Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO – NƠI THIÊN CHÚA CHỌN

Chuyên mục: Giáo lý - Ngày đăng: 16.05.2022
Chia sẻ:

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO – NƠI THIÊN CHÚA CHỌN

(Bài Giáo lý số 06 – Nhân dịp Năm Thánh Kỷ Niệm 60 Năm Đức Mẹ Tàpao, 1959-2019)

Kính thưa cộng đoàn hành hương,

Theo sự chỉ đạo của Đức Cha Tôma, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Phan Thiết, trong năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao, mỗi tối ngày 12 hằng tháng, tại quảng trường này, có các buổi thuyết trình giáo lý về Thánh Mẫu học, dựa trên Kinh Đức Mẹ Tàpao. Ban tổ chức đã tạm phân chia lời kinh này vào ba nội dung chính: (1) Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, (2) tôn vinh Đức Maria, và (3) noi gương Mẹ trên hành trình đức tin.

Tính đến nay, chúng ta đã được nghe 5 bài giáo lý. Và giờ đây, tôi hân hạnh được chia sẻ bài giáo lý thứ 6, với chủ đề: “Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao – Nơi Thiên Chúa Chọn”, dựa trên câu kinh: “Chúng con tạ ơn Chúa đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa”.

  1. “Am Sơgullah”

Xin được khởi đầu bằng từ ngữ Thánh kinh “Am Sơgullah”. Từ ngữ chuyên môn trong Kinh thánh ‘dân sỡ hữu’ hay là ‘dân giao ước’. Am là dân, Segullah là sỡ hữu, là kho tàng vô giá không thể thiếu được trong khi tự bản chất không có chút là giá trị gì.

Sách Xuất Hành: “Thiên Chúa phán với ông Môsô: hãy nói với Israel dân của Ta ‘nếu các ngươi giữ giao ước của Ta thì các ngươi sẽ trở nên dân sỡ hữu của Ta’, trở nên ‘Am Sogullah’ của Ta”. (Xh 19,5; ss. Is 43,10-13; Tv 99,3). Dân giao ước, tiếng Do thái gọi là “Am Sơgullah”, thuộc dân sở hữu của Thiên Chúa.

Sơgullah là từ ngữ diễn tả một kho tàng vô giá không thể thiếu được, trong khi tự bản chất không có một giá trị gì! có nghĩa là: Nếu các ngươi phó thác đời sống cho Ta, ngươi sẽ trở nên dân sở hữu “Am Sơgullah”, trở nên kho tàng vô giá không thể thiếu đối với Ta, trong khi tự bản chất các ngươi không có giá trị gì. Kinh thánh đã sử dụng từ ngữ này để nói tới mối tương quan giữa con người có niềm tin, thờ phượng Thiên Chúa. (x. Hành trình thiêng liêng của người môn đệ Chúa Giêsu, Tĩnh tâm Linh mục Phan thiết, năm 2010, ĐGM Giuse Võ Đức Minh).

Đối với người Kitô hữu, ngày quan trọng và đáng ghi nhớ đó là ngày lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, cánh cổng dẫn vào đời sống thiêng liêng(x.GLHTCG. 1213). Ngày họ được ghi tên trên trời, được sinh ra trong đại gia đình Giáo Hội, được “thông phần” bản tính của Thiên Chúa (2Pr 1,4) và gia nhập vào hàng ngũ những người gọi Thiên Chúa là Abba – Cha ơi! (Rm 8,15), được xức dầu để trở thành “Am Sơgulla” (Xh 19,5; Đnl 7,6) của Thiên Chúa, họ lãnh nhận những sứ mạng của Chúa Kitô, tiếp nối công việc của Đấng Cứu Thế, để nên muối cho đời, nên men cho cuộc sống, nên ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-14), và làm lan tỏa ánh sáng của niềm vui Tin mừng cho đến tận cùng cõi đất (Mc 16,15-18).

