VÌ SAO LỜI KINH VỀ ĐỨC MẸ LẠI ĐƯỢC MỞ ĐẦU
BẰNG VIỆC KHẨN CẦU THIÊN CHÚA BA NGÔI ?
(Bài Giáo lý số 01 – Nhân dịp Năm Thánh Kỷ Niệm 60 Năm Đức Mẹ Tàpao, 1959-2019)
Kính thưa cộng đoàn hành hương,
Tượng Đức Mẹ Tàpao đã được khánh thành và làm phép vào ngày 08 tháng 12 năm 1959. Như vậy, tính đến ngày 08 tháng 12 năm 2019, thánh tượng Đức Mẹ Tàpao hiện diện và đồng hành với cuộc sống đức tin của chúng ta tại triền đồi Tàpao thân yêu này vừa tròn 60 năm; một thời điểm thực đáng ghi nhớ! Và để dịp kỷ niệm đặc biệt này có thể sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho chúng ta, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm (Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan thiết) đã xin Tòa Thánh cho mở Năm thánh Giáo phận (08.12.2018-08.12.2019).
Như được thể hiện trong Thư Chung ngày 13 tháng 10 năm 2018 của Đức cha Giám quản, một trong những mục đích chính yếu của việc mở Năm thánh Đức Mẹ Tàpao là để cổ vũ lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ, như Hội Thánh mong muốn. Để có thể đạt được mục đích quan trọng này, bên cạnh những hoạt động mục vụ khác, Đức Cha Giám quản đã đề nghị Ban giáo lý Giáo phận tổ chức các buổi giáo lý về Thánh Mẫu học, cách riêng học hỏi nội dung và ý nghĩa Kinh Đức Mẹ Tàpao. Chương trình này được lồng vào các buổi cầu nguyện tối ngày 12 hằng tháng, tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao này.
Do đó, từ nay, trong chương trình cầu nguyện tối ngày 12 hằng tháng tại đây, cộng đoàn hành hương sẽ được nghe trình bày một đề tài giáo lý về Đức Mẹ. Với tư cách là trưởng ban Giáo lý của Giáo phận, tôi được Bề trên giao nhiệm vụ chọn đề tài và mời các thuyết trình viên trình bày các đề tài đó. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Mẹ vì công việc này đang diễn tiến thuận lợi, tốt đẹp. Giờ đây, tôi rất hân hạnh được chia sẻ với cộng đoàn bài giáo lý đầu tiên (bài 01), dựa trên câu đầu tiên của Kinh Đức Mẹ Tàpao: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái!” Và điều tôi muốn chia sẻ tối nay là: Vì sao lời kinh về Đức Mẹ lại được mở đầu bằng việc khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi?
Giáo huấn của Hội thánh:
Công đồng Vaticanô II đã dành trọn Chương 8 của Hiến chế Tín lý về Giáo hội để bàn về Đức Thánh Trinh Nữ Maria. Mở đầu chương này, Công đồng dạy: “Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và khôn ngoan, vì muốn cứu chuộc thế giới, nên ‘khi đến thời viên mãn, đã sai Con của Ngài đến, sinh bởi một người phụ nữ để chúng ta được ơn làm nghĩa tử’ (Gl 4,4-5). ‘Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” (LG 52).
Bằng việc khởi đi từ lịch sử cứu độ như thế, Công đồng muốn chúng ta nhận ra mối liên quan mật thiết giữa cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của Đức Maria với chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Tất cả được thực hiện bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong quyền năng Chúa Thánh Thần; Đức Maria chỉ là người được Thiên Chúa chọn gọi cách đặc biệt nhất để tham dự vào công trình cứu độ ấy. Và cũng chính từ lăng kính đó, tại dòng cuối cùng của tài liệu này, Công đồng đã mời gọi các Kitô hữu hãy tha thiết chạy đến khẩn cầu cùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ toàn thể nhân loại, để nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta có thể làm vinh danh một Chúa Ba Ngôi chí thánh (LG 69).
