GIÁO LÝ THÁNH MẪU – Phần Giới Thiệu
(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, bvl,
Chuyển dịch)
Tuy 74 bài Giáo Lý Thánh Mẫu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không phải là một thứ giáo khoa Thánh Mẫu Học, thế nhưng, tất cả sự thật về Mẹ Maria và mầu nhiệm Thánh Mẫu được chất chứa ở nơi đây, bao gồm tất cả mọi liên hệ, về những gì Thiên Chúa đối với Mẹ và Mẹ đối với Chúa, Giáo Hội đối với Mẹ và Mẹ đối với Giáo Hội, cũng như Mẹ đối với chúng ta và chúng ta đối với Mẹ vậy. Chớ gì 74 bài Giáo Lý Thánh Mẫu này trở thành di sản về Thánh Mẫu của vị giáo hoàng «totus tuus» cho những tâm hồn thành thực sùng kính Mẹ Maria!
Dẫn Nhập
Đúng thế, để củng cố đức tin cho con cái của mình, nhất là vào trước Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khai triển loạt bài giáo lý chủ đề rất sâu xa bao rộng. Ngài đã đi từ lãnh vực nhân loại học siêu nhiên, sang lãnh vực thần học đức tin, đến lãnh vực vũ trụ học siêu việt.
Về lãnh vực nhân loại học siêu nhiên, Đức Thánh Cha đã dùng 5 năm trời (1979-1984) để khai triển đề tài “tình yêu con người theo ý định của Thiên Chúa”. Đề tài này có thể được chia ra làm ba phần, phần nhất được bắt đầu bằng một loạt 23 bài giáo lý về sự hiệp nhất nguyên thủy giữa người nam và người nữ theo sách Khởi Nguyên, vào các ngày thứ tư hằng tuần trong khoảng thời gian từ ngày 5-9-1979 đến ngày 2-4-1980. Sau đó chuyển sang phần hai với 41 bài giáo lý về phúc cho ai có lòng trong sạch theo bài giảng trên núi và thư thánh Phaolô, thời khoảng từ ngày 16-4-1980 đến ngày 6-5-1981. Trước khi sang phần ba, loạt bài giáo lý bị gián đoạn vì sức khỏe của Đức Thánh Cha sau khi ngài bị ám sát hụt từ ngày 13-5-1981, và đã được xen kẽ bằng 3 bài chia sẻ của ngài, thời khoảng từ ngày 14-10-1981 đến 28-10-1981, liên quan đến việc ngài bị ám sát và lòng thứ tha. Cuối cùng phần ba đã được bắt đầu với 50 bài về thần học hôn nhân và độc thân theo ý nghĩa phục sinh của thân xác, thời khoảng từ ngày 11-11-1981 đến ngày 4-7-1984. Loạt bài giáo lý về tài “tình yêu con người theo ý định của Thiên Chúa” cuối cùng được kết thúc bằng 12 bài, thời khoảng từ ngày 11-7 đến 21-11-1984, về việc ôn lại Thông Điệp “Sự Sống Con Người” của Đức Thánh Phaolô VI.
Về lãnh vực thần học đức tin, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã diễn giải toàn bộ giáo lý theo Kinh Tin Kính, trong đó có phần về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Giáo Hội và Đức Maria. Riêng phần về Thiên Chúa Ba Ngôi là đối tượng cho 3 năm cuối cùng của riêng thế kỷ 20 và của chung thiên niên thứ hai, Đức Thánh Cha đã hướng dẫn về Chúa Cha với 58 bài, vào các ngày thứ tư hằng tuần trong thời khoảng từ ngày 20-3-1985 đến ngày 20-8-1986, Chúa Con với 99 bài, thời khoảng từ ngày 27-8-1986 tới ngày 19-4-1989, và Chúa Thánh Thần với 80 bài, thời khoảng từ ngày 26-4-1989 đến ngày 3-7-1991. Tuy nhiên, trước khi đi thẳng vào chủ đề Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha đã dẫn nhập bộ Giáo Lý Kinh Tin Kính này bằng 8 bài, từ ngày 5-12-1984 đến 13-3-1985, về những chân lý đức tin và luân lý Kitô giáo trong toàn bộ giáo lý.
