Chúa Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

BÊN MẸ TÀPAO (SỐ 19 – THỨ TƯ, 13.11.2013)

Chuyên mục: Suy niệm - Ngày đăng: 13.11.2023
Chia sẻ:

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH

Dầu Phúc Âm không nói đến, nhưng truyền thống cho biết, từ rất sớm Đức Mẹ đã lên đền thờ Giêrusalem và dâng mình cho Chúa. Biến cố này cho thấy đời sống của Đức Mẹ là một lễ dâng thường trực.

  1. Lễ dâng chân thành

Tuổi thơ của một bé gái Do Thái cũng như bao tuổi thơ khác, không có gì đặc biệt, ngoài dáng vẻ ngây thơ và tấm lòng trinh trong dễ mến. Nhưng nét đơn sơ ấy một khi trở thành lễ dâng lại biểu lộ cả một trái tim lớn. Có sao dâng vậy. Không cường điệu màu mè, cũng chẳng vay mượn hình thức, chỉ là một ước muốn chân thành được thể hiện qua việc hiện diện trước nhan thánh Chúa trong nhà của Người.

  1. Lễ dâng khiêm tốn

Ăn cơm Chúa múa tối ngày. Ở trong nhà Chúa thì phải làm việc của Chúa, nhưng việc gì dành cho tuổi thơ? Tất nhiên là việc trực tiếp như câu kinh tiếng hát sớm tối phượng thờ, hay việc gián tiếp như phục vụ trang hoàng đền thánh, và chắc không thiếu những việc vặt vãnh khác theo yêu cầu của các chức sắc tôn giáo hay theo nhu cầu của nghi lễ hằng ngày. Lễ dâng khiêm tốn, bình thường mà phi thường.

  1. Lễ dâng trọn vẹn

Nhưng điều quan trọng không phải là lễ vật to tát mà là tấm lòng. Nếu Chúa không nhận máu chiên bò, mà chỉ thích sự tuân phục thánh ý, thì với tấm lòng đơn sơ và ước nguyện chân thành, lễ dâng của Đức Mẹ đã đẹp lòng Thiên Chúa. Vì xét cho cùng, Mẹ không chỉ dâng những gì Mẹ làm theo khả năng tại đền thờ, mà còn dâng chính bản thân Mẹ như đền thánh phụng thờ Thiên Chúa.

        Theo gương Mẹ và nhờ Mẹ, ta hãy sống đạo hạnh tốt lành, biến đời mình thành lễ dâng đẹp lòng Chúa. “Tàpao lễ Mẹ dâng mình, Gọi nhau người đến một tình yêu thương. Dâng đời sống, nẻo hành hương, Bước đi có Mẹ, dặm trường sợ chi?”

(ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)