữ Catarina thành Siena cũng dùng một tràng hạt là một sợi dây có các nút thắt. Ngoài ra thói quen đọc thánh vịnh Đức Mẹ, tức 150 kinh Kính Mừng chia thành ba chuỗi hoa hồng đã rất thịnh hành giữa các tu sĩ Đa Minh ngay hồi tiền bán thế kỷ XIII. Các tu sĩ như Bartolomeo thành Trento qua đời năm 1251 và Tommaso thành Cantimpré qua đời năm 1260, đã nói tới thói quen này.
Kết luận, vào thời thánh Đa Minh và cả trước đó nữa, Kitô hữu đã có thói quen đeo dây đếm kinh. Ngoài ra việc dùng tràng hạt 50 kinh Ave Maria hay thánh vịnh 150 kinh Ave Maria đã được biết đến hồi thế kỷ XIII. Tu sĩ Alain de la Roche dòng Đa Minh đã tái đề nghị việc suy niệm các mầu nhiệm chia làm ba phần liên quan tới việc nhập thể, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, sự sống lại và vinh quang của Người và của Đức Maria. Thêm vào đó năm 1470 tu sĩ đã thành lập Huynh đoàn thánh vịnh Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, và xác định các thành viên có bổn phận phải lần hạt mỗi ngày. Từ Đức các huynh đoàn được thành lập sau đó trong toàn Âu châu. Từ từ chuỗi Mân Côi Đa Minh cũng phát triển và biến đổi cơ cấu chuỗi của các đan sĩ Certosino dựa trên phương pháp của tu sĩ Enrico Kalkar.
Vào năm 1521 tràng hạt Mân Côi được đơn giản hóa hơn nữa, khi tu sĩ Alberto da Castello dòng Đa Minh giảm lược các mầu nhiệm, bằng cách chọn 15 mầu nhiệm chính, mỗi mầu nhiệm gồm 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh, và bỏ mọi quy chiếu về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Xác tín về thị kiến của thánh Đa Minh, các Giáo Hoàng ban các ân xá khác nhau cho việc lần hạt Mân Côi, khiến cho kiểu lần hạt của các tu sĩ Đa Minh chiếm ưu thế. Kiểu lần hạt của các đan sĩ Certosino từ đó ít được phổ biến hơn, nhưng đã không bao giờ biến mất. Ngoài ra, trong vài vùng bên Đức và Thụy Sĩ việc suy niệm sau tên Giêsu như kiểu của đan sĩ Domenico người Phổ cũng được du nhập vào kiểu lần hạt của các tu sĩ Đa Minh.
Các hình thức do hai tu sĩ Alain de la Roche và Alberto da Castello đề nghị sau cùng đã thắng thế và áp đặt trên các hình thức khác. Nhiều huynh đoàn thánh mẫu sống rải rác đó đây trong toàn lục địa Âu châu đã lấy lại hình thái lòng sùng kính được cải cách này và phổ biến nó rộng rãi tại những nơi họ sinh sống. Các tài liệu giáo hoàng đầu tiên về Tràng hạt Mân Côi liên quan trước hết tới việc ca ngợi thói quen đạo đức này, cũng như việc ban các đặc ân và các ân xá cho các huynh đoàn thánh mẫu này.
Các tài liệu giáo hoàng đầu tiên về Kinh Mân Côi liên quan tới các đặc ân và các ân xá khác nhau do Đức Giáo Hoàng Sisto IV ban cho các huynh đoàn thánh mẫu, được từ từ sát nhập vào dòng Đaminh. Do lời xin của cha bề trên tổng quyền Bartolomeo Comazi, Đức Giáo Hoàng Innnocenzo VIII đã ban ơn toàn xá một lần khi còn sống và khi đã chết cho tất cả mọi thành viên ghi danh vào các huynh đoàn Mân Côi. Tự sắc được ban hành ngày 15 tháng Mười năm 1484 được ghi lại trong các tài liệu của tổng tu nghị năm 1484.
Đây là lần đầu tiên một tổng tu nghị nhắc tới ”thánh vịnh của Đức Trinh Nữ diễm phúc” và ”hội hay huynh đoàn mân côi”. Rồi qua lời xin của cha Tổng quyền Gioacchino Turriani, Đức Giáo Hoàng Alessandro VI tái xác nhận các đặc ân và các ân xá đã được ban cho các huynh đoàn mân côi, và ban thêm các đặc ân vá ân xá khác.
Sau tự sắc của Đức Giáo Hoàng Sisto IV các Giáo Hoàng công khai thừa nhận mối dây nối kết chặt chẽ giữa phong trào mân côi và dòng Đa Minh. Các vị giao cho Bề trên tổng quyền dòng các anh em thuyết giảng nhiệm vụ hướng dẫn phong trào. Vì thế các Giáo Hoàng ban phép cho Bề trên tổng quyền dòng Đa Minh và các vị đặc sứ của người quyền thành lập các huynh đoàn mân côi mới.