Về lãnh vực vũ trụ học siêu việt, theo Đức Thánh Cha, vấn đề thật ra đã nằm ngay ở phần kết của kinh Tin Kính, liên quan đến việc phục sinh của thân xác cũng như đến sự sống đời đời. Căn cứ vào đó, cũng có thể nói phần về nhân loại học siêu nhiên đã được nằm ngay ở đầu kinh Tin Kính, liên quan đến việc Thiên Chúa tạo dựng, trong đó có con người, một con người cần phải được tân tạo trong Giáo Hội mà mô phạm tuyệt hảo là Mẹ Maria. Bởi thế, sau loạt bài Giáo Lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha đã bắt đầu bằng loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội và về Mẹ Maria. Về Giáo Hội, có 137 bài giáo lý vào các ngày thứ tư hằng tuần kéo dài trong thời khoảng từ ngày 10-7-1991 đến ngày 30-8-1995, và về Mẹ Maria, có 70 bài giáo lý kéo dài trong thời khoảng từ ngày 6-9-1995 tới ngày 12-11-1997. Vừa chấm dứt loạt bài về Mẹ Maria, Đức Thánh Cha đã khéo rẽ ngang sang loạt bài Giáo Lý Hướng Về Năm Thánh 2000, bắt đầu từ thứ tư 19-11-1997.
Sau loạt 70 bài Giáo Lý Thánh Mẫu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong giai đoạn 3 năm sửa soạn gần (1997-2000), sau giai đoạn 3 năm sửa soạn xa (1994-1997) để long trọng Mừng Đại Năm Thánh 2000, bắt đầu loạt 79 bài về từng ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Năm 1997 dành biệt kính Ngôi Hai là Chúa Giêsu Kitô, ngài hướng dẫn 15 bài về ngôi vị thần linh này, từ ngày 19/11/1997 đến ngày 6/5/1998; Năm 1998 dành biệt kính Ngôi Ba là Thánh Linh, ngài hướng dẫn 28 bài (16-43) về ngôi vị thần linh này, từ ngày 13/5/1998 đến ngày 9/12/1998; Năm 1999 dành biệt kính Ngôi Cha Thiên Chúa, ngài hướng dẫn 36 bài (44-79) về ngôi vị thần linh này, từ ngày 16/12/1998 đến ngày 5/1/2000. Tuy nhiên, bài kết thúc cho từng ngôi vị thần linh nào, ngài cũng nói về Mẹ Maria liên quan đến ngôi vị ấy. Đó là lý do chúng ta có thêm 3 bài giáo lý về Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nữa, đó là các bài 15 về Chúa Kitô, bài 43 về Thánh Linh và bài 79 về Chúa Cha.
Chưa hết, khi bắt đầu tiến vào chính Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn một loạt 33 bài về cả Ba Ngôi Thiên Chúa nữa, thế mà ngài lại mở đầu cho loạt bài về 3 Ngôi bằng 2 bài về Mẹ Maria, một vào ngày 5/1 và một vào ngày 12/1/2000. Bài về Mẹ Maria ngày 5/1 là bài vừa kết thúc cho loạt bài giáo lý về Ngôi Cha trong năm 1999 vừa mở màn cho Đại Năm Thánh 2000. Vì tính cách quan trọng của cả 4 bài giáo lý Thánh Mẫu liên quan đến từng ngôi vị Thần linh cũng như đến chung ba Ngôi Thiên Chúa như thế, 4 bài này không thể thiếu không cho vào chung với loạt 70 bài Giáo Lý Thánh Mẫu, như là phần phụ trương quan trọng bất khả thiếu để trở thành toàn bộ 74 bài Giáo Lý Thánh Mẫu của vị Giáo Hoàng “totus tuus”!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.