Hòa nhịp với lời dạy của Công đồng, như vừa nói trên, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Việc đạo đức tôn sùng Đức Maria phải hiện đủ nét Ba Ngôi và Đức Kitô. Thực vậy, tự bản chất, việc tôn thờ qui hướng trực tiếp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Marialis Cultus, 25). Lời dạy trên thuộc về kho tàng đức tin của Hội thánh, như được ghi trong Sách Giáo lý, số 971: “phụng tự tôn kính Đức Maria chủ yếu là cổ võ phụng tự tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.”
Kinh nghiệm thường ngày:
Khi nhận món quà từ ai đó trao tặng, người ta thường vui mừng và thích thú ngắm nhìn nó. Món quà càng lớn thì nỗi vui mừng của người nhận quà càng lớn; đến nỗi có khi chỉ cần nghĩ tới món quà là người ta, trước tiên, nghĩ ngay đến người đã tặng cho mình món quà ấy, với một tấm lòng biết ơn, vui mừng, sung sướng. Và rõ ràng, người tặng quà thì cao quý và đáng được trân trọng hơn chính món quà.
Có thể nói rằng Đức Maria là món quà cao quý tuyệt vời Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, vì nhờ Mẹ và qua Mẹ, Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế cho toàn thể nhân loại. Mỗi lần đến với Đức Mẹ, vì thế, trước hết người ta cần nhận ra chính Đấng đã tặng ban Mẹ cho thế giới, cho mỗi người chúng ta, để không ngừng biết ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa.
Khi đối diện với những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, chính Mẹ đã thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa …” (Lc 1:46). Vì thế, noi gương Mẹ Maria, và cùng với Mẹ, trong mọi hoàn cảnh, cần luôn biết hướng lòng trí chúng ta lên cùng Chúa trước hết, với một tấm lòng tràn ngập niềm vui và tạ ơn như Mẹ, vì như Hội thánh dạy: “… làm sao tâm hồn các nghĩa tử lại chỉ gắn bó với các hồng ân hơn là với Đấng ban hồng ân?” được (GLCG. 2740).
Kết luận:
Bằng việc mở đầu với lời khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, lời Kinh Đức Mẹ Tàpao như muốn nhắc nhớ chúng ta (những khách hành hương yêu dấu của Đức Mẹ Tàpao) một điều hết sức quan trọng: Tất cả đời sống đức tin và việc thờ phượng của chúng ta phải được quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó cũng chính là để nhấn mạnh đến linh đạo của Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao: Qua Mẹ Maria, đến với Chúa Giêsu. Lòng yêu mến và sùng kính của chúng ta đối với Đức Maria phải được đặt trong chiều hướng đó. Chính nhờ thế mà Thánh Mẫu học có một chỗ đứng vững chắc và đạt được mục đích chân thực của nó. Thật vậy, được mời gọi đến với Đức Maria để chúng ta có thể dễ dàng thấy Chúa, vì Chúa luôn ở cùng Mẹ; được mời gọi đến với Đức Maria để chúng ta có thể dễ dàng theo Chúa, vì Mẹ là gương mẫu tuyệt vời về đời sống tin cậy mến. Đức Maria chính là điểm hẹn thân thương, nơi chúng ta có thể dễ dàng gặp Đức Kitô, gặp Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái và chiêm ngắm công trình cứu độ của Thiên Chúa, vì nơi Mẹ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa đã được biểu lộ cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Mẹ được diễm phúc cưu mang và sinh hạ. Nhờ năng chạy đến với Mẹ Maria, yêu mến và noi gương Người, đời sống đức tin của chúng ta trở thành cuộc hành trình đến với Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, nguồn cội và cùng đích của tất cả chúng ta. Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí ái, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, xin Chúa chúc lành cho tất cả và từng người chúng con. Amen.
Tàpao, ngày 12 tháng 01 năm 2019
Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú