Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Bài 4: Giáo Hội Gia Tăng Việc Hiểu Biết về Vai Trò của Mẹ Maria

Chuyên mục: Các bài giáo lý về Đức Maria - Ngày đăng: 17.05.2022
Chia sẻ:

Bài 4: GIÁO HỘI GIA TĂNG VIỆC HIỂU BIẾT VỀ VAI TRÒ CỦA MẸ MARIA

(Giáo Lý Thánh Mẫu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II , Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, bvl, Chuyển dịch)

Ngày 8/11/1995

  1. Trong các bài giáo lý trước chúng ta đã thấylàm sao tín lý về vai trò làm mẹ của Đức Maria đã trải qua từ công thức đầu tiên của nó là “Mẹ ChúaGiêsu” sang công thức hoàn toàn và phức tạp hơn là“Mẹ Thiên Chúa”, thậm chí đến chỗ khẳng định về việc tham gia mẫu thân của Mẹ vào việc cứu chuộc nhân loại.

Những khía cạnh khác về tín lý Thánh Mẫu nữa, cần nhiều thế kỷ mới đạt tới việc tuyên tín minh nhiên về những sự thật mạc khải liên quan tới Mẹ Maria. Những thí dụ điển hình về cuộc hành trình đức tin này hướng tới việc khám phá sâu xa hơn vai trò của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ là tín điều Vô Nhiễm và Mông Triệu, được công bố, như chúng ta biết bởi hai vị tiền nhiệm khả kính của tôi, thứ tự là Đầy Tớ Chúa Piô IX vào năm 1854, và Người Tôi Tớ Chúa Piô XII trong Năm Thánh 1950.

Khoa Thánh Mẫu Học là một lãnh vực đặc biệt của việc nghiên cứu thần học, trong đó, lòng yêu mến của dân Kitô giáo đối với Mẹ Maria đã trực giác thấy, thường bằng cách ngưỡng vọng, một số khía cạnh về mầu nhiệm của Đức Trinh Nữ này, kêu gọi các thần học gia và các vị mục tử chú ý tới chúng.

Vai trò của Mẹ của Chúa Giêsu trong lịch sử cứu độ

  1. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, thoạt nhìn thì các Phúc Âm cống hiến ít chi tiết về con người và cuộc đời của Mẹ Maria. Chắc chắn chúng ta đều muốn có đầy đủ chi tiết hơn về Mẹ, những chi tiết giúp chúng ta có thể biết về Người Mẹ của Thiên Chúa này hơn nữa.

Điều mong đợi này vẫn không được thỏa đáng, thậm chí nơi cả các bản văn khác của Tân Ước, những bản văn thiếu vắng việc khai triển tín lý về Mẹ Maria. Thậm chí các bức thư của Thánh Phaolô, những bức thư cống hiến cho chúng ta một suy tư phong phú về Chúa Kitô và công việc của ngài, hạn chế trong việc nói năng phát biểu vào một câu rất quan trọng, đó là câu Thiên Chúa sai Con Mình “hạ sinh bởi người nữ” (Gal 4:4). Gia đình của Mẹ Maria được nói tới rất ít. Nếu chúng ta trừ đi cnhững trình thuật về thời thơ ấu, thì ở bộ Phúc Âm Nhất Lãm, chúng ta chỉ thấy có hai câu cho thấy về Mẹ Maria: một câu liên quan tới nỗ lực của “anh em Người” hay họ hàng của Người muốn đưa Người về lại Nazarét (cf. Mk 3:2 1; Mt 12:48); và câu kia, khi đáp lại lời hô lên của một phụ nữ về diễm phúc của Mẹ Chúa Giêsu (Lk 11:27). Tuy nhiên, Thánh Luca, nơi Phúc Âm về thời thơ ấu,

ở đoạn Truyền Tin, Thăm Viếng và hạ sinh Chúa Giêsu, hiến dâng Con Trẻ trong đền thờ và tìm được Người giữa các bậc thày vào năm 12 tuổi, chẳng những cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện quan trọng, mà còn trình bày một “Khoa Thánh Mẫu Học tiên khởi” rất hay. Tín liệu của ngài được Thánh Mathêu hoàn tất một cách gián tiếp nơi trình thuật về việc truyền tin cho Thánh Giuse (Mt 1:18-25), thế nhưng liên quan tới việc trinh khiết thụ thai Chúa Giêsu.

Ngoài ra, Phúc Âm Thánh Gioan đào sâu kiến thức của chúng ta về giá trị của vai trò Mẹ Chúa Giêsu thực hiện đối với lịch sử cứu độ, khi phúc âm này ghi nhận sự hiện diện của Mẹ vào lúc mở màn và kết thúc cuộc sống công khai của Chúa Giêsu. Đặc biệt quan trọng là việc hiện diện của Mẹ ở chân cây Thập Giá, khi Mẹ lãnh nhận từ Người Con đang hấp hối của Mẹ trách nhiệm làm mẹ người môn đệ yêu dấu và nơi người môn đệ này là tất cả mọi Kitô hữu (cf. Jn 2:1-12; Jn 19:25-27).

Sau hết, Sách Tông Vụ liệt kê rõ ràng Mẹ Chúa Giêsu trong số các phụ nữ của cộng đồng tiên khởi đang trông chờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (cf Acts 1:14).

Tuy nhiên, qua việc thiếu vắng chứng cớ hơn nữa của Tân Ước cùng với những nguồn lịch sử khả tín, chúng ta không biết gì về đời sống của Mẹ Maria sau biến cố Hiện Xuống hay về ngày tháng và trường hợp qua đời của Mẹ. Chúng ta chỉ có thể cho rằng Mẹ đã tiếp tục sống với Tông Đồ Gioan và Mẹ rất dấn thân vào việc phát triển của cộng đồng Kitô giáo tiên khởi này.

  1. Tín liệu thưa thớt hiếm hoi về cuộc sống trần gian của Mẹ Maria được bù đắp bằng sự phong phú về phẩm chất và thần học của nó, những gì được thận trọng làm sáng tỏ bởi các nhà dẫn giải thánh kinh đương thời.

Hơn nữa, chúng ta cần phải nhớ rằng quan điểm của các vị Thánh Ký hoàn toàn có tính cách Kitô học và liên quan tới Mẹ Maria chỉ để hân hoan loan báo về Người Con mà thôi. Như Thánh Ambrôsiô đã nhận định, vị Thánh Ký, trong khi trình bày mầu nhiệm Nhập Thể, “đã tin rằng tốt hơn đừng tìm kiếm những chứng từ thêm về đức đồng trinh của Mẹ Maria, để không tỏ ra như thể bênh vực cho Vị Trinh

Nữ này hơn là rao giảng về mầu nhiệm ấy” (Exp. In Lucam, 2, 6: PL 15, 1555).

Chúng ta có thể nhận thấy nơi sự kiện này một ý định đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn khơi động trong Giáo Hội một nỗ lực tìm kiếm, trong khi bảo trì tính chất chính yếu của mầu nhiệm Chúa Kitô, không bị thu hút vào những chi tiết về đời sống của Mẹ Maria, thế nhưng trên hết nhắm tới chỗ khám phá ra vai trò của Mẹ trong công cuộc cứu độ, đức thánh thiện bản thân của Mẹ và sứ vụ mẫu thân của Mẹ nơi đời sống Kitô hữu.

Đức tin của thành phần đơn sơ nhận biết sự thánh thiện của Mẹ Maria

  1. Chúa Thánh Thần hướng dẫn các nỗ lực của Giáo Hội, ủy thác cho Giáo Hội việc mặc lấy những thái độ của Mẹ Maria. Trong trình thuật về việc hạ sinh của Chúa Giêsu, Thánh Luca đã ghi chú việc Mẹ của Người đã giữ tất cả những điều ấy ra sao, “để ngẫm nghĩ chúng trong lòng mình” (Lk 2:19), tức là nỗ lực “tập trung lại với nhau” (symballusa), vào một nhãn quan sâu xa hơn, tất cả mọi biến cố mà Mẹ đã được đặc ân chứng kiến thấy.

Cũng thế, dân Chúa cũng được thúc giục bởi cùng Vị Thần Linh này trong việc hiểu biết một cách sâu xa tất cả những gì đã được nói về Mẹ Maria, để gia tăng kiến thức về sứ vụ của Mẹ, một sứ vụ gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô.

Vì khoa Thánh Mẫu Học tiến triển nên đã xuất phát vai trò đặc biệt của dân Kitô giáo. Họ hợp tác, bằng việc khẳng định và chứng từ của đức tin họ, vào tình trạng tiến bộ của tín lý Thánh Mẫu, một thứ tiến bộ bình thường không phải chỉ là việc của các thần học gia, thậm chí công việc của họ là những gì bất khả châm chước trong việc đào sâu và giải thích rõ ràng dữ kiện của đức tin và chính cảm nghiệm Kitô giáo. Đức tin của thành phần đơn sơ được Chúa Giêsu cảm phục và khen ngợi, Đấng nhận thấy nơi nó một bày tỏ tuyệt vời ân sủng ưu ái của Cha (cf. Mt 11:25; Lk 10:21). Qua các thế kỷ, nó vẫn tiếp tục loan truyền những sự lạ lùng của lịch sử cứu độ, được giấu ẩn khỏi thành phần thông thái khôn ngoan.

Đức tin này, hợp với tính chất giản dị của Vị Trinh Nữ, đã dẫn tới tình trạng tiến bộ nơi việc nhìn nhận sự thánh thiện của bản thân Mẹ và giá trị siêu việt của vai trò làm mẹ của Mẹ.

Mầu nhiệm về Mẹ Maria là những gì thôi thúc hết mọi Kitô hữu, hiệp thông với Giáo Hội, “hãy ngẫm nghĩ trong lòng mình” những gì mạc khải Phúc Âm xác nhận về Mẹ của Chúa Kitô. Theo lập luận của Ca Vịnh Ngợi Khen, theo gương của Mẹ Maria, mỗi bản thân một người sẽ cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa và khám phá ra một dấu hiệu của sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với con người nơi những kỳ công do Ba Ngôi Thánh thực hiện nơi người nữ “đầy ân phúc” này.