  1. Tàpao là Am Sơgullah, là nơi Chúa chọn.
  2. Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn

‘Am Sơgullah’ là từ các tiên tri nói về kho tàng vô giá trong khi tự bản chất không có giá trị gì. Từ ngữ đó triển khai lời hứa trong sách Khởi nguyên (3,15) nói về người nữ sẽ sinh Đấng Cứu Thế. Rồi tiếng “Am Sơgullah” của Cựu ước sau này được thu tập lại trong Luca (1,28) khi Sứ thần Gabriel thưa với Đức Maria: hãy vui lên, khekharitomene, hỡi biệt sủng của Thiên Chúa, người được sủng ái của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương, một cách vô cùng đặc biệt trong khi tự bản chất chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa. “Am Sơgullah” trở thành ‘kekharitomene’. “Am Sơgullah” là lời mạc khải của các tiên tri, ‘kekharitomene’ là lời mạc khải của thiên thần. Khi Đức Giêsu bị giương cao trên Thập giá, Ngài nói: “Này là Mẹ con”, đây là tiếng nói của Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải “Này là Mẹ con”. Trong tư cách là người mẹ, Đức Maria chuẩn bị cho con cái mình lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, có sự hiện diện của Đức Mẹ. Trong sách Khải Huyền, trong trận chiến cuối cùng, trận chiến với sự chết, trận chiến với ma quỷ thì người mẹ xuất hiện đầu tiên. Từ Khởi Nguyên cho đến Khải Huyền đều bàng bạc và in đậm hình ảnh của Đức Maria, người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn từ ngàn xưa và Ngài đã trao ban cho chúng ta (x.sđd).

Giáo Hội kêu cầu Đức Maria với nhiều tước hiệu cao quý như : Đấng Bảo trợ, Trạng sư, Phù hộ các tín hữu, Mẹ hằng cứu giúp, Trung gian các ơn… Vì trong nhiệm cục ơn thánh, chức vụ làm Mẹ mang ơn cứu độ vẫn tồn tại mãi, và “Mẹ vẫn cầu bầu cho chúng ta nhiều cách để được những ân huệ giúp đạt tới phần rỗi đời đời” (LG 62).

  1. Tàpao, nơi Chúa chọn

Núi rừng Tàpao, hoang vu hẻo lánh, dân cư thưa thớt ít người qua lại. Nhưng Chúa đã chọn nơi này, linh địa Tàpao là Am Sơgullah – sở hữu của Chúa. Miền đất Đồng kho xưa kia chẳng có giá trị gì mấy, nay rất quý giá. Qua hành trình 60 năm, Tàpao trở nên Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu, nơi đây như là một kho tàng vô giá là chính Đức Trinh Nữ Maria hiện diện ban ơn cho muôn người đến hành hương.

Về mặt tâm linh, Tàpao vùng đất xa xôi nay trở thành kho tàng vô giá. Về mặt thổ nhưỡng, Đồng kho, miền đất núi rừng xa xôi cách trở, nay lên giá và người dân nơi đây gọi là “đất vàng”.

Ngày 13.08.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết đã chủ tế thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ TaPao. Có 50 linh mục đồng tế và khoảng 50.000 người tham dự.

Trong bài giảng, Đức cha Phaolô nói rằng: Núi rừng Tàpao là nơi Chúa chọn, đây là địa chỉ tình thương, nơi Đức Mẹ gặp gỡ và ban muôn vàn ơn lành hồn xác, tăng thêm đức tin cho đoàn con cái muôn phương đến với Mẹ.

Từ ý tưởng này, Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung đã viết trong kinh Đức Mẹ Tàpao: Chúng con tạ ơn Chúa, đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa, để Mẹ gặp gỡ chúng con và qua Mẹ chúng con gặp gỡ được chính Thiên Chúa nơi tận sâu thẳm lòng mình.

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao là một công trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chính Chúa chọn nơi này làm linh địa chứ không phải do con người lập nên. Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi tuyển chọn con người cũng như nơi chốn. Đó là ân huệ nhưng không của Ngài. Không có gì tuỳ thuộc vào ý chí hay hành động nhân loại, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ ái Thiên Chúa.

Các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới như Lộ Đức – Fatima hay La Vang đều do Thiên Chúa chọn. Đó là những địa điểm mà lúc khởi đầu thường là hẻo lánh xa xôi khó đi lại, dân chúng nghèo khổ. Những linh địa ấy, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa thi thố lòng xót thương cho đoàn con cái đến nguyện cầu.

  • Đức Mẹ Lộ Đức.

