GIỮ LỜI CHÚA THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA
Trong ngày truyền tin, Đức Maria được chào kính là “Đấng đầy ơn phúc” vì có Chúa ở cùng, nhưng trong cuộc sống, Mẹ cũng thật hạnh phúc vì biết nghe và giữ lời Chúa.
- Giữ lời Chúa bằng cách ghi nhớ
Nghe bằng thính giác chỉ ghi nhận âm thanh truyền tải, còn nghe bằng tấm lòng lại ghi nhớ nội dung sứ điệp giảng rao. Âm thanh qua đi, nhưng sứ điệp còn lưu lại. Đức Maria trong Phúc Âm đã luôn ghi nhớ lời Chúa, nghĩa là nghe bằng cả tấm lòng. Mẹ hạnh phúc không chỉ vì đã cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ, mà còn vì đã cưu mang sứ điệp lời Chúa trong ký ức. Đó là bước đầu thể hiện việc giữ lời Chúa.
- Giữ lời Chúa bằng cách suy niệm
Ghi nhớ lời Chúa không như một kỷ niệm thuộc về quá khứ cần cất giữ để dành, mà như một khởi đầu để còn tiếp nối, như một ý lực để suy đi nghĩ lại, hoặc như một vốn liếng để phát triển sinh lời. Giữa nhưng biến cố ồn ào nhịp sống, Đức Maria đã giữ lòng tĩnh lặng và hồn thanh bình để lời Chúa được nghiền nghĩ và thẩm thấu vào đời sống qua những chọn lựa đầy tự do và trách nhiệm.
- Giữ lời Chúa bằng cách thực hành
Nhưng đỉnh cao việc giữ lời Chúa chính là tình yêu không vơi cạn và nỗ lực không mệt mỏi nhằm thực thi lời Chúa trong mọi cảnh ngộ cuộc sống. Nếu lòng cưu mang và vú cho Thầy bú thật hạnh phúc, thì người nghe và giữ lời Thay còn hạnh phúc hơn. Như vậy, Đức Maria thật hạnh phúc mọi bề, cả bề ngoài lẫn bề trong, vì đã chân thành đón nhận, nhiệt thành tuân theo và trung thành thực hiện trong đời.
Nhìn mẫu gương “giữ lời Chúa” của Mẹ, ta quyết tâm họa lại trong cuộc đời mình qua mọi biến cố lớn nhỏ vui buồn sướng khổ. Xin Mẹ giầu kinh nghiệm và giầu nhân ái, nâng đỡ và giúp đỡ mỗi người trên bước hành hương cuộc sống đức tin.
(ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)