Các huynh đoàn mân côi được thành lập mà không có phép của bề trên tổng quyền dòng Đa Minh, thì không được Tòa Thánh thừa nhận. Các Giáo Hoàng cũng cho phép các tu sĩ Đa Minh ”quyền rao giảng thánh vịnh của Đức Trinh Nữ diễm phúc hay kinh mân côi tại bất cứ nơi đâu”, nghĩa là không bị giới hạn bới các khoản của giáo luật thời đó. Ngoài ra các huynh đoàn mân côi phải được thành lập trong các nhà thờ của các tu sĩ dòng Đa Minh. Chỉ trong các thành phố không có một tu viện Đa Minh, thì mới có thể thành lập huynh đoàn trong một nhà thờ không đo các tu sĩ Đa Minh trông coi. Tuy nhiên, trong trường hơp này, phải nói rõ ràng trong sắc lệnh thành lập là sau đó khi các tu sĩ Đa Minh xây một tu viện trong thành phố, thì huynh đoàn sẽ được chuyển qua nhà thờ do các tu sĩ trông coi.
Ngày 29 tháng Sáu năm 1569 Đức Giáo Hoàng Pio V, thuộc dòng Đa Minh, xác nhận quyền của Bề trên tổng quyển hay các vị do bề trên đặc cử được phép thành lập các huynh đoàn mân côi. Tiếp đến ngày 17 tháng Chín cùng năm 1569 Đức Giáo Hoàng Pio V công bố tự sắc “Consueverunt romani Pontifices” thánh hiến một hình thức lần hạt Mân Côi đã đạt thời điểm vàng son trong sự tiến triển của nó: trong nòng cốt đó là hình thức lần hạt mà các Kitô hữu thực hành cho tới ngày nay.
Tự sắc của Đức Pio V là ”hiến chương” của Kinh Mân Côi. Đức Giáo Hoàng Pio V miêu tả nguồn gốc, tên gọi, các yếu tố nòng cốt, các hiệu qủa, mục đích và phương thế phổ biến Kinh Mân Côi. Tài liệu chứa đựng định nghĩa cổ điển của Kinh Mân Côi như sau: ”Chuỗi Mân Côi hay thánh vinh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có lời kinh Lậy Cha của Chúa, với các suy niệm xác định minh giải toàn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Trong tài liệu này lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng tuyên bố rắng để hưởng các ân xá của Kinh Mân Côi cần phải suy niệm các mầu nhiệm. Lời tuyên bố chính thức này góp phần phổ biến thói quen đã có là xen kẽ việc suy niệm các mầu nhiệm vào các lời kinh khi lần hạt.
Năm 1572 Đức Pio V công bố Tự sắc ”Salvatoris Domini” thành lập lễ Đức Bà Chiến Thắng, vì xác tín rằng chính nhờ Đức Mẹ Mân Côi phù giúp mà liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chiến tại vịnh Lepanto ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571.
Vào thế kỷ XVI đế quốc Hồi Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ rất hùng mạnh. Người Hồi tìm cách xâm lăng Âu châu. Các đạo binh Hồi đánh đâu thắng đó và họ muốn trực chỉ Roma. Tình hình nghiêm trọng này khiến cho Đức Giáo Hoàng Pio V rất âu lo. Người thành công trong việc quy tụ một lực lượng gồm các chiến thuyền các nước Âu châu dưới cờ Thánh Giá. Song song Đức Pio V kêu gọi mọi tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi, tham dự các cuộc rước kiệu công khai và hãm mình đền tội, khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Maria.
Trận đánh đã diễn ra khốc liệt tại vịnh Lepanto ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571 và liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, tránh cho Âu châu khỏi bị quân Hồi xâm lăng.
Khi chưa nhận được tin chiến thắng Lepanto, thì tại Roma Đức Giáo Hoàng Pio V đã cho đánh chuông mọi nhà thờ và tuyên bố là liên minh Kitô đã chiến thắng nhờ sự bầu cử của Đức Bà Mân Côi. Đức Pio V thêm vào kinh cầu Đức Bà tước hiệu ”Auxilium Christianorum Đức Bà phù hộ các Kitô hữu” và công bố sắc lệnh thành lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng ngày mùng 7 tháng 10.
Năm sau đó 1572 Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII ký tự đắc ”Monet Apostolus” thành lập lễ trọng kính Đức Bà Mân Côi, đưa vào lịch phụng vụ và chỉ định mừng ngày mùng 7 tháng 10.
Linh Tiến Khải ( Thánh Mẫu Học bài 345 – 347)