Lộ Đức (Lourdes) nằm ở một vị trí khá hẻo lánh, miền quê nghèo nàn, thuộc một tỉnh nhỏ, nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave. Ngày 11 tháng 2 năm 1858, tại hang Massabiel – Lộ Đức, nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra và nói chuyện với Bernadette 15 tuổi chưa biết đọc, biết viết, gia đình nghèo. Đức Mẹ còn hiện ra với em nhiều lần, và ngày 25 tháng 3 năm đó, Đức Mẹ đã tỏ tên của Người là: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Đức Mẹ cũng tỏ 3 điều bí mật cho Bernadette và Sứ điệp của Mẹ tại đây: “cầu nguyện cho kẻ có tội; hãy đi nói với linh mục để xây kính Nhà thờ tại đây để mọi người tới kính viếng Đức Mẹ”. Đức Mẹ hứa cùng Bernadette: “Mẹ không hứa ban cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau”. Đức Giáo hoàng Leo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858. Năm 1992,Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức là ngày thế giới cầu cho các bệnh nhân. Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhất là đức tin. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.

  • Đức Mẹ Fatima

Cũng như Lộ Đức, Fatima là trung tâm hành hương Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới. Năm 1917, Fatima là miền quê gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Dân lao động làm ruộng nương rẫy. Trẻ em thường chăn dắt bờ, dê, cừu…Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.

Tại làng Fatima, miền quê nghèo nàn ở Bồ đào nha, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với ba trẻ chăn chiên Lucia, Phanxicô và Gianxita. Thời gian này đang xảy ra chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Các nước Châu Âu kinh hoàng và kiệt quệ vì chiến tranh. Giữa bối cảnh đau thương đó, Đức Mẹ đã đến thăm và can thiệp. Sứ điệp Đức Mẹ nhắn gửi đầu tiên qua ba trẻ là: “Các con hãy cầu nguyện! Hãy cầu nguyện thật nhiều!”. Ngày 19-8-1917, Đức Mẹ đề nghị: “Hãy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ cho các tội nhân. Có rất nhiều linh hồn đang sa xuống hỏa ngục, vì không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”. Mỗi ngày 13, từ tháng 5 đến tháng 10, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ. Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13-10-1917.Từ Fatima, Đức Mẹ đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được Hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”. Chiến tranh thế giới kết thúc vào tháng 11-1918. Người ta tin chắc đó là do quyền năng của Đức Mẹ. Đất nước Bồ Đào Nha và Châu Âu được Hòa bình. Fatima từ đó đã trở nên trung tâm hành hương quốc tế, mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn tín hữu đến cầu nguyện.

  • Đức Mẹ La vang.

Đức Trinh Nữ đã hiện ra tại La Vang cách đây 221 năm để an ủi những người đau khổ vì đức tin Kitô Trong cơn bắt đạo tàn khốc dưới thời Vua Cảnh Thịnh, giáo dân khắp vùng đã chạy trốn đến La vang. Năm 1798, khi nhiều người lâm vào cảnh khốn khó vì đức tin, Mẹ Maria đã hiện ra cùng họ để an ủi và hứa sẽ ban mọi ơn lành hồn xác cho những ai chạy đến La Vang cầu khẩn Mẹ.

La vang miền đất khô cằn cày lên sỏi đá, địa thế không có những điều kiện phát triển. Hơn hai trăm năm trước đây, Đức Mẹ đã hiện ra với đoàn con cái đang chịu cảnh bắt bớ, đói khát bệnh tật lầm than. Giờ đây La vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc. Cả thế giới đều biết đến.Thuở ban đầu, La vang là nơi hành hương của Giáo phận Huế. Đến năm 1958, đã được chọn làm nơi tổ chức Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Agagianian Tổng trưởng bộ Truyền giáo, được Đức Thánh cha Gioan 23 cử làm Đặc sứ. Nhiều đoàn hành hương nước ngoài đã đến La vang. Và gần đây nhất, vào dịp Bế mạc Năm thánh Giáo hội Việt Nam, Đức thánh cha đã cử Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền Giáo làm Đặc sứ để Chủ sự lễ Bế mạc tại La vang này.

  1. Đức Mẹ Tàpao
  2. Nguồn Gốc Thánh Tượng Đức Mẹ Tà Pao

Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.

Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang đã cử hành lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia. Từ đó Tàpao đã là một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ.

Từ năm 1964 đến năm 1975, vì lý do chiến sự, hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…

Khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Mùa Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Vào cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991.  Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành.

  1. Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu

Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.

Vào đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao, đoàn người đổ về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như  những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể đó là : nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống… 

Điều lạ lùng hơn cả phải chăng đó là : từ một địa danh trước đây hầu như không mấy ai biết tới, nay Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao, nay đã trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Vả lại, chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao : khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người.

Một trung tâm hành hương là nơi Chúa đã chọn để gặp gỡ con cái của Ngài cách đặc biệt. Chính nơi đây, tình thương Chúa được tỏ bày qua bàn tay dịu hiền của Mẹ Maria. Nơi đây, Đức Mẹ tiếp tục sứ vụ của Con Mẹ là “Loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18), Đức Mẹ tiếp nối thông điệp tình thương “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Chúa chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.

Đến với Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương.Đến với Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy. Đến với Mẹ Tàpao, sau khi đã thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không về không.

Kết luận

 

Thiên Chúa dựng nên con người có xác có hồn theo hình ảnh của Ngài. Dọc dài lịch sử con người sống trong không gian và thời gian, con người vừa có đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Theo Kinh Thánh, từ tạo thiên lập địa và xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài và công trình cứu độ, qua những con người,với  thời gian và không gian cụ thể, để giúp con người dễ cảm nếm và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và ơn cứu độ Ngài ban.

Ngày xưa, Lộ đức, Fatima, La vang là một khu vực hoang vu, là một thôn nghèo. Nét hoang vu và nghèo nàn ngày xưa đó như còn phảng phất nơi những hoa cỏ nội đồng, những bụi lau, cây sậy… Tuy nhiên, bên cạnh chút hương đồng gió nội của thời xa xưa ấy là những khách sạn, những nhà dòng, những nhà nghỉ, những nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương… và vô vàn của hiệu bán các tranh, ảnh tượng thánh và đồ lưu niệm. Trung tâm Lộ đức, Fatima, La vang chính là Vương Cung Thánh Đường kính dâng Mẹ với quảng trường rộng mênh mông.

Đức Mẹ trên núi Tàpao, nơi Chúa chọn cách đây 60 năm tại đại ngàn xa xôi hẻo lánh. Nay đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu. Đức Mẹ vốn có nhiều danh hiệu, ngoài những danh hiệu Thần học như Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ hồn xác lên trời…lại có những danh hiệu liên hệ với những địa danh Mẹ muốn dùng làm nơi gặp gỡ đặc biệt các con cái Mẹ. Như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Vang… Giáo phận Phan thiết được vinh dự đón nhận một tôn danh mới của Mẹ là Mẹ Tàpao.Vương miện 12 ngôi sao dâng kính Mẹ dựa vào sách Khải huyền của thánh Gioan, kể về “một người nữ khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Vì thế phần chính các buổi dâng hoa thường phải có năm sắc và bảy hoa. Năm sắc hoa là trắng, xanh, đỏ, tím, vàng; còn bảy hoa là Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn. Tổng hợp các lời ngợi ca kết thành triều thiên 12 nhân đức cuộc đời Đức Maria. Xuyên suốt 12 tháng trong Năm Thánh này, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận Phan Thiết xin dâng lên Mẹ Tàpao muôn hoa lòng tôn kính mến yêu.

Ghi nhớ:

  1. Am Sơgullah: Dân sở hữu của Chúa. Mẹ Maria chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn” nhưng “được Chúa đoái thương nhìn tới”. Từ này đến hết mọi đời sẽ khen Mẹ diễm phúc.Tàpao nơi núi rừng xa xôi được Chúa chọn làm Trung Tâm Thánh Mẫu. Đây là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Muôn ơn lành Ngài ban cho đoàn con cái đến đây cầu nguyện với Mẹ Tàpao.
  2. Lịch sử 60 năm, dễ nhớ qua 5 con số 9:
  • 1959: Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, đã cử hành lễ Cung Hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao.
  • 1989: Một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ.
  • 1999: Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.
  • 2009: Năm Thánh 50 năm Đức Mẹ Tàpao.
  • 2019: Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ Tàpao.

Tàpao, 12/6/2019

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An